Dưới sự lãnh đạo của đảng ta...
Đói nghèo còn trĩu nặng
TBKTSG - Cho dù được ca ngợi là rất thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, một tỷ lệ lớn dân số Việt Nam vẫn đang sống ở dưới mức nghèo.
Bà Bùi Thị Bích Phương, 45 tuổi, chống cả hai tay vào hông để đứng lên một cách khó nhọc. Bằng một động tác nhẹ nhàng như để tránh làm đau lưng luôn bị ê ẩm triền miên vì lao động nặng, bà Phương đeo chiếc giỏ lên vai và cùng người con 11 tuổi bước ra khoảng sân đã phủ đầy bóng tối.
Hai mẹ con, như thường lệ, lại đi bắt cua dọc những bờ ruộng gần nhà ở xã trung du Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nếu may mắn, họ sẽ kiếm được khoảng 30.000 đồng sau ba giờ làm việc, bổ sung cho số tiền vỏn vẹn 50.000 đồng mà bà Phương có được trong ngày từ việc mót than vụn tại mỏ than Mỏ Mễ gần nhà.
“Tôi làm việc quần quật mà không đủ sống”, bà nói giọng đầy vẻ cam chịu, rồi cùng con đi ra phía bờ ruộng.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, đã bày tỏ quan ngại về tình trạng đói nghèo gia tăng khi gặp đại diện Chính phủ tại phiên họp giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức tại Hà Tĩnh tháng 6 vừa qua. Bà nói: “Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam vài năm gần đây đã chậm lại, trong khi nhiều rủi ro mới nổi lên, gắn với những biến động của nền kinh tế toàn cầu, tình hình bất ổn vĩ mô và tăng trưởng đình đốn”. |
Với thu nhập hàng tháng khoảng 2 triệu đồng từ những công việc nặng nhọc và không ổn định này, bà Phương khó mà duy trì cuộc sống tối thiểu cho mình và hai người con đang đi học. Mức thu nhập mà một người cần có để duy trì mức sống tối thiểu bao gồm lương thực, thực phẩm, đi lại và nuôi một người con ở tỉnh Thái Nguyên vào khoảng 3,28 triệu đồng, theo Vụ Thống kê xã hội và môi trường, Tổng cục Thống kê. “Tôi ăn còn chưa đủ, nghĩ gì đến dành dụm lo cho tuổi già”, bà Phương nói.
Trong khi đó, những người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước cũng không tránh khỏi tình trạng eo hẹp. Theo ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ, cho đến tháng 5-2012, mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 400% so với mức của năm 2003.
“Mức lương tối thiểu này mới chỉ đáp ứng vỏn vẹn 37,5% nhu cầu tối thiểu”, ông nói. Theo ông Cường, mức lương tối thiểu thấp dẫn đến các mức lương trong ngạch, bậc lương thấp theo. Tính cả 25% phụ cấp công vụ từ tháng 5-2012 thì công chức mới tốt nghiệp đại học có tiền lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với khu vực thị trường.
Báo cáo đánh giá nghèo đói năm 2012 mà Ngân hàng Thế giới đang chuẩn bị phát hành sử dụng chuẩn nghèo mới là 653.000 đồng/người/tháng, tương đương 2,24 đô la Mỹ/người/ngày, tính theo sức mua tương đương năm 2005. Với chuẩn này, ước tính sẽ có tới khoảng 20,7% dân số Việt Nam thuộc diện nghèo đói, gấp đôi so với con số mà Chính phủ công bố gần đây. Số liệu về đói nghèo theo chuẩn mới của Ngân hàng Thế giới cũng tương đồng với tính toán của Vụ Lao động - Văn hóa và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo vụ này, hiện có gần 4,8 triệu hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 22% số hộ cả nước. Đây là những hộ nghèo có mức bình quân dưới 400.000 đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn; và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị căn cứ theo tiêu chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 ban hành đầu năm ngoái. Như vậy, mức sống của những hộ gia đình này còn lâu mới theo kịp mức sống tối thiểu từ khoảng 1,79-4,34 triệu đồng áp dụng cho bốn vùng trên toàn quốc năm 2012, theo tính toán của ông Nguyễn Thế Quân, Vụ phó Vụ Thống kê xã hội và môi trường, Tổng cục Thống kê. |
Tổ chức Oxfam Anh phối hợp với Action Aid quốc tế tại Việt Nam tiến hành một cuộc khảo sát trong suốt thời gian từ năm 2007-2011, giai đoạn mà nền kinh tế đối mặt với lạm phát tăng cao. Khảo sát cho biết, có gần hai trong số năm người được hỏi khẳng định là không thấy hoặc không chắc là cuộc sống họ có sự thay đổi, và có tới 9% còn cho rằng cuộc sống của họ còn “kém đi” trong năm năm vừa qua.
Ngoài ra, có tới 16% số người tham gia khảo sát vẫn thiếu lương thực đến gần năm tháng/năm; trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao: cứ bốn em lại có một em suy dinh dưỡng; 42% gia đình vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch; cứ bốn trong năm gia đình không có nhà vệ sinh hoặc chỉ có nhà vệ sinh tạm bợ...
Tóm tắt kết quả cuộc khảo sát quy mô lớn này, bà Lê Kim Dung, Trưởng đại diện Tổ chức Oxfam Anh, nói: “Nghèo “kinh niên” ngày càng rõ hơn, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số. Những người sống ở mức cận nghèo dễ bị tái nghèo do lạm phát cao, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai và dịch bệnh. Đây cũng chính là những rủi ro cả cũ và mới, là thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam”.
Khó khăn lớn nhất trong số những người nhận lương từ Nhà nước phải kể đến những người về hưu. Một khảo sát của Viện Khoa học bảo hiểm xã hội với 2.000 người về hưu tại tám tỉnh cho thấy kết quả này.
Khảo sát cho biết, chỉ có 6,4% người về hưu cho rằng mức lương hưu hiện nay là đủ sống; 42,7% cho rằng tạm đủ, còn lại trên 50% cho rằng mức lương hưu hiện tại là khó khăn hoặc rất khó khăn trong cuộc sống. Nguồn bổ sung chính cho các nguồn chi tiêu của họ là dựa vào con cái, chiếm tỷ lệ 42%; tiếp đến là nguồn thu nhập từ đi làm thêm, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 30%. Trong khi đó, nguồn bổ sung lương hưu dựa vào tiết kiệm từ quá trình tích lũy trước khi nghỉ hưu chỉ có 12,3%.
Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ có trên 100.000 người tính tới năm 2011. Tỷ lệ này rõ ràng là vô cùng thấp xét quy mô dân số Việt Nam.
Còn với người phụ nữ tên Phương ở Thái Nguyên, việc tham gia chương trình này vẫn là điều xa lạ. Hàng ngày, bà vẫn phải mót than và bắt cua để kiếm sống và nuôi hai người con của mình.“Cuộc đời tôi cứ mong mãi một ngày vui, để mong tiếp một tháng vui, thế mà khó quá”, bà nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét