8.7.12

Suy nghĩ từ chuyến đi của bà Clinton đến Hà Nội ngày 10 tháng 7/2012


Suy nghĩ từ chuyến đi của bà Clinton đến Hà Nội ngày 10 tháng 7/2012

Lê Quốc Tuấn – XCàfeVN - Tiếp theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton đến vùng ĐNA, hôm nay, các phương tiện thông tin đại chúng trong vùng và trên thế giới đều đồng loạt đưa tin về chuyến đi này.

Là người khách quen thuộc không những với chính phủ Đảng CS Việt Nam mà còn cả với nhân dân Việt Nam và đặc biệt là với những nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, những chuyến đi của bà Clinton đến gặp gỡ các quan chức chính phủ Việt Nam luôn luôn được đón nhận với nhiều mong đợi. Những mong đợi có khi là trái ngược giữa chính phủ và người dân tại xứ sở đang có nhiều thay đổi này.
Theo giáo sư Carl Thayer , mối quan hệ Việt Mỹ đã được phát triển vững chắc kể từ năm 2003. Tuy nhiên, các căng thẳng ở Biển Đông đã lập tức đưa Việt Nam vào một cuộc đối thoại có tính chiến lược với Mỹ một năm trước khi đối thoại như thế với Trung Quốc. Sau đó Việt Nam cũng nâng cấp các đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ đến cấp bộ trưởng trước khi tiến hành như vậy với phía Trung Quốc. Trong quá khứ thì luôn luôn Việt Nam tìm đến Trung Quốc trước. Việt Nam bị thúc đẩy phải giữ cho Hoa Kỳ tham dự vào Đông Nam Á, và Biển Đông đặc biệt như một sự cân bằng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên cuộc giao hảo song phương ấy còn là hình thức chứ chưa có chiều sâu về chất lượng.
Đặc biệt, khi tình hình tranh chấp trong khu vực Biển Đông càng gia tăng, thôi thúc các nước khiếu kiện trong vùng xích lại gần hơn với Mỹ, mọi con mắt đang đổ dồn về Việt Nam khi đất nước này đang đứng giữa ngã ba đường trong một chọn lựa khó khăn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Riêng trong lãnh vực nhân quyền, cũng theo giáo sư Carl Thayer, từ chuyến viếng thăm Việt nam năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã muốn nâng quan hệ Việt Mỹ lên một cấp độ cao hơn. Bà chủ động đề xuất một quan hệ mang tính đối tác chiến lược. “Tôi đã nói với quan chức Việt Nam cao cấp. Một trong những khó khăn chính là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Việt Nam đã bị lưu ý bởi Đại sứ Hoa Kỳ, các thượng nghị sĩ quan trọng của Mỹ (McCain và Liberman), và bản thân Ngoại trưởng Clinton cũng nhận thấy là sẽ không thể có tiến bộ về mặt song phương, trừ khi quyền con người được giải quyết. Sau những cảnh báo này, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn với những cuộc đàn áp các bloggers Việt Nam. Nhưng quan hệ song phương Mỹ-Việt không hoàn toàn bị trói buộc vì vấn đề nhân quyền. Mỹ sẽ tiếp tục đem lại các hỗ trợ lớn trong việc giải quyết các vấn đề y tế công cộng và biến đổi khí hậu”.
Cũng trong những ngày trước chuyến đi này, ông Vũ Đức Khanh, một Luật Sư chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế, người từng nhiều lần lên tiếng tranh đấu bênh vực cho các nhà tranh đấu dân chủ, nhân quyền Việt Nam đã viết thư gửi bà Ngoại trưởng Clinton qua thông cáo báo chí gửi đến văn phòng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và qua Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear như sau:
Khanh VU DUC, LL.L., LL.B., MPA
Barrister, Solicitor & Notary Public
VDK LAW OFFICE
Integrity – Competence – Excellence
838 Somerset Street West, Suite 30, Ottawa Ontario K1R 6R7 Canada
Tel: (613) 867-2071 or (613) 238-8889 – Fax: (613) 238-8890
Email: vdklawyer@rogers.com
Kính gửi bà Hillary Rodham ClintonNgoại trưởng Hoa Kỳ
04 tháng 7 năm 2012
Kính thưa bà Ngoại trưởng Clinton,
Trước chuyến thăm Việt Nam tới đây trong tháng này của bà, tôi xin nêu lên một số lo ngại về chính phủ Hà Nội và tương lai của các mối quan hệ Mỹ-Việt.
Khi Hà Nội chối từ khởi sự những cải cách cần thiết, nhân quyền vẫn còn là một trở ngại quan trọng đến việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt. Đối với tôi, có vẻ như Hoa Kỳ nhìn thấy Việt Nam như một đối tác chiến lược, tuy nhiên, tiến bộ trên mặt trận này không thể đến từ cái giá phải trả của nhân quyền và cải cách chính trị tiềm năng.
Tôi cảm thấy được an ủi qua việc Hoa Kỳ đã từ chối bán vũ khí cho chính phủ Việt Nam trừ khi những mối lo ngại này được giải quyết. Làm sao một chính phủ từng có thành tích liên tục về vi phạm nhân quyền lại có thể được tin cậy để xử lý đúng đắn các vũ khí dành cho quốc phòng? Làm sao một chính phủ đã liên tục đàn áp các đối thủ chính trị của mình có thể làm được gì ngoài các hành động phi dân chủ ? Tôi xin nêu lên bảy danh tính sau đây – Tiến sĩ. Cù Huy Hà Vũ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Lê Công Định, Blogger Nguyễn Văn Hải (bí danh Điếu Cày), các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Nguyễn Quốc Quân (công dân Hoa Kỳ) chỉ như một bằng chứng của những người Việt Nam bị cầm tù vì lên tiếng chống lại chế độ Cộng sản, đòi hỏi nhân quyền và cải cách dân chủ.
Chính phủ Việt Nam bắt buộc phải đưa ra một lộ trình đi đến dân chủ, không chỉ đơn thuần là một cử chỉ thiện chí, nhưng để đánh giá sự sẵn sàng thay đổi của họ. Tất nhiên, tôi không tin rằng có thể hình thành một lộ trình qua đêm, cũng như tôi không bất kỳ lộ trình nào chỉ có giá trị trên danh nghĩa. Tuy nhiên, cần phải làm sao để chính phủ Việt Nam hiểu được rằng Hoa Kỳ muốn nói đến các quyền và phúc lợi của công dân như một vấn đề vô cùng quan trọng.
Hơn bao giờ hết, tôi tin rằng một tương lai ổn định, mạnh mẽ và thịnh vượng của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đòi hỏi một nước Việt Nam dân chủ và tôn trọng các quyền và đặc quyền của người dân. Để đạt đến mục đích này, Hoa Kỳ có thể gây ấn tượng lên chính phủ Việt Nam rằng quan hệ song phương giữa hai nước không thể nhích về phía trước nếu những mối quan tâm cốt lõi (nhân quyền và phóng thích các tù nhân lương tâm) không được giải quyết nghiêm túc.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn sự quan tâm và thời gian của bà. Tôi hiểu rằng đây là thời gian bận rộn, tuy nhiên, tôi mong được nghe tin từ bà và sẽ rất biết ơn nếu có một cơ hội để thảo luận chi tiết hơn về những vấn đề này.
Trân trọng,
Vũ Đức Khanh
Barrister, Solicitor & Notary Public
Trong tất cả mớ bòng bong ấy, Việt Nam có tiếp tục diễn vai xiếc tung hứng của mình giữa hai chàng khổng lồ (Trung Quốc và Mỹ) như tự bao lâu nay nữa hay không ? Liệu quan hệ Việt Mỹ có thục sự tiến lên một cấp độ cao hơn, chất lượng hơn, góp phần thay đổi cho chính tương lai Việt Nam và các nước khác trong khu vực hay không ?
Câu trả lời, một lần nữa vẫn nằm sau các cánh cửa đóng kín của các quan chức cao cấp Hà Nội. Nghĩa là người dân Việt Nam không thể tham dự và chia xẻ, như tự bao lâu nay.
Và đấy cũng chính là một phần của cái bóng đêm quá dài và quá lớn cho dân tộc Việt Nam.
Lê Quốc Tuấn
(tháng 7 năm 2012)

Không có nhận xét nào: