23.6.12

Việt Nam : chiến tranh không hồi kết của chất độc da cam



Máy bay Mỹ rải chất khai quang trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Máy bay Mỹ rải chất khai quang trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

Thanh Hà
Nhà báo Dominique Bari trên tờ L'Humanité nhắc lại bối cảnh lịch sử của chiến tranh Việt Nam : ngày 30/11/1961, Hoa Kỳ khởi động chiến dịch Ranch Hand, phun chất khai quang xuống Việt Nam. Trong thời gian 10 năm, 72 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó có 42 triệu lít chất độc da cam dội, xuống miền Nam Việt Nam.
Việt Nam trở thành điểm thí nghiệm chiến tranh hóa học chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại với những hậu quả khôn lường.

Ba thập niên sau, một nhân chứng kể lại với nhà báo Pháp bà từng tận mắt trông thấy máy bay của quân đội Mỹ rải một chất màu trắng xuống vùng quê bà. Mùi của chất hóa học luôn ám ảnh bà từ đó. Không khí, nước và vị của rau quả, lương thực đổi hẳn. Con trai bà, sinh năm 1969, cũng như những đứa bé chào đời trong ba thế hệ liên tiếp, đã phải gánh hậu quả. Chúng bị tàn tật chỉ vì sinh ra sau ngày « Tận thế -Apocalypse ».
Khi cuộc chiến tranh chấm dứt, tỷ lệ trẻ sơ sinh dị tật, dị dạng tăng vọt. Các công trình nghiên cứu cho thấy những người phụ nữ từng bị nhiễm dioxine sinh ra những đứa trẻ tật nguyền. Chất độc ngấm từ người mẹ qua thai nhi hoặc truyền sang trẻ sơ sinh bằng dòng sữa.
Giáo sư Lê Cao Đài, một chuyên gia về ddị tật bẩm sinh và cũng là người đứng đầu Quỹ hỗ trợ các nạn nhân dioxine, cho L'Humanité biết : chỉ riêng trong 5 năm gần đây, tỷ lệ trẻ song sinh dính liền vào với nhau ở Việt Nam đã cao gấp 60 lần mức bình thường. Các cuộc thử nghiệm cho thấy với thời gian, nồng độ nhiễm dioxine đã giảm, nhưng tỷ lệ nhiễm độc còn rất cao ở những vùng từng bị rải chất khai quang trong thập niên 1960-1970.
Tác giả bài báo không quên nhắc lại, sau 20 năm ém nhẹm những báo cáo y tế về tác hại của chất độc da cam, vào năm 1991 Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật gọi là Orange Act, mở đường cho việc thành lập một ủy ban nghiên cứu về chất độc hại dioxine và ủy ban này đã công nhận rằng, « dioxine làm hủy hoại hormone, tác động tai hại về sinh sản, về sự phát triển của bộ não và hệ miễn dịch »
Để kết thúc bài báo, L'Humanité đưa ra nhận định : chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, nhưng quốc gia này vẫn phải trường kỳ chiến đấu với chất độc dioxine. Nay đến thế hệ thứ ba kể từ chiến dịch Ranch Hand vẫn còn phải đối đầu với bệnh tật. Trớ trêu thay, tập đoàn hóa học Dow Chemical của Mỹ sẽ là một trong những nhà tài trợ quan trọng của Thế vận hội Luân Đôn 2012. Dow Chemical đưa ra khẩu hiệu Luân Đôn sẽ là thế vận hội xanh nhất, sạch nhất lịch sử thể thao. Trước kia, Dow Chemical đã cùng với Monsanto là những nguồn cung cấp chất napalm và hóa chất khai quang để quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.
Chiến dịch truy bức người Rohingya
Vào lúc bạo động giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo bùng lên làm hơn 80 người chết, báo Le Monde nêu lên câu hỏi : những người Rohingya là ai, mà ngay cả nhà dân chủ Aung San Suu Kyi trong chuyến công du châu Âu cũng đã rất thận trọng khi phải đề cập đến cộng đồng thiểu số này trên quê hương bà ?
Bạo động tôn giáo đang bùng lên tại bang Rakhine, miền Tây Miến Điện. Các tổ chức nhân đạo lo nghi ngờ lực lượng an ninh hỗ trợ cho cộng đồng Phật giáo để truy bức người Rohingya. Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử của Miến Điện, cho đến tận những năm 1950 người ta vẫn không hề biết về gốc tích của cộng đồng thiểu số này. Đây là lý do đã được chính quyền Miến Điện dẫn giải để từ chối công nhận người Rohingya là những công dân của quốc gia này. Tới nay, họ vẫn bị coi là người nước ngoài, thậm chí là người nhập cư bất hợp pháp.
Về hình dáng, người Rohingya trông gần giống như người Bangladesh. Ngôn ngữ của họ cũng rất gần với tiếng Bangladesh. Về nguồn gốc, họ có dòng máu của người Ả Rập, Mông Cổ, Thổ và Ba Tư phiêu bạt đến vùng Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ. Liên Hiệp Quốc đã từng công nhận người Rohingya là sắc tộc thiểu số bị đàn áp nghiêm trọng nhất trên thế giới. Không một quốc gia nào muốn chấp nhận họ.
Từ rất lâu nay, các chính quyền Miến Điện liên tiếp luôn phân biệt đối xử với người Rohingya. Trong cuộc sống hàng ngày họ luôn gặp vô vàn khó khăn. Người Rohingya không được công nhận là một trong số 130 sắc tộc thiểu số đang sinh sống tại Miến Điện. Riêng ở thành phố Rangoon, cả một làn sóng phẫn nộ đang dâng lên chống lại người Rohingya. Kể cả những nhà đấu tranh vì dân chủ của Miến Điện cũng không muốn trông thấy người Rohingya trên quê hương mình.
Gương mặt đấu tranh hàng đầu của Miến Điện, giải Nobel hòa bình năm 1991, Aung San Suu Kyi khi đến Oslo nhận giải thưởng cũng đã tránh lên tiếng bênh vực người Rohingya đang bị đàn áp trên quê hương bà. Lãnh đạo đối lập Miến Điện lo ngại những thành phần ủng hộ sẽ không tha thứ cho bà, nếu như bà lên tiếng trên hồ sơ nhạy cảm này.
Pháp : 2 tuần lễ để tìm ra 10 tỷ euro
Trở lại với nước Pháp : trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu kém hơn dự báo, để thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống còn 4,5 % GDP chính phủ phải gấp rút tiết kiệm thêm 10 tỷ euro. Libération nhấn mạnh : « tăng thuế, giảm bớt đội ngũ công nhân viên chức nhà nước, hai giải pháp khó tránh né ». Cái khó ở đây là nội các của thủ tướng Ayrault phải làm thế nào để thu hẹp ngân sách nhà nước, mà vẫn không nuốt lời những gì đã cam kết với cử tri trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống và Quốc hội vừa qua.
Về phần tờ báo kinh tế Les Echos thì tiết lộ là, kể từ ngày 01/07/2012, mức lương tối thiểu ở Pháp sẽ tăng thêm 2 %. Đây mới chính là quan tâm của người dân Pháp. Dưới áp lực của giới công đoàn đòi tăng lương cho nhân viên, của giới chủ lo ngại tăng lương sẽ làm giảm đi khả năng đầu tư của doanh nghiệp, cuối cùng chính phủ Pháp đang nghiêng về giải pháp tăng thêm 2 % mức lương tối thiểu để kích thích tiêu thụ, nhưng không gây trở ngại cho các doanh nghiệp.
Tờ báo không quên nhắc lại là hiện tại, trong số 20 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có áp dụng một mức lương tối thiểu, Pháp là nơi đồng lương tối thiểu được coi là cao vào bậc nhất, cùng với Ireland, Anh Quốc, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Cụ thể hơn, lương tối thiểu được quy định là 1398 euro/tháng tại Pháp, trong lúc tại Bồ Đào Nha thì chỉ là 566 euro. Tại Rumani là 162 euro và tại Bulgari là 138 euro.
Những hòn đá Rolling Stones
Đóng lại những bài báo nặng tính thời sự, báo Les Echos đưa độc giả ngược thời gian, trở về với mùa hè năm 1962, khi ban nhạc rock Rolling Stones vừa hình thành. Nếu thực sự là « fan » của ban nhạc này và có dịp đến Luân Đôn thì xin đừng quên « Marquee Club », 165 Oxford Street.
Đây là nơi lần đầu tiên Brian Jones, Keith Richards và Mick Jagger cùng bước lên sân khấu lần đầu tiên. Cho dù khi đó tên của ban nhạc còn thiếu chữ « g » của Rolling Stones và khi đó thì Mick Jagger chỉ mới giữ vai phụ để nhường ánh sáng đèn màu cho Brian Jones.
Địa điểm thứ hai không thể bỏ qua là căn hộ số 102 đường Edith Grove, Fulham.Đó là nơi Brian, Mick và Keith bắt đầu sáng tác và có thể nói là chiếc nôi của huyền thoại Rolling Stones.
Điểm hẹn thứ ba của những ai đã từng bị 5 chàng nhạc sĩ Luân Đôn này mê hoặc chắc chắn phải là câu lạc bộ Crawdaddy ở số 1 Kew Road, Richmond. Đây chính là nơi ngôi sao Brian Jones đã phải nhường lại vai trò hàng đầu cho ông hoàng Mick Jagger và cũng chính từ nơi này mà ông bầu Andrew Loog Oldham đã quyết định rằng gia đình Rolling Stones sẽ chỉ có 5 người, như 5 ngón trên một bàn tay để chinh phục các nhà sản xuất đĩa hát nổi tiếng nhất của Luân Đôn thời bấy giờ.
Giới hâm mộ cũng xem câu lạc bộ Crawdaddy là bệ phóng đã đưa tên tuổi của nhóm Rolling Stones vào quỹ đạo của thành công và những hòn đá lăn tròn này đã đứng vững dưới ánh đèn sân khấu trong đúng 5 thập niên qua.
 

Không có nhận xét nào: