Những tin tức loan truyền về vụ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đàn áp giáo xứ Cồn Dầu càng ngày càng lan rộng. Một giáo xứ lâu đời ở Giáo phận Đà Nẵng đã làm đạo hữu Thiên Chúa Giáo và những người quan tâm đến công lý và sự thật không thể bình tâm ngồi yên. Nhiều tiếng nói đã cất lên, nhiều động tác không chỉ ở trong nước mà cả bên kia bờ đại dương đã và đang được có phản ứng tích cực lên án nhà cầm quyền đàn áp tôn giáo một cách thô bạo. Sự việc không những lan rộng đến người dân trong và ngoài nước mà còn cả những dân biểu của Hoa Kỳ đã phải lưu tâm tới vùng đất xa xôi và khuất nẻo: Cồn Dầu. Sáng nay “vụ án Cồn Dầu” vẫn bị nhà cầm quyền CộngSản Việt Nam đem ra xét xử bất chấp luật lệ và phản ứng của người dân
Tòa án quận Cẩm Lệ đã bắt đầu phiên tòa xét xử 6 nạn nhân Cồn Dầu
Sáng nay 27.10.2010 , bất chấp các văn bản, các lời kêu gọi cũng như các ý kiến về việc phiên tòa trái pháp luật. Tòa án nhân dân Quận Cẩm Lệ vẫn tiến hành mở phiên tòa xét xử 6 giáo dân Cồn Dầu.
Tòa án mở cửa lúc 7 giờ 45 phút.
Hiện nay, tại Tòa án nhân dân Quận Cẩm Lệ, giáo dân đến rất đông, điện thoại các thân nhân của các nạn nhân không thể liên lạc được. Bên ngoài Tòa án có khoảng vài ngàn người dân đã đến để tham dự phiên tòa.
Trời mưa tầm tã, hai bên đường, xe máy của người đến dự tòa dựng thành hai dãy dài khoảng 500 mét.
Công an và bộ đội được bố trí dày đặc trong và ngoài tòa, công an chìm, nổi được bố trí đông đúc ở các quán café, quán nước và đứng ngồi xung quanh khu vực Tòa án.
Trong Tòa, chánh án liên tục kết tội các nạn nhân, một trong những lý lẽ của chánh án hỏi các bị cáo là: “Tại sao không phải thân nhân của bà Hồ Nhu mà lại tham gia đám tang? Chống người thi hành công vụ, điều đó là vi phạm pháp luật”?
Trong tòa cũng có sự hiện diện của Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.
Nạn nhân Nguyễn Hữu Liêm nhất định không nhận bất cứ một tội nào được Tòa gán cho mình khi trả lời Tòa. Tòa đang cố gắng để áp đặt tội cho Nguyễn Hữu Liêm, nhưng anh kiên quyết không nhận bất cứ tội danh nào, nhưng không có luật sư hướng dẫn, Tòa đang xoáy vào anh để bắt bẻ, ép anh nhận tội bằng được.
Trong khi đó, hai phụ nữ yếu đuối được đưa lên đầu tiên để xét xử, với những sự áp đặt, hai phụ nữ này có vẻ yếu đuối trước phiên tòa nhơ bẩn này.
Trong tình thế bị biệt giam lâu ngày, bị đàn áp về thể lực, đánh đập và khủng bố tinh thần như thời gian qua, và trước áp lực đê hèn của phiên tòa này khả năng vững vàng của các nạn nhân là hết sức khó khăn.
Đặc biệt, do không có luật sư hướng dẫn nên trước tòa việc tòa bắt bẻ từ ngữ, giải thích bất chấp pháp luật, thì họ rất dễ bị dụ vào việc “nhận tội” trước tòa.
Hiện tại anh Nguyễn Hữu Minh đang phản cung do bị ép buộc, đánh đập buộc nhận tội trong quá trình giam giữ.
Bà thẩm phán liên tục bắt bí, dọa nạt, quát mắng các bị cáo ép họ nhận tội.
Phiên tòa diễn ra với chiều hướng hết sức bất lợi cho các nạn nhân về điều kiện, hoàn cảnh và Tòa cố gắng ép buộc bằng mọi thủ đoạn theo bản án đã định sẵn cho các nạn nhân.
Chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết phiên tòa khi có thể.
12h (giờ Việt Nam): Phiên tòa đã tạm nghỉ, chưa tuyên án và chiều nay lại tiếp tục, chúng tôi sẽ cập nhật sau.
Nguồn: Nữ Vương Công lý (27-10-2010)
Trong khi tại Sài Gòn Linh Mục Giuse Nguyễn Thể Hiện tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho sáu giáo dân Cồn Dầu bị đem ra xét xử ngày hôm nay, trong thánh lễ cầu nguyện LM Nguyễn Thể Hiện nói: “quyền của anh chị em Cồn Dầu được xét xử trong công lý và sự thật là quyền chứ không phải là một ân huệ xin – cho.”
Dưới đây là nguyên văn bài nói chuyện của LM Nguyễn Thể Hiện ngày 26/10/2010 tại tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 38 đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã tổ chức thành lễ cầu nguyện cho sáu giáo dân Cồn Dầu:
Kính thưa Cộng Đoàn,
Hôm nay, trong buổi chiều ngay trước phiên tòa xét xử 6 anh chị em giáo dân Cồn Dầu – Đà Nẵng, chúng ta quy tụ nhau tại Đền Thánh này để cầu nguyện, trong tư cách là Hội Thánh của Chúa Kitô đang đi giữa lòng dân tộc Việt Nam thân yêu. Thánh Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định tại Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh trong thế giới hôm nay, rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng các môn đệ của Chúa Kitô” (MV 1). Chính trong tinh thần đó của Hội Thánh mà chúng ta cử hành thánh lễ này. Trong đức ái Tin Mừng, chúng ta chia sẻ với anh chị em của chúng ta ở Cồn Dầu những ưu sầu của họ, những lo lắng của họ và cả những hy vọng của họ, trong thời điểm đặc biệt này.
Trước khi hát ca nhập lễ, chúng ta đã được nghe trình bày về những diễn tiến đã và đang xảy ra, liên quan đến vụ việc tại Giáo xứ Cồn Dầu thuộc Giáo phận Đà Nẵng. Đặc biệt, chúng ta đã được nghe văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, do Đức Cha Nguyễn Thái Hợp ký, gửi đến ông Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng và ông Chánh án Tòa án Nhân Dân quận Cẩm Lệ. Vì thế, tôi xin không nhắc lại nội dung của vụ việc. Chúng ta sẽ dành ít phút trong thánh lễ cầu nguyện đặc biệt này để tự hỏi: Hội Thánh, tức là chính cộng đoàn chúng ta đây, muốn có những tâm tình nào trong sự hiệp thông sâu xa với anh chị em Kitô hữu và những người thành tâm thiện chí khác tại Cồn Dầu hiện nay?
Kính thưa anh chị em,
Như anh chị em đã biết, trong văn thư nói trên, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGMVN đã nêu lên bốn “uẩn khúc” và nghi vấn (những chữ dùng của văn thư) xung quanh vụ việc. Từ đó, UB Công lý và Hòa bình đề nghị Tòa án hoãn việc xét xử để làm sáng tỏ những nghi vấn ấy. Nói cách khác, cần phải đặt vụ xét xử 6 anh chị em giáo dân Cồn Dầu vào trong bối cảnh đích thực và rộng lớn của sự việc. Bởi lẽ, nếu không đặt vụ việc vào trong bối cảnh thật sự của nó, không xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, đầy đủ và toàn diện, thì quyền được xét xử trong công lý và trong sự thật của sáu giáo dân Cồn Dầu sẽ có nguy cơ không được đảm bảo. Mọi người, mà cụ thể là sáu anh chị em giáo dân Cồn Dầu, đều có quyền được xét xử trong công lý và sự thật. Mức độ thấp nhất của việc bảo đảm công lý và sự thật đó, chính là việc đặt vụ việc vào đúng bối cảnh thực của nó, bằng cách ít nhất phải giải đáp một cách thỏa đáng và chân thật những uẩn khúc xung quanh vụ việc, như văn thư của UB Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGMVN đã nêu lên. Và sau khi đã làm như thế, nói theo văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình, “nếu đưa ra xét xử, thì yêu cầu phải tiến hành theo đúng quy định của luật tố tụng hình sự với quyền của các bị cáo có luật sư biện hộ”.
Cộng đoàn chúng ta ở đây hiệp nhất với các Đức Giám Mục trong những đề nghị rất đúng đắn nói trên. Vì thế, tâm tình đầu tiên của chúng ta lúc này là: cùng với anh chị em tại Cồn Dầu và tất cả mọi người thành tâm thiện chí khác, chúng ta thưa với Thiên Chúa là Vua Công Chính, khát vọng của chúng ta về công lý và sự thật; chúng ta chia sẻ và hiệp thông với nhau và với anh chị em ở Cồn Dầu trong thao thức tìm kiếm công lý và sự thật; chúng ta diễn tả với mọi người và với xã hội cái thao thức cháy bỏng về công lý và sự thật đó của chúng ta. Đó chính là tâm tình đầu tiên của việc chúng ta họp nhau cầu nguyện ở đây và lúc này.
Điểm thứ hai: như anh chị em đã biết, văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình có nhắc đến Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam được công bố ngày 25/9/2008. Trong bản Quan điểm đó, các Đức Giám mục khẳng định rằng cần phải sửa đổi Luật Đất đai hiện hành theo hướng “quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi [các Đức Giám Mục Việt Nam] cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội”. Quan điểm và đề nghị này của HĐGMVN thật xác đáng trong hoàn cảnh cụ thể của Đất Nước chúng ta hiện nay.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng có cùng một quan điểm như thế. Thí dụ: trên báo điện tử Tuanvietnam.net ngày 14/9/2010 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã cho rằng: “Đất đai chiếm trên nửa tổng tài sản của xã hội, nên vấn đề sở hữu đất phải được giải quyết thấu đáo, và nhu cầu thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh việc phân định rạch ròi đất công, và, đi liền với nó, việc sửa đổi luật đất đai và các luật liên quan, là nhu cầu cấp bách không thể né tránh… Sở hữu công và sở hữu tư phải được công nhận và phải được quản lý trong một hệ thống thống nhất, và chỉ có người chủ sở hữu đích thực mới được quyền định đoạt. Không thể coi là ‘sở hữu toàn dân’ và tùy tiện quyết định. Chính sự không rạch ròi này là nguyên nhân của trên 98% của các vụ khiếu kiện trong thời gian vừa qua. Đã đến lúc phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu, nếu không, tình hình khiếu kiện còn tiếp diễn và nhiều hơn, có thể dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng và cản trở sự phát triển của đất nước ”. Phát biểu trên Vietnam.net cũng trong ngày 14/9/2010, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa nói rằng “Cái mũ sở hữu toàn dân đã tạo cơ hội cho khai thác lợi ích nhóm và tư nhân hóa tài sản quốc gia diễn ra trên diện rộng và khá nhanh”.
Tôi nhắc đến một vài ý kiến đó để nói rằng quan điểm của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam về tính cách cấp thiết của việc tu chính Luật Đất đai theo hướng tôn trọng quyền tư hữu của các cá nhân và tổ chức… là một quan điểm đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh của đất nước chúng ta hiện nay. Có lẽ chính trong quan điểm đó mà, liên quan đến những gì đang diễn ra tại Cồn Dầu, văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình đã đề nghị phải tiến hành đối thoại để các gia đình ở Cồn Dầu thực thi quyền định đoạt về đất đai và tài sản của mình trong ý thức trách nhiệm đối với xã hội.
Cộng đoàn chúng ta ở đây, một lần nữa, hiệp nhất với các Đức Giám Mục trong những quan điểm và đề nghị rất đúng đắn nói trên. Và trong sự hiệp nhất đó, tâm tình thứ hai của chúng ta lúc này là: cùng với anh chị em tại Cồn Dầu và tất cả mọi người thành tâm thiện chí khác, chúng ta thưa lên với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, khát vọng của chúng ta về quyền sở hữu và định đoạt tài sản của mỗi người và mọi người; chúng ta chia sẻ với nhau và với anh chị em Cồn Dầu khát vọng đó, và chúng ta bày tỏ với mọi người niềm thao thức của chúng ta được thấy quan điểm của HĐGMVN được thực hiện, theo đó, “người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội”.
Kính thưa anh chị em,
Những quan điểm của HĐGMVN, văn thư của Ủy ban Công lý và Hòa bình, những lời cầu nguyện của chúng ta, những tâm tình chia sẻ và hiệp thông của chúng ta, những thao thức được diễn đạt và khẳng định của chúng ta… hôm nay, có thể sẽ không tạo nên được những hiệu quả thấy được ngay trước mắt. Có thể sáng mai 6 anh chị em ở Cồn Dầu vẫn bị xét xử, và có thể việc xét xử đó sẽ không diễn ra như ý muốn của chúng ta. Tuy nhiên, như Lời Chúa nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay, “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình, nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được; Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men” (Lc 13, 19.21). Những giá trị Tin Mừng, những mầm mống sự thiện, những thao thức về công lý và sự thật… của chúng ta có thể chỉ mang dáng vẻ của hạt cải nhỏ bé và của nắm men vô nghĩa. Nhưng nếu người đàn ông kia đã không ném hạt cải bé nhỏ vào mảnh vườn, mảnh vườn đó sẽ chỉ là một đám cỏ dại, chứ không thể có một cây lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ. Nếu người đàn bà nọ đã không vùi vào ba đấu bột kia nắm men có vẻ vô nghĩa ấy, thì làm sao khối bột có thể dậy men? Cũng vậy, thưa anh chị em, Hội Thánh của Chúa Kitô đi giữa lòng dân tộc Việt Nam này phải luôn nhận lấy những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của dân tộc này, nhất là của những người nghèo và bị áp bức, làm của mình. Và trong lòng tin vào Thiên Chúa, Hội Thánh biết rằng, những giá trị Tin Mừng, những hạt giống công lý và sự thật… sẽ nảy nở và thành tựu. Chính trong xác tín đó mà chúng ta cầu nguyện cho và cùng với anh chị em mình ở Cồn Dầu.
Nhưng không chỉ xác tín. Bên cạnh xác tín đó còn phải có một ý thức mạnh mẽ. Vào ngày 21/9/2008, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã khẳng định: “Tự do tôn giáo là quyền, chứ không phải một ân huệ xin-cho”. Theo tinh thần và cách diễn đạt đó của Đức Tổng Giuse, trong liên hệ với những gì đang xảy đến cho anh chị em của chúng ta tại Cồn Dầu, chúng ta có thể và được mời gọi phải ý thức rằng: quyền định đoạt về tài sản của mỗi người trong ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội, là quyền chứ không phải là một ân huệ xin – cho; quyền của anh chị em Cồn Dầu được xét xử trong công lý và sự thật là quyền chứ không phải là một ân huệ xin – cho. Theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo mà chúng ta là thành phần, thì những quyền đó đến từ chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Cha của chúng ta, và những quyền đó làm nên phẩm giá của tất cả và của mỗi người chúng ta, trong đó có 6 anh chị em giáo dân Cồn Dầu sẽ phải ra tòa sáng mai.
Và, để kết thúc, hiệp thông với anh chị em tại Cồn Dầu, tôi xin thưa lại một lần nữa với anh chị em rằng: quyền của anh chị em Cồn Dầu được xét xử trong công lý và sự thật là quyền chứ không phải là một ân huệ xin – cho.
Vâng, đó là QUYỀN chứ không phải một ân huệ xin – cho!
26/10/2010
Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện,
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét