24.6.12

Vị thế Việt Nam và chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ



Quách Vĩnh Niên - Sau đệ nhị thế chiến lịch sử thế giới đã đổi sang một trang mới, đồng thời Việt Nam lại rơi vào thảm kịch kéo dài đến ngày nay. Có thấy được nguyên nhân, chúng ta mới tìm được đáp số của vấn đề Việt Nam và từ đó mới có thể có hành động đúng hướng hầu sớm giành được độc lập dân tộc, phục hồi tự do hạnh phúc, phục hồi mọi giá trị tinh thần dân tộc đã bị băng hoại.

Trước tiên và cũng trong phạm vi bài viết nầy chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân nào khiến Việt Nam chìm đắm trong khói lửa và bất hạnh kể từ sau thế chiến thứ hai đến ngày nay. Câu trả lời là Việt Nam nằm tại vị trí tối quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Bằng kỹ xảo, Hoa Kỳ đã hất chân Pháp ra khỏi Việt Nam qua trận Điện Biên Phủ. Hoa Kỳ dùng Trung Cộng hất chân Liên Sô khỏi Việt Nam bằng sự hứa hẹn giao Biển Đông cho Trung Cộng và hôm nay là tiến trình cuối Hoa Kỳ sẽ lấy lại Biển Đông trong lúc Trung Cộng chưa làm chủ hoàn toàn Biển Đông, đất nước Trung Hoa sẽ thay đổi thể chế, cùng lúc với việc tách rời của Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu, Nội Mông, Quảng Tây và nhiều khu vực tự trị khác. Sau thời kỳ này thế giới sẽ bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình như cái danh xưng của nó: Kỷ nguyên Châu Á Thái Bình Dương.
Đệ nhị thế chiến chấm dứt, Hoa Kỳ bắt tay ngay việc phục hồi Châu Âu, nhất là Pháp để củng cố thành trì chống lại sự bành trướng của Cộng sản thế giới do Liên Sô lãnh đạo. Đồng thời Hoa Kỳ khuyến cáo các nước thực dân phải trả độc lập cho dân bản xứ. Đông Dương là một thuộc địa béo bở làm sao thực dân Pháp có thể từ bỏ được! Bằng mọi giá Hoa Kỳ phải trực tiếp can dự vào Việt Nam để ngăn chặn bước bành trướng của Liên Sô xuống vùng Đông Nam Á, bởi vì chiến lược của Liên Sô là phải làm chủ Biển Đông bằng cách xích hóa toàn bộ Việt Nam, đồng thời từ đó xích hóa toàn bộ Đông Nam Á. Làm chủ Biển Đông, Liên Sô sẽ có địa bàn an toàn cho hạm đội của họ và từ đó kiểm soát con đường giao thông huyết mạch từ Âu sang Á. Trong lúc đó Trung Cộng còn lạc hậu, lực lượng hải quân của họ hoàn toàn không đáng kể, để giải quyết nạn nhân mãng không đâu tốt cho bằng vùng Tây Bá Lợi Á hoang vu, lại nữa Trung Cộng phải làm chủ Biển Đông và Đông Nam Á để đối đầu lại Hoa Kỳ. Đây là điểm gây tranh chấp lúc thì ngấm ngầm khi thì bộc phát (hai bên dàn quân vùng phía Bắc Trung Quốc dọc sông Ussuri) giữa hai nước đàn anh XHCN. Và đây cũng là nguyên nhân gây nên thảm kịch trên đất nước Việt Nam.
---
Năm 1945 dưới sự chỉ đạo của Liên Sô, Việt Minh cướp chính quyền, thủ tướng Trần Trọng Kim từ chức, vua Bảo Đại thoái vị, trên nguyên tắc chính quyền Quốc gia không còn tồn tại. Trong khi đó Thực dân Pháp quyết trở lại Việt Nam bất cứ giá nào và điều này có phần thuận lợi về phía Pháp nhưng đối với Hoa Kỳ, việc can thiệp vào Việt Nam không dễ dàng vì trước tiên Hoa Kỳ không có cơ sở pháp lý nào khả dĩ làm được điều này. Kế tiếp, người Mỹ và đất nước Mỹ quá xa lạ đối với người Việt Nam. Vì vậy Hoa Kỳ đã ngầm đồng ý Pháp trở lại Việt Nam, một mặt hứa yểm trợ tối đa cho lực lượng Pháp tại Việt Nam, kể cả việc ném bom trải thảm (bằng máy bay chiến lược B29) tiêu diệt đối phương, nhưng mọi việc chỉ xảy ra chiếu lệ, thêm vào đó tin tình báo cũng bị Hoa Kỳ cung cấp sai lạc về khả năng quân sự của đối phương, nhất là pháo binh hiện diện trong trận Điện Biên Phủ (thực chất là sư đoàn pháo binh của Trung Công do tướng Trần Canh làm tư lệnh). Pháp thua cay trận Điện Biên Phủ dẫn đến hiệp định Genève 1954. Đã có chủ đích trước, Hoa kỳ và chính phủ Bửu Lộc không ký tên trong hiệp định này để có thể từ chối tổng tuyển cử hai năm sau như trong một điều khoảng của hiệp định.
Được sự vận động của Hoa Kỳ, quốc trưởng Bảo Đại chỉ định Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, Ngô Đình Diệm nhận lời với điều kiện được toàn quyền chính trị và quân sự. Lúc bấy giờ quốc trưởng Bảo Đại vẫn ở Pháp và điều hành quốc sự từ xa, Bảo Đại không chấp nhận điều kiện trên nên đòi Ngô Đình Diệm sang Pháp trình diện, Ngô Đình Diệm không tuân lệnh và việc lật đổ Bảo Đại là diễn biến tất yếu phải xảy ra.
Ngô Đình Diệm là tổng thống đầu tiên của Miền Nam tự do được Hoa Kỳ bảo trợ đã nhanh chóng xây dựng lại một Miền Nam phú cường từ đống đổ nát và lạc hậu. Quốc sách ấp chiến lược đã cô lập hữu hiệu thành phần Việt cộng nằm vùng được Bắc Việt cài lại sau hiệp định Genève 1954. Tổng thống Diệm trong một thời gian rất ngắn đã đưa Miền Nam đi trên đường độc lập, tự chủ, tự cường. Nhưng chiến lược của Hoa Kỳ là dùng Miền Nam làm chiến trường tranh chấp giữa Hoa kỳ, Liên Sô và Trung Cộng với mục đích:



1/ Buộc Liên Sô dốc toàn lực viện trợ quân sự cho Bắc Việt nhằm tiêu hao nền kinh tế Liên Sô về lâu về dài.



2/ Cài thế tranh chấp quyền làm chủ Biển Đông và Đông Nam Á giữa Liên Sô và Trung Quốc mà xung đột phát xuất từ mục tiêu chiến lược của hai nước đàn anh XHCN. Từ đó Hoa Kỳ ngầm bắt tay Trung Quốc, hứa hẹn để Trung Quốc làm chủ Biển Đông (Kissinger gặp Mao năm 1972) bằng cách Trung Quốc phá hỏng kế hoạch của Liên Sô mà Bắc Việt lúc đó dưới quyền của tập đoàn Lê Duẩn làm tay sai cho Liên Sô.



3/ Trực tiếp tham chiến tại chiến trường Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ trắc nghiệm vũ khí mới (kể cả vũ khí điện tử), rút tỉa kinh nghiệm đối phó chiến tranh du kích, một hình thức của chiến tranh nhân dân mà Hoa Kỳ phải đối diện trên nhiều chiến trường sau này.
Trong khi tổng thống Diệm đẩy mạnh phát triển kinh tế, chính trị từng bước vững mạnh thì Hoa Kỳ đòi đưa quân tác chiến vào Nam Việt Nam, một điều đi ngược chủ trương độc lập, tự chủ của tổng thống Diệm, hơn thế nữa đòi hỏi nầy của Hoa Kỳ đi ngược lại tình hình chính trị ổn định tại Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Lẽ dĩ nhiên Tổng thống Diệm khước từ đòi hỏi từ phía Hoa Kỳ. Dùng mọi biện pháp áp lực kể cả “những cuộc đảo chánh bất thành” nhưng không làm tổng thống thay đổi lập trường, vì vậy Hoa Kỳ quyết định loại trừ tổng thống Diệm. Dàn dựng hàng loạt biến cố để dẫn đến cuộc đảo chánh 1/11/63 một cách hợp lý, Hoa Kỳ đã nắm trong tay nhóm tướng lãnh cầm quyền gọi dạ bảo vâng, từ đó Hoa Kỳ rảnh tay dùng Miền Nam trong thế cờ chiến lược của họ. Hoa Kỳ ào ạt đổ quân và chiến cụ vào Nam Việt Nam, nhưng đồng thời trang bi vũ khí hạn chế cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa với mục đích duy trì sức mạnh QLVNCH ở mức cho phép hầu tránh vượt ngoài khả năng kiểm soát và cũng để giữ thế chủ động trên nước cờ quân sự.
Trong khi đó tại Bắc Việt, tập đoàn Lê Duẩn đã khống chế được Hồ Chí Minh và ngả hẳn về phía Liên Sô, dốc toàn lực xâm nhập đánh chiếm Miền Nam dưới sự điều động và viện trợ to lớn của Liên Sô. Sự kiện này đi ngược lại chiến lược của Trung Quốc về Biển Đông và Đông Nam Á. Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập bộ đội Bắc Việt bằng hiệp định trung lập Lào năm 1962 bởi vì Lào trung lập sẽ là đất dụng võ cho Cộng sản Bắc Việt làm nơi trung chuyển quân xâm nhập và là địa bàn mở rộng an toàn đường mòn Hồ chí Minh (đìều nầy lý giải tại sao Trung cộng đã cản trở hiệp định trung lập Lào 1962). Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi để quân Bắc Việt xâm nhập Nam Việt Nam tạo nên chiến trường trực tiếp giữa Hoa Kỳ và bên kia là quân Bắc Việt với trang bị vũ khí tối tân của Liên Sô. Hoa Kỳ kéo dài cuộc chiến không muốn thắng nhằm tiêu hao nền kinh tế Liên Sô, trong lúc đó Liên Sô bằng mọi giá phải chiếm Miền Nam là bước đầu của chiến lược của họ. Trong lúc đó vì yếu thế đối với Liên Sô, Trung cộng chỉ biết cản trở một cách vô hiệu quả mà thôi. Chính vì vậy Trung cộng đã đi đêm với Hoa Kỳ phá thế chiến lược của Liên Sô để được Hoa Kỳ công nhận quyền làm chủ Biển Đông trong tương lai. Hàng loạt diễn biến quân sự leo thang chiến tranh từ từ để nuôi dưỡng khả năng chiến đấu của Bắc Việt, và hàng loạt diễn biến ngoại giao lúc bấy giờ đã chứng minh điều vừa nói. Sự kiện Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa năm 1975 của VNCH trước thái độ làm ngơ của Hoa Kỳ là sự thể hiện đầu tiên Hoa Kỳ tôn trọng lời hứa đối với Trung cộng.
Liên Sô ào ạt tuồn vũ khí tối tân qua ngã Trung cộng. Cùng với Liên Sô và các nước XHCN Đông Âu, Trung cộng cũng viện trợ quân sự cho Bắc Việt và đòi kiểm soát mọi lô hàng viện trợ từ Liên Sô, đổi nhãn hiệu thành China khi có thể được, đồng thời đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Viêt Nam dọc các tỉnh biên giới. Mặt khác Trung cộng tìm mọi cách trì hoãn, ngăn chận kế hoạch đánh chiếm Nam Việt Nam.
Tương kế tựu kế, Hoa Kỳ làm lộ diện và tiêu diệt phần lớn cơ sở nằm vùng của Việt cộng trong trận tết Mậu Thân (1968), đồng thời triệt hạ an toàn khu của Mặt trận giải phóng bằng cuộc hành quân 720 sang Campuchia (4/1970), hai sự kiện nầy nhằm thúc đẩy Bắc Việt tăng cường quân xâm nhập để trám chỗ trống đồng thời đòi hỏi Liên Sô gấp rút tăng cường viện trợ. Bên cạnh đó, quân lực Việt Nam Cộng Hòa lớn mạnh và thiện chiến cũng làm trở ngại cho Hoa Kỳ trong kế hoạch bỏ Miền Nam Việt Nam nên việc làm suy yếu QLVNCH trong kế hoạch hành quân Lam Sơn 719 sang hạ Lào (3/1971) còn tạo cớ Bắc Việt và Liên Sô dốc toàn lực cho cuộc chiến.
Hoàn tất cuộc đi đêm với TC, HK đi đến kết thúc hiệp định Paris 1973, điều mà Trung cộng không muốn, tạo lợi thế rõ rệt để Bắc Việt chiếm trọn Miền Nam. Cộng sản Campuchia chiếm Phnom Penh ngày17/4/1975. Sài Gòn thất thủ ngày 30/4/1975, nhưng sứ mệnh của Lê Duẩn đối với Liên Sô chưa kết thúc, biên giới Thái Lan – Campuchia bất ổn vì những cuộc đụng độ quân sự nhỏ nhưng có nguy cơ nổ lớn bất cứ lúc nào.
Nhằm chận đứng đà tiến quân của CSVN, Trung Quốc (có sự ủng hộ của HK) sử dụng Khmer Đỏ chống lại CSVN. Năm 1979 CSVN đánh bật Khmer Đỏ ra khỏi Phnom Penh nhưng chính quyền Khmer Đỏ vẫn còn kiểm soát một phần lãnh thổ phía tây và vẫn giữ chân trong Liên Hiệp Quốc đến năm 1982. Cũng trong năm 1979 Trung Quốc xua quân đánh sáu tỉnh biên giới Việt Nam để thị uy. Trong khi đó lực lượng Khmer Đỏ gây trở ngại đáng kể cho lực lượng CSVN tại Campuchia và cuối cùng CSVN chịu rút quân năm 1989 sau khi củng cố sức mạnh cho chính phủ bù nhìn Phnom Penh. Chiến lược của Liên Sô hoàn toàn sụp đổ cộng với thời gian chạy đua vũ trang không gian với HK cùng với việc thất bại ở Afghanistan, kinh tế Liên Sô kiệt quệ dẫn đến sự sụp đổ hệ thống XHCN Liên Sô và Đông Âu.
Mới ngày nào đây CSVN không tiếc lời chửi bới Trung cộng thì giờ nầy Hà Nội vội vã sang Bắc Kinh thú tội, nhận chịu tất cả điều kiện để được che chở. Vậy là Việt Nam nằm gọn trong tay Trung cộng, đồng thời bước đầu Việt Nam chịu mất một phần lãnh thổ biên giới phía Bắc, một phần lãnh hải và nhiều hải đảo thuộc Trường Sa. Trung cộng yên trí thỏa thuận ngầm giữa HK- TC năm 1972 đi đến kết thúc qua việc làm chủ được Việt Nam và chắc chắn làm chủ được Biển Đông.
Trung cộng mở cửa. Hoa Kỳ và Châu Âu đầu tư ào ạt nhanh chóng đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc. Từ một nước với nền kinh tế lạc hậu, bỗng chốc hàng hóa Trung Quốc xuất cảng đi khắp thế giới, trữ kim tăng vọt và là chủ nợ lớn của HK. Đệ nhất siêu cường thế giới giờ nầy cũng tỏ vẻ lép vế(?) thì Trung Nam Hải còn e dè gì mà không đẩy mạnh sách lược hành động để gấp rút thống lĩnh Biển Đông. Đổ tiền của mua chuộc và đầu tư vô điều kiện hòng làm chủ kho nhiên liệu Phi châu, viện trợ và xây dựng hải cảng cho Bangladesh, viện trợ và lôi kéo Pakistan, vẽ đường lưỡi bò đến tận Philippine chiếm trọn Biển Đông, đẩy thế lực CSVN ra khỏi Lào, dùng mọi thủ đoạn khống chế Hà Nội, đổ tiền đầu tư những công trình có tính chiến lược và ào ạc đưa nhân công vào Việt Nam nhằm đồng hóa và thôn tính Việt Nam mà không tốn đến một viên đạn. Trung cộng thực hiện những điều trên trước sự im lặng bất lực (?) của Hoa Kỳ và Tây Âu. Trung Nam Hải đánh giá rằng Hoa Kỳ đang sa lầy ở Iraq và Afghanistan, kinh tế Tây Âu và Hoa Kỳ phải trải qua hết suy thoái lại suy trầm. Báo chí và bình luận gia thế giới hết lời ca ngợi một đại siêu cường Trung Hoa đang lên và chẳng mấy chốc sẽ thay Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới. Mộng thiên triều Đại Hán trở thành hiện thực trước mắt nên Trung Nam Hải dốc tiền của tối tân hóa kho vũ khí nhằm trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ, đe dọa nền an ninh các Quốc gia trong vùng. Trung cộng đã thực sự cỡi lưng cọp rồi !!! Về đối nội, nhiều tổ chức chống đối, dân trí càng ngày càng cao đủ để ý thức rằng tự do dân chủ là vốn quý không thể bị tước đoạt. Mặt đối ngoại, các quốc gia trong vùng và dư luận thế giới cảm nhận mối đe dọa thực sự phát xuất từ một Trung cộng hiếu chiến. Trung cộng càng vùng vẫy càng gây nỗi sợ hãi và càng bị cô lập. Đợi chỉ có thế, Hoa Kỳ lên tiếng trở lại Biển Đông thể theo nguyện vọng của các quốc gia trong vùng. Một liên minh được hình thành từ Ấn độ đến Singapore, Úc, Nam Hàn ,Nhật bản ký thỏa ước quân sự song phương hoặc đa phương cho tàu chiến và quân đội Hoa Kỳ hiện diện trên lãnh thổ của họ.
Tình hình sẽ đi về đâu?
Chừng nào Trung Quốc chưa thay đổi chế độ từ đó những lãnh thổ bị cưỡng chiếm tuyên bố độc lập thì chừng đó thế giới chưa yên.
Chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ từ sau thế chiến thứ hai là nhất quán. Từ đó tùy theo diễn biến tình hình chính trị thế giới và phản ứng của đối phương, sách lược có thay đổi, tiến trình khi thuận lợi, khi trở ngại, những con đường vòng nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ đã đi khiến thế giới phải đảo điên không luận ra nhưng tựu trung vẫn nằm trong sự chỉ đạo của một quyền lực gần như vô hình. Giờ này Trung cộng không còn lối thoát mà chỉ biết theo cái lao do chính họ phóng ra. Nền kinh tế Trung cộng sẽ kiệt quệ vì nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ. Nếu Trung cộng không sụp đổ vì lý do kinh tế thì chiến tranh tại Biển Đông sẽ xảy ra đồng thời với nội loạn đảng Cộng sản Tàu phải sụp đổ là tất yếu, và dĩ nhiên CSVN cũng cáo chung nhường chỗ cho chế độ ĐỆ TAM CỘNG HÒA xây dựng một Việt Nam tự do và phú cường và lúc đó qua thương thảo ngoại giao Việt Nam sẽ thu hồi lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Là người dân Việt thực sự yêu nước tại Quốc nội và hải ngoại chúng ta phải làm gì trong giai đoạn thuận lợi nầy để có hiệu quả tốt đẹp nhất cho Tổ Quốc Việt Nam?...
Quách Vĩnh Niên
* Tác giả Quách Vĩnh Niên là một cựu sĩ quan QLVNCH, tốt nghiệp trường Võ Bị Đà Lạt. Xin chân thành cảm ơn tác giả Trần Việt Trình đã giới thiệu và gửi đến bài viết.

Không có nhận xét nào: