19.11.12

Chuyến công du lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ



2012-11-19
Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama đến Miến Điện trong một chuyến đi lịch sử mang nhiều ý nghĩa, với nhiều diễn tiến đáng chú ý. Những điều mà Tổng thống Hoa Kỳ muốn nhắn gửi với người dân Miến Điện và thế giới không phải ở cuộc hội kiến với Tổng thống Thein Sein, mà ở buổi nói chuyện tại trường đại học Yangon.

Ngay sau khi rời con đường trải thảm đỏ dành cho quốc khách tại phi trường Yangon, Tổng thống Obama đã kêu gọi nhà lãnh đạo Miến Điện, Tổng thống Thein Sein, đẩy nhanh tốc độ cuộc đổi mới mà ông gọi là “đáng chú ý”.

Trường đại học Yangon mới là nơi Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền cũng như người dân Miến Điện mạnh dạn tiến bước trên con đường đồi mới theo chiều hướng dân chủ.

Các thành phần dân chúng Miến Điện hết sức hoan nghênh Tổng thống Mỹ về việc đã đến Yangon mà không tới Nyaypitaw, thủ đô chính trị. Và cuộc nói chuyện tại đại học Yangon càng được hoan nghênh hơn vì đó là nơi đầy những chứng tích và ký ức về những cuộc cách mạng độc lập và dân chủ đối với nhiều người dân Miến.

Thành phần cử tọa đa dạng chưa từng thấy trong những cuộc tụ họp chung tại xứ Miến. Sinh viên, người hoạt động chính trị, đại biểu quốc hội, cựu tướng lãnh, đại biểu các cộng đồng sắc tộc, cùng hòa đồng với nhau trong mấy tiếng đồng hồ. Họ nghe nhạc jazz trong khi chờ Tổng thống Mỹ đến. Tất cả mọi người đều phải qua cửa khám xét an minh, bất kể đó là tướng lãnh hay dân biểu. Không có chỗ dành riêng cho các nhân vật quan trọng. Cuộc tập trung gây ngạc nhiên cho nhiều người trong xã hội Miến Điện, là một xã hội lâu nay vẫn phân cấp trong tôn ti trật tự.

Với những lời lẽ khiêm tốn gây xúc động, Tổng thống Barrack Obama nói ông đến trưởng đại học này vì sự kính trọng đối với một cơ sở gắn liền với những nhân vật và biến cố lịch sử của Miến Điện; ông nói ông đến nơi đây, trước hết vì đây là ngôi trường của nhà lập quốc Aung San, người lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập đến thành công (tuy ông bị ám sát chết ngay trước khi xứ sở được độc lập hoàn toàn.)

Tổng thống Mỹ nói tiếp, đây cũng là nơi mà cố Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Than từng học hỏi về thế giới trước khi trở thành lãnh đạo của một cơ chế đầu não thế giới. Đây cũng từng là nơi mà hằng ngàn sinh viên đã phát khởi cuộc cách mạng đòi dân chủ, và bị đàn áp đẫm máu vào năm 1988. Ông Obama không quên nhắc lại rằng Miến Điện cùng Hoa Kỳ đều từng là thuộc địa của người Anh, và đã từng giành độc lập thành công.

Tổng thống Obama nói, trong một năm rưỡi vừa qua, một sự chuyển đổi hết sức đáng chú ý đã diễn ra tại Miến Điện, một chế độ độc tài trong năm thập niên đã phải long dần móng vuốt. Cuộc hành trình nối bật những điều tốt đẹp vừa bắt đầu, nhưng vẫn còn những đoạn đường xa phải tiến tới.

Tổng thống Mỹ nói rằng hai quốc gia Hoa Kỳ,Miến Điện đã trở thành xa lạ trong những thập niên qua, nhưng nay có thể nói nước Mỹ luôn luôn đặt niềm hy vọng vào nhân dân của xứ sở này, vào những người có mặt hôm nay, những người đã tạo niềm hy vọng, và Hoa Kỳ có thể làm chứng cho lòng dũng cảm của người dân Miến Điện.

Trong một khung cảnh mà không ai có thể nghĩ tới trước đây, đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ lăn bánh giữa hàng chục ngàn người dân Miến vẫy cờ Mỹ, nhiều người hô “America”, ở hai bên những con đường của thủ phủ kinh tế văn hóa Yangon của xứ Miến, nơi đã diễn ra nhiều cuộc đàn áp đẫm máu những phong trào nổi dậy đòi dân chủ trong mấy chục năm qua.

Ông Obama cởi giày lúc vào thăm ngôi chùa Shwedagon, một ngôi chùa với thân và nóc hình xoắn ốc chạm trổ đầy vàng, kim cương, ngọc thạch, trung tâm tinh thần của Phật giáo Miến Điện.

Trước buổi nói chuyện tại đại học Yangon, Tổng thống Mỹ đã đến thăm lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tại ngôi nhà của bà cạnh chiếc hồ, nơi bà từng bị phong tỏa trong cuộc quản chế tại gia suốt nhiều năm trời. Đám đông tụ họp trên những con đường quanh đó cùng nhau hô “Obama... tự do”.

Nhà đối lập dân chủ, khôi nguyên Nobel hoà bình Aung San Suu Kyi tỏ ra thận trọng trước viễn ảnh đổi mới toàn diện. Bà nói: “Thời kỳ khó khăn nhất torng mọi cuộc chuyển đổi là khi ta cho rằng sắp thấy được thành công; người ta phải hết sức thận trọng để không bị lôi cuốn vào ảo ảnh của thành công.”

Tòa Bạch Ốc hy vọng chuyến thăm Miến Điện của Tổng thống Obama sẽ củng cố sức mạnh cho cuộc đổi mới của Tổng thống Thein Sein, nhà lãnh đạo đang phải đương đầu với sự đối kháng của thành phần bảo thủ cứng rắn chống lại những đổi thay chính trị nhanh chóng.

Nhiều thành phần trong dân chúng Miến Điện tham dự buổi nói chuyện tại đại học Yangon tỏ ra thực sự vui mừng về cuộc công du của Tổng thống Hoa Kỳ đến xứ sở của họ. Một phụ nữ sắc tộc Karen nói hai ba tháng trước bà không thể nghĩ đến một việc như hôm nay, và thông điệp được đem tới rất rõ ràng, đó là Miến Điện đang chuyển mình sang dân chủ.

Chủ tịch Hiệp hội phụ nữ khuyết tật của Miến Điện, bà Nge Nge Aye Maung, nói với nhà báo (xã hội Miến Điện) nay không còn phân cách, nhờ ông Obama. Người dân Miến đều là con người như nhau, và đó chính là nhân quyền.

Không có nhận xét nào: