12.2.11

Tài sản của Hosni Mubarak


Tài sản của Hosni Mubarak

Thanh Như (Danlambao) - Hosni Mubarak vừa rời Cairo, chấm dứt gần 30 năm cai trị dân tộc Ai Cập bằng bạo lực. Từ nay và mãi mãi về sau tên Hosni Mubarak đồng nghĩa với một chế độ độc tài và tham nhũng trầm trọng nhất trong lịch sử của một trong những quốc gia có nền văn minh sớm nhất loài người.

Hosni Mubarak tên đầy đủ là Muhammad Hosni Sayyid Mubarak, tiếng Á Rập là محمد حسني ,sinh ngày 4 tháng 5, 1928. Y đã giữ chức vụ Tổng Thống Ai Cập  từ 14 tháng Mười 1981, sau khi Tổng Thống Anwar El Sadat bị ám sát. Hosni Mubarak là độc tài cai trị Ai Cập lâu nhất sau Ali Pasha. bắt đầu con đường chính trị qua ngã quân sự và là Tư Lịnh Không Quân Ai Cập từ 1972 đến 1975.
Từ tháng Giêng 2011, dân chúng, đông nhất là giới trẻ Ai Cập đã đứng lên đòi dân chủ. Phong trào đã mở rộng sang mọi tầng lớp nhân dân và tuần qua công nhân đã bắt đầu đình công để yểm trợ cho cuộc cách mạng dân chủ Ai Cập.
Tối 11 tháng 2 2011, trái với các lời tuyên đoán của các nhà phân tích chính trị, Hosni Mubarak đã không từ chức. Theo các quan sát viên theo dõi tình hình Ai Cập, lẽ ra tối 11 tháng 2 Hosni Mubarak đã từ chức theo kế hoạch nhưng vào phút chót vì nuối tiếc thời vàng son, tuyên bố nhường quyền lại cho phó Tổng Thống thay vì dứt áo ra đi.
Tài sản của Hosni Mubarak khác nhau tùy theo ước tính của các nguồn điều tra. Tuy nhiên dù nguồn nào, cũng vào khoảng từ 40 tỉ đến 70 tỉ đô la.
Theo báo Anh Guardian, của cải của Hosni Mubarak và gia đình ông ta được ký thác vào các ngân hàng ở Anh và Thụy Sĩ cũng như đầu tư vào tài sản cố định tại London, New York, Los Angeles và các khu vực vùng Hồng Hải.
Theo điều tra của hãng tin ABC, “Sự nghiệp tham nhũng” của Hosni Mubarak bắt đầu từ khi y còn là Tư Lịnh Không Quân.  Khi nắm quyền tổng thống, Hosni Mubarak đã khôn khéo phân phối quyền đứng tên tài sản cho các thành viên trong gia đình Mubarak. Vợ và hai con của Mubarak tích trữ một tài sản khổng lồ thông qua các liên doanh đầu tư với các công ty nước ngoài. Giáo sư Christopher Davidson, môn chính trị Trung Đông tại đại học Durham cho biết theo luật đầu tư Ai Cập, các nhà đầu tư quốc tế phải để các nhà đầu tư Ai Câp sở hữu ít nhất 51 phần trăm công ty. Theo báo Á Rập Al Khabar, Hosni Mubarak có tài sản trong khu giàu có Manhattan, New York và Beverly Hills, California.
Trong nước, gia đình Hosni Mubarak sở hữu hay có phần hùn trong gần như các công ty quan trọng, thậm chí cả trong hệ thống nhà hàng Chilli, nhập cảng xe hơi Hyundai, Skoda, khách sạn, chung cư v.v.Không chỉ riêng Hosni Mubarak mà cả con trai của y cũng là tỉ phú. Các cuộc biểu tình phía bên ngoài biệt thự sang trọng của con trai Hosni Mubarak tại số 28 Wilton Place, Belgravia, trung tâm London, cho thấy đời sống vương giả của gia đình Hosni Mubarak.
Theo tác giả Aladdin Elaasar, tác giả của nghiên cứu The Last Pharaoh: Mubarak and the Uncertain Future of Egypt in the Obama Age, chẳng những làm giàu băng xương máu nhân dân, Hosni Mubarak và gia đình còn “tiếp thu” tài sản của các vua chúa và các lãnh đạo trước đã qua đời.
Trong lúc Hosni Mubak và gia đình sống một cuộc đời vương giả, bình quân lợi tức đầu người tại Ai Cập chỉ 2,070 đô la. Nhưng không phải người dân Ai Cập nào cũng may mắn được có 2 ngàn đô la lợi tức, 20% dân chúng đang sống dưới mức nghèo đói.

Không có nhận xét nào: