Muốn Vượt Thắng Cộng Sản, Phải Thực Thi Công Lý, Bảo Trọng Công Bằng, Đạo Đức và Lẽ Phải
Lưu Nguyễn Đạt, TS, LS
October 9, 20124 B�nh Luận
October 9, 20124 B�nh Luận
I. Cộng Sản Đảo Ngược Công Lý, Hủy Diệt Công Bằng, Đạo Đức và Lẽ Phải
Công lý là một khái niệm chính trực bảo trọng và ứng dụng luật pháp, công bằng, đạo lý và lẽ phải. Công lý thuộc loại nhu cầu bẩm sinh, như những phản ứng tự nhiên, hợp lý, tương ứng. Công lý phát hiện qua tư cách đối tác hay xét xử một cách chính đáng, vô tư căn cứ vào những quy tắc dẫn thượng.
Tuy nhiên, Cộng Sản Việt Nam [CSVN] trong quá khứ và hiện tại luôn luôn nguỵ tạo luật pháp, đảo ngược công lý, hủy diệt công bằng, đạo đức và lẽ phải:
- Đối với Hồ Chí Minh và các thành viên cộng sản, cứu cánh biện minh cho phương tiện, kể cả các thủ đoạn đê hèn nhất. Cái dã tâm là cứu cánh của họ không có mục đích chính đáng, phục vụ dân tộc, xây dựng công lý, ứng dụng công bằng xã hội mà chỉ cốt phỉnh gạt, lừa lọc, gây tội ác để củng cố đảng phiệt và bao che chế độ cộng sản của họ, hầu duy trì quyền lợi cho khối cộng sản chuyên chính quốc tế Nga-Tàu, dù phải làm thiệt hại cho dân tộc Việt Nam.
- Chế độ CSVN đã tung ra những chiến dịch nuôi dưỡng thù hận, đấu tranh giai cấp, đấu tố tư sản, “cải cách ruộng đất” trên khắp miền Bắc; đã thảm sát tập thể khoảng hai trăm ngàn người dân, quy vào thành phần địa chủ và phú nông, rập khuôn theo mưu đồ “vô sản hoá” của Nga Xô và Trung Cộng, chứ không hề căn cứ vào bất cứ nguyên tắc công lý chính trực, thủ tục xét xử công minh nào.
- Để thực hiện chính sách độc tài chuyên chính, sau khi chiếm được chính quyền tại Miền Bắc vào năm 1954, Hồ Chí Minh đã bê nguyên cái mô hình “hoc tập cải tạo” của Mao Trạch Đông từ Trung Cộng vào Miền Bắc Việt Nam. Đây là một kế hoạch nằm trong chính sách giết người có chủ đích, có tính toán dưới cái chiêu bài giả hiệu là “cải tạo” những người chống đối chủ nghĩa xã hội để biến họ thành nô dân của nước xã hội chủ nghĩa. Với kế hoạch “cải tạo giết người” này, Hồ Chí Minh đã ra lệnh thủ tiêu 850 ngàn người dân Miền Bắc trong những cái gọi là “trại học tập cải tạo” theo Nghị Quyết mang số 49-NQTVQH ngày 20/06/1961, áp dụng trong toàn nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
- Tương tự, ngay sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Chế độ CSVN đã tiếp tục thi hành kế hoạch bỏ tù cả triệu quân cán chính của phe Quốc Gia bại trận, vừa thủ tiêu vừa phi tang hài cốt của 165 ngàn quân, cán, chính VNCH trong 150 “trại tù cải tạo” trên toàn cõi Việt Nam.
- Chế độ CSVN tới ngày nay vẫn truy tố và tiếp tục bỏ tù bất cứ ai dám bày tỏ bất đồng chính kiến, hay can đảm chỉ trích những sai quấy, thối nát của họ. Họ chỉ cần phù phép nêu lên những luật lệ mơ hồ, vô căn cứ như điều 79 hay điều 88 Luật hình sự Việt Nam để vu khống, buộc tội và trừng phạt vô số bị can với những bản án định sẵn, do Đảng chỉ thị. Viện Kiểm sát và Toà án nhân dân sẵn sàng “thụ lệnh”, chứ không thụ lý.
- Như vậy công lý và công bằng, đạo lý và lẽ phải không hề hội nhập với chế độ Cộng Sản Việt Nam [CSVN], dù ngày nay chế độ này đang mánh mung núp dưới bóng Nhà Nước Pháp Quyền Xã hội Chủ Nghĩa (NNPQXHCN).
II. CSVN và Nhà Nước Pháp Quyền Xã hội Chủ Nghĩa (NNPQXHCN)
Trong bài lý luận “Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Một Số Vấn Đề Lý Luận Và Thực Tiễn”,[1] GS. VS. Nguyễn Duy Quí nhận thức:
1. Nhà nước pháp quyền là giá trị phổ biến, là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ… Trong nhận thức lý luận cũng như trong thực tiễn, có nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
2. Đối với Việt Nam, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền đang được đặt ra như một tất yếu lịch sử và tất yếu khách quan
3. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta là một nhà nước vừa phải thể hiện được các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền đã được xác định trong lý luận và thực tiễn của một chế độ dân chủ hiện đại, vừa phải khẳng định được bản sắc, đặc điểm của riêng mình.
Vậy, căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam [1992, sửa đổi 2001], Điều 4 xác định rõ rệt:
- “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…”
Bất cứ ai, nếu minh mẫn, không thiên vị, đều phải thấy những bất cập, sai lầm do Điều 4 gây ra:
- Điều 4 Hiến pháp 1992 đặt Đảng vào vị thế siêu quyền lực.
- Trước đó, điều 4 Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1992 xây dựng trên cơ sở điều 4 Hiến pháp 1980, chỉ bỏ đi từ “duy nhất” sau khi chủ nghĩa cộng sản Đông Âu sụp đổ, nhưng không vì thế mà làm giảm đi siêu quyền lực của đảng CSVN.
- Việc quy định quyền lãnh đạo của Đảng trong hiến pháp tất nhiên tạo ảnh hưởng đến các điều khoản khác trong hiến pháp, cũng như các luật lệ ban hành sau đó. Có thể nói hầu hết các điều trong Hiến pháp đều bị điều 4 chi phối, nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng vẫn là tối thượng.
- Kể cả ngành tư pháp cũng do Đảng chỉ định, bổ nhiệm, kiểm soát, qua vai vế Quốc hội. Và mỗi khi Viện Kiểm sát truy tố và Toà án nhân dân xét xử là Đảng CSVN cũng đã ra chỉ thị tiên quyết về bản án, như trong vụ xét xử LS Lê Công Định, LS Cù Huy Hà Vũ, và gần đây các bloggers độc lập — anh Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày bị 12 năm tù giam và 5 năm quản chế. Cô Tạ Phong Tần bị 10 năm tù giam và 5 năm quản chế. Anh Phan Thanh Hải tức blogger AnhbaSg bị 4 năm giam và 3 năm quản chế. Tất cả đều bị xử với tội danh do Viện kiểm sát áp đặt là “Tuyên truyền chống nhà nước” theo khoản 2 điều 88.
- Còn khi Đảng sai lầm, phạm pháp, tham nhũng như trong các vụ đặc nhượng khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, bán rừng, buôn lậu gỗ, và cả những vụ tầy trời như lạm dụng công quỹ trong vụ Vinashin vỡ nợ hơn 4 tỷ Mỹ kim, hay Vụ tham nhũng RBA/Securency về tội danh đưa hối lộ số tiền lên tới $17 triệu Mỹ kim thông qua môi giới liên can tới Lương Ngọc Anh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng v.v. thì lại không bị chế tài theo thủ tục pháp định mà chỉ kiểm thảo theo cương lĩnh Đảng.
Hiến pháp Việt Nam, nền móng của luật pháp ở Việt Nam hiển nhiên nằm dưới Cương lĩnh và vòng kiềm toả của Đảng CSVN. Vậy, khi “Pháp Quyền” chỉ có nghĩa là “cai trị bằng luật”, dưới vòng kiểm soát của Đảng CSVN, thì:
[1] chế độ cộng sản của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ cố tình tạo dựng một nền dân chủ nguỵ tạo hay “mạo danh dân chủ”;[2]
[2] và Nhà Nước Pháp Quyền Xã hội Chủ Nghĩa chỉ là một mạo nhận xảo trá của nguyên tắc “Rule of Law”,[3] mà Nhà nước CSVN tìm cách “nhái” theo, để bịt mắt lừa thiên hạ. Do đó, luật rừng của chế độ CSVN cũng chỉ là một hiện tượng mánh mung, giễu cợt công lý mà thôi.[4]
Thật vậy, thuật ngữ “Rule of Law” của hệ thống “dân chủ tư bản”[1] Anh Mỹ [chuyển địch sang Việt ngữ là “Pháp Trị” hay “Thượng Tôn Luật Pháp”][5] là một châm ngôn pháp lý[6] có tác dụng hướng dẫn như một nguyên tắc cai trị và xử lý để xác định rằng:
- Không ai đứng trên pháp luật;
- Không ai bị nhà nước trừng trị, nếu không vi phạm pháp luật;
- Không ai bị xét xử về một tội trạng ngoài phạm vi và thủ tục xét xử về tội danh đó.
Ngắn gọn, chế độ Pháp trị chủ trương bất cứ ai, kể cả cấp lãnh đạo, người có quyền hành, và mọi công dân trong nước đều phải tôn trọng và thi hành luật pháp một cách đích thực, chính đáng.
Trong năm 1959, có tất cả 185 luật gia gồm thẩm phán, luật sư, giáo sư luật học, đã họp mặt tại New Delhi dưới danh xưng “International Commission of Jurists” [Ủy Ban Quốc tế Luật gia] để xác định những nguyên tắc chính của “Pháp trị”/Rule of Law như sau:
- Ngành tư pháp độc lập;
- bị can được tiên đoán vô tội[7]
- xét xử công minh, không chậm trễ;
- hình phạt tương xứng, không quá mức;
- công bằng trước pháp luật;
- mọi hình thức tầm nã, bắt giữ trái phép; giam cầm vô hạn định; xét xử bí mật; hình phạt quá đáng, độc ác; doạ nạt, mua chuộc thẩm đoàn, v.v. đều bất khả chấp.
- Pháp trị đặt nền móng công minh, trong sáng, ứng dụng cho mọi trường hợp, mọi công dân, vừa để xét xử nội vụ đúng cách, vừa để bảo vệ nhân cách của mọi bị can đem xét xử.
Để thực thi,
- định nghĩa “Pháp trị” theo hình thức bao gồm những thủ tục pháp lý chuẩn mực phù hợp với cơ cấu pháp quy đem thi hành một cách chính trực, công bằng, hợp lý.[8]
- Còn định nghĩa “Pháp trị” theo nội dung cho phép ứng dụng pháp luật ở những khía cạnh phụ thuộc, trong phạm vị pháp định, đối với từng trường hợp liên can. Do đó, xét về nội dung, một đạo luật bất công, thiếu công minh [unjust law] không đáng gọi là luật, nên không thể thi hành.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc định nghĩa Pháp Trị/Rule of Law như sau:
- Nguyên tắc cai trị[9] mà theo đó mọi người dân, tổ chức, pháp thể, tư cũng như công, kể cả Chính quyền, Nhà Nước, đều phải tôn trọng, thi hành một cách công minh, công bằng, phù hợp với quy tắc nhân quyền quốc tế.
- Tôn trọng ưu thế của pháp luật, trên căn bản công minh, công bằng, phân quyền xét xử và bảo trọng pháp luật, cũng như bãi bỏ mọi hình thức võ đoán, biệt đãi, kỳ thị.
III. TẠM KẾT LUẬN
Muốn thực hiện một chính thể dân chủ nhân bản chân chính, tự do và thịnh vương, giới lãnh đạo sáng suốt [hậu cộng sản] phải có can đảm vượt khỏi những bất cập, sai lầm, những tệ đoan dây chuyền của CSVN, và nhất là vứt bỏ những thủ đoạn mánh mung, xảo trá, để đủ chí khí công minh thực hiện một hệ thống tam quyền phân lập hiến định, bảo trọng dân quyền trên căn bản pháp trị chính trực, công bằng, đạo đức.
Nhờ đó, toàn dân mới tin tưởng vào thể chế tốt, hữu hiệu, để vững tâm nhập cuộc bảo vệ đất nước, xây dựng tương lai.
Trân trọng,
TS-LS Lưu Nguyễn Đạt
CHÚ THÍCH
[1] GS. VS. Nguyễn Duy Quí, “Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Một Số Vấn Đề Lý Luận Và Thực Tiễn, TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 96 NĂM 2005
[2] imposture de démocracie/imposture démocratique
[3] The rule of law has been considered as one of the key dimensions that determine the quality and good governance of a country. Research, like the Worldwide Governance Indicators, defines the rule of law as: “the extent to which agents have confidence and abide by the rules of society, and in particular the quality of contract enforcement, the police and the courts, as well as the likelihood of crime or violence.” Based on this definition the Worldwide Governance Indicators project has developed aggregate measurements for the rule of law in more than 200 countries.
[4] A mockery of justice — A false, derisive, or impudent imitation: “The trial was a mockery of justice”.
[5] “Thượng Tôn Luật Pháp”/Supremacy of Law
[6] legal maxim
[7] presumption of innocence
[8] due process
[9] principle of governance
4 Comments »