“Nhớ nước với quên non…năm canh hồn ngơ ngác…”
Từ đường nhà nội mình quay về hướng Nam. Trước đời ông nội mình vài đời, từ đường là hướng Đông. Mình cũng chả hiểu lý do, các bậc tiền nhân lại quay hướng từ đường. Mình cũng chả tò mò. Cha mình bảo, hướng Nam thịnh hơn…với lại, hướng Đông là cánh đồng của nhà mình, thế nào cũng “mất” nên cứ ngó vào thấy bực. He he, chả biết cha mình học thuộc sấm kí của ai… Và đúng, năm 1956 cánh đồng phía Đông nhà mình bị “sung công quĩ”. Dân làng gọi cánh đồng mấy trăm mẫu này là “đồng Mưng” vì rất nhiều cây lộc vừng. Hoặc có nhiều người gọi là “ruộng Bộ Th.” ( Bộ Th là ông nội mình). Mình lớn lên chứng kiến cánh đồng nhà, đồng làng có nhiều biến đổi nhanh đến không ngờ. Nhà mình trước ở đầu làng, nghĩ là đi dọc đường cái vào làng mình, nhà mình là cổng số 1 hoặc số 2 tùy thuộc vào cách đánh số…hehehe. Bây giờ thành giữa làng rồi.
Năm 1982, mảnh ruộng bên cạnh nhà mình được xã cấp cho một anh “nông phu lực điền” mới lập gia đình được mấy năm, hai đứa con. Một lên ba, một chưa biết bò. Anh này làm nhà mới.Hôm gánh nhà ra dựng trên nền đất mới đắp, mình có coi. Có ghé vai vác đòn. Quê mình có tục san nhà cho con, gánh ra đặt trên nền mới hay cực. Mình nhỏ thó, gầy nhom vẫn góp một vai. Vui đáo để.
Vợ anh nông phu này người cùng làng. Hai anh chị yêu nhau lâu lắm, nghe nói từ năm lên cấp hai kia. Khiếp!
Mình mới biết yêu, hehehe.
Anh nông phu là bộ đội xuất ngũ.Hai lần bộ đội…
Mình nghe bà nội mình kể. Nhà anh này sang nhà cô vợ để đặt vấn đề. Hai bên nhất trí định ngày rồi. Bỗng dưng có ông trưởng hay phó họ nhà gái gì đó nói, tôi phản đối , dứt khoát phản đối. Bên họ nhà trai là bần nông, bần cố nông. Trong cải cách ruộng đất, bao nhiêu lần muốn nuốt tươi cái nhà này…Thế rồi khẩu chiến xảy ra. Và đám cưới đã định ngày buộc phải xem lại. Nhà gái băn khoăn vì chỉ thị của “bề trên”. Nhà trai tức tối vì “mối thù gia cấp” bị nhắc lại. Nhà trai lớn tiếng bảo, nếu phản đối thì sao không cấm trước đi, nhận lễ rồi mới “làm nhục” nhau như này. Hậm hực cả hai bên, mình nghe bà nội kể thế.
Thế rồi chả hiểu thế nào, đám cưới vẫn diễn ra. Có lẽ, anh chị đã “trót khôn” trước khi các cụ “nói dại”. He he, chính xác thế chứ chả có chuyện có lẽ ở đây. Bởi hôm đầy tháng đứa đầu, bà nội mình có mua chưn giò heo gạo nếp mang đến, bà nội mình có nói đùa rằng, cu này cũng non tháng như Ku La bên nhà, mà cu này …hehehe.
Hôm qua, khi gọi điện cho mẹ mình. Mẹ mình bảo đang về quê ăn đám cưới. Mình hỏi cưới ai, mẹ mình bảo cưới con ông hàng xóm trên quê. Mình mới nhớ, cái thằng cu đẻ non tháng mà bà nội mình nói. Nhanh thật.
Thằng cưới vợ hôm kia, ngày 12/ Giêng năm Tân Mão. Hắn năm nay ba hai. Mình chắc chắn như thế vì hắn đẻ ngày 16/02/1979. Một ngày trước khi ông “nhớn” hàng xóm “tốt bụng” xua quân tràn qua biên giới… Và hắn mới hai ngày tuổi, cha hắn đã tái ngũ theo lệnh tổng động viên của nhà nước và theo tiếng gọi của lịch sử…Mình còn nhớ, ông nội mình có lấy lá số tử vi cho thằng cu này,ông nội mình đọc cho cha nó ghi, ngày Giáp Dần, tháng Bính Dần, năm Kỷ Mùi…gì đó. Nghĩa là, mình lại nhớ trẹo sang rằng, ngày “anh” Dương Đắc Chí thổi kèn tò te là ngày Ất Mão, tháng Bính Dần, năm Kỷ Mùi…tức 17/02/1979.
Hồi đó, mình bé tẹo. Sáng sớm lạnh thư gì. Nghe đài phát thanh, cô Bùi Thị Thái( hay ai đó) tức cô Tuyết Mai…đọc rằng:” Một lần nữa, lịch sử lại chọn dân tộc ta làm điểm tựa…”
Và ông bố thằng cu “non tháng chửa” già ngày sinh kia từ biên giới phía Bắc về mang theo vài “hột” kim loại trong người sau đó chừng gần năm.
Nhanh thật, nhanh như thời gian chạy quơn, như chó chạy qua cầu. Nhanh như tư duy của người lấy thời gian làm phạm trù triết học.. mà quên đi một điều, thời gian còn lưu giữ đau thương, vui buồn…hạnh phúc hay bất hạnh..thời gian chép sử mà.
Ba hai năm hay ba bảy năm? Cảnh nồi da nấu thịt, xếp xác người làm cầu qua sông Thạch Hãn để anh em chém giết nhau thì quên. Đáy sông Thạch Hãn còn ai đó? Có kể nhau nghe chuyện “lẩu người”? Chao ơi!
Hồi những năm tám mươi, mình được đọc chuyện “Người quét chợ Mường Cang” chả nhớ tác giả. Đại loại, nhân vật Mã Đại Câu người Tàu sống ở vùng biên, có những câu chửi, những mẩu kí ức…những “vọng cố quốc” hay đáo để nha. Trong lúc y đang tồn tại ở chợ Mường Cang, đang quét chợ kiếm sống. Bỗng một hôm, cầm trái lê hay táo gì đó, cắn một miếng, nhổ toẹt và chửi thề :”Tỉu hà ma, đéo pằng táo pên kia…” (Xin lỗi, mình nhớ không chi tiết lắm, nhưng toàn cục là thế!)
Thông điệp của tác giả câu chuyện là gì nhể? Chắc nói đến sự “quay lưng” và vô ơn?
Thông điệp của tác giả câu chuyện là gì nhể? Chắc nói đến sự “quay lưng” và vô ơn?
Miễn bàn!
Ông “nhớn” nào lỡ đái bậy, nếu không có gì thay đổi, chừng ít nữa, bắt dân đọc cái biển :”Nơi đây, ngài Không Ai Sất đã từng ngự …đái”. Cả một dân tộc luôn bị lịch sử nó “đì”, khi cần thì kêu gọi như chuông, sau chút thì quên mịe. Bởi “bận hướng tới tương lai” hay sao?
Máu chiến tranh biên giới còn nồng, ba hai năm đối với lịch sử một dân tộc chỉ là cái “vèo” thôi. ( Chỉ bằng ” tầm nhìn” của vài khóa, vài nhiệm kỳ chứ nhiêu?) Vậy mà trót “quên”.
Đừng nghĩ, con đường tới tương lai của một dân tộc không mang theo quá khứ đâu nhá. Cho dù đó là đau thương, tủi nhục hay vinh quang. Các bác bắt dân học thuộc và dân vẫn biết điều đó mà. Chuyện quan hệ tốt đẹp trong tương lai, không có nghĩa để xóa quá khứ. Người Mỹ cảm thấy nhục khi dội hai nhát vào Hiroshima và Nagasaki. Người Nhật có vinh quang khi người Mỹ cho “cận cảnh” Trân Châu cảng không?
Một đứa con “non tháng” lớn lên trong cái”vết” lịch sử giai cấp. Nó vẫn lớn và cái đáng quên nó phải quên. Một dân tộc “già dặn” vẫn phải lớn lên trong những cái quên cần phải nhớ. Mẹ mình nhắn cho mình câu khi biết mình có ý có mấy dòng cho “chiến tranh biên giới”. Câu đó như này: Tính nhân bản của lịch sử.
Cha mình thì kể , ông Vương Minh, một ủy viên bộ chính trị của Tàu thời Mao zetung phát biểu về Mao như này:” Mao zetung từng nói BẢO BỐI CỦA CHÚNG TA, LÀ CHIẾN TRANH, LÀ CHUYÊN CHÍNH.” Đấy, cứ nghe người ta nói về họ. Để rồi mà hướng tới tương lai,bằng cách hèn đớn là cố tình quên cái cần nhớ. Dù chỉ là cách đặt tên từ “chiến tranh biên giới” sang “sự kiện 1979″ đã thấy nhục lắm rồi…
Thế thôi, tranh thủ lúc hơi rảnh trong chuyến công tác…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét