13.11.10

Xả lũ: con kiến có thể kiện củ khoai

Xả lũ: con kiến có thể kiện củ khoai

Nam Nguyên, phóng viên RFA    2010-11-13 Thủy điện và các hồ chứa nước xả lũ góp phần gây thiệt hại nghiêm trọng ở Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa. Nông dân dọa kiện nếu các nhà máy thủy điện không chịu bồi thường.
Photo courtesy of Wikipedia
Nhà máy thủy điện Đa Nhim

Hầu hết các báo điện tử phản ánh nỗi đau của người dân bị mất người thân và tài sản vì đợt mưa lũ kéo dài. Tuy vậy, hệ thống thủy điện chằng chịt ở Nam Trung bộ được cho là đã góp phần làm cho lũ trở nên hung hiểm hơn, hậu quả những ngày xả lũ vì sợ vỡ đập đã làm các khu dân cư ở hạ du khốn khổ.
Saigon Tiếp Thị điện tử có tựa bài gây ấn tượng “Thủy điện, thủy lợi đồng loạt xả lũ Nam Trung bộ ngập từ thành thị tới nông thôn”, Vietnam Net mô tả “Xả lũ đến hẹn lại lên, chỉ nông dân chịu thiệt, VnExpress, Thanh Niên và nhiều báo khác đều có có bài liên quan trong khi Tuổi Trẻ Online đặt dấu hỏi “Xả lũ, thủy điện Đa Nhim bồi thường?”
Người dân Lâm Đồng không lạ gì với việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho nông dân:
“Mỗi lần thủy điện Đa Nhim xả lũ là hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng mất trắng hoa màu, xung quanh hai bên bờ sông xả lũ là đất người ta sản xuất nông nghiệp bị ngập mất trắng hết.
Thì phải chịu vậy thôi chứ đất sản xuất không làm lấy gì ăn. Nông dân trồng để bán đi Hà Nội, Thành phố HCM những loại rau cải, xà lách, bắp xú, cà chua nói chung đầy đủ hết, năng suất cao lắm.”
Vietnam Net ngày 10/11 trích lời ông Trần Duy Việt, chủ tịch Hội Nông dân Lâm Đồng xác định quyết tâm đòi ngành điện hỗ trợ thiệt hại cho nông dân do xả lũ gây ngập úng trên diện rộng. Nhưng điều quan trọng mà Hội Nông dân kiến nghị là cần giải quyết tận gốc vấn đề thủy điện xả lũ, không thể “đến hẹn lại lên người nông dân thiệt thòi”.
Trên Tuổi Trẻ Online, ông Trần Duy Việt cho biết hồ Đa Nhim trong mùa khô tích nước phát điện, khiến hạ lưu trở thành con sông chết, người dân không có nước sản xuất. Tới mùa mưa Đa Nhim chỉ mới xả lũ 2 ngày đầu tháng 11 với lưu lượng trên 500m3/giây, đã làm thiệt hại cho Đơn Dương, Đức Trọng 640 héc-ta hoa màu và 188 héc-ta lúa gần lúc thu hoạch, ước tính thiệt hại 23 tỷ đồng.

May nhờ rủi chịu, kiện thưa gì

Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình
Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình ở miền Bắc. Wikipedia
Đối với vấn đề báo chí phản ánh, ông Hà Phước Toản, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy Lâm Đồng đã trả lời chúng tôi:
“Nông dân có phần vì ruộng đất hiếm, biết thời tiết thất thường mưa nhiều thì xã lũ nhưng người ta vẫn làm, may thì được hưởng lợi rủi thì phải chịu, đúng ra trong vùng ranh giới đó không được trồng trọt gì. Nếu xả lũ đúng qui trình thì không có vấn đề, nhưng nếu sai qui trình thì sẽ bị xử lý.
Nói vậy chứ ai cũng phải bảo vệ nông dân, nhưng sẽ không có khởi kiện mà yêu cầu bên điện lực người ta có giải pháp để làm sao nông dân đừng bị thiệt hại. Nhà nước cũng có trách nhiệm lo cho nông dân, xả lũ đúng qui trình nếu mưa nhiều quá làm lũ lụt thì do thiên nhiên thôi.”
Bênh vực cho việc xã lũ được cho là đúng qui trình của Công ty thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, ông Hồ Ngọc Thắng Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Lâm Đồng kêu gọi nông dân bình tĩnh:
Tôi nói người dân dưới đó không nên kiện thưa, vì anh đã hưởng thụ rồi bây giờ xả đập thì chịu chung, phải hiểu rằng cho anh sản xuất mùa nào chỗ nào, dưới lòng hồ ai cho anh sản xuất, bây giờ kiện thưa gì.
Ô. Hồ Ngọc Thắng
“Những người sản xuất tại lòng hồ, tôi ở đây nhiều năm tôi biết, anh sản xuất mùa khô anh hưởng thụ còn mùa lũ thì vậy thôi.
Tôi nói người dân dưới đó không nên kiện thưa, vì anh đã hưởng thụ rồi bây giờ xả đập thì chịu chung, phải hiểu rằng cho anh sản xuất mùa nào chỗ nào, dưới lòng hồ ai cho anh sản xuất, bây giờ kiện thưa gì.
Còn bây giờ hiểu cảnh ngộ dân xót lòng người dân, hỗ trợ 300 triệu về những rủi ro chứ cũng không biết được hậu quả đến chừng nào.
Theo quan điểm của tôi, những ngày nắng hạn thì không có nước bây giờ trời mưa tràn đập họ xả thì mình phải bình tĩnh, kiện thưa gì.”

Cương quyết bảo vệ quyền lợi

Xem báo chí tường thuật, chúng tôi cảm nhận những người dân bình thường ở Việt Nam đang thay đổi tư duy rất nhiều, họ bắt đầu có tiếng nói rất cương quyết để bảo vệ quyền lợi của mình như vụ Vedan, vụ kiện lô cốt ngăn trở công việc làm ăn ở TPHCM và hiện nay vấn đề thủy điện xả lũ gây ngập lụt.
Theo Saigon Tiếp Thị, ngày 10/11 ông Trần Anh Hùng ở Phường Tân Lập, Thành phố Nha Trang đã đại diện 25 hộ dân nuôi trồng thủy sản gởi đơn khiếu nại tới Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội Nông dân tỉnh, để khiếu nại việc hồ chứa nước Suối Dầu xả lũ gây thiệt hại chung khoảng 7 tỷ đồng. Chúng tôi phối kiểm thông tin và được ông Trần Anh Hùng xác nhận, từ Nha Trang ông Hùng nhấn mạnh:
“Năm nay lưu lượng mưa và khí hậu biến đổi bất thường, với việc xây nhiều hồ nước và để giữ đập người ta xả. Về nguyên tắc anh phải xả ban ngày và thông báo đến từng hộ dân nuôi trồng thủy sản để người ta có cách đối phó, nếu chúng tôi biết trước được 1 ngày thôi thì có thể thu hoạch vớt vát bớt được chút ảnh hưởng. Chứ bây giờ nếu anh đến đây sẽ thấy tình cảnh thảm lắm.”
... cơn lũ tối mùng 2 vừa rồi vỡ gần 500 mét bờ bao các đìa nuôi tôm cua, ghẹ, cá dìa, cá mú, cá chẽm, cá chép biển. Chúng tôi phải sơ tán cả gà vịt, có ông nuôi 37 con lợn rừng trong trại bị trôi hết.
Ô. Trần Anh Hùng
Ông Trần Anh Hùng đến lập nghiệp ở Nha Trang từ năm 1996, sự nghiệp xây dựng mười mấy năm đã phá sản, điều ông mong muốn là được hỗ trợ và khoanh nợ giãn nợ ngân hàng chứ không kỳ vọng chuyện đi kiện chính quyền, bởi vì Ủy ban Nhân dân Khánh Hòa giải thích là các hồ chứa được vận hành nghiêm túc xả lũ đúng qui trình. Ông Trần Anh Hùng tiếp lời:
“Nha Trang mười mấy năm rồi, năm nào chả có lũ, nhưng nó không mạnh không siết và lên nhanh như năm nay. Năm nay nó lên nhanh quá vào ban đêm và chỉ có hai tiếng đồng hồ thôi, nhưng nó phá hết bờ đập thành biển rồi, cơn lũ tối mùng 2 vừa rồi vỡ gần 500 mét bờ bao các đìa nuôi tôm cua, ghẹ, cá dìa, cá mú, cá chẽm, cá chép biển. Chúng tôi phải sơ tán cả gà vịt, có ông nuôi 37 con lợn rừng trong trại bị trôi hết.”
Đó là chuyện 25 hộ nuôi trồng thủy sản mất nghiệp vì hồ chứa nước Suối Dầu xả lũ gọi là đúng qui trình, câu chuyện Nha Trang chưa dừng ở đó. Thành phố Du Lịch mà trong những ngày đầu tháng 11 ngập lụt trên diện rộng đến nỗi báo Saigon Tiếp Thị điện tử có một tựa bài đáng chú ý: “Du khách…chèo thuyền giữa phố Nha Trang.”
Đêm 8 rạng 9/11 mưa to được tiếp sức xả lũ của thủy điện thủy lợi, nhiều vùng ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bị lũ lần thứ 3 trong vòng 10 ngày. Theo báo chí, hàng trăm ngôi nhà thuộc 5 xã hạ lưu bị ngập nặng.
Tiếp giáp Khánh Hòa Nha Trang ở phía Bắc, tỉnh Phú Yên ngoài sự thịnh nộ của thiên nhiên, thủy điện bậc thang trên sông Ba tiếp tục xả lũ nhiều ngày với lưu lượng lớn, đến ngày 10/11 cả vùng hạ du vẫn chìm ngập trong đó có thành phố Tuy Hòa.

Người dân có quyền khởi kiện

Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai
Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai
Theo Saigon Tiếp Thị điện tử, ngày 10/11 ông Nguyễn Bá Lộc Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đặc trách phòng chống lụt bão cứu nạn nói với báo chí rằng người dân Phú Yên có thể khởi kiện việc thủy điện xã lũ gây thiệt hại.
Ông Lộc nhấn mạnh rằng, Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ sai qui trình, gây khó khăn trong việc sơ tán người dân ở hạ lưu sông Ba làm hàng ngàn ngôi nhà bị ngập. Ông Lộc nhấn mạnh chính quyền rất mệt mỏi với cách thức xả lũ hiện nay của các nhà máy thủy điện trên sông Ba.
Chúng tôi trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM người có nhiều kinh nghiệm giúp Hội Nông dân trong vụ Vedan. LS Hậu đưa ra tư vấn về việc đòi thủy điện xả lũ phải bồi thường cho dân:
“Thứ nhất thông qua Hội Nông dân thì họ phải xác định nguyên nhân xả lũ do đâu, xác định được nguyên nhân rồi thì trước hết nên khiếu nại pháp nhân quyết định việc xả lũ đó để xem trách nhiệm của họ đến đâu.
Nhưng muốn làm việc này phải xác định mức thiệt hại xảy ra, nguyên tắc bồi thường thiệt hại là phải bồi thường toàn bộ và kịp thời, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, có thể bồi thường bằng tiền hay hiện vật.
Thứ hai người gây ra thiệt hại do lỗi vô ý mà gây ra thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình thì được gia giảm.
Nguyên tắc thứ ba nếu mức bồi thường không phù hợp thực tế, thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại, sau khi khiếu nại rồi mà không được giải quyết thì họ có thể yêu cầu tòa án, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác để mà quyết định việc này. Theo tôi, cần làm đúng trình tự này.”
Trước đó trong cuộc họp báo chiều 6/11 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khi trả lời nhà báo đã xác định quan điểm của chính phủ việc xả lũ hồ tích nước Sông Ba Hạ nếu không đúng qui trình thì người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm
Còn Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên thì nói rằng, cá nhân vi phạm qui trình xã lũ liên hồ nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo qui định của pháp luật. Với chừng ấy yếu tố, rõ ràng người dân có quyền đòi các nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại phải bồi thường, còn việc công lý có nghiêng về phía họ hay không lại là một việc khác.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: