5.8.12

Một kinh nghiệm về Biểu tình


Một kinh nghiệm về Biểu tình

Biểu tình là một hoạt động chính đáng và không thể thiếu trong một xã hội dân chủ, văn minh. Các tiến bộ xã hội có được cũng là nhờ một phần vào các hoạt động biểu tình. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cũng đã đòi quyền biểu tình từ rất sớm. Trong một văn kiện có tên “Những nhiệm vụ cần kíp của những người cộng sản Đông dương” viết khoảng năm 1929, ĐCSVN đã nhấn mạnh:“Trong cuộc vận động quần chúng cần phải cổ động cách mạng ngoài đường, trong các đám đông, tổ chức mít tinh, trong nhà máy, không cần xin phép trước, phá trật tự cảnh sát, tổ chức các cuộc mít tinh và các cuộc biểu tình.” Hơn 80 năm đã trôi qua, nhưng hiện quyền biểu tình của người dân Việt Nam vẫn chưa được bảo vệ và tôn trọng dưới chính sự lãnh đạo của ĐCSVN.

Biểu tình ở Ai Cập- Mùa Xuân Hoa Lài
Như Cây Tre Việt Nam trân trọng giới thiệu một bài viết – kinh nghiệm nhỏ về biểu tình:
Hành động bất bạo động trực tiếp

“Hành động Bất bạo động Trực tiếp” (Non-Violent Direct Action) (HĐTT) là những hành động có những đặc tính cơ bản là: đối đầu, ở nơi công cộng (công khai), có khả năng gây gián đoạn một hoạt động nào đó và có thể là bất hợp pháp. HĐTT có thể thực hiện bằng nhiều hoặc ít người. HĐTT có hiệu quả nhất khi được tính toán kỹ, khi cách tiến hành hấp dẫn được dư luận đối với sự bất công và khi các cách thức đòi hỏi sự thay đổi khác đã được thực hiện nhưng không có kết quả.
HĐTT đã được sử dụng để tạo ra các tiến bộ lớn cho xã hội. Các nhà hoạt động nổi tiếng như Martin Luther King, Ghandi và Rosa Parks đều đã sử dụng HĐTT trong cuộc đấu tranh bất bạo động của họ. Lịch sử nhân loại đã cho thấy HĐTT làm cho mọi người chú ý đến các bất công của xã hội và giúp cho các phong trào tiến bộ phát triển.
Mỗi khi nhóm của bạn nghĩ đến HĐTT, bạn cần phải xem xét kỹ 4 vấn đề sau:

- HĐTT sẽ đưa phong trào của bạn tiến lên hay lùi lại?
- Bạn sẽ được hậu thuẫn rộng rãi?
- Bạn có thuyết phục được người khác về sự cần thiết của HĐTT?
- Bạn đã sẵn sàng để giải quyết các khó khăn khi có rắc rối chưa?

Hãy để tất cả mọi người thể hiện những suy nghĩ, băn khoăn, sợ hãi và kinh nghiệm của họ. Trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào bạn nên xem lại các khả năng hành động khác đã được đề cập, nghiên cứu. Nếu sau tất cả những xem xét, lắng nghe đó mà bạn vẫn thấy HĐTT là cần thiết thì đây là một số điều mà bạn cần phải lưu tâm tiếp:

1. Tâm điểm của Hành động: Đâu là vấn đề bạn muốn nhấn mạnh, làm nổi bật? Ai, nhóm người nào bạn muốn kêu gọi sự chú ý? Nếu bạn muốn phản đối một điều gì thì công sở, trụ sở, tòa nhà nào bạn sẽ hướng hành động vào? Bạn phải chắc chắn là tòa nhà đó đang làm việc và những người mà bạn muốn gửi thông điệp tới đang có mặt ở trong đó và bạn cần phải biết rõ đường đi, các cửa ra vào và các văn phòng ở trong đó. Phải tránh mọi hành động không hiệu quả.

2. Thời điểm hành động: Đừng hành động nếu thời điểm chưa thuận lợi. Bạn nên dùng thời gian để xây dựng cơ sở hậu thuẫn cho đủ mạnh hơn là hành động vội vã. Nếu vấn đề vẫn đang trong giai đoạn đàm phán thì đó chưa phải là lúc cần đến HĐTT, trừ khi những người đàm phán ngăn cấm những đề nghị của bạn và gây thêm rắc rối cho bạn. Ví dụ, các sinh viên ở một trường đại học, những người ủng hộ bảo vệ môi trường, đã tiến hành biểu tình sau khi ban giám hiệu nhà trường từ chối gặp họ và không đếm xỉa đến các dữ liệu khoa học về thuốc trừ sâu và cũng không đưa ra một thông báo gì như đã hứa. Cũng phải lưu ý là thực hiện một hành động cho một vấn đề mà công luận hầu như chưa biết tới thì rất dễ thất bại hay bị phản ứng ngược.

3. Thu thập dữ kiện: Tìm hiểu những phản đối, phản bác đối với bạn và xem xét vấn đề của bạn liên quan đến lĩnh vực giáo dục và công luận. Điều này cần phải có thời gian.

4. Tìm hiểu quyền của bạn: Bắt buộc phải biết về những quyền hợp pháp và cả những vi phạm luật hay các trừng phạt có thể. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến một chuyên gia về luật có thiện cảm với bạn. Bạn cũng nên nhớ là bạn có toàn quyền phát tờ rơi cho những thông tin không kích động bạo lực.

5. Chuẩn bị và lên kế hoạch cho sự kiện: Bàn về mục tiêu, về độ dài thời gian tiến hành sự kiện và về khả năng bị giải tán hoặc nguy cơ bị bắt nếu nhà chức trách ập đến. Xác định ngày, giờ, địa điểm và nơi tiến hành sự kiện. Nên nhớ là luôn có nhiều hành động hiệu quả mà vẫn hoàn toàn hợp pháp. Và nếu bạn định chiếm giữ một khu phố hoặc muốn sử dụng các trụ sở, phương tiện công cộng một thời gian thì nên cố gắng đệ trình yêu cầu trước cho nhà chức trách để được sự cho phép. Đừng nên gặp nhau ở địa điểm xảy ra sự kiện mà nên ở nơi gần đó để chờ đến khi số lượng người của bạn đủ một số nào đó thì mới cùng nhau tiến ra nơi tiến hành sự kiện. Nhưng cần phải tôn trọng giờ đã định (như đã kêu gọi). Bạn sẽ làm gì ở nơi xảy ra sự kiện? Phải chuẩn bị các câu khẩu hiệu, biểu ngữ, tờ rơi, loa cầm tay, chuẩn bị người phát biểu, người diễn trò gây chú ý. Chuẩn bị đồ uống, áo mưa,…Phải chuẩn bị đủ các tiết mục để lấp đầy thời gian dự kiến cho sự kiện để tránh nhàm chán.

6. Mạng lưới: Trao đổi và thông báo cho những người ủng hộ hoặc có thể tham gia cùng bạn. Đề nghị các cơ quan truyền thông tiến bộ đến đưa tin. Làm mọi thứ có thể để được hậu thuẫn. Trao đổi với những người có kinh nghiệm để được góp ý, huấn luyện, tập dượt. Điều đó sẽ giúp cho những người thiếu kinh nghiệm về hành động sẽ an tâm hơn và hiểu biết hơn.

7. Truyền thông: Gửi thông cáo hoặc báo tin cho cơ quan truyền thông tin cậy. Nhưng không nên tiết lộ hết kế hoạch của bạn, chỉ cần cho họ thông tin đủ để họ thấy hấp dẫn.

8. Hãy tập trung: Một khi đã lên kế hoạch, hãy tập trung hết sức cho nó! Nếu buộc phải có thay đổi so với kế hoạch ban đầu, cần phải thông báo cho mọi người cùng một lúc. Chỉ để một số người (tốt nhất là người có kinh nghiệm) ra quyết định trong những tình huống khẩn cấp và giao thiệp với cảnh sát khi cần thiết trong lúc xảy ra sự kiện. Đã có những trường hợp thành công ngoài ý muốn chỉ vì việc giao thiệp với cảnh sát được thực hiện bởi người có kinh nghiệm và khéo léo và cũng có nhiều sự kiện đã bị thất bại chỉ vì ngược lại. Trước khi hành động cần gặp lại nhau thêm một lần để xem lại toàn bộ kế hoạch và giải quyết mọi khúc mắc cuối cùng. Những người tổ chức chính không nên làm thay đổi điều gì chỉ vì tự bản thân thấy thích.

9. Các rắc rối có thể: Kể cả khi hành động của bạn là hợp pháp thì cảnh sát vẫn có thể sách nhiễu hoặc bắt bớ. Hãy chuẩn bị cho điều đó. Nếu bạn có giấy phép để tổ chức sự kiện, mặc dù điều này là hết sức hiếm cho “Hành động Bất bạo động Trực tiếp”, hãy copy ra nhiều bản để phát cho mọi người. Bạn cũng có thể gặp những người cố áp đặt ý tưởng hành động của họ cho kế hoạch của bạn. Phải dự tính một kế hoạch để xử lý với những người đó. Tốt nhất là đề nghị họ có hành động tương ứng với những gì đã được lên kế hoạch và nếu họ từ chối thì đề nghị họ rời khỏi nơi diễn ra sự kiện, nhưng hết sức tránh sa đà vào cãi vã và tuyệt đối không xô xát. Khuyến cáo mọi người tránh các hành vi cướp lời, cãi vã, xô đẩy, gây tổn thương người khác hoặc có bất kỳ hành động phạm luật nào khác. Hãy nhớ: Hưng phấn, Nhiệt thành nhưng phải Đoàn kết! Lưu ý mọi người rằng sẽ bị quay phim, chụp hình và bị đưa lên báo chí để tránh mọi hình ảnh dễ bị hiểu lầm hoặc không có lợi cho mục đích tiến bộ, ôn hòa của sự kiện. Khi ra về nên đi theo nhóm, ít nhất phải là 2-3 người.

10. Hậu sự kiện: Phải chỉ định người cho những việc diễn ra sau khi kết thúc sự kiện. Cần phải có người giao tiếp với truyền thông ngay sau sự kiện để tránh nhà chức trách là bên duy nhất nói về lý do của sự kiện. Phải có người điều phối các vấn đề pháp lý cho sự kiện. Cần phải có người theo rõi tình trạng các yêu cầu, yêu sách đã được công bố hay được thực hiện như thế nào. Cuối cùng nên cùng nhau phân tích, bình phẩm, phê phán, rút kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra. Và lại tiếp tục cho những kế hoạch mới.
Chúc may mắn!
Biểu tình chống quân xâm lược-chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam


Người soạn: Quang Trung

Không có nhận xét nào: