19.3.11

Vi sao My chi dung vu luc voi Lybia


Cả ba nước đều sử dụng bạo lực để đè bẹp các cuộc biểu tình đòi dân chủ. Nhưng Mỹ và các đồng minh phương Tây chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya.
Sự khác nhau giữa Libya và Yemen hoặc Bahrain là gì?

Các vụ đàn áp tại Yemen và Bahrain cho đến nay chỉ bị phản đối bằng lời nói chứ không phải bằng hành động.
Câu trả lời thật dễ nhận biết.
Bahrain và Yemen là đồng minh của Mỹ – đặc biệt là Bahrain, nơi Mỹ có căn cứ hải quân lớn. Libya thì không.
Phản ứng của Hoa Kỳ đối với Bahrain càng trở nên phức tạp hơn bởi nước láng giềng Ả Rập Saudi, đồng minh Ả Rập số một của Washington.
Ả Rập Saudi không hài lòng khi chứng kiến cảnh Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải ra đi.
Mất chế độ quân chủ Sunni tại nước láng giềng là một mất mát lớn – đó là lý do tại sao nước này đã thực hiện một hành động chưa từng có, là gửi 1.000 binh lính qua biên giới vào Bahrain, để rồi sau đó các cuộc đàn áp bắt đầu diễn ra.
Nhưng điều gì đã xảy ra với các “giá trị phổ quát” mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trích dẫn khi ông cuối cùng đã ủng hộ những người biểu tình ở Ai Cập?
Quyết định của ông trong việc phải từ bỏ một đồng minh cũ của Mỹ ở nước này – ông Mubarak – khiến người ta có cảm giác rằng ông đang sẵn lòng áp dụng những giá trị phổ quát và phá vỡ chính sách trước đây của Hoa Kỳ trong việc nuông chiều các chế độ khác ở Trung Đông.
Các nhà phê bình nói đây là một cảm giác nguy hiểm, khiến người biểu tình kỳ vọng nhiều hơn đồng thời các vương triều ở vùng Vịnh bị áp lực nhiều hơn.
“Quyền lợi là trên hết”
“Mỹ luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo,” bà Marina Ottaway, giám đốc chương trình Trung Đông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington, nói.
“Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết.”
Khi cuộc nổi dậy đã lan ra khỏi Bắc Phi với Bahrain và Saudi Arabia, Washington đã tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước.
Với Mỹ, sự ổn định tại các quốc gia giàu dầu mỏ hiện nay dường như quan trọng hơn là hy vọng về các phong trào phản kháng.
Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Điều này khiến chính quyền Obama phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.
“Mỹ rất sợ rằng nếu ông Saleh đi, Yemen sẽ sụp đổ”, bà Ottaway nói.
Ông Obama đã lên án vụ bạo lực mới nhất tại Yemen, là vụ khiến cho ít nhất 30 người biểu tình thiệt mạng.
Ngần ngại
Nhưng ông chỉ có thể kêu gọi “những người có liên quan… sẽ bị quy trách nhiệm”, mà không trực tiếp chỉ trích ông Saleh.
Washington đã phản ứng không đáng kể về tình trạng bạo lực mà các lực lượng an ninh Iraq đã sử dụng để chống lại người biểu tình ở nước này.
Ngay cả với Libya, sự thận trọng mới cũng đang được thể hiện. Chính quyền đã ngần ngại một thời gian trong việc ủng hộ quyết định áp dụng vùng cấm bay, bởi lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thứ ba của My tại một quốc gia Hồi giáo, sau Afghanistan và Iraq.
Mỹ chỉ quyết định việc này sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Ả Rập và các đồng minh châu Âu.
Và hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ đóng góp quân sự tới mức nào đối với khu vực cấm bay được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cũng như chuyện gì sẽ xảy ra nếu Đại tá Gaddafi thành công trong việc níu giữ quyền lực.
Với lịch sử gần đây và làn sóng biểu tình tràn qua khu vực, người ta có thể nói rằng thận trọng là một chính sách hợp lý, nếu nhìn từ quan điểm Mỹ.
Nhưng điều này cũng tạo ra nguy cơ là các nhà lãnh đạo bảo thủ Ả Rập sẽ có cơ hội cần thiết để ngăn chặn làn sóng đòi cải cách, và để tiếp tục đeo bám quyền lực.
Chứng kiến những gì đã xảy ra tại Tunisia và Ai Cập, các nhà lãnh đạo Ả Rập khác đang đi theo hướng của Libya và theo đuổi cách dùng vũ lực thay vì đối thoại.
Hiện người ta vẫn chưa rõ là rồi đây liệu ông Obama có thể làm được gì trong chuyện này hay không.

Không có nhận xét nào: