26.10.12


Mẹ tôi đi bầu cử tổng thống Mỹ

Cập nhật: 15:49 GMT - thứ sáu, 26 tháng 10, 2012
Bầu cử 2012 cũng được cả mẹ đẻ và mẹ vợ tôi chú ý vì là lần đầu tiên tham gia bầu cử ở Mỹ.

Bà cụ Việt Nam quan tâm đến bầu cử năm nay và muốn bỏ cho ông 'Ôi ba má'
Mẹ tôi không biết tiếng Anh nhưng hàng ngày có báo tiếng Việt để đọc và sinh hoạt với đồng hương cao niên trong khu vực nên bà cũng tỏ ra hiểu biết về chọn lựa của mình.
Hai mươi năm trước bố mẹ tôi qua Mỹ đoàn tụ cùng các con.
'Ôi ba má'
Ở Mỹ được đúng năm năm mẹ cũng chuẩn bị thi vào quốc tịch. Không biết tiếng Anh nhưng bà rất cương quyết, đòi đi học lớp luyện thi quốc tịch do nhà thờ tổ chức cho người di dân.
Ngày ở quê nhà mẹ học hết lớp ba, đủ để đọc và viết tiếng Việt, cuộc đời buôn bán ở chợ. Qua đây vài năm tiếng Anh cũng chỉ biết “Good Morning” với “Thank you”.
Đi học về các con cũng hỏi xem mẹ có hiểu gì không thì mẹ trả lời nghe tai nọ lọt qua tai kia. Nhưng mẹ không bỏ cuộc, không vắng mặt buổi học nào.
Hỏi mẹ sao già rồi mà phải cực nhọc học hành gì nữa, mẹ nói:
“Người già ở đây được chính phủ lo cho mọi thứ. Sướng như thế. Chỉ việc học thôi mà nhiều người cũng lười. Mẹ chỉ muốn học để thành công dân Mỹ.”
Từ ngày ở quê nhà, với các con và giờ với các cháu mẹ luôn khuyên phải chăm học.
Mẹ thường nói: “Có học mới nên người.”
Dư đồng nào, nghe cháu nào học giỏi là mẹ gửi cho để khuyến khích.
"Ở đây muốn đi đâu thì đi, muốn đến nhà ai đọc kinh thì đến, chẳng phải xin phép, chẳng ai hạch hỏi như ở Việt Nam"
Học xong lớp quốc tịch, chúng tôi nộp đơn cho mẹ đi thi. Ngày thi mẹ bảo ông chánh án nói gì nghe ù ù cạc cạc chẳng hiểu. Thi rớt hai lần mẹ mới chịu chờ đủ điều kiện để thi quốc tịch bằng tiếng Việt.
Luật di trú Hoa Kỳ cho phép những thường trú nhân trên 65 tuổi và đã ở Mỹ trên 15 năm được thi vào quốc tịch bằng tiếng mẹ đẻ.
Lần thi tiếng Việt các con giúp mẹ học thi ở nhà. Một trăm câu hỏi được nhiều người Việt chuyền tay nhau học thì mẹ cũng có một bản. Lâu lâu chúng tôi hỏi mẹ một vài câu căn bản như ai là tổng thống Mỹ đầu tiên, ai là nghị sĩ, dân biểu của địa phương.
Bà Boxer, nghị sĩ liên bang của California, thì mẹ nói cứ nhớ “Bóc sơ” mít là được rồi. Tổng thống Obama được mẹ gọi là “Ôi ba má”. Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là “Hoa xinh tợn”.
Năm 2009 mẹ đi thi quốc tịch Mỹ bằng tiếng Việt và đậu ngay. Khi đó mẹ đã 79 tuổi và Barack Obama cũng vừa lên làm lãnh đạo Hoa Kỳ.
Trong gói kích cầu đầu tiên với hơn 800 tỉ đô-la do Tổng thống Obama ban hành, những người già cũng nhận được một lần 250 đô-la trợ cấp thêm.
Được đi bỏ phiếu, mẹ nói sẽ chọn Obama vì ông ấy “thương và giúp đỡ người nghèo”. Với lá phiếu bằng tiếng Việt, mẹ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc chọn người lãnh đạo cho nước Mỹ.
Hỏi về kinh nghiệm tham gia bầu cử trong quá khứ, mẹ kể:
“Ngày xưa ở quê nhà đã nhiều lần bầu cho ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu. Sau đất nước thống nhất thì bầu cho mấy linh mục Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ.”

Ông Obama luôn đặt nhiều hy vọng vào lá phiếu của các sắc tộc thiểu số tại Mỹ
Trong những dịp gia đình quây quần, các con hỏi mẹ thích gì nhất ở nước Mỹ.
Mẹ nói: “Ở đây muốn đi đâu thì đi, muốn đến nhà ai đọc kinh thì đến, chẳng phải xin phép, chẳng ai hạch hỏi như ở Việt Nam.”
Bây giờ sống ở Mỹ, được hưởng các phúc lợi xã hội, y tế, được bầu chọn lãnh đạo, mẹ nói: “Nhập gia tùy tục. Sống ở đâu tham gia sinh hoạt ở đó”.
Cả hai nhà quan tâm
Kỳ bầu cử năm nay không chỉ có mẹ tôi ủng hộ Obama mà mẹ vợ cũng đồng lòng ủng hộ Tổng thống Obama thêm một nhiệm kỳ nữa.
Trong khi đó cậu em của nhà tôi, một kỹ sư xây dựng sống ở San Jose, thì chọn Mitt Romney vì “bốn năm năm qua Obama chỉ nói nhiều, làm chẳng được bao nhiêu."
Gia đình người em, hai vợ chồng đều có việc làm nhưng căn nhà họ đang sống, mua cách đây mười năm, hiện trong tình trạng xuống giá thấp hơn số tiền nợ ngân hàng.
Vì có việc làm nên gia đình không được chính phủ giúp đỡ tài chính qua việc tái cấu trúc các khoản nợ.
Anh muốn thay đổi lãnh đạo, với chính sách mới hy vọng nhiều người có việc làm, có khả năng mua nhà để đẩy thị trường địa ốc lên lại, giá nhà mới phục hồi.
Người trẻ nhất trong gia đình sẽ tham gia sinh hoạt bầu cử năm nay là con gái của tôi.
Đang học lớp 12, tuy chưa đủ 18 tuổi để có thể bầu chọn, nhưng cháu sẽ làm việc tại địa điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử 6/11.
Đây là bài học thực hành của lớp cháu đang học về tổ chức công quyền Mỹ trong giáo trình bậc trung học.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, người hiện dạy đại học cộng đồng và viết báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco.

THÊM VỀ TIN NÀY

Không có nhận xét nào: