Cái gì gây ra lạm phát ở Việt Nam
Ngô Nhân Dụng - Tình trạng kinh tế ở Việt Nam được diễn tả trong một bài ca dao đang phổ biến như sau:
Đau đầu vì điện
Điên đầu vì đô (đô la)
Ngây ngô vì vàng
Ngỡ ngàng vì đất
Đau đầu vì điện
Điên đầu vì đô (đô la)
Ngây ngô vì vàng
Ngỡ ngàng vì đất
Điện không biết lúc nào bị cúp; ngay một khách sạn quốc tế ở giữa thủ đô cái máy pha cà phê cũng ngưng chạy vì cúp điện. Giá đô la Mỹ trên thị trường chợ đen lúc nào cũng chạy vọt lên nhanh hơn giá do nhà nước chính thức quy định. Nhà nước vừa mới phá giá đồng tiền Việt Nam xuống thêm hơn 8%, phá giá lần thứ ba trong vòng 12 tháng. Đây là lần phá giá tiền thứ sáu kể từ hai năm rưỡi nay; nhưng vẫn như các lần trước, giá chính thức vừa được công bố thì giá mua đô la trong các cửa hàng vàng Hà Nội đã vươn lên qua mặt nữa rồi.
Vì dân chúng không tin tưởng vào đồng tiền, những người có tiền trong tay tìm cách tống khứ cái khuôn mặt in trên đó đi càng nhanh càng tốt, bằng cách đổi lấy đô la Mỹ hay mua vàng. Vàng thì nặng, khó giữ và khó chuyển ra ngoài, cho nên giới quan chức lớn và doanh nhân có tiền thật đều tích trữ đô la. Tại sao người ta chuộng những tờ giấy 100 đô la mới, sẵn sàng trả giá cao hơn? Vì khi đem hối lộ, được hoan nghênh hơn! Quí quan cũng biết rằng đem đô la đi lại nó nhẹ nhàng hơn vàng nhiều.
Trong khi giới có quyền và có tiền điên đầu vì đô la và vàng, thì những nông dân lại “ngỡ ngàng vì đất.” Đồng bào tỉnh Hà Nam đã kéo nhau lên tận Hà Nội biểu tình đòi đền bù đất xứng đáng, nhưng chưa ai tổ chức tập hợp được tất cả các đoàn nông dân mất đất cùng đi khiếu kiện một lúc!
Sau phần “Nhỡ ngàng vì đất” bài ca dao đọc tiếp:
Ngất vì tỷ giá
Ngã vì lãi suất
Uất vì giá xăng
Ngã vì lãi suất
Uất vì giá xăng
Cả ba hiện tượng: Tỷ giá đô la so với đồng tiền Việt Nam, lãi suất, và giá xăng quy tụ vào một điểm là “lạm phát phi mã.” Trong tuần rồi, giá xăng đã tăng vọt lên hơn 17%, gần 20,000 đồng một lít; và giá diesel tăng 24%,lên hơn 18,000 đồng. Giá xăng lên là một phần trong cảnh vật giá leo thang, tức là lạm phát. Ngày 25 tháng Hai vừa rồi, nhật báo Wall Street Á Châu loan tin đặc biệt về lạm phát ở Việt Nam, cho biết tỷ lệ giá sinh hoạt (CPI) tăng là 12.31%; nhắc nhở rằng đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Á châu. Hai món chính tăng giá là thực phẩm và nhà cửa, trong đó có giá vật liệu xây cất. Đó là hai nhu cầu thiết yếu của dân, đặc biệt là dân nghèo thì hầu hết đồng tiền kiếm được chỉ đổ vào chuyện ăn với ở!
Nhưng không ai tin rằng mức lạm phát sẽ dừng chân ở vị trí 12%. “Ngất vì tỷ giá” là một lý do. Đồng đô la Mỹ lên giá sẽ thúc lạm phát lên cao nữa. Vì mọi thứ hàng nhập cảng, khi mua phải trả bằng đô la, sẽ đắt hơn khi tính ra tiền Việt Nam. Ngoài ra, còn “Uất vì giá xăng.” Giá xăng dầu vừa mới lên sẽ khiến cho tất cả những thứ hàng hóa và dịch vụ cần dùng đến xăng dầu phải tăng giá theo (Có món nào không cần chuyên chở bằng xe tầu chạy xăng không?) Riêng hai thứ đô la và xăng thôi cũng đủ khiến cho giá cả nhiều món hàng bắt buộc tăng giá trong thời gian tới. Cho nên nhà Kinh tế Matt Hildebrandt thuộc công ty tài chánh JP Morgan đoán rằng trong mấy tháng tới tỷ lệ lạm phát ở nước ta sẽ lên 14%, và giữ mức đó cho cả năm 2011. Nhiều người lo ngại lạm phát sẽ lên tới 15%. Trong khi đó, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn không thay đổi chỉ tiêu của họ là giữ lạm phát ở mức 7% cho năm nay. Đúng là họ sống trong một thế giới ảo, khác đám chúng sinh đang đi lại ở ngoài đường.
Trước tình hình lạm phát đe dọa đó, dân đang “Ngã vì lãi suất” vì Ngân hàng Nhà nước phải cho tăng lãi suất nhiều lần để giảm bớt số lượng tiền lưu hành. Như nhận xét của tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, trong một bài đăng trên mạng lưới của nhà nước, Việt Nam đang lâm vào một thế bí, là phải lo chống lạm phát trong lúc lãi suất đang rất cao.
Bình thường, khi muốn ngăn chặn lạm phát thì người ta phải tăng lãi suất. Lãi suất tăng sẽ khiến dân bớt tiêu thụ đi và các xí nghiệp cũng bớt đầu tư; do đó số cầu giảm và giá cả các món hàng sẽ hạ bớt. Nhưng khi lãi suất đã cao lắm rồi, thì khó ai dám tăng lãi suất nữa. Tức là Ngân hàng Nhà nước mất một thứ dụng cụ để giảm bớt lạm phát. Cho nên ông Trần Du Lịch nói thẳng về viễn tượng kinh tế Việt Nam: “Qua 2 tháng đầu năm 2011, có thể thấy tình hình kinh tế vĩ mô gặp khó khăn hơn năm 2010 và nghiêm trọng hơn chúng ta dự đoán.” Cho đăng những nhận xét của ông trên mạng lưới nhà nước, cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam muốn báo trước cho toàn thể mọi người biết cả nước sắp vất vả! Mặt khác, họ cũng muốn chối tội về những biện pháp mới thi hành: tăng giá xăng và phá giá đồng bạc. Bởi vì, đó chính là những điều mà tiến sĩ Trần Du Lịch đưa ra đề nghị phải làm ngay “cả gói!” Nếu dân phải chịu khổ, hãy trút tội lên các chuyên gia kinh tế đưa ý kiến, đừng buộc tội đảng và nhà nước!
Nhưng cuối cùng, chính nhà nước và đảng Cộng sản đã gây ra cái cảnh lạm phát phi mã hiện nay, không thể nào đổ tội cho ai được!
Cái tội chính đã được ghi trong cương lĩnh, chính sách của những kỳ đại hội đảng từ mấy lần rồi. Đó là “Lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo.”
Tại sao có lạm phát? Vì tiền đổ ra nhiều quá mà sức sản xuất hàng hóa không tăng theo kịp. Tại sao lại đổ ra nhiều tiền như vậy? Vì các ngân hàng của nhà nước đưa tiền cho các xí nghiệp nhà nước tha hồ tiêu xài. Trong năm 2010, số tiền do các ngân hàng cho vay đã tăng thêm 28%, lên tới con số vay nợ lớn bằng 140% Tổng sản lượng nội địa (GDP). Nên biết, năm 1997, ngay trước khi Thái Lan bị khủng hoảng tài chánh, tổng số nợ của họ cũng chỉ lớn bằng 130% GDP! Hiện nay mỗi năm Việt Nam phải dùng 30% của Tổng sản lượng nội địa chỉ để trả tiền lãi và trả góp vốn các món nợ vay của người nước ngoài. Tại sao cần nhiều tiền đến như vậy? Vì có khi nhà nước đứng ra vay đô la từ nước ngoài, tức là đem tài sản cả nước ra làm vật thế chấp, rồi đưa tiền đó cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng. Đó là câu chuyện Vinashin đi vay 750 triệu đô la, ai cũng biết.
Những doanh nghiệp nhà nuớc làm ăn thế bết bát thế nào ai cũng biết. Nhưng chính sách của đảng Cộng sản vẫn là đem tiền của toàn dân cho các cán bộ kinh tế của đảng tha hồ tiêu pha lãng phí. Tiến sĩ Nguyễn Quang A năm ngoái đã viết một bài phân tích tường tận về cái lỗ thủng khổng lồ, cái thùng không đáy là các doanh nghiệp nhà nuớc.
Hiện nay cán cân mậu dịch của Việt Nam bị thâm thủng trên một tỷ đô la mỗi tháng. Trong các nước Đông Nam Á, nước nào mua bán với Trung Quốc cũng thặng dư, tức là bán nhiều hơn mua; trừ Việt Nam là chịu thâm thủng, tiền ra nhiều hơn tiền vào! Ai gây ra cái nạn thâm thủng đó? Ông Nguyễn Quang A tính có 3 lãnh vực, các công ty ngoại quốc đầu tư ở Việt Nam thì bao giờ cũng đem tiền vào Việt Nam nhiều hơn là đem ra. Các xí nghiệp tư nhân trong nước thường cũng như vậy, ít nhất là không bị thâm thủng. Chính các doanh nghiệp nhà nước là nguồn gốc gây ra cảnh thâm thủng!
Các doanh nghiệp nhà nuớc được chính quyền ưu đãi, hưởng chế độ ưu đãi khi đi vay tiền của các ngân hàng, cũng do cán bộ điều khiển. Nhưng nó lại đóng góp rất ít vào kinh tế quốc dân. Ông Nguyễn Quang A cho biết, “số lao động làm việc trong doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng hơn 3 lần trong những năm 2000-2006, từ hơn 1 triệu lên hơn 3 triệu người. Tương tự, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI (ngoại quốc đầu tư ở Việt Nam) đã tăng hơn 3 lần, từ hơn 407 ngàn người năm 2000 đã tăng lên hơn 1,4 triệu người năm 2006. Số lao động làm việc trong các DNNN chỉ còn chiếm 28% tổng số lao động trong doanh nghiệp; giảm hơn một nửa (59,1%) so với năm 2000.”
Còn phần đóng góp của các doanh nghiệp nhà nuớc vào ngân sách quốc gia thì sao? Tiến sĩ Nguyễn Quang A ghi nhận các doanh nghiệp nhà nuớc chỉ góp trên 10% vào tổng số thu của nhà nước, còn 88.65% là do các doanh nghiệp khác, tư nhân trong nước và nước ngoài đóng góp!
Với những thành tích của các doanh nghiệp nhà nuớc như thế, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn bảo vệ các doanh nghiệp nhà nuớc! Họ đem tiền của dân cho đám cán bộ sử dụng dù không có hiệu quả. Vì đó doanh nghiệp nhà nuớc là nơi họ nuôi các cán bộ đảng!
Khi tiền nhiều quá, sinh lạm phát, thì toàn dân phải chịu!
Ngô Nhân Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét