19.3.11

Cuoc choi 1 , 2 ,3


Bạn Chủ tịch, sau nhiều năm lăn lộn xứ trời Tây, có khoản tiền kha khá, muốn về nước đầu tư, Vừa kiếm tiền, vừa kiếm tý chức sắc, khoe khoang với thiên hạ cho dân chúng mắt tròn mắt dẹt. Sướng.
Cuối 2 lẻ sáu, đầu hai lẻ 7, thị trường chứng khoán VN thăng hoa. Tăng liên tục, liên tục như diều gặp gió. Đạt 1.170 điểm ngày (12/3) năm 2 lẻ 7. Các công ty chứng khoán tha hồ hốt bạc. Mộng mơ như Chủ tịch, la cà ở mấy công ty cổ phần, mua bán OTC, cũng kiếm bộn tiền, đủ tậu bốn bánh, lượn lờ ra vẻ đại gia.
Có sàn chứng khoán là có cơ hội để bốc. Phong trào thành lập công ty chứng khoán nhờ đó mà bùng lên như cháy rừng. Không chỉ các đại gia, tiểu gia cũng đôn đáo mần hồ sơ, gửi lên uỷ ban Chứng khoán xin thành lập công ty. Thời kỳ này, Chủ tịch ngồi nhà viết sách chứng khoán, rồi được một số trung tâm mời giảng dạy về món này, cũng kiếm được một số món kha khá.
Bạn Chủ tịch, giáo sư ở Đại học KT Quốc dân hỏi: Chủ tịch nói thế nào mà mấy đứa học trò cứ há hốc mồm ra nghe thế?. Trả lời: Đại loại như, GS thích một cô xinh như hoa hậu, cưới nó về làm vợ, một mình sở hữu gọi là công ty tư nhân. GS không cưới mà chung chạ với vài thằng nào đó, chỉ sở hữu một số giờ gọi là Cty TNHH. Nếu việc chung chạ ấy không giới hạn đối tượng, gọi là công ty Cổ phần…
Sự thay đổi danh mục đầu tư có thể ví như sự luân chuyển cán bộ hay sự thay đổi bồ bịch của mấy giáo sư. Sự thay đổi các cổ đông về quyền sở hữu gọi là chuyển nhượng, mua bán cổ phần, một loại giấy tờ có giá, tức chứng khoán. Một trong những câu chuyện tốn không ít giấy mực báo chí, cũng là chuyện mà Chủ tịch thường kể lúc lên lớp là chuyện của Thiên Việt.
Công ty này được thành lập theo Giấy phép công ty chứng khoán số 36/UBCK-GPHĐKD Ủy ban CK cấp 25/12, năm 2 lẻ 6. Vốn điều lệ 43 tỷ. Thời Chứng khoán được giá, cứ tăng vốn điều lệ, bán cổ phiếu ra ngoài, được năm sáu chấm, một lãi bốn năm lần, ngon ơ.
Đặc biệt, nếu như công ty nào có bắt chân bắt tay với mấy thằng nước ngoài, Nhựt bổn chẳng hạn, Mỹ, Ăng lê càng tốt, thì cổ phiếu cứ thế tăng ào ào. Dân chúng kháo nhau: Mấy thằng khoai tây còn phải tìm đến là yên tâm rồi. Vậy nên thằng cha Hà Trung, Chủ tịch của Thiên Việt mới nghĩ ra trò ký kết nọ kia với đối tác nước ngoài. Lần này hắn chọn Goldman Sachs. Thằng này là trùm sò tài chính ở phố Wall.
Tin được hắn hé lộ chỉ là: Goldman Sachs và Thiên Việt đã thoả thuận trong bản hợp tác và đã được ký bởi lãnh đạo của hai Công ty. Goldman Sachs và Thiên Việt có hợp đồng ký làm việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Rằng, “Goldman Sachs đã tin tưởng vào năng lực của Công ty CK Thiên Việt và chọn Thiên Việt làm đối tác nội địa để thực hiện các dự án cụ thể tại Việt Nam…
Từ đó, Thiên Việt cứ vô tư xin tăng vốn điều lệ. Đợt 1, tăng từ 43 tỷ VNĐ lên 86 tỷ VNĐ, Quyết định số 67/UBCK-GP ngày 24/08 năm 2 lẻ 7. Bốn tháng sau, 5/12 năm 2 lẻ bảy, Cty này lại được UB CK cho tăng vốn điều lệ lên 430 tỷ đồng.
Có giấy phép, có đăng ký kinh doanh, những thằng sở hữu cổ phiếu phổ thông công ty này cứ thế bán ra thị trường tự do. Có thằng mua đến 12 chấm. Tức tăng gấp 12 lần mệnh giá. Nghe mà vãi cả linh hồn.
Thử hình dung, bạn có 100 tỷ đồng CP phổ thông, bán ra, lãi gấp 10 lần, vị chi được ngàn tỷ. Trên thế giới, không có nơi nào, kinh doanh lãi đến như vậy. Vì thế, nhà nhà xin thành lập Cty chứng khoán, người người xin thành lập công ty chứng khoán. Trên bàn của UB CK lúc nào cũng có dăm bảy bộ hồ sơ xin thành lập. Mỗi công ty CK ra đời phải chi phí mất một số tỷ tiền lobby Có thằng chỉ giàu lên nhờ việc tư vấn thành lập Cty CK.
Cứ có giấy phép, khắc có người bỏ vốn cho anh kinh doanh. Thiên hạ hồi đó sao hào phóng thế không biết. Rồi nhà nước siết chặt việc thành lập công ty chứng khoán. Phong trào này lắng xuống. Các đại gia chuyển sang thành lập ngân hàng thương mại.
Chuyện này cũng dễ hiểu, vì hồi đó, các ngân hàng đang huy động lãi suất từ 5 đến 7%/năm. Cho vay ra trên 12%/năm. Có ngân hàng, khắc có người đến mở tài khoản, có người đến gửi tiền, có người đến vay tiền. Có huy động, có cho vay, có chênh lệch lãi suất là có thu nhập…
(Kỳ sau: Cuộc chơi Ngân hàng)
  • Phan Thế Hải

II- Cuộc chơi Ngân hàng

Đăng ngày: 09:01 17-03-2011
Thư mục: Tổng hợp
Như đã nói ở trên, khi nhà nước Thiên đường siết chặt việc thành lập công ty chứng khoán, các đại gia chuyển sang thành lập ngân hàng TM. Mục đích của việc thành lập ngân hàng không chỉ vì đây là thị trường béo bở mà ở khía cạnh khác. Với những thằng bên Tây về tiền bạc đã rủng rỉnh, cái chúng nó cần hơn là có một ghế, Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc gì đó để doạ nạt thiên hạ.
Không được chức chủ tịch hoặc chức tổng thì chức uỷ viên hoặc phó tổng cũng khiến khối thằng mơ ước. Ông chủ nhà băng, một khái niệm mà không chỉ ở xứ ta, cả xứ Tây nghe cũng phát thèm.
Vậy là, nhà nhà đua nhau mần hồ sơ, các tổng công ty đua nhau nộp hồ sơ, gửi lên NH Nhà nước xin thành lập nhà bank. Trước tháng 6 năm 2 lẻ 7, điều kiện thành lập NH khá thoáng, theo đó chỉ cần vốn điều lệ 70 tỷ coi như ok. Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN vào tháng 6 hai lẻ 7 điều kiện thành lập NH mới, mức vốn điều lệ tối thiểu của một NHTMCP đô thị tăng từ 70 tỉ đồng lên ngàn tỷ đồng.
Khi thị trường chứng khoán bùng phát, chuyện huy động ngàn tỷ không khó. Các thủ tục khác đã có Bác dẫn đường, chỉ cần chịu chi, có thằng tư vấn lo từ A đến Z. Ban vận động chỉ việc họp, thông qua điều lệ, phân định ghế, tìm kiếm văn phòng trụ sở, kiếm nhân sự chủ chốt, coi như xong.
Chính vì sự thông thoáng đó, mà trước đây, xứ Thiên đường ta chỉ có 4 ngân hàng TM đều là của nhà nước, thế mà chỉ trong vòng mấy năm đồng chí Bill, Tổng thống Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận, con số này đã tăng lên gấp nhiều lần. Trước khi xứ Thiên đường ta chịu nhún mình vào WTO thì số NH TM đã gần ba chục. Chưa dừng, các hồ sơ xin thành lập mới lại liên tục gửi lên, gửi lên.
Bạn Chủ tịch làm ở NH nhà nước cho hay, Tính đến hết tháng 8 năm 2 lẻ7, đã có 25 bộ hồ sơ được gửi lên Ngân hàng NN xin cấp phép thành lập ngân hàng TM CP mới. Nhiều thằng nộp hồ sơ, nhiều thằng chờ đợi, ắt sẽ bị ngẽn. Nghẽn vì chúng nó chen nhau, nghẽn vì ông Nhà nước chẳng dại gì lại không khép bớt cửa lại, thằng nào muốn qua, phải biết điều.
Mấy thằng đại gia, cậy có súng to đạn nhiều, tìm cách gõ nhiều cửa, tranh thủ có được nhiều công văn của cấp có thẩm quyền để tác động. Để có mỗi công văn lại bỏ quên một túi quà trong đó có một số cọc USD. Song chuyện được cấp giấy phép hay không lại do NH Nhà nước.
Từ đầu năm 2 lẻ 6 kéo qua năm 2 lẻ bảy, thị trường tài chính tăng đẹp, giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại tăng gấp nhiều lần mệnh giá. Một thằng NH mới ra đời, ngoài cổ đông sáng lập không được phép chuyện nhượng, còn các cổ đông phổ thông, cứ mua bán qua giấy viết tay, cũng được dăm sáu chấm. Nghĩa là có thể dùng tay không bắt giặc, cũng kiếm bộn tiền.
Một số thằng đã có giấy phép, chỉ cần tăng vốn điều lệ, gọi cổ đông mới tham gia, bán iu tiên cũng kiếm lãi gấp ba gấp bốn. Xứ Thiên đường, từ chỗ có dăm bảy thằng tư bản cỏ, vốn liếng phọt phẹt, bỗng dưng xuất hiện hàng trăm triệu phú đô Mỹ, nhiều như nấm mọc sau mưa.
Nhiều triệu phú, thậm chí là tỷ phú đô Mỹ, lực lượng này bắt đầu can thiệp vào hệ thống chính trị. Các ranh nhân tham vấn cho Chính phủ chính sách thanh toán không dùng tiền mặt. Đầu năm 2 lẻ 8, chính sách này được phê duyệt, tiền lương được chuyển vào tài khoản, muốn tiêu dùng thẻ để rút. Văn minh không kém gì Hoa Kỳ. Hơn thế là cơ hội lớn cho các NHTM. Huy động vôn qua dịch vụ thẻ tăng vọt.
Trở lại chuyện đã nói ở phần trước, bạn Chủ tịch, từ Poland trở về, có vài chục triệu đô, lại kiếm được cái TS kinh tế, muốn khoe khoang cho gái làng lác mắt ra. Không có sự lựa chọn nào tốt hơn là thành lập NH TM.
Thời điểm hai lẻ 7, phải có số tiền tối thiểu ngàn tỷ đồng. Tiền tươi, thóc thật, được duy trì số dư tiền gửi tại một NH trong suốt thời gian từ khi chấp thuận về nguyên tắc cho đến khi khai trương hoạt động. Bao nhiêu vốn liếng từ đông Âu, dồn về VN, ra chợ đen đổi đô ra VN đồng đê làm chuyện ấy. Nhiều tháng trời, khoản tiền đó bị giam chết một chỗ, không sinh lợi đồng cắc nào.
(Bận việc phải đi,  mai viết tiếp)
Phan Thế Hải

III- Những cái chết khác nhau

Đăng ngày: 07:55 18-03-2011
Thư mục: Tổng hợp
Với các Cty chứng khoán cũng như với các NH TM, tìm kiếm nguồn nhân lực cũng là chuyện đau đầu. Xứ Thiên đường, sinh viên tốt nghiệp ra trường nhiều như quân nguyên, dưng không thạo việc. Để vận hành một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, cần có đội ngũ am hiểu thực tiễn, thành thạo chuyên môn. Chưa nói chuyện bộ khung quản lý, cán bộ chủ chốt.
Khi số lượng các NH TM đột ngột tăng cao, những thằng làm được việc tự dưng đắt hàng. Các NHTM vẫn áp dụng chiêu cũ: Lôi kéo cán bộ của nhau với những lời hứa về chức sắc, thu nhập, tiền thưởng, điều kiện làm việc và lớn hơn là cổ phiếu. Trong số đó, các NHTM Nhà nước được coi là những cái kho về nhân sự.
Bạn Chủ tịch, đang giữ ghế trưởng ban ở Agribank, nhiều năm liền liên nâng cao năng lực uống nước chè, ca thán chế độ đãi ngộ bỗng dưng được mời gọi về làm phó tổng một bank cổ phần, tha hồ phét lác.
Rồi nữa, bài toán mở rộng mạng lưới, chi nhánh. Muốn giữ khách, muốn hút tiền nhàn rỗi của dân, không cách nào khác phải gần dân. Các chi nhánh cứ thế tăng liên tục như tàu con thoi. Những khu dân cư đông đúc, những khu đô thị mới, ai có nhà mặt tiền hoặc tầng một đều có cơ hội hốt bạc.
Đoạn đường Kim Liên – Ô chợ Dừa mới mở dài chưa đầy cây, chỉ trong có vài tháng đã có 8 chi nhánh và phòng giao dịch NH. Tầng một của hai toà nhà 18 T1 và 18 T2 sát nhau tại khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính có mặt tới 4 NH.
Không chỉ là chi phí, mà các ngân hàng còn phải “tranh giành” chỗ địa điểm với nhau. Có NH vừa thoả thuận với chủ nhà xong, chưa kịp nhận tiền đặt cọc thì đã có NH khác đến thuê với giá cao hơn. Thậm chí đã nhận tiền đặt cọc rồi còn bị chủ nhà trả lại tiền, chịu phạt để chấp nhận trường hợp khác thuê cao hơn. Ngoài ra là hàng loạt thách thức khác, như: công nghệ, quản trị điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro, đa dạng hoá nghiệp vụ kinh doanh, chất lượng và uy tín của dịch vụ, thu hút khách hàng…  Chỉ riêng việc xây dựng hệ thống core-banking (NH lõi) cho một NH thương mại đã tốn khoảng 4 triệu đô Mỹ.
Chuyện giành dật về nhân sự, cạnh tranh về phát triển mạng lưới, thuê địa điểm đẹp, tưởng đã là những rào cản khó vượt qua. Chưa hết, tháng 10 năm 2 lẻ 8, NH Nhà nước chắp bút cho Chính phủ ra quyết định mới về điều kiện thành lập NH TM.
Theo đó, vốn điều lệ của một ngân hàng TM cổ phần mới sẽ không dưới 3 ngàn tỷ đồng, cao gấp 3 lần quy định cũ.  Ngoài ra, mỗi NH phải có ít nhất 100 cổ đông, trong đó mỗi DN là cổ đông sáng lập phải có ít nhất 500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và phải đảm bảo làm ăn có lãi trong 3 năm liên tiếp trước khi xin thành lập NH.
Trước rào cản lớn như vậy, hầu hết các Ban chuẩn bị thành lập NH đều bỏ cuộc. Tính đến tháng 8/2008, Ngân hàng NN đã nhận được tổng cộng 37 bộ hồ sơ xin thành lập mới ngân hàng TM. Trong số các hồ sơ trên, chỉ có Liên Việt và Tiên Phong được chấp nhận thành lập và đã đi vào hoạt động.
Ít lâu sau, Bảo Việt Bank cũng được Thủ tướng chấp thuận. Số còn lại đang nằm ở NH Nhà nước chờ cấp phép bỗng dưng trở thành mớ giấy lộn. Không ít người dở khóc dở cười chỉ vì đã trót bỏ ra hàng trăm tỷ đồng cho công tác chuẩn bị.
Đây được coi là cách chết thứ nhất.
Trở lại chuyện các công ty CK như đã nói ở trên, khác với phong trào chạy đua xin giấy phép, hơn năm qua, các công ty chứng khoán chật vật để tồn tại. Năm 2010 có 20 công ty CK công bố lỗ. Thậm chí có công ty thâm thủng nặng, có nguy cơ phá sản.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh 2010 trình ĐH cổ đông vào ngày 19/3, HĐQT Công ty CK Kim Long khẳng định trong khi phí giao dịch có xu hướng ngày càng giảm thì chi phí hoạt động của công ty CK có xu hướng tăng do phải tăng chi phí về mặt bằng, mở rộng mạng lưới, nghiên cứu và phát triển dịch vụ, đầu tư, vận hành và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực…
Trong đó, chi phí cho hoạt động môi giới chiếm tỷ trọng lớn cho công ty thua lỗ trong năm 2010.
Điều này cũng được chứng minh qua báo cáo tài chính năm 2010 của các công ty CK, trong khi lợi nhuận từ môi giới của đa phần các Cty đều giảm mạnh so với 2 lẻ 9 thì chi phí phục vụ cho các hoạt động lại tăng mạnh. Thêm vào đó, thị trường không mấy sáng sủa khiến cho lợi nhuận thu được từ tự doanh là không đáng kể. Chính những nguyên nhân trên khiến cho nhiều Cty CK khép lại năm cũ với lợi nhuận âm.
Sang năm 2011, với một số phiên tăng điểm đầu năm, chứng khoán những tưởng đã vượt qua thử thách, nhưng những thông tin vĩ mô đã khiến cho sự lạc quan của nhà đầu tư về thị trường bị dập tắt. Tỷ giá, lạm phát, lãi suất, giá điện, xăng tăng, thông tin siết tín dụng vào chứng khoán đã đẩy chỉ số chứng khoán về sát mốc 450 điểm, mốc thấp nhất kể từ ngày 1/12/2010. Đồng thời giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM có lúc chỉ còn khoảng 5 trăm tỉ đồng, bằng một nửa so với các phiên bình thường trong năm 2010.
Sáng sớm, lướt qua một vòng các sàn giao dịch ở Hà Nội, thấy vắng như chùa Bà Đanh. Dẫu nhiều Cty CK đã đóng cửa bớt phòng giao dịch, thậm chí cả chi nhánh ở các tỉnh lẻ. Các cổ đông nắm giữ cổ phiếu của các Cty Ck thi nhau chào bán qua sàn OTC. Giá rớt thê thảm. Thậm chí có cổ phiếu giá chỉ bằng 0,5 mệnh giá. Với giá đó, nếu không có gì thay đổi, chuyện phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian. Đây được coi là cách chết thứ 2.
Cũng như các công ty CK, các NH thương mại cũng sống trong cảnh đìu hiu của thị trường tài chính. Khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa kịp phục hồi lại bị bồi thêm chuyện động đất ở Nhật, rồi chuyện nổ nhà máy điện hạt nhân, nghe mà hãi.
Trước những tin giữ đó, đầu tư khu vực tư nhân giảm vẫn chưa khá lên, tiêu dùng nội địa và quốc tế phục hồi chậm. Nhà nước thắt chặt tín dụng, thắt chặt giao dịch vàng, ngoại hối. Cạnh tranh hàng nhập khẩu tăng mạnh, niềm tin của nhà đầu tư còn yếu…
Điều này đang báo hiệu một cách chết thứ 3: Chết từ từ. Giá cổ phiếu của các NH thương mại giảm có lý do từ bệnh tật này.
Phan Thế Hải

Không có nhận xét nào: