7.11.12


Sự vô nghĩa của từ “hợp tác”

2012-11-06
Hợp tác với Trung Quốc tuy chỉ là ngôn từ ngoại giao nhưng Việt Nam luôn thiệt thòi ngay cả trong những hoạt động nhỏ bé bình thường nhất.
AFP photo
Từ trái qua: Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN +3 tại Hà Nội hôm 29/10/2010
Vấn đề đặt ra không phải ở chỗ nên hay không nên hợp tác nhưng hợp tác bằng cách nào để không trở thành thất thế, một chiều.

Dưới cái bóng Trung Quốc

Sự chênh lệch về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự yếu kém của Việt Nam được Trung Quốc khai thác bằng nhiều thủ thuật, trong đó có những điều được gọi là hợp tác. Mới đây Bộ trưởng công an Trung Quốc sang thăm Việt Nam và hai bên đã có những hợp tác rất cụ thể về kinh nghiệm khống chế tội phạm chính trị hay những người bất đồng chính kiến.
Một sự hợp tác khác nhằm che bớt sức nóng của nồi lửa Biển Đông chưa lúc nào ngưng sôi tuy có tiếng là thể hiện giữa hai nước nhưng thực tế cho thấy chỉ có Hà Nội là tận tình áp dụng còn Trung Quốc có phổ biến cho dân chúng của họ về các hợp tác ấy hay không chưa bao giờ được kiểm chứng.
Mới nhất và đang bị dư luận chú ý là sự kiện hợp tác báo chí. Ông Ngô Bằng Quyền, Tổng biên tập Nhân Dân nhật báo TQ, được ông Đinh Thế Huynh, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tiếp kiến trong kế hoạch hợp tác báo chí đã tuyên bố:
"Các ấn phẩm của hai báo phải gương mẫu tuyên truyền giáo dục nhân dân về tình cảm hu nghị, chống lại những luận điệu tuyên truyền, sai trái, phá hoại sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, gây phương hại đến quan hệ hu nghị giữa hai nước, hai đảng ,và nhân dân hai nước”.
Tuyên bố hợp tác này có thể hiểu là một chiều vì không một người dân Trung Quốc nào chống đối, xỉ vả Việt Nam mà bị chế tài, bắt bớ hay thậm chí bị cảnh cáo bởi chính quyền Trung Quốc. Ngược lại khi dân chúng Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc thì hậu hoạn sẽ xảy ra.  Ông Hạ Đình Nguyên, một nhà tranh đấu có tiếng thời kỳ sinh viên trước năm 1975 cho biết nhận xét của ông về vấn đề này:
"Tôi nghĩ đây là cách tuyên truyền của phía Trung Quốc nhưng nhà nước Việt Nam không hiểu tại sao lại để ảnh hưởng một cách kỳ lạ như vậy? Tự nhiên lại đi mời người ta về để giáo dục nhân dân mình thì quá lạ. Còn nói về chuyện liên kết Chủ nghĩa xã hội thì cũng kỳ luôn vì chẳng có nước nào giống nước nào hết mà lại đi hợp tác giáo dục thì cả một sự nghịch lý, nghịch cả truyền thống. Tại sao lại để họ sang giáo dục mình?
Khi nhà nước Việt Nam ra luật biển thì họ đã bảo rằng là một trò hề lố bịch. Nhà nước mình không nói gì lại hết. Tờ báo Hoàn cầu bằng tiếng Anh của Trung Quốc cũng đã chửi bới Việt Nam vậy thì mình làm gì để giáo dục được bên kia?"

Coi thường người dân

000_Hkg7588590-250.jpg
Công an ngăn chặn người dân biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 22/7/2012. AFP photo
Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, một trí thức nhiều năm trời kiên trì với trang mạng Bauxite Việt Nam chỉ với mục đích đánh động với chính phủ và người dân cả nước về hiểm họa Trung Quốc cho biết nhận xét của ông về sự hợp tác này:
"Vấn đề là các mục tiêu hợp tác ấy trên quan điểm lợi ích nào? Nếu như lợi ích của đảng cộng sản thì mục tiêu hợp tác ấy đối với họ là hợp lý. Nhưng nếu chúng ta nhìn ở mục tiêu dân tộc, tức là mục tiêu bảo vệ lợi ích tối cao của 90 triệu người Việt Nam và bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước thì mục tiêu hợp tác đặt ra là sai lệch bởi vì lợi ích của chúng ta xét về mọi phương diện hiện nay đang không có một cái gì tương đồng với lợi ích của đảng cộng sản Trung Quốc hết.
Trong khi đảng cộng sản Trung Quốc ra sức mang chủ nghĩa bành trướng, ăn cướp đất nước ta, xâm chiếm biển đảo của chúng ta. Về phương diện kinh tế thì họ đang tìm mọi cách để làm lụn bại nền kinh tế của chúng ta. Họ cố moi móc tài nguyên của nước ta bằng mọi cách để nền kinh tế nước ta suy sụp.
Khi nhà nước Việt Nam ra luật biển thì họ đã bảo rằng là một trò hề lố bịch. Tờ báo Hoàn cầu bằng tiếng Anh của Trung Quốc cũng đã chửi bới Việt Nam vậy thì mình làm gì để giáo dục được bên kia?
Ông Hạ Đình Nguyên
Rõ ràng đối với họ mà chúng ta cứ hợp tác, nói những lời ca ngợi họ, không được phép phê phán tất cả những luận điệu điên cuồng chống phá sự vẹn toàn và tinh thần yêu nước của dân tộc ta như thế thì sự hợp tác có lợi về phía nào thì chúng ta đều đã thấy. Vì thế chúng tôi không thấy mục tiêu hợp tác như ông Đinh Thế Huynh nói không có cái gì gọi là chân lý cả."
Dư luận cho rằng ông Đinh Thế Huynh đã vượt quá giới hạn của một người làm tuyên huấn khi công khai tuyên bố “nhân dân phải được giáo dục”. Ngôn ngữ được xem là xấc xược này cộng với yếu tố Trung Quốc vốn nhạy cảm trong lòng người dân đã tạo một luồng sóng bất bình trong dư luận. Ông Hạ Đình Nguyên nguyên là chủ tịch Ủy ban tranh đấu Tổng hội sinh viên Sài Gòn chia sẻ điều mà ông cho là xúc phạm:
"Tôi nghĩ ông ấy dùng từ như thế là quá sức bậy bạ bởi vì làm sao dùng chữ giáo dục cho được? Tôi không hiều tại sao đảng lại có thể dùng chữ ấy được. Ngay cả chuyện dùng trong nước “giáo dục nhân dân” đã là tầm bậy rồi, huống chi chuyện người khác, nuớc khác đến giáo dục mình? Cho nên tôi nghĩ họ quá sức bậy bạ khi sử dụng cái từ đó".

Thái độ độc tôn nước lớn

image.jpg
Tấm bảng tuyên truyền chính sách của ĐCSVN chụp tại TPHCM hôm 29/9/2011. AFP
Ngoại giao trong thời đại toàn cầu hóa không cho phép một nước lớn khinh bỉ hay chèn ép nước nhỏ một cách lộ liễu. Bản sắc một dân tộc dù vị trí địa lý nhỏ bé tới đâu cũng có niềm kiêu hãnh riêng trong quá trình dựng nước. Ngoại giao luôn có ngôn ngữ của văn hóa, trí thức và thứ ngôn ngữ hiện đại nhất của ngoại giao là sự thông minh, sắc sảo lấy sự thuyết phục nước khác bằng cứ liệu cùng hành vi mềm mỏng chính trị làm phương châm chứ không thể bằng sự nhu nhược của những  cái cúi đầu của một nền chính trị thái thú.
Trung Quốc luôn tỏ thái độ giận dữ khi bất cứ nước nào biểu tình chống đối họ khi tranh chấp về vấn đề nào đó kể cả ngoại giao. Văn hóa độc tôn ăn sâu vào nếp nghĩ của lãnh đạo cộng với sự hãnh tiến nước lớn mới nổi khiến ngay cả dân chúng của họ cũng tỏ ra khó thể kềm chế khi nước khác phản ứng đối với thái độ sai trái của chính phủ nước họ.
Thái độ giận dữ, nạt nộ ấy tỏ ra không hiệu quả đối với những nước khác điển hình gần nhất là Philippines hay Nhật Bản. Bất kể thái độ phản ứng của Bắc Kinh, người dân Manila vẫn được phép bày tỏ sự không bằng lòng của mình trước cách hành xử thiếu thước tấc của một nước như Trung Quốc. Kết quả mà cả thế giới thấy là Trung Quốc chỉ có thể khẩu chiến chứ chưa thể tiến xa hơn trong tư thế dằng co với nước này.
Việt Nam không chấp nhận cho phép người dân biểu tình chống Trung Quốc như Philippines vì như lời ông Đinh Thế Huynh quan ngại sẽ bất lợi cho hai đảng vốn bị yếu tố Chủ Nghĩa Xã hội ràng buộc. Ông Hạ Đình Nguyên phản bác lập luận này:
"Việt Nam cứ phải đi theo đuôi ảnh hưởng của Trung Quốc. Tại sao họ làm gì thì mình phải làm theo? Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc thì đã rõ rồi và sự liên kết này không thể mang đến chuyện dân giàu nước mạnh. Tôi cứ thắc mắc tại sao có thể thấy đựơc nhưng họ không thấy mà cứ đi mãi con đường này?
Tại sao họ làm gì thì mình phải làm theo? Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc thì đã rõ rồi và sự liên kết này không thể mang đến chuyện dân giàu nước mạnh.
Ông Hạ Đình Nguyên 
Chủ nghĩa xã hội chỉ còn được nhắc đến trong những kỳ đại hội đảng của Trung Quốc còn trong dân chúng khái niệm này đã tê cứng từ lâu trong những khu vực thương mại sầm uất của các thành phố nổi tiếng, hay tại những nơi mà người nông dân không còn mấy ai tin vào chủ nghĩa xã hội sẽ kéo họ ra khỏi vũng lầy của nền nông nghiệp chưa thoát khỏi sự thô sơ, lạc hậu cố hữu.
Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn tin vào cụm từ kỳ bí này. Nó như phép mầu cứu vãn tình hữu nghị của hai dân tộc và xoa dịu luôn lòng tham chiếm cứ biển Đông của người đồng chí phương Bắc, có lẽ vì vậy mà nhiều người tin rằng mọi nỗ lực góp ý của trí thức, của những người trẻ yêu nước chẳng những không được nhà nước chú ý mà đôi khi còn gây tù tội, o ép, sách nhiễu vì đi ngược lại ý chí của lãnh đạo hai nước anh em.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: