Rồi sẽ có một ngày
Phan Nguyễn Việt Đăng (Danlambao) - Trong một buổi trưa chồng chất nặng nề, chờ kết quả phiên xử ba blogger tự do Điếu Cày, Anhbasg và Tạ phong Tần, lướt qua các tờ báo tiếng Việt ở trong nước, điều làm cho người ta cảm nhận nhanh chóng nhất, là một nền báo chí đã chết.
Hàng loạt các sự kiện dân sinh quan trọng, từ sự kiện dân huyện Ứng Hòa, Hà Nội chống trả chính quyền đàn áp cướp chợ, từ chuyện dân Kim Sơn, Quảng Ninh kéo quan tài ra chợ để giữ đất của ông cha... và thậm chí, chuyện liên quan đến sự sống còn của ngành báo chí, là chuyện phóng viên Hoàng Khương lại bị y án, như một đòn thù của của chế độ vì quá nhục nhã. Vậy mà mọi thứ thì vẫn im ắng như một mặt hồ tù đọng, như không có gì.
Trên tờ báo Tuổi trẻ ra ngày 28-12, bản tin về nỗi oan ức của một người làm nghề viết báo chỉ được đặt trong một khung nhỏ, khiêm tốn ở cuối góc trái báo. Vị trí này là nơi sách giáo khoa dạy làm báo mô tả rằng là một góc chết, góc dành cho những tin không quan trọng vì ít ai nhìn đến. Thậm chí, bản tin này còn bị để dưới một bản tin loại giật gân khác là tìm thấy một dòng họ luôn có 24 ngón tay...
So với sự kiện ngày 12-5-2008, ngày mà 2 nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) bị ngành công an CSVN khởi tố do đã vạch trần những bê bối của vụ án kinh tế PMU18, liên quan đến nhiều quan chức, báo chí đã mạnh mẽ phản ứng. Hãy thử điểm lại những cái tít đầy sức sống như “Sao lại giết “Lục Vân Tiên”?; “Đừng để lòng tin bị xói mòn”; “Công lý bị nhạo báng”... người ta thấy rằng rõ ràng báo chí từng bị kềm kẹp, dù bị đòn roi của lãnh đạo, vẫn vùng lên và cất tiếng nói đúng với chức nghiệp cao cả của mình.
Nhưng tiếc thay, những điều đó nay đang chỉ nằm trong cách sách vở nghiên cứu lịch sử báo chí. Ngành khảo cổ sau này sẽ có nhiều việc làm. Những tổng biên tập được bổ nhiệm theo lệnh, đã làm đúng lệnh của. Một phóng viên ở Saigon nói rằng họ chưa bao giờ có cảm giác biết đau, biết nhục của người làm báo.
Hãy tạm chưa nói đến những chuyện “tày đình” như chuyện xử án Điếu Cày, Anhbasg, Tạ Phong Tần hay bênh vực Đoàn Văn Vươn... báo chí chính thống đang đạp trên lằn ranh của sự phản bội đồng nghiệp mình, không khác gì đàn cừu im lặng nhìn chó sói xông tận vào chuồng, bắt một con cừu để xé xác ngay tại chỗ. Mọi lời nói khôn khéo nhất của ngành làm báo đã được vận dụng để nói một cách “trung dung” nhất trong trường hợp của Hoàng Khương.
Nếu ai đó vẫn có ảo tưởng rằng còn một thứ công lý, và Hoàng Khương đã “sai một điều gì đó”, thì hãy nhớ rằng truyền thông CSVN chỉ chấp nhận những cuộc thỏa hiệp, trong khi Hoàng Khương thì đã dốc lực đánh một cú bất ngờ. Loạt phóng sự tố cáo ngành Cảnh sát cơ động, khởi đăng từ ngày 17-12 trên báo Thanh Niên, chẳng qua là cũng đã được vận động hàng lang trước để tránh nguy hiểm cho phóng viên, được chống lưng bởi một “sếp” có quyền lực. Bài vở của phóng sự đó đã được cho “sếp” đọc trước gần một tuần và được “sếp” đồng ý đánh, để dằn mặt một cánh “ăn hỗn” trong nội bộ mà thôi.
Thông tin từ nội bộ của nhiều tòa soạn khắp nước, cho thấy không ít phóng viên, biên tập viên... cũng đã kìm nén, chịu đựng tới ngưỡng. Sự tức giận đang ngày càng nhiều, bộc lộ trên các blog cá nhân hoặc trong cách “chửi xéo” trong nhiều bài báo chính thức được xếp đặt một cách khéo léo và kín kẽ. Vẫn còn rất nhiều người hy vọng và chờ đợi là báo chí thật, một nền báo chí dân chủ như trong giấc mơ của người Việt sẽ có ngày quay trở lại để được làm đúng phận sự chính nghĩa của mình. Như truyền thống đẹp đẽ nhất của báo chí Việt Nam, đặc biệt là báo chí Saigon đã có.
Ngay trong nội bộ của giới lãnh đạo, những cơn lạnh chạy dọc theo sống lưng của họ, cảm nhận mối nguy thời thế là điều có thật. Chính Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Đảng Ủy các khối cơ quan Trung Ương đã khẩn cấp họp với nhau để đối phó với “Nhưng nguy cơ tan rã từ bên trong”, tại Hà Nội, ngày 27-12.
Buổi sáng xử Điếu Cày, Anhbasg, Tạ Phong Tần... ngoài những người đấu tranh cho tự do, cũng có không ít các nhà báo lề đảng nghe ngóng kết quả, nôn nao chia sẻ thông tin. Việt Nam đang sôi lên một cách im lặng. Mọi thông tin sự thật đang phồng căng như một quả bóng không còn đủ sức chứa nữa. Điều gì phải tới, thì sẽ tới, dù chế độ này với mọi hình thức đàn áp, cũng sẽ không thể cản nỗi.
Những bài báo của lương tâm đang quặn mình chờ đợi. Hàng triệu người Việt Nam cũng chưa bao giờ mất kiên nhẫn để chờ sự thật xuất hiện. Những bài báo của sự thật sẽ xuất hiện dõng dạc như bản báo minh họa của bài viết này. Hôm nay là một trò đùa, nhưng hãy tin rằng nó sẽ là sự thật, không bao lâu nữa.
(ghi lại từ suy nghĩ của những người còn tạm phải giấu tên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét