13.11.10

Bắc Kinh cảnh giác cao với Việt Nam

Bắc Kinh cảnh giác cao với Việt Nam

Khánh An, phóng viên RFA 2010-11-12   Việt Nam bị xếp hạng thứ 3 trong danh sách các quốc gia mà chính phủ Bắc Kinh cần phải thận trọng cảnh giác.
 
AFP photo
Bản đồ những vùng đảo đang tranh chấp ở Biển Đông

Một khảo sát vừa được hãng thông tấn Global Times thực hiện để lấy ý kiến trên hơn 1.300 người dân Trung Quốc cho thấy như vậy.

Có đáng lo ngại?

Hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tuần duyên Nhật Bản trên vùng biển gần đảo Điếu Ngư mà Nhật gọi là Sensaku dẫn đến căng thẳng chính trị giữa hai nước, hãng thông tấn Global Times được thực hiện một cuộc khảo sát qua điện thoại đối với 1305 người dân tại 6 thành phố Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô, Trường Sa, Tây An và Thẩm Dương.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 90% người được hỏi quan tâm đến những vụ tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với Nhật Bản và các nước khác. Đa số không chấp nhận để Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết tranh chấp. Thậm chí ngược lại, có đến gần một nửa số người cho rằng Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên mà Trung Quốc cần phải thận trọng cảnh giác, kế đó là Nhật Bản, thứ ba là Việt Nam và lần lượt sau đó là các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei.
Khi được hỏi về những giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, 39,8% người Trung Quốc được thăm dò cho rằng phải chiến đấu khẳng định chủ quyền; 35,3% khác cho rằng nên đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền qua một bên và cùng nhau phát triển trong khi vẫn tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền; chỉ có 18,3% đồng ý xác định lại biên giới lãnh hải cùng với các quốc gia thích hợp.
Theo TS. June Teufel Dreyer, Giảng viên Khoa học Chính Trị của trường đại học Miami, chuyên gia phân tích về quan hệ chính trị của Trung Quốc với các nước thì việc Trung Quốc lo ngại Việt Nam là có thực, tuy nhiên kết quả của các cuộc khảo sát trên báo chí không phải lúc nào cũng chính xác và phản ánh đúng thực tế. Theo bà, điều dư luận nên quan tâm hơn chính là thái độ của chính phủ Trung Quốc và những phản ứng của chính phủ Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Họ đã có thông báo về việc cảng Cam Ranh sẽ mở cửa cho hải quân và tàu nước ngoài, đã ký thỏa thuận để Nhật Bản xây dựng lò phản ứng hạt nhân...
TS. June Teufel Dreyer
Theo đánh giá của tờ New York Times, việc Trung Quốc leo thang trong vấn đề quân sự và các chính sách thương mại đã khiến cho các nước láng giềng cũng phải để mắt xem lại thực lực quân sự của mình. Hầu hết các quốc gia châu Á đều ngấm ngầm hiểu rằng việc Trung Quốc sẽ thay thế cho Hoa Kỳ ở vị trí đứng đầu trong khu vực là điều thấy trước, tuy nhiên quá trình thay thế đang diễn ra quá nhanh khiến cho nhiều nước lo ngại. Vấn đề hạ giá đồng nhân dân tệ, cấm xuất khẩu đất hiếm đến Nhật và sau đó là Mỹ và châu Âu đã dấy lên quan ngại về việc Bắc Kinh sử dụng các lợi thế kinh tế để làm vũ khí ngoại giao và chính trị.

Bên cạnh đó, hải quân Trung Quốc không ngừng bành trướng và thực hiện các hoạt động lấn lướt trên các vùng biển tranh chấp. Li Jie, một nhà chiến lược của Viện Nghiên cứu Hải quân của Trung Quốc, khẳng định rằng Bắc Kinh cần gửi ra một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng rằng sức mạnh quyền lực của Trung Quốc là không thể ngăn cản được. 

Chính sách của VN

000_Del424800-250.jpg
QĐ Giải phóng Nhân dân TQ bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 09 tháng 11 năm 2010 chào mừng chuyến thăm của Thủ tướng Anh David Cameron. AFP photo
Trước sức ép của người khổng lồ đầy tham vọng, việc đưa ra một chính sách ngoại giao và đối phó thích hợp với Trung Quốc đang là vấn đề đau đầu cho các nhà lãnh đạo châu Á. Nhiều quốc gia châu Á đã lên tiếng chào đón Hoa Kỳ trở lại khu vực để tìm lại vị thế cân bằng với quyền lực đang lên của Bắc Kinh. Tại Việt Nam, sau thương vụ mua tàu ngầm và chiến đấu cơ của Nga, việc Việt Nam quyết định mở cửa cảng Cam Ranh cho hải quân nước ngoài, theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, là một bước đi đúng hướng và cần thiết.
TS. June Teufel Dreyer nhận xét: "Tôi nghĩ cho đến lúc này thì chính phủ Việt Nam đã hành động khá khôn ngoan. Họ đã có thông báo về việc cảng Cam Ranh sẽ mở cửa cho hải quân và tàu nước ngoài, đã ký thỏa thuận để Nhật Bản xây dựng lò phản ứng hạt nhân, đồng thời cũng để nước này khai thác đất hiếm, thứ mà Trung Quốc đã quyết định là không bán cho Nhật nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đi đúng hướng".
Trở lại với kết quả cuộc thăm dò khi một số người dân Trung Quốc cho rằng Việt Nam là quốc gia thứ 3 mà Bắc Kinh cần đề phòng, cũng có ý kiến cho rằng có thể việc giáo dục lịch sử cũng như tình trạng kiểm soát thông tin tại Trung Quốc đã dẫn đến nhận xét trên ở một số người. Bởi vì thực tế là đối với không ít người dân ở Trung Quốc, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã được giáo dục rằng chủ quyền của hai quần đảo Nam Sa và Tây Sa (Trường Sa và Hoàng Sa) là thuộc về Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác luôn luôn có ý đồ chiếm đoạt lấy các vùng biển đảo này.
Nhận xét về tình trạng trên, TS. Dreyer nói: "Sách của Trung Quốc đã phá hỏng lịch sử một cách nặng nề bởi vì Việt Nam đang nắm giữ Trường Sa vào thời điểm mà Trung Quốc dùng bạo lực để chiếm lấy nó vào khoảng những năm 1974 – 1975. Vì vậy, tôi không hiểu vì sao mà người ta có thể nói rằng các quần đảo trên là của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người đã đọc sách giáo khoa của Trung Quốc thì nói rằng có nhiều điều không hẳn là đúng sự thật".  
Sách của Trung Quốc đã phá hỏng lịch sử một cách nặng nề bởi vì Việt Nam đang nắm giữ Trường Sa vào thời điểm mà Trung Quốc dùng bạo lực để chiếm lấy nó vào khoảng những năm 1974 – 1975
TS. Dreyer


Riêng trong vấn đề để Hoa Kỳ làm trung gian trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền các vùng biển đảo, hơn 76% người Trung Quốc được hỏi đã bác bỏ ý kiến này. Điều này khiến người ta nhớ lại cách đây không lâu, chính quyền Bắc Kinh cũng đã tỏ ra tức giận với Hoa Kỳ khi ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra lời đề nghị tương tự đối với việc tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Đông.
Mặc dù mọi cuộc khảo sát đều mang tính tương đối nhưng trước con số khá cao, mang tính thể hiện sự đồng lòng của người dân Trung Quốc đối với các quyết định của chính quyền khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về sự thành công của chính sách giáo dục và sự kiểm soát thông tin hữu hiệu của Bắc Kinh trong mục tiêu phục vụ cho chính trị. Vấn đề ở chỗ, hy sinh dân trí để đạt được mục tiêu chính trị lại không phải là lựa chọn của một xã hội dân chủ và văn minh.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: