AICHR: Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN không phải là luật
Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2012-10-23
Tại thủ đô Phnom Penh, sáng ngày 23/10, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) đã tổ chức cuộc họp báo công bố chính thức trang mạng AICHR và cuốn sổ thông tin về các hoạt động của AICHR.
Do ASEAN soạn thảo
AICHR lên tiếng đảm bảo quyền tự do cơ bản của hơn 600 triệu dân trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN.
Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) ông Om Yentieng tuyên bố rằng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN (AHRD) là văn kiện chính trị chứ không phải văn bản pháp luật.
Ông phát biểu như trên sau khi các tổ chức nhân quyền từ 10 nước cho rằng quyền lực của AICHR bị giới hạn, và sẽ không thể giải quyết các hoạt động vi phạm nhân quyền đang xảy ra ở các nước trong khối ASEAN.
Ông Om Yentieng cho biết Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN là những văn kiện chính trị bày tỏ ý chí quyết tâm của chính phủ các nước ASEAN. Trước hết, Tuyên ngôn này cho thấy sự thống nhất của giới lãnh đạo trong khối ASEAN. Tiếp theo, chính phủ các nước ASEAN sẽ chuẩn bị và ký kết một số Công ước mang tính ràng buộc các thành viên phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản của khoảng 600 triệu dân trong khu vực ASEAN.
Bản soạn thảo này có sự tham gia của giới lãnh đạo 10 nước ASEAN. Trong đó, chúng tôi cũng học được nhiều về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam như quyền phụ nữ, trại giam…
Tiến sĩ Om Yentieng
Tiến sĩ Om Yentieng phát biểu: “Chúng tôi là đại diện chính phủ chịu trách nhiệm soạn thảo bản Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN. Khi lãnh đạo của chúng tôi chưa thấy văn bản chính thì các tổ chức phi chính đòi có trong tay. Thực tế, một số tổ chức ngoài chính phủ cũng có tham gia tư vấn với chúng tôi. Họ biết rất rõ về nội dung của bản Tuyên ngôn sẽ được thống nhất vào tháng 11 tới.
Cho đến giờ này, chúng tôi tin rằng họ đều có bản soạn thảo trong tay. Bản soạn thảo này có sự tham gia của giới lãnh đạo 10 nước ASEAN. Trong đó, chúng tôi cũng học được nhiều về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam như quyền phụ nữ, trại giam…”
AICHR được thành lập vào năm 2009 nhằm soạn thảo bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN. Các hoạt động của AICHR bao gồm thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của nhân dân các nước ASEAN. Bảo vệ quyền của người dân ASEAN được sống trong hòa bình, tôn trọng và thịnh vượng. Góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của ASEAN như đã nêu trong Hiến chương ASEAN nhằm thúc đẩy ổn định và hòa hợp trong khu vực.
Không đạt chuẩn quốc tế?
Ông Suon Sareth, Trưởng Ban Thư ký của Uỷ ban hành động vì Nhân quyền Campuchia (CHRAC) đại diện cho các tổ chức NGOs phát biểu trong diễn đàn tăng cường hoạt động bảo vệ nhân quyền ASEAN diễn ra cùng ngày rằng các tổ chức NGOs ASEAN rất thất vọng sau khi biết nội dung của bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi nào bản Tuyên ngôn không có tính ràng buộc, không buộc chính phủ các nước phải thực hiện thì các Công ước đính kèm sau này cũng ít có giá trị. Ông Suon Sareth nói:
“Chúng tôi ra bản tuyên bố chung và đề nghị AICHR cần sửa đổi dự thảo nhằm tạo thêm tính ràng buộc trong bản Tuyên ngôn. AICHR phải làm thế nào để có nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền thực tế hơn và có quyền mở một cuộc điều tra.”
Ông Rafendi Djamin, nguyên Chủ tịch AICHR của Indonesia phát biểu mọi lời chỉ trích hay quan ngại của các tổ chức dân sự ASEAN cho thấy họ mong muốn ASEAN có một bản Tuyên ngôn Nhân quyền hoàn chỉnh. Điều đó, AICHR đã nỗ lực làm từ trước đến nay. Ông cho biết:
“Chúng tôi có nhận được sự tham gia tư vấn từ các tổ chức dân sự cấp quốc gia và trong khu vực. Chúng tôi lắng nghe và bổ sung thêm một số điều khoản tuy nhiên không thể sửa hoặc bổ sung tất cả ý kiến của các tổ chức dân sự. Vì đây là văn kiện chính trị chứ không phải văn bản pháp luật. Chúng tôi đã đề bản soạn thảo lên Bộ trưởng Ngoại giao và sẽ được giới lãnh đạo ASEAN thông qua vào tháng 11 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 diễn ra tại thủ đô Phnom Penh.”
Trong khi đó, ông James Heenan, đại diện văn phòng Cao ủy Nhân quyền của LHQ tại Campuchia nói với phóng viên Quốc Việt của RFA rằng bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN sẽ là một văn bản hết sức quan trọng nhằm đảm bảo và phát triển nhân quyền ở khu vực Đông Nam Á. Với điều kiện, bản tuyên ngôn vừa nói đạt tiêu chuẩn quốc tế như các tổ chức nhân quyền trong khối ASEAN đang quan tâm. Ông phát biểu:
Chúng tôi ra bản tuyên bố chung và đề nghị AICHR cần sửa đổi dự thảo nhằm tạo thêm tính ràng buộc trong bản Tuyên ngôn.
Ông Suon Sareth
“Tôi nghĩ rằng bản Tuyên ngôn này rất quan trọng, đặc biệt là các điều khoảng trong bản Tuyên ngôn để đảm bảo quyền công dân trong khu vực Đông Nam Á. Cho đến bây giờ, bản soạn thảo vẫn được giữ kín. Chúng ta hãy chờ xem bản Tuyên ngôn sau khi ra đời có giống như AICHR nói hay không, trong khi các nhà chức trách ASEAN cũng khẳng định bản Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN không có giá trị thấp hơn Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.”
Theo Chủ tịch AICHR, trong ba năm qua, AICHR đã đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề nâng cao và bảo vệ nhân quyền trong khu vực Đông Nam Á. Các đề tài mà AICHR quan tâm nhiều nhất là nhân quyền và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; nhân quyền và lao động di cư và quyền sống hòa bình.
Trang mạng www.aichr.org sẽ cung cấp các hoạt động và những thông tin nhân dân ASEAN cần biết. AICHR sẽ chuẩn bị và trình một kế hoạch làm việc gồm các chương trình và hành động với ngân sách dự toán trong vòng năm năm để Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN xét duyệt, dựa trên đề xuất của Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét