Thịt bẩn ùa vào thành phố
Liên tiếp các vụ phát hiện những lô thịt bẩn vận chuyển vào Hà Nội và TP.HCM khiến người dân canh cánh nỗi lo nhiễm bệnh ngay trên bàn ăn nhà mình.
Dịch tới, cung tăng
Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm Thú y H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, ngày 27.6 tổ liên ngành thú y huyện đã tiêu hủy một lô heo nhiễm bệnh tai xanh thu giữ ở số B8/8E, ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh do ông Nguyễn Minh Quân làm chủ cơ sở. Tang vật tại hiện trường là 4 con heo không rõ nguồn gốc, trong đó 1 con heo đã giết mổ. Tổ công tác lấy mẫu xét nghiệm 3 con heo còn sống. Kết quả cả 3 con heo này mắc bệnh tai xanh. UBND H.Bình Chánh ra quyết định tiêu hủy. Bước đầu ông Quân khai mua lô heo bệnh này từ Long An.
Theo ông Phan Xuân Thảo -Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, số lượng heo từ Đồng Nai và Bình Dương đưa về TP hiện nay tăng đột biến, từ 10-12% so với trước khi có dịch. Chỉ trong khoảng 3 tuần, từ ngày 7 - 28.6, tổ liên ngành thú y Trạm Thủ Đức đã phát hiện 40 vụ vi phạm, tang vật thu giữ 15,3 tấn thịt, nội tạng gia súc, gia cầm, 9.251 con gia súc, gia cầm bẩn. Trong đó, chỉ riêng ngày 28.6 đã ngăn chặn 6 vụ vận chuyển hơn nửa tấn thịt, nội tạng heo bẩn, tất cả đều từ Đồng Nai đưa về.
|
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng vừa “đánh sập” một đường dây thu mua thịt heo được xác định là bị nhiễm dịch tai xanh chế biến thành ruốc và mắm tép chưng để bán ra thị trường, thu lời bất chính. Chủ cơ sở Nguyễn Văn Hải (24 tuổi, ở xã Khánh Hà, H.Thường Tín, TP.Hà Nội) khai nhận, đã mua heo chết từ một người hành nghề giết mổ, tên là Nguyễn Bá Trọng (H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội).
Cuối tháng 6, lực lượng liên ngành của TP.Hà Nội đã tạm giữ 2 xe tải loại 5 tấn chở đầy gà đang lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Lái xe khai nhận chở thuê số gà trên từ Quảng Ninh về Hà Nội nhưng không xuất trình được giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy kiểm dịch của cơ quan thú y và địa điểm giao hàng là chợ Hà Vỹ (H.Thường Tín, Hà Nội). Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, chỉ trong vòng 10 ngày trung tuần tháng 6, đã bắt giữ trên 17 tấn gà lậu.
Ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y thông tin, trong hai tháng 5 và 6, lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 95 tấn nầm heo và nầm dê thối. “Toàn bộ số hàng này đều được đầu nậu thuê cửu vạn vác qua các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới Việt -Trung để xâm nhập vào thị trường nội địa. Khi bị phát hiện, cửu vạn bỏ hàng chạy thoát thân, chúng tôi chưa bắt được một chủ đầu nậu nào”, ông Đông nói. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, có đến 70% thịt bẩn tuồn vào Việt Nam là do các đầu nậu nhập lậu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Lô thịt heo nái giả thịt heo rừng, thịt heo bệnh vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ bị Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức ngăn chặn - Ảnh: Hoàng Việt |
Không khó để kiểm soát
Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, không chỉ khó kiểm soát mà còn khó xử lý người vận chuyển, giết mổ lậu, vì chủ yếu là phạt hành chính không đủ răn đe. Phần lớn người tổ chức giết mổ lậu từ tỉnh khác đến thuê mướn nhà, khi bị phát hiện bỏ trốn, chuyển sang điểm mới tiếp tục giết mổ lậu. Chính các lò giết mổ lậu sử dụng heo trôi nổi, heo bệnh nhưng khó bắt quả tang, khó xử lý. Một thực tế đáng lo khác - theo ông Lê Anh Hùng, Trạm trưởng Trạm thú y H.Hóc Môn, là "có khả năng người dân vùng dịch bán heo bệnh tìm mọi cách đưa đi tiêu thụ để vớt vát chút vốn liếng, nhất là heo giết mổ sẵn từ các vùng dịch đưa về các điểm buôn bán nhỏ lẻ, khu công nghiệp, vì vậy khó có thể kiểm soát".
Tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh nông sản diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Thú y phối hợp với lực lượng chức năng truy tận gốc, triệt phá các đầu nậu chuyên buôn bán, vận chuyển “thịt bẩn”.
Vừa trở về sau chuyến thị sát tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, thịt bẩn, thịt thối sau khi được cửu vạn khuân vác qua biên giới sẽ phải tập kết tại một điểm nào đó và người ta dùng cả xe tải để vận chuyển. Có cán bộ địa phương đã nói với ông rằng, hoàn toàn có thể nắm được tất cả các đầu nậu, vấn đề là có làm hay không mà thôi.
“Không thể để dân mình tiếp tục phải ăn thịt bẩn nữa. Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị phía công an vào cuộc, điều tra và đánh sập các đầu nậu chuyên cung cấp thịt thối, thịt bẩn, thịt heo nhiễm bệnh”, ông Tần nói.
Khẩn cấp giải cứu ngành chăn nuôi Ngày 6.7, Hội Chăn nuôi VN đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp khắc phục khó khăn hiện nay của ngành chăn nuôi. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, chất cấm, giá sản phẩm chăn nuôi liên tục tụt giảm và giảm thấp nhất kể từ 2 năm gần đây (nhất là thịt lợn và thịt gia cầm) thì tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi và dịch tai xanh từ giữa tháng 3 khiến một bộ phận người tiêu dùng vẫn e ngại và giảm tiêu thụ thịt heo. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT vừa kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp cấp bách như: Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp có điều kiện để thu mua, bảo quản và chế biến thịt lợn đông lạnh. Cụ thể như: Đối với giết mổ tiêu thụ tươi và giết mổ cấp đông: cho vay 20 triệu đồng/tấn sản phẩm; thời hạn vay 3 tháng; lãi suất 0%. Đối với chế biến sản phẩm đóng hộp và các sản phẩm thành phẩm khác: cho vay 30 triệu đồng/tấn sản phẩm; thời hạn vay 6 tháng; lãi suất 0%. Ngoài những giải pháp nói trên, ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng giám đốc Công ty Japfa (Long An) cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách kích thích xây dựng mạng lưới tiêu thụ phân phối để rút ngắn khoảng cách trung gian; bỏ ngay thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thức ăn chăn nuôi... Quang Thuần |
Hoàng Việt - Quang Duẩn - Quang Thuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét