7.11.12


Sự xâm nhập của đảng vào lề Dân

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Để hạ thủ nhau trong cuộc đấu đá nội bộ với mục tiêu tranh giành quyền lực, các cán bộ quan chức đảng và bộ hạ của phe nhóm không thể sử dụng hệ thống truyền thông chính thống của đảng. Họ phải sử dụng phương thức thông tin rò rĩ qua các trang mạng lề Dân, thế giới của những blogger độc lập đứng ngoài sự kiểm soát của đảng. Khi "công cuộc" đấu đá lên đến cao điểm, nhu cầu tố cáo, sát phạt nhau trở thành cấp bách, không thể phụ thuộc vào các trang blog khác, họ chuyển hướng và tự biến mình thành một "truyền thông blog". Đó là sự ra đời của trang Quan Làm Báo.

Những dấu ấn đáng ghi nhận của bức tranh đấu đá nội bộ xuất hiện trên các trang blog lề Dân bắt đầu trong khoảng 6 tháng trước đại hội đảng XI, 2011. Những thông tin về Trần Đại Quang khai gian tuổi tác (lúc đó Quang đang dòm ngó cái ghế bộ trưởng công an), về Hồ Đức Việt (lúc đó là Trưởng ban tổ chức trung ương đảng), về cuộc đại chiến Ba-Tư trong đó những góc tối của Vinashin... đã được rò rỉ rỏ và tung ra qua ngả lề Dân. 

Đặc điểm của hiện tượng này là sự thẩm tra thông tin, quyết định đăng bài nằm trong tay các blogger độc lập và bạn đọc có tự do nhận xét phê bình nội dung bài viết. Chính nhờ đó mà mức độ khả tín của những bài viết được đăng này tương đối chấp nhận được trong việc hé lộ một góc sự thật đằng sau sân khấu hậu trường kín bưng của nội bộ đảng. 

Những bài viết loại này không nhiều nhưng khi xuất hiện bài nào cũng được các blog phổ biến, đăng lại và nằm trong danh sách bài được đọc nhiều nhất trên các blog. Điều này đương nhiên được bộ phận an ninh phụ trách mạng lưu ý. 

Sau đại hội đảng, ai ngồi vào 14 cái ghế đỉnh cao của đảng, tứ trụ triều đình chia nhau bốn phần miếng bánh quyền lực Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch đảng, Chủ tịch Quốc hội đã được dàn xếp sau một cuộc đóng cửa sát phạt nhau và rò rỉ một chút thông tin đấu tố nhau ra bên ngoài. Bộ chính trị và Ban chấp hành TU mới được hình thành với những vết u trên đầu, vết chém trên thân của mỗi đồng chí lãnh đạo vẫn còn ung mủ. Một tập thể lãnh đạo đồng chí nhưng không đồng lòng với nhau về những quyền, lực, lợi, thế đang có. 

Cuộc chiến Ba-Tư tiếp diễn với thái độ của tân chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khác hẳn với cái bóng mờ nhạt trước đây của Nông Đức Mạnh. Phát pháo khai hỏa của ông nhắm vào Nguyễn Tấn Dũng, bắt đầu cho màn 2 của cuộc chiến Ba-Tư là phát biểu "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này..." vào ngày 7 tháng 5, 2011 khi ông tiếp xúc cử tri quận 1, Tp. HCM. 

Trong khoảng thời gian đó thì Nguyễn Tấn Dũng xây dựng trục quyền lực của mình với dàn bộ hạ thân tín Đinh La Thăng, Bùi Quang Vinh, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Văn Hưởng... Một kế hoạch PR quảng cáo và đánh bóng tên tuổi của các đàn em bộ trưởng được ban tham mưu của Nguyễn Tấn Dũng tung ra, điển hình, nổi bật và tạo động lượng nhất trong dư luận là Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình. 

Trong khi các trang báo lề đảng nổ pháo bông với những bộ trưởng tư lệnh ngành của thủ tướng thì bắt đầu có những bài viết tố cáo Thăng, Huệ, Bình được gửi đến một số blog lề Dân. 

Trên các trang lề đảng, cuộc chiến Ba-Tư được nâng cấp: bên này là chiến dịch tấn công trực tiếp vào ĐBQH kiêm đại gia và là tay chân thân tín của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: bà Đặng Thị Hoàng Yến; Bên kia là những nòng súng bắn vào Đinh La Thăng dựa vào những khuất tất và tầm bản lãnh không quá đầu gối của bộ trưởng họ Đinh trong vai tư lệnh trảm tướng được đạo diễn bởi ban tham mưu chuyên nghề tiếp thị, quảng cáo thị trường mua bán của Nguyễn Tấn Dũng. 

Ngày 26 tháng 5 năm 2012, bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, đại biểu Quốc Hội khu vực Long An - quê quán của Trương Tấn Sang - chính thức bị Quốc hội bãi nhiệm, với hơn 90% số đại biểu tán thành. 

Một tháng sau, đầu tháng 7, 2012 trang blog Quan Làm Báo ra đời, bắt chước tên gọi của Dân Làm Báo - một trang blog với khẩu hiệu "Mỗi người chúng ta là một chiến sỹ thông tin" - nhưng khác với Dân Làm BáoQuan Làm Báo xác định vị trí qua đúng tên gọi của mình - những ông quan chức nhảy vào lề Dân, làm báo với mục đích: tấn công Nguyễn Tấn Dũng, gia đình và tập đoàn tay chân tư bản đỏ của Nguyễn Tấn Dũng - bầy sâu mà ông Trương Tấn Sang ám chỉ. 

Trong vòng một thời gian ngắn, Quan Làm Báo trở thành một trang blog có lượng truy cập hàng đầu trong thế giới blog của người Việt. Với hình thức trang trí tạp nhạp, văn phong lủng củng, sai phạm lỗi chính tả ở mức độ không chấp nhận được, Quan Làm Báo thu hút sự chú ý của quần chúng và ngay cả các đảng viên đang từ thiếu đến đói thông tin và tò mò về những thâm cung bí sử của bầy sâu mà ông Trương Tấn Sang đã đề cập, cảnh báo. 

Nếu trước đây những tờ báo khô khan của đảng ế hàng đến mức người dân đặt tên cho nó là những phương tiện rẻ nhất để gói thịt, gói cá và sau đó đảng chuyển hướng cho thêm siêu sao, chân dài vào câu khách, đem "lá cải" vào cửa hàng quốc doanh chính luận của đảng, thì Quan Làm Báo cũng đã thành công trong việc đem "lá cải" vào truyền thông blog. 

Nếu nhìn vào khẩu vị thích chuyện giật gân, chuyện lộ hàng của siêu sao, chuyện giết người cướp của và đo lường dân trí về mặt xã hội của người dân Việt Nam sau bao nhiêu năm bị uốn nắn bởi nền giáo dục của đảng thì người ta có thể thấy được phần nào hình ảnh đó đã xảy ra trong lãnh vực chính trị. 

Nếu nhìn vào luận cứ của những người ủng hộ Quan Làm Báo người ta thấy được thái độ chấp nhận khá dễ dãi về cung cách làm truyền thông nói 10 đúng 1. Những thái độ này có thể xuất phát từ những nguyên nhân, lý giải, tâm lý và hoàn cảnh thực tế: 

1. Có một thông tin chính xác về những điều mà quần chúng muốn biết "sự thật" về đảng còn hơn không có. Ở đây, một lần nữa là hệ luỵ của một chế độ bưng bít thông tin, về một tập đoàn lãnh đạo quốc gia không minh bạch, luôn tìm mọi cách để che giấu thông tin của chính họ. Và đây cũng là phản ảnh về khát vọng nắm bắt thông tin của quần chúng về những người đang lãnh đạo đất nước. 

2. "Chúng nó tấn công nhau là tốt, phải ủng hộ vì nó sẽ làm suy yếu chế độ". Biết là bài viết này láo nhưng nội dung bôi xấu, hạ thấp uy tín tên trùm tham nhũng coi như là OK. Điều này phản ảnh tâm lý hoặc là mong chờ đảng suy yếu và tự tan rã, hoặc tâm lý đảng suy yếu thì chúng ta có cơ hội để đánh sập nó, hoặc đơn giản là chúng nó bôi xấu nhau: tốt! cần ủng hộ. 

3. Có một bộ phận đảng viên lẫn quần chúng tin vào "giải pháp Trương Tấn Sang" - hoặc là hy vọng Trương Tấn Sang sẽ là một Boris Yelsin của Việt Nam, hoặc "giữa 2 thằng ăn cướp ta chọn thằng ăn cướp ít thay vì thằng ăn cướp nhiều." 

... 

Những quan điểm, lý luận, cảm tính chọn lựa trên trong một thời gian đã làm mờ đi nguyên tắc căn bản về truyền thông: làm truyền thông phải đặt mục tiêu trung thực lên hàng đầu, nói đúng 9 mà sai 1 sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, đã không còn đếm xỉa gì đến thái độ tối thiểu phải có của người làm truyền thông - tôn trọng độc giả. Nói theo lời của một blogger Hà Nội: "tụi này nó làm xấu mặt blogger."

Tuy nhiên, "hiệu ứng" của đám đông - trong đó còn có sự thúc đẩy của những người tích cực nhất đang bỏ thì giờ công sức năng động lên tiếng cho mục tiêu riêng tư của họ - đã là những hỗ trợ tích cực giúp Quan Làm Báo phát triển về số lượng truy cập. Những ý kiến như "Quan Làm báo không phải là một vật thể lạ. Nó kết hợp mọi đặc điểm quen thuộc của đa số báo chí Việt Nam và đưa chúng lên đỉnh cao: hình thức hàng chợ, phong cách bát nháo, nghiệp vụ thô sơ và nội dung đáng ngờ. Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền..." của nhà văn nữ Phạm Thị Hoài bị một số người ném đá. Quan Làm Báo sau đó tấn công cá nhân Phạm Thị Hoài bằng cách tung tin Nguyễn Thanh Phượng qua Đức đến ở nhà Phạm Thị Hoài cũng được một số người hùa theo để "lá cải" bà Hoài mà không cần một chứng cớ nào. Trang blog nào lên tiếng phê bình Quan Làm Báo có thể sẽ đối diện với búa rìu của dư luận: "ganh ăn tức ở" với Quan Làm Báo về lượng truy cập hoặc là tay sai của Nguyễn Tấn Dũng. 

Bên cạnh đó là sự "vô tình" tiếp tay của những blogger chân chính, những cơ quan truyền thông uy tín quốc tế đã trích dẫn nguồn tin hoặc toàn bộ một số bài viết của Quan Làm Báo. Trong mớ thông tin đúng sai lẫn lộn, trong cái chợ trời lá cải đó, những thông tin "đúng" được chọn ra và từ đó, qua lăng kính của blogger, của các cơ quan thông tấn quốc tế, bộ mặt 1/10 thật củaQuan Làm Báo được đập vào mắt của nhiều người. Nguyên lý về uy tín được gia tăng khi được "bảo kê" bởi những người / tổ chức uy tín xảy ra trong trường hợp này. 

Tóm lại, Quan Làm Báo là tấm gương phản chiếu của một góc cạnh của đất nước và con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay: lãnh đạo đảng đã quăng tình đồng chí vào sọt rác và sẵn sàng bôi tro trát trấu vào nhau; quần chúng thiếu thốn thông tin và sẵn sàng dẹp bỏ những nguyên lý về đạo đức truyền thông cũng như tính tôn trọng sự thật để nắm bắt được những mẫu vụn bánh mì thông tin. 

Tuy nhiên, tác hại của Quan Làm Báo không dừng lại ở đó. Sau Quan Làm Báo, hiệu ứng tin hót, tin nóng, tin riêng, tin quý đã trở thành món hàng đắt giá và hàng loạt các trang "... làm báo" ra đời. Tình trạng thật giả, vàng thau lẫn lộn, đen không rõ đen, trắng không ra trắng và môi trường blog, một môi trường thông tin độc lập, trong bao nhiêu năm qua những blogger dù không chuyên nghiệp đã cố gắng để làm báo một cách chuyên nghiệp, có lương tâm... đã bắt đầu có hình ảnh của một chợ trời thông tin bát nháo. 

Đến lúc này, có thể nói an ninh mạng đã vào cuộc với một kế hoạch quy mô và tinh xảo. Nhìn vào bức tranh của làng blog, an ninh mạng rút ra những điều gì?: 

- Thực tế cho thấy trong thời đại internet, đảng không thể hoàn toàn ngăn chận sinh hoạt của truyền thông độc lập bằng tin tặc, bằng tường lửa, bằng đe dọa, trấn áp hoặc ngay cả công văn chính thức của văn phòng chính phủ. Nếu không dẹp hẳn được môi trường blog thì biến môi trường blog thành một sân chơi "dân và đảng" hổn độn nhập nhằng. Sự xuất hiện của Quan Làm Báo và những gì xảy ra cho thấy thời cơ đã đến cho mục tiêu này; 

- Quần chúng đang đói tin và dễ dàng chấp nhận mọi kiểu thông tin; An ninh là bộ phận nắm giữ nhiều thông tin và từ đó sẽ cung cấp thông tin thật giả lẫn lộn để điều hướng dư luận. Với đạo quân công an mạng hùng hậu và làm việc toàn thời, có lương bổng, có nghiệp vụ và có kế hoạch chỉ thỉ, an ninh có khả năng đóng vai dư luận để định hướng dư luận và cổ vũ cho những trang blog "của đảng trong lề dân". Tuần tới sẽ bắt đối tượng X thì tuần này blog đảng trong lề dân tung tin là uy tín sẽ lên cao;

- Những gì đăng trên báo đảng đã không còn thuyết phục hoặc mỵ dân đối với thành phần quần chúng lẫn đảng viên quan tâm đến vấn đề đất nước ở mức độ phải vượt tường vào truy cập các trang blog lề Dân. Những "chuyên án" của công an đánh vào những đối tượng "phản động" không còn thuyết phục thành phần này khi được đăng tải đồng loạt theo chỉ thị, từ một nguồn tin duy nhất xuất xứ từ Bộ công an, trên các tờ báo đảng. Môi trường blog sẽ là môi trường để "dọn bãi" cho các chuyên án này bằng chính những cái miệng giả danh blogger hoặc từ một số blogger, thông tấn quốc tế vô tình tiếp tay chuyển tải thông tin hay dùng nguồn để viết bài phân tích thời sự.

Từ đó người ta sẽ thấy có những trang blog: 

a. Sẵn sàng nương theo dư luận và ủng hộ những nhân vật bất đồng chính kiến hay có những hoạt động nói chung là "không theo ý đảng" - Họ làm những việc này mà không ngại ngùng vì biết rõ không có họ thì với sự lớn mạnh của truyền thông lề Dân, dư luận vẫn đã bùng nổ đối với những sự kiện này. 

b. Sẵn sàng đăng tải, giới thiệu những bài viết, nguồn dẫn, quảng cáo không công cho một số các trang blog "phản động" - Họ làm điều này vì biết rõ không cần đến sự tiếp tay của họ, quần chúng cũng đã biết đến, cũng vẫn hàng ngày vượt tường lửa để truy cập và theo dõi sự kiện ở những trang blog đó. 

c. Sẵn sàng bỏ công bỏ sức trong một thời gian ngắn tổng kết toàn bộ những "hồ sơ" về những nhân vật bất đồng chính kiến với đảng, tạo hình ảnh một trang blog đứng về phía những người hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Họ cũng thừa biết, không có họ, với hàng hàng lớp lớp thông tin lề Dân đang có và với công nghệ Google, ai cũng có thể truy cập những nguồn thông tin này. 

Tóm lại, họ có thể trở thành những blogger, những trang blog "lề Dân" nhiệt tình nhất; họ không cần phải bí mật xâm nhập theo kiểu tình báo để nằm trong hàng ngũ "địch", ngược lại đây là một tiến trình xâm nhập công khai. Tất cả được công khai xuất hiện dưới căn cước không phải là Dân mà là Vua, là Quan, là Đảng cùng nhau nhảy từ sân chơi độc quyền của 700 tờ báo đảng sang quậy tung thế giới của những người dân đang làm báo không theo lề của đảng. 


Các bạn thân mến, 

Một chế độ độc tài, tồn tại trong một thời gian dài không phải chỉ dựa vào sự tàn ác mà phần lớn nó đến từ những kế hoạch gian manh và xảo quyệt. Sân chơi của độc tài không có chỗ sống còn cho những con người ngây thơ, cả tin. Sức mạnh của đảng cai trị trong hơn một nửa thế kỷ qua được xây dựng bởi nhiều phương tiện. Nhà tù và súng ống chỉ là phương tiện tối hậu mà những kẻ cai trị buộc phải sử dụng đến. Ngay cả những tên bạo chúa hung ác nhất trong lịch sử loài người cũng biết là không thể giam cầm hay bắn bỏ tất cả những kẻ bị trị. Họ sử dụng một phương tiện khác, có khả năng bao trùm, và xâm nhập vào phế phủ của những người bị trị một cách kiên trì như nắng mưa ngày tháng làm rĩ sét những thanh sắt cứng rắn nhất. 

Khác với súng đạn và cái còng số 8 thi thoảng xuất hiện, lúc nào nó cũng hiện hữu.  xâm nhập đánh thức giấc ngủ an lành của kẻ bị trị vào buổi sáng.  trở thành một thứ tiêu khiển của nhiều người sau buổi ăn trưa.  chui vào phòng khách, ngồi vào bàn ăn của mọi người vào buổi tối. Có lúc nó ồn ào, khi thì nhỏ nhẹ, thường thì hiền lành, thỉnh thoảng hung dữ nhưng luôn luôn kiên trì, nhẫn nại và ca tụng những điều tốt đẹp nhất, đạo đức nhất, vinh quang nhất. 

Tên của nó là: Bộ máy Tuyên truyền của đảng. 

Phương hướng của : Giam hãm Sự Thật và rao giảng những điều Giả Dối. 

Mục tiêu của : biến những người bị trị thành những người đi từ thuần phục cho đến tôn sùng những kẻ cai trị. 

Khác với những gì người ta thường thấy và cho rằng sức mạnh chính của đảng là thành phần công an hay lực lượng quân đội. Điều này chỉ đúng ở một ý nghĩa tương đối. Thật ra, đây là lực lượng được đảng dùng để răn đe và buộc lòng phải sử dụng đối với một số cá nhân mà Bộ máy Tuyên truyền của đảng đã thất bại trong "sứ mệnh" của . Lực lượng công an, quân đội trong nhiều trường hợp cũng không phải là cứu cánh sau cùng của bộ máy độc tài khi cách mạng quần chúng bùng nổ. Sức mạnh chính của đảng là những quân đoàn hùng hậu, những sư đoàn đặc biệt, những trung đoàn thiện chiến, những tiểu đoàn và tiểu đội đặc nhiệm mà vũ khí là những cái loa, cây viết ngày đêm tiến hành những chiến dịch không tiếng súng nhưng có sức công phá như những chất cường toan. Nhiệm vụ của  là làm tê liệt ý chí phấn đấu, mê muội hóa quần chúng từ trong trứng nước và tiêu diệt mọi mầm mống có thể đâm chồi nảy lộc cho một cuộc cách mạng dân chủ. 

Đạo quân "giết người không gươm giáo" của đảng là ai? Khởi đầu đó là những thợ viết sử, thợ viết văn, thợ làm thơ, thợ vẽ hình, thợ làm báo, thợ nghiên cứu... Trong mắt nhìn chiến lược của đảng, khi mà những người bị trị gọi những người có khả năng viết, vẽ, làm thơ, làm tin theo quy định và ý muốn của đảng - nói chung những tên thợ - này là nhà sử học, văn sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, phóng viên, nhà nghiên cứu... thì mục tiêu của Bộ máy Tuyên truyền của đảng coi như thành công. Những tên thợ lưng còng, bút cong đã được quần chúng công nhận là những người có tư cách để làm nên nền sử học, văn học, nghệ thuật, truyền thông... của đất nước. 

Ngày hôm nay với sự lớn mạnh của thông tin và phản biện của lề Dân, những luận điệu của những sản phẩm của lưng còng, bút cong vừa mới ra lò đã bị bẻ gãy không còn đất sống. An Ninh và Truyền Thông đã bắt tay nhau để đối đầu với sự lớn mạnh của thế giới truyền thông độc lập. Lằn ranh giữa lề đảng và lề Dân trong thế giới thông tin đang được đảng tìm cách xóa mờ. Hệ quả là chúng ta đang sống trong một môi trường thông tin xám, vàng thau lẫn lộn, bạn thù lẫn lộn và cùng nhau đánh xáp lá cà. 

Liệu chúng ta có đủ sáng suốt và bình tĩnh để vượt qua những cảm xúc, những lôi kéo mang tính phong trào mời gọi của một chợ trời bát nháo nhưng hấp dẫn của một nền truyền thông lá cải chính trị để giữ được truyền thông lề Dân như là một vũ khí sắc bén đánh vào tử huyệt của bộ máy độc tài: sự xảo trá mị dân? 

Câu trả lời chắc chắn là chúng ta sẽ phải - vì chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn. Đất nước không thể mãi chìm đắm trong u tối và vòng nô lệ khi mà gần 90 triệu người từ tình trạng sống trong bưng bít thông tin phải chuyển sang tình trạng phải sống trong sự lẫn lộn giữa sự thật và giả trá. 

Chúng ta không thể chống gậy đi tìm sự thật, tranh đấu cho sự thật bằng cây gậy giả dối.
Chúng ta không thể xiển dương sự thật bằng hành động ăn nằm chung chạ với giả dối.
Chúng ta không thể là-sự-thật nếu không lừng lững đạp lên giả dối mà đi.


Không có nhận xét nào: