8.11.10

Ngàn năm....Đã Biết Sợ Chưa?!?

 Ngàn năm....Đã Biết Sợ Chưa?!?
Tôn Giáo Xã HộiNgàn Năm ....đảng Cộng Sản Việt Nam đã biết sợ chưa?!? Thư của "Giáo già" gửi học trò trong nước nhân dịp đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long chúc mừng quốc khánh Trung Cộng ngày 1/10/2010....


Ngàn Năm... Ðã Biết Sợ Chưa?!?
Thư Cho Con
Ngày 9 tháng 10 năm 2010

H,

Trước ngày khai mạc các lễ hội “Ngàn Năm Thăng Long” dự trù tổ chức với nhiều thứ được Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo thói quen tự xem như “nhứt” có mọi thứ được gắn liền với con số 1.000 [ngàn], từ hình rồng vàng đến số viên ngọc được đặt mua từ nước ngoài về gắn làm mắt rồng rồi sau đó dùng làm quà hối lộ quan chức... với số chi lên tới 5 tỷ đô la Mỹ... thì bất ngờ ngày 29/9/2010 trời mưa ào ào đổ xuống Miền Trung gây cảnh lũ lụt tràn lan địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Viên chức cơ quan phòng chống bão lụt trung ương cho hay hôm Thứ Tư, 6/110/2010 là số người thiệt mạng đã lên đến 49 nạn nhân. Tỉnh thiệt hại nặng nhất là Quảng Bình [xem hình nước lũ tràn ngập đường phố Quảng Bình. AFP] với 33 nạn nhân và 14 người còn ghi nhận mất tích. Hà Tĩnh cho biết có 6 người chết, nước mưa liên tiếp nhiều ngày đã làm ngập ít nhất 8,400 ha ruộng rẫy trong khi 27,000 căn nhà bị ngập nước. Theo tin báo Thanh Niên, nhiều chuyến xe lửa Sài Gòn-Hà Nội đã bị dời lại vì nhiều đoạn thiết lộ bị ngập nước. Hàng ngàn làng mạc bị cô lập trong biển nước.
Về mức thiệt hại , bản tin báo Người Lao Ðộng ghi nhận rằng đến chiều 6/10/2010, tỉnh Quảng Bình đã có 28 người chết, 17 người mất tích và 7 người bị thương. Toàn tỉnh còn 103 ngàn ngàn ngôi nhà ngập trong lũ, có gần 2 ngàn ngôi nhà bị sập, trôi... Chủ tịch xã Tân Hóa Cao Văn Dương cho biết gần 3,000 người đang trong tình trạng đói vì lương thực cạn và không thể nấu nướng gì được. Hàng trăm người dân lên vùng cao lèn đá, che tạm lều bằng mọi thứ vật liệu để ở tránh lũ... Miền Trung Việt Nam vốn là nơi thiên tai ác nghiệt và tình trạng này càng trở nên trầm trọng những năm gần đây khi Nhà nước vẫn làm ngơ cho lâm tặc chặt phá rừng bừa bãi, để Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện làm biến đổi dòng chảy, lưu lượng nước. Nhiều cụ sống lâu ở địa phương cho biết chưa bao giờ có lụt lớn như thế, có những vùng lâu nay ít lụt chưa chuẩn bị được, có người tài sản mất trắng, trâu bò chết vô số...
Một trong vô số trường hợp thương tâm được ghi nhận là trưa ngày 6/10/2010, tại rốn lũ xã Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tĩnh), trên dòng nước lũ, người dân đưa tang cô giáo mầm non Trần Thị Hoa. Cô bị nước lũ cuốn khi đến trường cất đồ dùng, sách vở cho các em học sinh [hình chồng và 2 con nhỏ bên cạnh quan tài cô Hoa].
Giữa cảnh lũ lụt hoành hành tang thương chết chóc của đồng bào Miền Trung, thì tại Hà Nội, ngay ngày hôm sau, 1-10-2010, Báo Lao Ðộng đưa tin:
 “...Sáng nay, 1.10, lễ khai mạc Ðai lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra trang trọng tại vườn hoa Lý Thái Tổ... Trên khắp các đường phố Hà Nội, cờ và hoa rực rỡ...”
Trong khi đó, bản tin của AFP, cho biết:
“...Những cố gắng của chính quyền muốn nhân sự kiện này để khuếch trương thành tựu kinh tế và di sản văn hóa của mình đã làm cho không ít người dân bất bình, khi biết rằng ngân sách để chi cho đại lễ này lên tới 63 triệu đô la. Ông Trân Văn Lam, 65 tuổi, một viên chức về hưu nói với phóng viên của AFP rằng lẽ ra số tiền trên nên để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cho Hà Nội. Ông không cảm thấy hứng thú với bất kỳ một hoạt động nào của đại lễ nghìn năm này mà theo ông, ‘cũng giống như những sự kiện khác, lễ hội nghìn năm chỉ mang mục đích tuyên truyền chính trị’...”
Phần đài VOA, trong bản tin “Hà Nội hoàn tất công tác chuẩn bị cho Ðại lễ 1000 năm Thăng Long” hôm Thứ Tư 29-9-2010 nói rằng:
“Bản tin hôm thứ Tư của hãng thông tấn Pháp trích lời một nữ nhân viên văn phòng 31 tuổi nói rằng bà không hề cảm thấy thích thú đối với bất kỳ hoạt động nào của lễ hội ngàn năm. Một phụ nữ 44 tuổi hành nghề bác sĩ thì than phiền là Hà Nội vừa bẩn vừa hỗn loạn và rất ít du khách quay lại thành phố này sau chuyến thăm đầu tiên....”
Ðiều đáng ghi nhận là lúc khai mạc Ðại Lễ 1,000 Năm Thăng Long trên khán đài chỉ có Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng lên đọc diễn văn mà chẳng thấy Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng, không có Tổng Bí thư Ðảng Nông Ðức Mạnh, không có Chủ Tịch Nhà Nước Nguyễn Minh Triết, cũng chẳng có ai ở Trung Ương Ðảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện... và cũng chẳng ai nghe một lời bày tỏ sự xót đau thảm nạn lũ lụt đang nhận chìm Miền Trung dưới biển nước minh mông; bởi “vô cảm” và “ngoan cố” hình như là yếu tính cố hữu của Cộng sản Việt Nam, cho nên lũ lụt có tàn phá quê hương Miền Trung cách nào, dư luận có lên án sự xa hoa hoang phí của lễ hội “Ngàn năm Thăng Long ố Hà Nội” cách nào... những trò vui chơi hợm hĩnh vẫn cứ tiếp tục, vẫn diễn ra trong khi miền Trung mưa nước trắng trời, khiến bao nhiêu người chết, bao nhiêu đám tang phải cử hành trên sóng nước, bao nhiêu ngàn người không nhà cửa đang chờ cứu giúp, mà nhà nước coi như vô cảm, người dân Hà Nội vẫn sống trong không khí hội hè với pháo bông, diễu hành, văn nghệ “hoành tráng” cùng vô số thú vui khác chừng như không thể nào dứt... [hinh biểu diễn các nhạc cụ truyền thống trong buổi lễ khai mạc “1000 năm Thăng Long” hôm 01 tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội. AFP photo]... thì bất ngờ... tin được phóng viên Trọng Nghĩa đưa lên đài RFI ngày 6/10/2010 cho biết:
“Một vụ nổ lớn vừa xẩy ra tại Hà Nội vào khoảng 11 giờ 30 trưa nay, giờ Việt Nam. Ðịa điểm bị nạn là khu chứa pháo bông tại sân vận động Mỹ Ðình, nơi sẽ diễn ra một buổi bắn pháo hoa nghệ thuật vào tối 10/10 tới đây, nhằm đánh dấu Ðại lễ 1000 năm Thăng Long”.
 Hãng tin AFP trích lời một phụ nữ sống trên tầng thứ sáu của một chung cư ở khu vực gần sân vận động Mỹ Ðình cho biết bà đang nấu bếp thì nghe thấy “nhiều tiếng nổ lớn”. Bà chạy ra ban công thì nhìn thấy một đám khói trắng bốc lên từ khu vực sân vận động và nhiều người đã đổ xô ra đường để xem.
Phóng viên nhiều tờ báo trong nước như Tuổi Trẻ, Vietnamnet, Sàigon Tiếp Thị, VnExpress, có mặt tại hiện trường đã lập tức đưa tin về vụ nổ này, với hình ảnh cụ thể. Nhưng, tất cả các bài này đã bị rút khỏi trang Web của các tờ báo. Trong bài viết bị gỡ bỏ, phóng viên báo Tuổi Trẻ có mặt tại hiện trường sau vụ nổ khoảng 10 phút đã mô tả cảnh tượng như sau:
“Khu lán trại khoảng 10 gian trong khuôn viên sân Mỹ Ðình bị sập và cháy đen. Hiện tại thỉnh thoảng vẫn xuất hiện vài tiếng nổ và một vài cột pháo hoa bay lên. Bãi cỏ rộng hàng nghìn mét vuông ngay cạnh đó cũng bị cháy sém. Tại hiện trường vụ nổ, 1 container hàng hóa gần đó cũng bị nổ tung, đất cát và sắt văng tung tóe. Nhiều xe cứu hỏa được điều đến dập lửa, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để tiếp cận chữa cháy và đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu”.
Thông tấn xã Việt Nam trích lời Trung tướng Nguyễn Ðức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết vụ nổ là do cháy 2 container chứa pháo hoa. Nguyên nhân của vụ cháy nổ được xác định là “do sơ xuất trong quá trình vận chuyển.” Tướng Nhanh cho biết thêm là có 3 người khác bị thương trong vụ nổ. Nhưng AFP dẫn lời Bộ Ngoại giao Ðức xác nhận:
“Hai công dân nước này thuộc trong số bốn người thiệt mạng trong khi đang chuẩn bị pháo hoa ở Hà Nội. Hai người này, không được nêu tên, ở độ tuổi 50, là thành viên của nhóm 15 người Ðức làm việc cho một công ty Singapore, theo lời người phát ngôn ngoại giao ở Berlin. Một công dân Ðức thứ ba bị thương. Người thứ ba tử nạn là một phụ nữ Singapore, và người còn lại là công nhân Việt Nam thuộc công ty Z121 của Bộ Quốc phòng. Công ty Interserco, đặt trụ sở ở Hà Nội, là nơi nhập pháo hoa về cho đại lễ”.
Trang mạng VnExpress dẫn lời đại diện Interserco nói:
“Số pháo trong 2 container bị cháy phần lớn là để dự phòng và bắn thử nên chúng tôi có thể bù đắp từ pháo trong nước sản xuất. Nếu mua từ nước ngoài thì sẽ phải mua khối lượng lớn... Kế hoạch và kịch bản bắn pháo hoa tối 10/10 sẽ có không có thay đổi.”
Sau đó, ngày 7/1/2010 blog Trương Duy Nhất lên tiếng:
“Cứ tưởng sau sự cố nổ hôm qua, chương trình pháo hoa nghìn năm sẽ hủy. Nhưng không, chẳng những không hủy, mà còn tức tốc chi thêm tiền nhập pháo. Cứ tưởng sẽ có thêm những chiếc trực thăng bay về cứu dân vùng lũ. Nhưng không, khi ông Bí thư Quảng Bình gào xin như van lạy mới có được 2 chiếc trực thăng bay về cứu dân. Trong khi 10 chiếc trực thăng khác lại đang được tập trung cho việc tập dượt kéo mấy lá cờ duyệt binh mừng đại lễ nghìn năm. Cứ tưởng sẽ có Cụ này, Bác nọ bay về vùng lũ động viên dân. Nhưng không, vẫn chưa thấy ai nhấc chân khỏi Hà Nội. Gần 50 mạng người - quốc tang đấy chứ!... Cả cụ Lý Công Uẩn, đất trời, thần linh, tiên tổ chắc cũng chẳng ai dám gật đầu ủng hộ cho thần dân, cháu con mình hò reo nhảy múa, bắn pháo hoa giữa lúc này... Không có đất nước nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, gần 50 người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu”.
 Trước đó, tại Hà Nội, ngày 5/10/2010, nhà văn Trần Nhương cũng viết thư xin đề nghị “Cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa (thay vì 29 điểm) và các tiết mục khác không cần thiết để tiết kiệm tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung”.
Ðồng thời, một số trí thức và blogger đồng loạt lên tiếng cho rằng cần giảm quy mô ăn mừng 1000 năm Thăng Long trong bối cảnh lụt bão ở miền Trung làm chết hàng chục người. Ðặc biệt, tại Thanh Minh Thiền viện, Saigon, ngày 7/10/2010, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, kiêm Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã phổ biến Thông điệp nói rằng:
“Thăng Long ngày nay không còn là đất Rồng bay hưng phát, tái tạo quê hương, phát huy văn hiến. Thăng Long ngày nay không còn là Thăng Long của hai hội nghị Diên Hồng và Bình Than. Thăng Long ngày nay không còn là Ðông Ðô khi tàn quân xâm lược quy hàng. Thăng Long ngày nay không còn là Ngọc Hồi của tiếng trống lệnh thoát ly nô lệ!
“Thăng Long bây giờ là hàng triệu lá đơn Dân Oan không được xét. Thăng Long bây giờ mang tên Trại Cải tạo Hà Nội, nơi giam nhốt và quản chế các Thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Phù Vân... các Cư sĩ thiền sư Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung, Nguyễn Trãi...
“Thăng Long bây giờ là hàng tỉ tỉ đồng đổ xuống cho sự lòe loẹt, xa hoa, khi nhân dân đói rét cơ hàn nơi vùng sâu vùng xa. Thăng Long bây giờ là những công trình văn hóa nghệ thuật vội vã sơn phết hòng che giấu sự sôi sục, bất bình, phẫn nộ của toàn dân.
“Thăng Long bây giờ là hàng hóa độc hại, giả và dổm từ Bắc phương rót qua biên giới không lằn ranh. Thăng Long bây giờ là bộ phim lai Tàu, cải trang Lý Thái Tổ thành Tần Thủy Hoàng kinh lý An Nam Ðô hộ phủ”.
và Ngài kêu gọi:
“Một là tẩy chay không xem bộ phim tàu hóa “Lý Công Uẩn, đường đến Thăng Long” nếu được trình chiếu ở rạp hay trên truyền hình.
“Hai là kể từ nay, tẩy chay hàng hóa Trung quốc cho đến khi Bắc Kinh từ bỏ sự xâm lấn Việt Nam bằng chính sách văn hóa và những cuộc di dân, hoàn trả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc và ải Nam Quan”...
Không biết có phải vì phản ứng của quần chúng quá mãnh liệt, nhất là từ giới trí thức, về sự xa hoa, tốn kém của đại lễ trong khi đất nước còn quá nghèo; cũng như trước sự nô lệ quá trắng trợn của cấp lãnh đạo hàng đầu Cộng sản Việt Nam đối với Tàu khiến phim “Lý Công Uẩn ố Ðường Ðến Thăng Long” không được đem chiếu trong ngày đại lễ “Ngàn Năm Thăng Long ố Hà Nội”. Trong khi đó, tin được đưa lên Việt Báo ngày 8/1/2010 cho biết thêm là “Chính quyền thành phố Sài Gòn đã ra thông báo đóng dấu ‘khẩn’, yêu cầu tất cả các cơ quan, ban, ngành của TP.HCM và các quận huyện phải thực hiện nghiêm túc đề nghị của Bộ Ngoại giao là không được chúc mừng ‘Ngày Song Thập” [10 tháng 10] của Ðài Loan’ ... giới truyền thông cũng bị ‘chỉ đạo là không được đưa tin, viết bài về những hoạt động mừng Quốc khánh Ðài Loan do Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Ðài Bắc tại Sài Gòn tổ chức’.”
 Làn sóng chỉ trích càng lên cao, tràn ngập trên các trang web “lề trái”, các trang Blogs..., lên án Ðảng và Nhà nước vô cảm trước thảm nạn lũ lụt Miền Trung đã khiến ngày 8/10/2010 báo chí Cộng sản Việt Nam được lịnh đưa tin “Thành phố Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa tại 28 điểm trên địa bàn thành phố, chỉ duy trì địa điểm tại sân vận động quốc gia Mỹ Ðình. Số tiền tiết kiệm được sẽ được dùng để giúp đỡ nạn nhân lũ lụt miền Trung”. Chưa biết con số dùng chi cho đại lễ “Ngàn năm Thăng Long Hà Nội” sẽ được trích ra bao nhiêu để cứu lũ lụt Miền Trung. Nhưng, trước và trong Ðại lễ Ngàn Năm Thăng Long có 4 biến cố lớn được dư luận chú ý bàn tán khá nhiều:
1.     Mưa lũ tàn phá gây chết chóc và tàn phá các tỉnh quan trọng ở Miền Trung;
2.     Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm nổi lên lâu hơn những lần trước, lối 30 phút trước lúc khai mạc!
3.     Vụ nổ khủng khiếp từ kho chứa pháo bông chuẩn bị đốt mừng ngày bế mạc đại lễ gây chết chóc và tiếng vang quốc tế mạnh mẽ;
4.     Rồng Ðen (Hắc Rồng) xuất hiện thấp thoáng ở phía chân trời có nền màu vàng âm u [xem hình đám mây đen xuất hiện trên nền trời khá âm u].

Cho tới giờ này, tuy “ngôn luận” chưa có được tự do, nhưng “dư luận” phản ứng mạnh mẽ ít ra cũng khiến Ðảng và Nhà nước “sợ” phần nào nên phim “Tàu” nói tiếng “Việt” không đưa được “Tần Thủy Hoàng” đến “Thăng Long”; và ít ra quan chức Cộng sản Sài Gòn cũng bị cấm lộ liễu chúc mừng ngày Quốc Khánh Tàu Ðài Loan.
Chưa biết vài điềm trời xuất hiện có đủ cho Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam biết sợ sự trừng phạt nào đó chúng chưa đoán được hay không, nhưng ít ra 3 tên đầu sỏ Mạnh-Triết-Dũng biết sợ mà tìm cách lánh mặt khỏi khán đài ngày khai mạc; trong khi người dân ít ra cũng “bớt sợ” khi lên tiếng chỉ trích những tệ hại của Ðảng và Nhà nước, mà hệ quả thu gặt được đã phần nào khích lệ [Biếm họa của Babui trích từ Ðàn Chim Việt].
Và, cho dầu thế nào, phần kết bài viết của nhà Nhà văn Võ Thị Hảo rất đáng được suy nghiệm:
"Trước cửa nhà tôi, có hội chợ thương mại, rất nhiều người Trung Quốc đứng bán hàng, thông thạo cả hai thứ tiếng. Có một nhóm người rao bán dao Trung Quốc. Vót gỗ như thái chuối. Anh ta hớn hở rao: Dao đặc biệt đây! Ðặc biệt đây! Chặt thịt, chặt xương trâu, xương bò, xương ma cà rồng, xương người... đây...”... Có nhiều người đã cố gắng bỏ công sức cho một đại lễ tươm tất. Nhưng những người nghèo, những người bị oan khuất, đất mẹ Việt đang bị rút ruột, khóc đã lâu quá rồi. Hình như đã cạn nước mắt. Nhưng khóc là vẫn khóc. Không thể vì đại lễ mà hết khóc. Không thể cạn nước mắt mà hết khóc. Người ta bảo, hết nước mắt thì khóc ra máu đấy. Ðừng vì đại lễ mà quên!”

Hẹn con thư sau,

Giáo Già

Không có nhận xét nào: