Đêm Thánh
Selma Lagerlöf - Trần Quốc Việt (Danlambao dịch) - Khi tôi năm tuổi tôi có nỗi buồn rất lớn! Từ đấy tôi có lẽ chẳng biết tôi còn có nỗi buồn nào khác lớn hơn.
Năm ấy bà tôi mất. Hằng ngày cho đến khi qua đời bà đều thường ngồi ở chiếc ghế sofa đặt ở trong góc phòng của bà, và kể chuyện.
Tôi nhớ từ sáng đến tối bà kể hết chuyện này đến chuyện khác, còn lũ trẻ chúng tôi ngồi nép bên bà im lặng như tờ lắng nghe. Những năm tuổi thơ ấy thật sung sướng biết bao! Những trẻ em khác không có được những ngày tháng thần tiên ấy như chúng tôi.
Giờ đây tôi chẳng nhớ gì nhiều về bà. Tôi chỉ nhớ tóc bà đẹp và trắng như tuyết, và lưng bà còng khi bà bước đi, và bà thường ngồi đan vớ.
Tôi cũng còn nhớ mỗi khi kể xong câu chuyện, bà thường đặt tay lên đầu tôi và nói:"Tất cả chuyện này là hoàn toàn có thật, có thật như bà thấy cháu và cháu thấy bà."
Tôi cũng nhớ bà biết hát những bản nhạc, nhưng bà không hát mỗi ngày. Trong các bản nhạc bà hát có một bài về hiệp sĩ và thủy quái và có điệp khúc này:"Trời thổi băng giá, thời tiết băng giá trên biển."
Rồi tôi nhớ lời cầu nguyện nhỏ bà dạy tôi, và đoạn nhạc thánh ca.
Tôi chỉ còn nhớ lờ mờ và không trọn vẹn tất cả những câu chuyện bà kể ngày xưa. Duy nhất một câu chuyện tôi nhớ rất rõ đến độ tôi có thể kể lại. Câu chuyện ấy là câu chuyện nhỏ về sự ra đời của Chúa Jesus.
Đấy gần như là tất cả những gì tôi có thể hồi tưởng về bà mình, ngoại trừ điều tôi nhớ nhất; và đó chính là sự cô đơn biết bao khi bà qua đời.
Tôi nhớ buổi sáng khi chiếc ghế sofa ở góc phòng chẳng còn bà ngồi như mọi ngày và nhớ khi tôi không thể nào hiểu nổi sao ngày lại ngày trôi qua rất chậm. Điều này tôi nhớ mãi. Điều này tôi sẽ chẳng bao giờ quên!
Và tôi nhớ lại lũ trẻ chúng tôi được đưa ra để hôn tay người chết và chúng tôi sợ hôn tay bà. Nhưng rồi ai đó bảo chúng tôi đây là lần cuối cùng chúng tôi có thể cảm ơn bà đã cho chúng tôi tất cả các niềm vui thú.
Và tôi nhớ những chuyện kể và lời ca bị đuổi ra khỏi nhà, bị nhốt trong quan tài đen dài, rồi chúng không bao giờ trở về nữa.
Tôi nhớ chúng tôi đã mất vĩnh viễn điều gì đấy trong đời. Tưởng như cánh cửa mở ra cả thế giới rất đẹp và huyền diệu ấy-nơi trước đây chúng tôi vẫn tự do ra vào-đã đóng kín. Giờ đây chẳng ai biết cách mở cánh cửa ấy ra.
Và tôi nhớ, dần dần, lũ trẻ chúng tôi biết chơi búp bê và đồ chơi, và sống như bao đứa bé khác. Rồi chúng tôi như thể chẳng còn buồn vì vắng bà, hay nhớ nhung bà.
Nhưng ngay cả ngày hôm nay-sau bốn mươi năm trời- khi tôi ngồi đây góp nhặt những huyền thoại về Chúa Jesus, mà tôi từng nghe đâu đấy ở Phương Đông, thức dậy trong lòng tôi huyền thoại nhỏ về sự ra đời của Chúa Jesus mà bà tôi thường kể, và tôi cảm thấy thôi thúc muốn kể lại huyền thoại ấy một lần nữa, và đưa chuyện kể ấy vào trong tuyển tập của mình.
Hôm ấy là ngày Giáng sinh và tất cả mọi người đều đi lễ nhà thờ ngoại trừ bà và tôi. Tôi nghĩ ở nhà chỉ còn trơ trọi hai bà cháu. Chúng tôi không được phép đi cùng, vì bà thì quá già còn trẻ thì quá nhỏ. Cho nên, cả bà và cháu đều buồn, vì bà và cháu không được đi lễ sớm để nghe hát và để nhìn những cây nến Giáng sinh.
Nhưng khi chúng tôi ngồi lẻ loi trong nhà, bà bắt đầu kể chuyện.
"Ngày nọ có người đàn ông," bà kể, "ra đi trong đêm tối đen để mượn than hồng về nhóm lửa. Ông đi từ túp lều này đến túp lều khác và gõ cửa.' Các bạn thân ơi, hãy giúp tôi! ' ông nói.' Vợ tôi vừa mới sinh con, cho nên tôi phải nhóm lửa để sưởi ấm vợ và con thơ.'
"Nhưng đêm đã quá khuya và mọi người đều ngủ. Không ai đáp lại.
"Ông đi mãi. Cuối cùng ông thấy ánh lửa từ đằng xa. Ông liền đi về hướng ấy, và thấy lửa đang cháy ở ngoài trời. Rất nhiều con cừu đang ngủ quanh đống lửa, và một người chăn cừu già ngồi canh đàn cừu.
"Khi người đàn ông muốn mượn lửa đến gần đàn cừu, ông thấy ba con chó lớn nằm ngủ dưới chân người chăn cừu. Khi ông đến gần cả ba con chó đều tỉnh dậy rồi chúng há miệng rất lớn ra như muốn sủa; nhưng không nghe tiếng sủa nào. Ông nhận thấy lông ở trên lưng chúng dựng đứng lên còn hàm răng trắng ởn và nhọn hoắc của chúng lấp loáng trong ánh lửa. Chúng phóng đến ông. Ông cảm thấy con cắn chân, con cắn tay và con bấu vào cổ ông. Nhưng hàm và răng của chúng không tuân lệnh chúng, nên ông không bị hại gì.
"Bấy giờ ông muốn bước đến gần hơn, để lấy được cái mình cần. Nhưng những con cừu nằm đấu lưng vào nhau và sát nhau đến nỗi ông không thể nào bước qua chúng được. Cho nên ông bước lên lưng chúng và đi qua mình chúng để tới gần đống lửa. Tuy nhiên chẳng có con cừu nào thức dậy hay trở mình."
Từ đầu câu chuyện đến nay, tôi để cho bà kể chuyện mà không ngắt lời. Nhưng đến đoạn này tôi không thể nào mà không cắt ngang lời bà. "Bà ơi, tại sao những con cừu không thức dậy?"
"Cháu sẽ biết ngay thôi," bà nói-rồi kể tiếp.
"Khi ông đến gần đống lửa, người chăn cừu ngước mắt lên. Ông ta là một lão già cau có, lạnh lùng và tàn nhẫn với mọi người. Cho nên khi thấy người lạ bước đến, lão chụp cây gậy dài có đầu nhọn, mà lão luôn luôn cầm trên tay mỗi khi chăn cừu, và phóng gậy vào người đàn ông. Cây gậy bay thẳng đến ông, nhưng, trước khi chạm vào người ông, nó chệch qua bên rồi bay vèo qua ông ra thật xa vào đồng cỏ."
Khi bà kể đến đây, tôi lại ngắt lời bà. "Bà ơi, sao cây gậy không hại được ông ta?" Bà không bận tâm trả lời tôi, mà kể tiếp.
"Lúc này người đàn ông bước đến người chăn cừu và nói:' Hỡi người tốt bụng ơi, hãy giúp tôi, hãy cho tôi mượn chút lửa! Vợ tôi vừa mới sinh con, cho nên tôi phải nhóm lửa để sưởi ấm vợ và con thơ.'
Lão chăn cừu muốn nói không lắm, nhưng rồi lão nghĩ ngợi chó không thể hại được hắn, cừu không chạy tránh ra xa hắn, còn gậy không muốn đánh hắn, lão hơi sợ nên không dám từ chối điều hắn xin.
" 'Ông cần bao nhiêu thì cứ lấy!' Lão nói với người đàn ông.
"Nhưng lúc ấy đống lửa cũng sắp tàn. Chẳng còn sót lại khúc gỗ hay nhánh cây nào, chỉ còn lại một đống than hồng lớn; kẻ lạ cũng chẳng có cuốc hay xẻng để có thể mang than nóng đỏ rực này đi được.
"Lão chăn cừu thấy thế liền nói lại: 'Ông cần bao nhiêu thì cứ lấy!' Nhưng lão lấy làm sung sướng rằng hắn sẽ chẳng lấy đi được mẩu than nào.
"Nhưng người đàn ông cúi xuống dùng hai tay không nhặt than từ trong đống tro, rồi để than vào trong chiếc áo khoác. Thế nhưng ông không bị phỏng tay, còn than không làm cháy sém áo ông; mà ông còn lại mang than đi dễ dàng như thể than hồng là những hạt dẻ hay những trái táo."
Nhưng đến đây người kể chuyện lại bị ngắt lời lần thứ ba. "Bà ơi, tại sao than không làm ông phỏng tay?"
"Rồi cháu sẽ biết," bà nói và kể tiếp:
"Khi lão chăn cừu, vốn là người rất độc ác và lòng dạ sắt đá, chứng kiến tất cả điều này, lão bắt đầu kinh ngạc tự hỏi: ' Đêm nay là đêm gì mà chó không cắn, cừu không sợ, gậy không giết người, hay lửa không đốt? ' Lão bèn kêu người lạ lại và nói với ông: "Đêm nay là đêm gì vậy? Mà sao vạn vật đều tỏ ra thương xót ông?'
"Người đàn ông nghe vậy đáp: ' Tôi không thể nói với ông điều ấy được nếu chính ông không nhìn thấy.' Rồi ông muốn đi ngay, để ông có thể về sớm nhóm lửa sưởi ấm cho vợ và con thơ.
"Nhưng lão chăn cừu không muốn người đàn ông đi mất trước khi lão tìm hiểu xem tất cả chuyện này báo trước điềm gở gì. Nghĩ thế lão liền đứng lên đi theo ông cho tới khi họ đến nơi người này ở.
"Rồi lão chăn cừu thấy người này cũng chẳng có đến một túp lều để ở nữa, chỉ thấy người vợ và cháu bé mới sinh ra đang nằm trong hang đá, nơi chẳng có thứ gì ngoại trừ hơi giá lạnh buốt và những vách đá trần trụi.
"Nhưng lão chăn cừu lại nghĩ có lẽ cháu bé chắc sẽ chết cóng trong hang đá này; cho nên dù lòng dạ lão vốn sắt đá, nhưng lão thấy xúc động, và nghĩ mong muốn được giúp đỡ cháu bé. Lão tháo túi dết trên vai xuống, lấy từ trong túi ra tấm da cừu màu trắng, rồi bảo người đàn ông đem lót cho cháu bé ngủ.
"Nhưng ngay khi lão biểu lộ rằng lão cũng biết thương người, đôi mắt lão mở ra, và lão thấy những gì trước đây lão đã không thể nào thấy và nghe những gì trước đây lão đã không thể nào nghe.
"Lão thấy xung quanh mình là những thiên thần cánh bạc nhỏ đứng thành vòng tròn, và mỗi thiên thần đều cầm đàn, và tất cả đều hát vang lên rằng tối nay Chúa Cứu thế ra đời để cứu chuộc thế gian ra khỏi mọi tội lỗi.
"Rồi lão chợt hiểu ra rằng tối nay vạn vật thảy đều mừng vui đến độ không ai muốn làm điều gì sai trái.
"Và không chỉ có thiên thần quanh lão chăn cừu, nhưng lão còn thấy thiên thần ở khắp mọi nơi. Thiên thần ngồi trong hang đá, thiên thần ngồi trên núi bên ngoài, và thiên thần bay lượn dưới bầu trời. Thiên thần đến đông nườm nượp, và khi họ đi ngang qua hang, họ dừng lại liếc nhìn Chúa hài đồng.
"Biết bao nhiêu là hân hoan sung sướng và biết bao lời ca và niềm vui! Trong bóng đêm lão thấy được tất cả cảnh này, nhưng trước đây lão đã không thể nào nhìn thấy được gì. Lão quá đỗi sung sướng vì lão đã được mở mắt cho nên lão quỳ xuống dâng lên lời tạ ơn Chúa."
Đến đây bà thở dài và nói: "Những gì lão chăn cừu thấy được bà cháu mình biết đâu cũng có thể thấy được, vì mỗi đêm Giáng sinh các thiên thần đều bay xuống trần, giá như bà cháu mình được thấy họ."
Rồi bà đặt tay lên đầu tôi và nói: "Cháu phải nhớ điều này, vì điều này chính là sự thật, thật như bà thấy cháu và cháu thấy bà. Sự thật ấy không lộ ra dưới ánh đèn hay ánh nến, và sự thật ấy không phụ thuộc vào mặt trời và mặt trăng; nhưng điều cần thiết là chúng ta có được đôi mắt như thế để có thể thấy được vinh quang của Chúa."
Selma Lagerlöf (1858-1940) là nhà văn nữ Thụy Điển được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1909.
Nguồn: Từ tác phẩm Christ Legends của nhà văn Selma Lagerlöf, bản dịch tiếng Anh của Velma Swanston Howard, nhà xuất bản Henry Holt And Company, 1908, trang 3-11
Toàn bộ tác phẩm Christ Legends qua bản dịch của Velma Swanston Howard được đưa lên mạng ở địa chỉ sau:
Bản tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét