28.9.12

Ngư dân Việt ở trại giam tỉnh Rayong, Thái Lan


Ngư dân Việt ở trại giam tỉnh Rayong, Thái Lan

2012-09-27
Rayong là tỉnh ven biển nhìn ra Vịnh Thái Lan, cách thủ đô Bangkok một trăm năm mươi cây số về phía Đông, với đảo Koh Samet là một địa điểm du lịch nổi tiếng sau bãi tắm Pattaya.
RFA
Ngư dân Việt được phát thuốc sau khi bị lực lượng hải quân Thái bắt giữ.
Đây cũng là vùng biển mà từ ngày 13 đến ngày 15, lực lượng hải quân Thái với sự yểm trợ của trực thăng, đã vây bắt 10 tàu cá và 108 ngư dân Việt đang câu mực trái phép trong hải phận Thái. Mười chiếc khác vì chưa vào sâu trong vùng nước Koh Samet nên đã chạy thoát được.

Thủ tục giam giữ và điều tra
Ngay từ đầu, một phụ nữ Việt Nam cư ngụ tại tỉnh Rayong, bà Đa, được cảnh sát địa phương nhờ thông dịch, báo cho biết một trăm lẻ tám ngư dân trên mười chiếc tàu bị bắt này đều là dân Cà Mau:
Bây giờ người ta tạm giam trước là 12 ngày tại điều tra chưa xong. Đông giữ lắm, một trăm lẻ mấy người, họ ở Cà Mau . Tại hiện bây giờ bên Việt Nam mực thấp giữ lắm, bên Thái này mực rất là nhiều, đang trúng mà. Một chiếc vừa mực khô mực tươi khoảng một trăm triệu tiền Việt Nam mình, 150 nghìn Baht Thái. Nói chung người ta chỉ điều tra tại sao qua bên đây làm mực, từ vùng nào qua vậy thôi.
Vì chuyện vây bắt xảy ra trong vùng biển đặc quyền kinh tế Thái Lan nên những ngư dân Việt này bị khởi tố tội đánh bắt cá trái phép trong hải phận Thái
Bà Đa
Cũng thời gian đó, một viên chức cảnh sát, không nêu danh tính, từ đồn Bann Pe tỉnh Rayong, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do :
Cơ quan điều tra cảnh sát địa phương xin lệnh tòa án chuyển các ngư dân Việt đến trại giam tỉnh Rayong trong lúc tiến trình thẩm vấn vẫn tiếp tục. Vì chuyện vây bắt xảy ra trong vùng biển đặc quyền kinh tế Thái Lan nên những ngư dân Việt này bị khởi tố tội đánh bắt cá trái phép trong hải phận Thái.
Tiến trình thẩm vấn và lập hồ sơ xét xử có thể kéo dài cả tháng trước khi đưa vụ việc ra tòa. Tiếp đó, Cơ Quan Di Trú Thái Lan sẽ đảm trách việc trục xuất các ngư dân Việt về nguyên quán.
Thứ Sáu ngày 20 vừa qua, Thanh Trúc đến Rayong, ghé trại giam In Pe, được ban giám đốc cho phép gặp hai trong số hơn một trăm ngư dân Việt được đưa về đây gần hai tuần tính từ lúc bị bắt.
Ông Udon Rattanapokin, giám đốc trung tâm giam giữ Rayong. RFA
Ông Udon Rattanapokin, giám đốc trung tâm giam giữ Rayong. RFA
Ông  Udon Rattanapokin, giám đốc trung tâm giam giữ Rayong, cho hay 105 ngư dân Việt, lớn nhất là 60 tuổi, đang ở trong trại này. Bên cạnh đó, ba thanh niên mà người nhỏ nhất 15 tuổi, được chuyển qua Trại Giáo Dưỡng Thanh Thiếu Niên Rayong cách đó mười mấy cây số:
Số  tù nhân Việt mới chuyển về khiến trại giam đông hơn, có thể là vượt qua con số tù nhân qui định. Tất cả đều được khám sức khỏe tổng quát, được cung cấp vật dụng cần thiết. Ở đây thì tù viên Thái  và tù viên người nước ngoài được đối xử ngang nhau theo tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc, ngoài ra trại còn cung cấp thức ăn đủ chất bổ dưỡng cho người bị giam.
Vẫn theo lời ông giám đốc Udon Rattanapokin,  hiện tại trên một trăm người Việt Này phải  tập trung một chỗ để làm thủ tục trước khi có thể chuyển họ sang những nơi khác có thể rộng rãi hơn. Đó là lý do họ phải chịu cảnh chật  chội trong nhà giam, nhưng mỗi ngày họ được ra ngoài để  vận động và sinh hoạt như những tù viên khác, trong lúc trại phải bảo đảm vệ sinh, kỹ luật và an toàn cho họ:
Đa phần những tù nhân Việt Nam này giữ kỹ luật rất tốt, thật ra trường  hợp vi phạm của họ không quá nghiêm trọng,  nhà chức trách Thái chưa có quyết định gì,  nhiệm vụ của trung tâm giam giữ Rayong chỉ là canh giữ  và  yêu cầu mọi người tuân thủ những điều lệ của trại giam trong lúc tiến hành thủ tục điều tra.
Tâm sự người ngư dân Việt
Sau buổi tiếp xúc với giám đốc trai giam Rayong, Thanh Trúc  được đưa xuống khu giam giữ tù nhân để nói chuyện với hai người được phép ra gặp. Trên nguyên tắc có thể ghi chép mọi chi tiết của cuộc nói chuyện nhưng tuyệt đối không được ghi âm và chụp hình.
Những tù nhân Việt Nam này giữ kỹ luật rất tốt, thật ra trường hợp vi phạm của họ không quá nghiêm trọng, nhà chức trách Thái chưa có quyết định gì, nhiệm vụ của trung tâm giam giữ Rayong chỉ là canh giữ và yêu cầu mọi người tuân thủ những điều lệ của trại giam trong lúc tiến hành thủ tục điều tra
Giám đốc trai giam Rayong
Trong khi chờ đợi, thật tình cờ và cũng thật may mắn Thanh Trúc nhìn thấy một đoàn cả trăm người Việt đang đi từ nơi lao động về  phòng giam và đã trò chuyện được với họ ít phút. Trong y phục màu vàng quần cộc áo ngắn tay và đầu tóc cắt sát, trông mọi người khỏe mạnh dù như không dấu được nét  buồn bã đăm chiêu trong ánh mắt.  Hầu hết trong đoàn này là thuyền viên, tức người đi bạn, theo ghe chài ra biển. Thuyền trưởng hay tài công bị giam riêng một phòng khác.
Hồ sơ của ngư dân Việt trong trại giam Rayong. RFA
Hồ sơ của ngư dân Việt trong trại giam Rayong. RFA
Được hỏi về sức khỏe, ai nấy trả lời không ai đau ốm bệnh tật gì, chỉ phải tội ngần này người dồn hết vào hai phòng  thôi nên chật chội và khó ngủ quá.  Có người phải ngủ ngồi, những người khác gần như  nằm xếp lớp với nhau và không thể duỗi thẳng chân ra được.
Những người đi bạn này còn bảo họ không biết đang câu mực trộm trong Vịnh Thái Lan cho tới khi bị bắt. Điều này có nghĩa là tài công, tức thuyền trưởng, lái tàu đi đâu thì họ đi tới đó.
Cuộc nói chuyện diễn ra vỏn vẹn năm phút, Thanh Trúc phải trở vào phòng đợi  để gặp hai chủ tàu, cũng là hai tài công. Người thứ nhất, thuyền trưởng Trần Văn Huốc, chủ tàu CM99516, cư ngụ tại ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời , tỉnh Cà Mau. Người thứ hai, thuyền trưởng Nguyễn Văn Bình, chủ tàu CM99381, cư ngụ tại thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau.
Đây là những vùng miệt dưới của Cà Mau, “việc làm hay đất đai ruộng vườn không nhiều, nghèo thì chỉ có nước đi bạn thôi, chứ biết làm gì ăn”, ông Huốc và ông Bình nói với Thanh Trúc.
“\Ra khơi hai ngày không lưới được cá, chẳng lẽ về không, thôi thì mạnh ai nấy đi, lái đại qua Vinh Thái Lan, biết là mình đi bậy chớ, đi câu trộm mực của người ta mà, mang về bán kiếm ít tiền, bị mùa này mực ở Việt Nam hút, mực trong vinh Thái Lan nhiều và bự hơn, nếu may trúng thì cũng đỡ ai dè...” Họ thổ lộ.
“Tới khi thấy máy bay quần trên đầu là biết rồi, chuẩn bị cuốn gói nhưng chạy không kịp, cả mấy tàu bị bắt luôn, trên mỗi tàu là chín người cộng thuyền trưởng là mười”.
“Bây giờ tụi tui hối hận lắm”, nói tới đây ông Trần Văn Huốc ứa nước mắt, “không biết họ xử làm sao nữa, chỉ mong vợ con ở nhà gom đủ tiền chuộc  mình về thôi. Mấy hôm trước có ông Tuần ở đại sứ quán Việt Nam tới thăm, tui cũng nói với ông như vậy chị à”.
Ông Trần Văn Bình thì nói “lần này về được là chừa luôn, chắc kiếm việc khác làm, đi biển kiểu này vất vả quá mà không đi thì đói. Ông kể khi bị bắt thì người họ giữ, tàu họ kéo đi đâu không biết, coi như  máy lưới tài sản họ tịch thu hết”.
Khi Thanh Trúc hỏi tới về cuộc sống trong trại giam này như thế nào,  cả ông Huốc lẫn  ông Bình đều xác nhận họ được đối xử  tốt,  được ăn uống đầy đủ, “ có điều vì bị giam chung với những người tù Thái Lan mà họ lại xâm đầy trên mình họ nhìn thấy ớn” .
Ra khơi hai ngày không lưới được cá, chẳng lẽ về không, thôi thì mạnh ai nấy đi, lái đại qua Vinh Thái Lan, biết là mình đi bậy chớ, đi câu trộm mực của người ta mà...bị mùa này mực ở Việt Nam hút, mực trong vinh Thái Lan nhiều và bự hơn
Ngư dân
Hai ngư dân này lại khóc khi Thanh Trúc chào từ giã, hỏi rằng có cách gì giúp tụi tôi mau được về không. Đó là những giờ phút cảm động và ngậm ngùi ở trung tâm giam giữ Rayong.
Còn ba ngư dân nhỏ tuổi  bên Trại Giáo Dưỡng Thanh Thiếu Niên Rayong thì sao. Vẫn lời người thông dịch Việt Nam, bà Đa, được phép đi thăm các em cùng ngày 20, kể với Thanh Trúc có hai em 17 tuổi và một em 15 tuổi:
Đứa nhỏ đó có 12 tuổi mà nó khai nó 15 tuổi tại vì nó sợ người ta nói nó còn nhỏ quá. Vô trỏng thì khỏe lắm, không bị đánh đập gì hết, ăn uống đầy đủ nhưng mà nó buồn vậy thôi. Cái ngày ra tòa là công an điện cho em đi phiên dịch đó, sớm nhất là cũng cả tháng tại vì người ta phải chờ hồ sơ trên Bangkok đưa xuống mới xử được.
Mong gì từ đại sứ quán Việt Nam
Theo tìm hiểu của Thanh Trúc thì số tàu cá bị bắt trong Vịnh Thái Lan từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Chín là 12 chiếc tất cả. Có nghĩa là 10 chiếc ở Cà Mau và 2 chiếc khác ở Khánh Hội. Ngoài ông Huốc và ông Bình, tên của các chủ tàu khác mà Thanh Trúc có thể nói được là ông Thành,  ông Tân,  ông Hải,  ông Tao,  ông Vũ , ông Gọi và  ông Phao.
Tới lúc này thủ tục hoàn chỉnh hồ sơ chưa kết thúc, chưa thể biết số tiền phạt đối với ngư dân đánh bắt mực trái phép trong hải phận Thái Lan là bao nhiêu, nhưng điều chắc chắn là chủ tàu sẽ bị phạt nặng hơn người đi bạn.
Ông Phạm Minh Tuấn, chuyên trách bảo hộ công dân trong bộ phận lãnh sự của đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, đã lên trại giam Rayong thăm hỏi tình hình và gặp một vài ngư dân bị bắt:
Đại sứ quán đã có động thái đầu tiên là xuống thăm các ngư dân trong trại giam rồi là liên hệ với cảnh sát đề nắm tình hình cái hướng xử lý của họ như thế nào.
Hiện nay hồ sơ xét xử các ngư dân đang được cảnh sát hoàn thiện trong thời gian khoảng một tháng. Sau khi ra tòa rồi mỗi ngư dân bị phán xử tù bao nhiêu tháng và bị pht tiền bao nhiêu đến thời điểm đó mới biết được.
Hiện nay hồ sơ xét xử các ngư dân đang được cảnh sát hoàn thiện trong thời gian khoảng một tháng. Sau khi ra tòa rồi mỗi ngư dân bị phán xử tù bao nhiêu tháng và bị phạt tiền bao nhiêu đến thời điểm đó mới biết được
Ông Phạm Minh Tuấn
Sau đó, theo luật Thái Lan, thời gian họ tính trong trại giam  mỗi ngày là 200 Baht, cứ thế mà nhân lên thì nếu người nào có tiền nộp phạt đầy đủ họ sẽ cho ra sớm. Sau khi tòa phán quyết và biết được cái hướng ngư dân nào có điều kiện để chuộc thì có thể liên hệ với tòa án để làm thủ  tục đó. Thế còn hiện nay thì chúng tôi chưa biết vì chưa có thông  tin chính thức ở Thái Lan về chuyện chuộc người về.
Đã có một vài thông tin bên lề, ông Pham Minh Tuấn cảnh báo, về chuyện có người liên hệ với thân nhân ở Việt Nam, nói rằng cứ đưa cho họ hai mươi sáu triệu đồng để họ giúp cho người bị bắt ở Rayong được về trong vòng mười ngày:
Thứ nhất đây là thông tin không chính thức và nó liên quan đến cái tiêu cực của đường giây làm môi giới. Cái đó thì ngoài tầm kiểm soát của đại sứ quán. Có thể trước đây có một số vụ, một số người nắm được liên hệ với tòa án bên Thái Lan , thì họ đứng ra làm những vụ đó.
Thực tế những vụ như thế này cũng gây ra nhiều vấn đề bất cập, chẳng hạn giá cả họ làm thêm lên, rồi có trường hợp bị lừa chẳng hạn. Còn việc chuộc người theo tiền theo luật của Thái Lan thì nó rõ ràng, khi tòa đã tuyên án thì mọi người có thể thông qua đường chính thức của đại sứ quán và chúng tôi sẽ liên hệ với tòa án, để giúp đại diện ngư dân sang nộp tiền đưa người thân về nước. Ngoài ra những đường khác thì chúng tôi không đảm bảo.
Có gì cũng thông qua đài coi như có thông tin để gia đình thân nhân của người bị bắt biết được tin chính thức vụ việc như vậy.
Cần biết đây không phải lần đầu tiên mà tàu cá và ngư dân Việt bị bắt khi xâm nhập vùng biển Thái Lan, nhưng đây là lần bắt giữ đông người nhất qua một cuộc hành quân qui mô của hải quân Hoàng Gia Thái Lan.
Rời trung tâm giam giữ Rayong, Thanh Trúc xuống  tỉnh Chonburi, nơi xuất phát cuộc hành quân vừa nói đúng hai tuần trước, hiểu thêm được những khía cạnh và chi tiết phức tạp liên quan đến vấn đề ngư dân cũng như  tàu cá Việt Nam  xâm nhập vùng biển  Thái Lan trước giờ như thế nào.  Đây là đề tài tiếp theo của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi.

Không có nhận xét nào: