8.1.13


Nguyễn Hưng Quốc trăn trở với hiện tình đất nước

2013-01-08
Mặc Lâm trao đổi với nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà trong một bài viết có tựa đề “Chủ nghĩa đầu hàng” của ông vừa mới phổ biến.
AFP photo
Người dân buôn bán dọc lề đường thành phố Hà Nội một ngày cuối năm 2012.

Nguyễn Hưng Quốc là nhà phê bình văn học, tác giả của hơn 10 cuốn sách về văn học Việt Nam. Ông hiện là chủ nhiệm Ban Việt Ngữ và Việt Học tại trường Victoria University, Úc, chuyên dạy về ngôn ngữ, văn hóa và chiến tranh Việt Nam, phụ trách chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai tại tiểu bang Victoria. Ông cũng đồng thời là một blogger trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

Nhà văn viết về chính trị

Mặc Lâm : Thưa nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, trong thời gian gần đây ông có rất nhiều bài viết về hiện tình Việt Nam đối với Trung Quốc thay vì các bài phê bình, lý luận văn học xuất sắc đã từng làm cho ông nổi tiếng trước đây. Xin ông cho biết điều gì đã bức bách ngòi viết của mình đến như vậy?
GS Nguyễn Hưng Quốc : Thưa, lý do chính là sự bức xúc, anh ạ. Xin lỗi, chữ “bức xúc” vốn thường dùng ở trong nước, có nhiều người ở hải ngoại cũng không thích lắm, tuy nhiên, thành thật mà nói thì tôi cũng không biết có một chữ gì khác hơn, đành phải dùng chữ “bức xúc” vậy.  Theo dõi báo chí trong nước nhiều, lúc nào tôi cũng thấy toàn những chuyện làm cho mình phải bứt rứt, phải áy náy, phải bực dọc. Mình phải suy nghĩ, phải trăn trở không yên.
Ở đâu cũng gặp vấn đề. Về kinh tế đầy những nợ nần. Hết công ty này đến đại công ty kia phá sản, nợ nần tràn ngập. Khi trả không phải thế hệ này mà những thế hệ sau này nữa cũng không trả hết.
Về giáo dục thì cứ suy thoái mãi. Cái nạn đạo văn, bằng cấp giả tràn lan, không phải chỉ trong học sinh ở cấp trung học mà còn lên đại học. Không phải chỉ ở người dân bình thường mà cả ở những cán bộ cao cấp nhất cũng sử dụng bằng cấp giả.
Về chính trị thì mấy năm gần đây nạn trấn áp dân chúng, đặc biệt là nông dân và giới trí thức – những người viết blog, những người muốn cất lên tiếng nói độc lập của họ về những vấn đề rất quan trọng của đất nước, thì hết người này bị bắt bớ đến người kia bị đánh đập. Họ bị đưa ra tòa, họ bị sỉ nhục, họ bị vu khống, nhưng quan trọng nhứt là trong quan hệ với Trung Quốc.
Hiện bây giờ thành thật mà nói trên khắp thế giới ai cũng lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng riêng đối với người Việt Nam thì hầu như ai cũng thấy Trung Quốc là một sự đe dọa. Thế mà theo dõi báo chí trong nước, nghe những lời phát biểu của những cán bộ cao cấp nhất ở Việt Nam thì chúng ta lại thấy có một cái gì đó rất bất bình thường. Họ hoặc là gạt đi, hoặc họ ngụy biện bằng cách đưa ra những lý lẽ mà tuyệt đối không thuyết phục được bất cứ người nào.
Trước tình huống như vậy, tôi nghĩ không có người nào quan tâm đến đất nước mà không cảm thấy băn khoăn, ray rứt. Đối với người viết văn thì điều đó lại càng quan trọng hơn, bởi vì khi viết văn thì có hai điều mình làm hằng ngày: thứ nhất là đọc thường xuyên, theo dõi thường xuyên. Và thứ hai, lúc nào cũng suy nghĩ, cũng trăn trở về đất nước của mình. Bởi vậy hiện tượng mấy năm trở lại đây tôi viết về vấn đề chính trị nhiều hơn văn học thì cũng là một điều bình thường.
Tôi nghĩ không có người nào quan tâm đến đất nước mà không cảm thấy băn khoăn, ray rứt... Bởi vậy hiện tượng mấy năm trở lại đây tôi viết về vấn đề chính trị nhiều hơn văn học thì cũng là một điều bình thường.
GS Nguyễn Hưng Quốc 
Mặc Lâm : Mới đây ông có bài viết mang tên "Chủ nghĩa đầu hàng" trong đó ông đã chứng minh qua hình tượng văn học rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã căm thù tư tưởng đầu hàng như thế nào để rồi thời gian gần đây cũng chính họ lại rơi vào cái nồi nước sôi căm thù ấy. Xin ông cho biết một ít chi tiết về bài viết này cho quý thính giả chưa có dịp đọc nó được biết ạ.
GS Nguyễn Hưng Quốc : Thưa, bài viết có tên “Chủ nghĩa đầu hàng” thật ra là nó tiếp tục một bài viết trước đó của tôi, cách đây mấy ngày, có nhan đề là 'Cái nước mình nó thế!'.
Ở Việt Nam vào khoảng hơn mười năm nay, câu “cái nước mình nó thế!” rất phổ biến. Gặp bất cứ trường hợp nào mà người ta cảm thấy không hài lòng thì người ta lại phán lên một câu “cái nước mình nó thế!”
Nhìn thấy nạn tham nhũng tràn lan, người ta phán một câu: “cái nước mình nó thế!”. Nhìn thấy sự nhu nhược, thậm chí khiếp nhược của giới lãnh đạo trước sự uy hiếp của Trung Quốc, nhiều người cũng than thở: “cái nước mình nó thế!”
Nhiều người cho đó là một câu nói hay, nó phản ánh đúng tình trạng cũng như tâm lý của dân tộc Việt Nam trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi thì đó là câu nói sai, và thậm chí là sai một cách nguy hiểm.
Thứ nhất là nó phản ánh tư tưởng định mệnh. Khi nói “cái nước mình nó thế!” tức là chúng ta cho rằng tự bản chất thì nước mình “là như thế”, “nước mình không thể khác được”. Nếu nước mình có tham nhũng thì tại bản chất nước mình là như vậy. Nếu nước mình nhu nhược, khiếp nhược trước Trung Quốc thì đó là tại bản chất nước mình nó như vậy. Tuy nhiên, ai cũng dễ dàng thấy rằng đó là hoàn toàn sai.
Nước mình không phải như vậy. Ngày xưa nước mình không nhu nhược như vậy, không khiếp nhược như vậy. Ngay cả vấn đề đơn giản như vấn đề xã hội, vấn đề giáo dục trước năm 1975 ở Miền Nam, mặc dù ở trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt thì về vấn đề giáo dục và xã hội, nước mình không phải như vậy. Bởi vậy cho nên khi nói câu “cái nước mình nó thế!” thì nó thấp thoáng tư tưởng “định mệnh”, nhưng cái tư tưởng đó lại không đúng.
Điều thứ hai quan trọng hơn là cái câu đó nó thể hiện tư tưởng “đầu hàng”, tôi cho là “chủ nghĩa đầu hàng”. Bởi vì khi mà chúng ta nói “cái nước mình nó thế!” thì chúng ta có thể xuôi tay, chúng ta có thể chịu thua, chúng ta có thể từ chối không làm bất cứ điều gì để thay đổi tình trạng như vậy cả.
Đây là điều mà có lẽ nhà cầm quyền hiện nay đang mong muốn nhất. Đó là lý do để tôi viết thêm bài “Chủ nghĩa đầu hàng” này, trong đó tôi đưa ra một luận điểm chính.
Đó là trước năm 1975, thời đó người Việt Nam, đặc biệt là ở Miền Bắc họ tự xưng là rất kiên cường, ràng buộc trong những điều họ lên án một cách gay gắt nhất, thường xuyên nhất. Họ cho đó là thái độ “đầu hàng chủ nghĩa”, kể cả trong văn học. Thế nhưng gần đây thì ở mọi nơi, ở đâu chũng ta cũng thấy thấp thoáng tư tưởng đầu hàng như vậy. Khi người ta nhắc nhở đến sự gây hấn, sự ngang ngược của Trung Quốc thì bao giờ phản ứng của chính quyền Việt Nam cũng gợi cho dân chúng ấn tượng là họ chịu thua, họ đã đầu hàng, họ đã bỏ mặc.

Láng giềng phương Bắc

000_Hkg8090460(1)-250.jpgMặc Lâm : Theo ông thì có phải kinh tế thị trường đã làm mất cảnh giác hay do sa đà quá sâu vào chiếc bẫy tài chính đã khiến đa số lãnh đạo Việt Nam không còn đường tháo lui trước cái bẫy của Trung Quốc, thưa ông?
GS Nguyễn Hưng Quốc : Thành thật mà nói thì trừ những người trong cuộc, trong nội bộ của họ với nhau, còn ở ngoài thì mình chỉ suy đoán thôi chứ mình không thể nào tìm ra nguyên nhân một cách chính xác được, anh ạ. Người ta chỉ có thể đoán mà thôi.
Trước đây, trong cuộc chiến từ 1954 đến 1975 thì ít nhất Miền Bắc cũng có hai đồng minh lớn là Liên Xô và Trung Quốc, chưa kể những nước Đông Âu khác. Sau 1975, trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc thì ít nhất Việt Nam cũng có một đồng minh rất thân cận và rất tích cực, đó là Liên Xô. Liên Xô giúp đỡ Việt Nam mọi chuyện, từ tình báo cho đến quân sự, kinh tế để Việt Nam chống lại Trung Quốc.  Còn bây giờ thì rõ ràng là Việt Nam hoàn toàn bị cô lập.
Liên Xô mà bây giờ là Nga thì hiển nhiên không còn là đồng minh thân cận với Việt Nam nữa. Các nước trong khối Đông Nam Á thì ngay chính Campuchia là nước láng giềng của Việt Nam, được Việt Nam giúp đỡ rất nhiều, thì bây giờ cũng có vẻ hờ hững với Việt Nam, thậm chí có vẻ quay sang ủng hộ Trung Quốc. Còn các nước khác thì nói chung họ chỉ ủng hộ Việt Nam ở mức độ vừa phải. Nếu giả dụ lựa chọn giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có khả năng là họ sẽ chọn lựa Trung Quốc. Bởi vậy cho nên đứng về phương diện chính trị mà nói thì Việt Nam hiện nay hoàn toàn bị cô lập. Còn về kinh tế thì rõ ràng là lệ thuộc vào Trung Quốc rất nhiều.
Cũng có thể lý do nữa, đó là tư tưởng cũ về phân biệt giữa “chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa tư bản” không chừng. Đáng lẽ chuyện này thì người ta thấy là nó vô duyên từ lâu, tuy nhiên khó có thể hiểu được chính xác cách suy nghĩ của những người lãnh đạo Việt Nam, anh ạ.
Tôi đọc bài trả lời phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trên báo Tuổi Trẻ thì ở trong đó thái độ của Nguyễn Chí Vịnh cũng có lẽ là thái độ của giới lãnh đạo ở Việt Nam nói chung có vẻ còn rất nghi kỵ đối với Mỹ, và đặc biệt là họ rất ủng hộ, rất thân cận với Trung Quốc.
Tôi lấy thí dụ, khi nhà báo hỏi về tình hình chính trị mới ở Châu Á trong thời gian gần đây thì Nguyễn Chí Vịnh có đưa ra hai sự kiện mà ông cho là quan trọng nhất. Trước hết là việc Mỹ tuyên bố tái cân bằng chiến lược và quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương, và thứ hai là bên cạnh đó đã xuất hiện cách tiếp cận mới của Trung Quốc.
Khi sắp xếp thứ tự như vậy thì người ta thấy ngay Nguyễn Chí Vịnh muốn thay đổi vấn đề, muốn xuyên tạc vấn đề.
Đáng lẽ bình thường, từ cái nhìn khách quan trên thế giới hầu như ai cũng biết cần phải đặt thứ tự ngược lại đó là tình hình chính trị ở Châu Á-Thái Bình Dương trước hết là xuất phát từ thái độ hung hăng của Trung Quốc. Từ thái độ hung hăng đó mới dẫn đến quyết định trở lại Châu Á của Mỹ. Đàng này, sắp xếp chuyện quyết định quay trở lại Châu Á của Mỹ lên hàng đầu và phản ứng của Trung Quốc đến sau thì Nguyễn Chí Vịnh muốn quy kết trách nhiệm của sự biến động chính trị ở Châu Á là thuộc về Mỹ chứ không phải do Trung Quốc.
Cho nên ngay cả trong ngôn ngữ thì ông ấy ra vẻ như là rất hòa hoãn, có vẻ như vô tư, có vẻ khách quan; tuy nhiên, trong cách sắp xếp, cách lý luận như vậy thì chúng ta cũng có thể thấy với họ thì hình như có sự lựa chọn là thà họ theo Trung Quốc hơn là theo Mỹ, ngay cả khi Mỹ có nhiệt tình giúp đỡ họ bảo vệ độc lập, hay là bảo vệ chủ quyền đi nữa.

Lập luận của giới lãnh đạo

000_Hkg7686170-250.jpg
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh (giữa). AFP photo
Mặc Lâm : Ông vừa nhắc tới nhân vật Nguyễn Chí Vịnh khiến tôi nhớ tới luận điểm của ông này khi nêu cao quan niệm hệ thống Đảng cũng như ý thức hệ của hai nước tương tự như nhau. Ông có nghĩ rằng điều ông Vịnh nói chỉ là cái cớ, nói lấy được hay không, thưa ông?
GS Nguyễn Hưng Quốc : Tôi nghĩ đó chính là cái cớ nói lấy được thôi anh ạ. Trước, rồi trong, và sau chiến tranh giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 1979, thì ở Hà Nội người ta xuất bản nhiều sách về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, trong đó người ta lên án là ngay từ 1954-1955 Trung Quốc đã không có mặn mà gì lắm đối với Việt Nam.
Trước tháng 4-1975 khi Miền Bắc sắp chiếm Sài Gòn thì một trong những nước ngăn cản, tìm cách chống đối nhất lại là Trung Quốc. Rồi sau đó ai cũng biết chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc bùng nổ. Như vậy có nghĩa là giới lãnh đạo ở Miền Bắc đã biết được cái thực chất của Trung Quốc là họ chỉ lo cho cái lợi của họ và họ muốn khống chế Việt Nam chứ thật ra họ không nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam.
Lý do thứ hai quan trọng hơn mà hầu như cả thế giới đều biết, đó là khi vào năm 1978 cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia bùng nổ, và năm 1979 khi chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng nổ tiếp kéo dài mấy tháng, thì trên thế giới các nhà nghiên cứu lý luận đã nhận ra một điều như thế này: đó là đối với quan hệ quốc tế thì quyền lợi quốc gia quan trọng hơn vấn đề ý thức hệ. Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa Việt nam và Campuchia là hai cuộc chiến tranh đầu tiên giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau ở quy mô lớn. Đó là chúng ta không kể những vụ Liên Xô trước đây đem quân sang trấn áp một số những thành phần chống đối ở các nước Đông Âu, thì đó chỉ là những cuộc chiến tranh can thiệp, chứ thật ra không phài là thật sự chiến tranh giữa hai nước.
Tôi thấy cách lập luận như vậy của giới lãnh đạo Việt Nam thì chỉ là một cách ngụy biện để che giấu một số sự thật nào đó mà họ không tiện nói ra, hay không thể nói ra thôi.
GS Nguyễn Hưng Quốc 
Chiến tranh thật sự giữa hai nước xã hội chủ nghĩa với nhau là xuất phát ở Việt Nam, gắn liền với Việt Nam trong quan hệ với Campuchia và Trung Quốc. Tất cả mọi nhà nghiên cứu trên thế giới đều biết điều đó. Đáng lẽ những người lãnh đạo Việt Nam cũng biết điều đó, và hơn nữa những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay, bây giờ ở lứa tuổi khoảng 60, tất cả đều đã trưởng thành và thậm chí tham gia ít nhiều vào cuộc chiến tranh chống Trung Quốc. Do đó theo tôi nghĩ, họ không thể nào có cái ảo tưởng là sự tương đồng về chủ nghĩa, về ý thức hệ như vậy để có thể tạo nên hòa bình hay là hữu nghị như họ nói. Bởi vậy cho nên tôi thấy cách lập luận như vậy của giới lãnh đạo Việt Nam thì chỉ là một cách ngụy biện để che giấu một số sự thật nào đó mà họ không tiện nói ra, hay không thể nói ra thôi.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: