Internet châm ngòi lật đổ Mubarak như thế nào
Đình Nguyễn (vnexpress) - Những người Ai Cập trẻ tuổi phát động cuộc biểu tình từ ngày 25/1 qua các trang mạng xã hội. Chính quyền lập tức ngăn chặn nhưng vô hiệu và sau 18 ngày người dân nổi dậy, Tổng thống Mubarak buộc phải “nhổ neo”.
Chỉ ít ngày sau vụ nổi dậy của người dân dẫn đến sự sụp đổ của Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali, các cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra tại nước láng giềng Ai Cập. Khởi đầu cho hoạt động này là sự phối hợp giữa các nhóm đối lập khác nhau thông qua các trang mạng xã hội.
Wael Ghonim, một trong những người đóng vai trò phát động biểu tình lật đổ Mubarak. Ảnh: AFP |
Người được nhắc đến với vai trò khuấy động cuộc nổi dậy của người Ai Cập là Wael Ghonim, một nhân viên 30 tuổi của hãng Google và đang được coi như “người hùng”. Ghonim từng là quản trị của trang chống nạn tra tấn trên Facebook. Khi trả lời phỏng vấn CNN, Ghonim nhấn mạnh: “Đây là một cuộc cách mạng Internet và tôi sẽ gọi đó là cuộc cách mạng 2.0″.
Mọi chuyện bắt đầu khi Walid Rachid, 27 tuổi, một nhà hoạt động trên Internet viết mail cho Ghonim, khi đó đang hoạt động nặc danh, để đề nghị hỗ trợ cho kế hoạch biểu tình vào ngày 25/1. Bộ đôi này liên lạc với nhau qua hệ thống chat của Google, hình thức mà Ghonim tin là an toàn nhất, và cùng nhau lập ra liên minh giữa các nhóm thanh niên khác nhau.
Họ qua mặt các nhân viên an ninh của chính quyền bằng cách nói một cách khá lộ trên mạng rằng sẽ gặp nhau tại một thánh đường, nhưng trên thực tế cuộc gặp này diễn ra tại một khu vực nghèo ở Cairo. Nhà hoạt động mang hai dòng máu Ai Cập và Ireland là Sally Moore, 32 tuổi, cho biết thêm các nhà hoạt động đã chia làm hai nhóm hành động.
Một nhóm tập hợp lực lượng trong các quán cà phê, nhóm còn lại đi hô khẩu hiệu xung quanh các toà nhà và kêu gọi mọi người ra đường để biểu tình phản đối đói nghèo. “Nhóm của chúng tôi bắt đầu hành động khi tập trung được 50 người. Nhưng khi chúng tôi ra đường thì con số đi cùng đã lên tới hàng nghìn”, Sally Moore nói với The New York Times về ngày biểu tình đầu tiên hôm 25/1.
Từ nhóm thanh niên đầu tiên, những ngày biểu tình tiếp theo đã thu hút hàng nghìn người kéo tới quảng trường trung tâm Tahrir ở Cairo để đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Nhiều người trong số này xuống đường do các lời kêu gọi đưa trên trang xã hội Twitter, trong khi những người khác rủ nhau đi biểu tình bằng tin nhắn điện thoại.
Phát hiện ra vai trò của Internet trong các cuộc biểu tình, chính quyền Mubarak phản ứng tức thì. Ngày 28/1, tổng thống ra lệnh chặn các mạng xã hội và cuối cùng là yêu cầu cả 4 nhà cung cấp Internet của Ai Cập chấm dứt dịch vụ để phân tán sức mạnh người biểu tình. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ di động chính tại Ai Cập là Vodafone cũng cho biết họ bị buộc phải chặn sóng.
Nhưng hành động kiểm duyệt của chính quyền Mubarak lập tức cho thấy hoàn toàn không có hiệu quả. Ngày Ai Cập không có Internet 28/1 cũng được gọi là “Ngày nổi giận” khi hàng triệu người xuống đường. Biện pháp của chính quyền không thể ngăn được việc người biểu tình liên lạc với nhau để tập hợp lực lượng.
Chính quyền Mubarak cũng không thể “che mắt” được thế giới về những gì đang diễn ra tại Ai Cập. Kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera vẫn phát đi tin tức trực tiếp về cuộc biểu tình suốt cả ngày, với sự cập nhật của mạng lưới phóng viên khắp Ai Cập qua hệ thống điện thoại cố định.
Sự kiện ngày 28/1 cũng cho thấy, cuộc biểu tình ở Ai Cập có thể khởi đầu từ Internet nhưng sau vài ngày đã không còn phụ thuộc vào môi trường này nữa. Bằng chứng là dù cả Internet lẫn mạng di động đều bị chặn, người biểu tình vẫn xuống đường với số lượng còn đông hơn nhiều so với trước.
Năm ngày sau, do sức ép của cộng đồng quốc tế, chính quyền Mubarak buộc phải khôi phục các dịch vụ viễn thông và các nhà hoạt động tiếp tục quay lại môi trường trực tuyến để tập hợp lực lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, làn sóng biểu tình đã phát triển rất nhanh và lan rộng khắp Ai Cập. Do vậy vai trò quyết định của Internet trong việc kêu gọi mọi người xuống đường không còn nữa.
Người Ai Cập ăn mừng khi Mubarak từ chức và “quyền lực nhân dân” được khẳng định. Ảnh: AP |
Trên thực tế, cuộc nổi dậy nổ ra ngày 25/1 là sự tập hợp của nhiều nhóm hoạt động từng xuống đường suốt 10 năm qua tại Ai Cập. Họ thuộc các thành phần xã hội và chính trị khác nhau, từ công nhân, các blogger, các nhà hoạt động đòi dân chủ cho đến những thẩm phán cấp cao và thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào Hồi giáo có quy mô khu vực.
Đây là lần đầu tiên tất cả các nhóm hoạt động này cùng nhau đi biểu tình và cũng là lần đầu tiên họ nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người dân không phải là thành viên trong nhóm của họ. Vai trò của Internet thể hiện ở chỗ các nhóm đối lập đã tập hợp lực lượng và phối hợp với nhau thông qua các mạng xã hội và điện thoại di động.
Lần gần đây nhất Ai Cập chứng kiến cuộc tuần hành có quy mô tương tự là vào những năm 1940. Khi đó những hiệu sách mang quan điểm cấp tiến, các tờ báo bí mật và những cuộc họp của các nghiệp đoàn bị cấm hoạt động đóng vai trò tập hợp lực lượng. Còn ngày nay, với thế hệ công dân số thì vai trò này đã thuộc về Internet và mạng điện thoại di động.
Đình Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét