CHUYỆN MƯỜI TÁM ROI ĐÒN VÀ “NHỮNG THẰNG TÝ TO MỒM”!
Hồi tôi còn nhỏ, lúc đi học đọc được mặt chữ rồi, tôi hay đọc truyện cho má tôi nghe. Đây không phải là một việc làm tình nguyện. Bởi tôi dám chắc chẳng có đứa con nít nào bằng lòng với việc phải bỏ cuộc chơi với chúng bạn ngoài sân để ngồi đọc sách cho người khác nghe. Đây là một việc làm bắt buộc, nhưng có ngã giá của đôi bên. Má tôi không biết chữ quốc ngữ nhưng thích nghe truyện. Còn tôi nếu chịu khó đọc truyện cho bà nghe, thì lâu lâu, mỗi lần bà đi bán vải về, tôi sẽ được một đồng xu. Đổ nước xuống nền nhà đất nện, rắc lên đó một miếng tro bếp, để đồng xu xuống rồi dùng gót chân xoay phía trên, đồng xu sẽ sáng bóng, mới tinh. Chủ nhân nó sẽ ngại ngần mỗi khi dùng đồng xu đó để ăn hàng quà!
Sau này lớn lên, có con cái đầy đàn tôi mới nghiệm ra là má tôi thích nghe tôi đọc truyện phần lớn là để bà tự thuởng thức cái tác phẩm máu thịt của bà, là thằng con của bà chứ không ai xa lạ, và nó đang là một tài năng kinh thiện động địa: nó đọc được chữ quốc ngữ!
Có một truyện do một ông đồng hương với má tôi viết ra in vô sách. Tôi sau này nhớ lõm bõm. Cuốn sách thì mất lâu rồi. Vì cuốn sách do một người đồng quận với bà viết ra nên bà quý lắm, bắt tôi đọc đi đọc lại.
Hồi thập niên 60, tình cờ đọc quyển “Thú chơi sách” của ông Vương Hồng Sểnh tôi mới nhớ lại rõ ràng. Đó là cuốn “Tiếu đàm” do hai ông Phụng Hoàng San và Dương Diếp sao lục, bản in của Ấn quán “De L’Union” năm 1914.Ông Dương Diếp là người đồng hương Mõ Cày với má tôi. Trong sách ấy có một chuyện.
“Tích như vầy:
Có anh học trò ham sách mà có tánh hay kiêu ngạo. Khi nọ có ông quan huyện mới đổi lại, chưa quen biết gì với anh ta.
Dinh ông Huyện thì ở ngang nhà ảnh.
Trước nhà anh này có một hàng tre. Muốn khoe của và để chọc tức quan huyện không có nhiều vật quý như mình, nên anh học trò cho trẻ dán trước nhà hai câu liễn như vầy:
Đình chưởng thiên can trước
Gia tàng vạn quyển thơ.
Nôm:
Sân mọc ngàn cây tre
Nhà đầy muôn cuốn sách.
Ông huyện thấy thằng xấc, ghét mới sai lính rằng: “Bây qua đốn hết tre cho nó rảnh, coi còn gì mà tre với trước nà.”
Lính vưng lịnh qua đốn hết hàng tre; nhưng thường thường đốn tre hay bắc thang đốn nửa chừng hay là dùng câu liêm giựt nội khúc ngọn mà thôi để khỏi bị gai tre đâm.
Thừa đó, anh học trò không gỡ câu liễn, để vậy dán nối thêm rằng:
Đình chưởng thiên can trước đoản
Gia tàng vạn quyển thơ trường.
Nôm:
Sân mọc ngàn cây tre vắn
Gia tàng vạn quyển thơ trường.
Ông huyện giận quá mới troàn rằng: “Lính bây qua bứng hết và gốc và rễ cho tao, coi còn gì mà vắn dài nà!”
Lính nghe dạy sao thì làm vậy.
Anh ta cũng không gỡ cặp liễn, để vậy dán nối thêm rằng:
Đình chưởng thiên can trước đoản tận
Gia tàng vạn quyển thơ trường tồn.
Nôm:
Sân mọc ngàn cây tre vắn hết
Nhà đầy muôn cuốn sách dài còn.
Ông huyện giận quá mà không làm chi anh ta đặng.
Năm ấy trời nắng hạn, ông huyện đòi làng tổng tới dạy ăn chay, nằm đất ba ngày đêm, cầu Trời khẩn Phật, nhưng vẫn không mưa hột nào.
Anh học trò điên chữ, mới làm thơ dán trước cửa mà ghẹo quan huyện ta rằng:
Huyện đường quan đảo khuyết,
Tổng thôn đồng tịnh khiết.
Bán dạ khai song quan:
Minh nguyệt!
Nôm:
Quan huyện ta cầu võ,
Tổng làng đều tới đó.
Nửa đêm mở cửa xem:
Trăng tỏ!
Ông huyện giận quá, đòi nó qua mà rằng:
“Ta làm chuyện phải, cầu khẩn cho trời mưa xuống cho dân làng làm ruộng; mày là đồ hủ nho không làm gì cho ích quốc lợi dân, lại làm thơ mà kiêu ngạo quan trên.”
Bèn kêu lính mà troàn rằng:
“Nó làm thơ mười bảy chữ, đem nó ra đánh mười bảy roi, sắp nóc thêm một roi là mười tám cho biết chừng bỏ thói kiêu ngạo”.
Anh ta bị đòn một bữa lết lát mà cũng không bỏ tánh cũ. Về nhà làm bài thơ dán trước cửa như vầy:
Thi chương đề thập thất,
Huyện đường đả thập bát
Nhược tác liên thiên thi:
Đả sát!
Nôm:
Thơ làm mười bảy kết,
Bị mười tám roi lết!
Nếu làm bài liên thiên:
Đánh chết!
Quan huyện giận quá xúi làng tổng kiện đặng ông làm thiệt hại nó. Cái nghề học trò tự phụ, lâu nay ở trong làng kiêu ngạo, họ đà chịu không nổi, nay sẵn có tiếng ông huyện đốc vào, ối thôi, họ vào không biết mấy chục lá đơn. Ông huyện không hỏi chi nhiều, làm án phát phối đày va ra xứ xa.
Anh ta bị đi đày lâu ngày, có người cậu đến thăm mà người ấy có tật chột hết một con mắt. Cậu cháu gặp nhau mừng rỡ khóc lóc, than thở thảm thiết lắm. Đến lúc từ biệt nhau kẻ về người ỏ, anh ta mới làm một bài thơ đưa cậu lên đường như vầy:
Phát phối tại viễn phương,
Kiến cựu như kiến nương.
Lưỡng nhơn giai thống khốc:
Tam hàng!
Nôm:
Bị đày đi xứ xa,
Thấy cậu như mẹ ta.
Hai người đều khóc mướt:
Lụy ba!
Chuyện tới đây thì dứt! Hồi xưa viết sách còn kỵ húy. Không biết tác giả tránh tên ai mà chữ “trúc” viết thành chữ “trước”, còn chữ “truyền” viết thành chữ “troàn”. Mà đó chỉ là mấy chi tiết nhỏ.
Chuyện đáng nói là anh học trò ưa châm chọc người ta, nhiều khi không phải chỗ, không phải lúc.
Anh học trò quả tình có chút chữ nghĩa và một mớ tài vặt. Nội cái chuyện anh ta chắp nối thêm mấy chữ vào hai câu liễn treo cửa nhà thì đủ thấy anh ta sáng trí và ranh vặt.
*
Ai ngồi mà nghĩ ra chuyện Hòa Thượng Thích Quảng Độ kêu gọi “Biểu Tình Tại Gia để phản đối nhà cầm quyền Việt Cộng đã chấp thuận việc Trung Quốc khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên là kêu gọi hòa hợp hòa giải với Việt Cộng, là để các đệ tử của Ngài ở hải ngoại vận động cho Ngài cái giải Nobel Hòa Bình”… thì anh này cũng là tay sáng trí và ranh mãnh.
Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Anh học trò thời xưa nếu biết dừng lại ở chỗ mấy câu liễn treo cửa thì ông huyện dù có tức nhưng cũng chẳng làm gì hơn được là phá sạch hàng tre trước nhà anh học trò lếu láo. Nhưng anh học trò đã bước qua giới hạn. Trong lúc tổng, thôn ăn chay nằm đất, cầu Trời khẩn Phật để mong trời mưa có nước làm ruộng mà anh ta còn quá quắc chọc phá:
Nửa đêm mở cửa xem:
Trăng tỏ!
Trăng tỏ thì không có mưa. Mưa hay không là do ông Trời. Nhưng trong lúc ai cũng ăn chay , nằm đất, thành tâm cầu đảo, mong có được trời mưa lấy nuớc làm ruộng như vậy, lẽ ra anh học trò cũng phải ăn chay, nằm đất như người ta. Không được như vậy thì cũng làm ơn đừng có quá quắt xách mé, chọc phá mọi người trong những lúc đó. Người ta đang làm việc phải mà. Quá quắt thì phải đòn.
Mười bảy chữ mười bảy roi. Ông quan huyện còn “sắp nóc” một roi cho ấm cái bàn tọa là đúng lắm. Cho bỏ cái tật cà khịa!
Đại lão Hòa Thương Thích Quảng Độ, trước hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng, đã bất chấp hiểm nguy đến tính mạng lên tiếng kêu gọi “Biểu Tình Tại Gia” được đồng bào khắp nơi hưởng ứng.
Linh mục Nguyễn Văn Lý được VC tạm trả tự do về Nhà chung Huế để chửa bệnh, Ngài lại tiếp tục cuộc tranh đấu “Tự do tôn giáo hay là chết” từ năm 2000 đến nay trở thành cuộc tranh đấu đòi giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam, thành lập một đất nước theo chế độ đa nguyên, đa đảng. Và Ngài đang sẵn sàng trở lại nhà tù để thi hành bản án mà VC đã kết án Ngài mặc dù Ngài không công nhận.
Luật sư Lê Thị Công Nhân tiếp nối con đường tranh đấu của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị VC kết án và bắt giam ngay trong tuổi thanh xuân. Ra tù, kết hôn nhưng không dám làm lễ cưới vì sợ bọn công an VC giở trò mất dạy gây rối. Và bà vẫn tiếp tục dũng mãnh tiếp tục tranh đấu với bài thơ “Dòng sông rửa tội” tố cáo tội ác man rợ của ông Hồ Chí Minh qua việc áp đặt chủ nghĩa cộng sản ngoại lai gây đau thương tang tóc cho đất nước và nhân dân Việt Nam trong 80 năm qua.
Có một vài người lại làm ngược lại. Không ủng hộ thì cũng được đi, lại còn viết bài xuyên tạc, đánh phá rất ư là tục tỉu, mất dạy. Quá quắt lắm thì phải đòn.
Không bị đánh đòn vô cái bàn tọa mà đánh chỗ khác còn đau hơn.
Bị đồng bào chống Cộng khắp nơi mắng mỏ, nhiếc móc thì nhức xương đau đầu còn hơn bị đánh mười bảy roi đòn. Đã vậy còn bị mấy ông viết báo “sắp nóc” thêm cho một mớ! Đúng là bị một trận “lết lát”.
Ai đọc tới đoạn anh học trò bị đày xa xứ vì tội lếu láo cũng thấy đôi phần thương hại. Chính người cậu chột mắt thường ngày chắc cũng không ưa gì cái tánh phá đám không đúng nơi, đúng chỗ của thằng cháu, lúc ấy cũng thương tình mà cất công đi thăm.
Nhưng cái nết đánh chết không chừa. Hai cậu cháu khóc lóc với nhau, thằng cháu ma mãnh này lại đem ngay cái tật của ông cậu ra để… khều:
Hai người đều khóc mướt
Lụy ba!
Hai người cùng khóc nhưng chỉ có ba hàng nước mắt thì đúng là thằng cháu sáng trí không phải chỗ này chọc ông cậu chớ còn ai vô đây!
Câu chuyện xưa chấm dứt ngang xương. Có lẽ tác giả không muốn dài dòng tả lại cái cảnh thằng cháu bị ông cậu cho vài cái bợp tai, rồi “sắp nóc” ít hèo vô cái bàn toạ.
Chuyện thằng cháu học trò hay đâm thọc này không biết có thật hay không. Chứ còn mấy tay ký giả thời nay ưa viết lách kiểu sáng trí không đúng nơi, đúng chỗ bây giờ thì ai cũng biết. Lâu lâu lại thò ra múa vài cái tầm bậy, bị phết cho mấy hèo, lặn trốn một thời gian rồi cũng chứng nào, tật nấy.
Nhưng mà bệnh quỷ thì có thuốc tiên. Con khỉ phá phách quá thì người ta xát ớt vào miệng, vào mắt nó. Nếu mà nó biết thân, bỏ tật, ngồi yên một chỗ mà bắt chí, bắt rận thì người ta sẽ để nó yên. Còn nếu mà nó còn tiếp tục làm trò khỉ không phải chỗ thì người ta sẽ cứ roi mà phết.
Làm thơ láo lếu mười bảy chữ thì lãnh mười tám roi đòn. Còn viết lách bậy bạ trên các diễn đàn điện tử lếu láo đánh phá Cộng đồng Quốc Gia chống Cộng ở đây thì cũng nên coi chừng. Đồng bào ai cũng đang lăm lăm một cây roi mây.
Nhà có nuôi con khỉ thì phải mất công coi chừng nó. Tánh nó ưa làm trò khỉ. Nhưng có nó chạy lăng xăng đầu này đầu nọ cũng vui mắt mọi người. Miễn là nó biết nghe lời một chút, đừng có phá cửa, phá nhà quá mức!
LÃO MÓC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét