19.3.11

Dân trí xứ Phù Tang


Dân trí xứ Phù Tang

Các tỉnh ở Tây Bắc Nhật Bản đối diện với các tai họa dồn dập và khủng khiếp vừa động đất, vừa sóng thần (tsunami) lại thêm hiểm họa phóng xạ từ các nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi. Số tử vong có thể lên tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người bỗng thành vô gia cư, hàng triệu gia cư không có điện nước, trong thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ có đêm xuống dưới không độ. Một số ngôi làng bị sóng thần xóa trắng, toàn bộ gần 10 ngàn cư dân biến mất.

Nhưng giữa cảnh hoang tàn, nhà tan cửa nát, gia đình thất lạc, phân tán, thiếu thốn cùng cực, người ta không thấy một người dân Nhật nào mất tự trọng. Không có nạn thổ phỉ gia cư, không có nạn giành giật đồ cứu trợ, không có nạn đầu cơ tích trữ, không một cửa hàng nào mượn gió bẻ măng, nâng giá để chém chặt người mua. Cũng không có một lời chửi bới hay oán thán, trách móc chính quyền.
Theo dõi thảm kịch thiên tai giáng xuống đầu người dân Nhật trong suốt tuần qua, chúng ta thấy các nạn nhân bình thản đón nhận thiên tai. Họ lặng lẽ nối đuôi nhau hàng mấy tiếng đồng hồ để được phát một gói mì, một trái táo hay một chai nước nhỏ. Trong các nơi tạm trú người phát và người nhận đồ cứu trợ đã thể hiện một mẫu mực đạo đức chưa từng thấy tại các nơi xảy ra thiên tai ở các quốc gia khác. Người mang đồ cứu trợ mang khay thức ăn tới từng người với thái độ cung kính. Khi đoàn nhân viên cứu trợ tới, các gia đình nạn nhân vẫn ngồi tại chỗ, những đứa trẻ ăn mặc rất đẹp, ngồi im lặng bên mẹ, chờ thực phẩm trao tận tay, nét mặt bình thản mặc dầu có thể không có một miếng ăn từ hai ba ngày. Không thấy một phụ huynh nào phải la rầy con em vì đứa trẻ nào cũng biết “giấy rách giữ lấy lề”. Thì ra đạo lý dân tộc Nhật được đào tạo ngay từ tuổi ấu thơ bởi gương đạo đức của cha mẹ ngay tại những hoàn cảnh thực tế như vậy; và cứ thế tiếp tục lưu truyền đến các thế hệ sau.
Những tấm gương đạo đức trong trận thiên tai này thì nhiều vô kể, chỉ xin dẫn ra một vài trường hợp:
 Viên quản đốc một nhà kho thực phẩm gần trung tâm động đất, không chờ lệnh chủ đã tự động đem hết thực phẩm, nước uống bày ra hai bên lề đường, kêu gọi mọi người tự nhiên dùng không cần hỏi han.
 50 công nhân, Fukushima 50, tình nguyện ở lại khu vực lò điện nguyên tử, chấp nhận nguy hiểm chết người của phóng xạ để ngăn chặn tại họa “melting” (nóng cháy các thanh uranium).
 Các phi công trực thăng chấp nhận cái chết khó tránh khỏi khi bay vào khu vực đang phóng xạ để thả nước làm nguội lò nguyên tử.
 Theo lời anh Hà Minh Thành, một cảnh sát Nhật gốc Việt, đang công tác tại vùng thiên tai, anh đã thấy nhiều cửa hàng cửa ngõ tan hoang, bên trong đầy máy ATM, và nhiều đồ điện tử đắt tiền nhưng vẫn còn nguyên vẹn mặc dầu không có ai canh giữ. Anh Hà Minh Thành đã giúp nhiều người ra khỏi vùng thiên tai trong đó có môt số du sinh đến từ Việt Nam. Họ đã bị chính quyền Việt Nam bỏ rơi trong khi báo chí trong nước cứ bô-lô ba-la là đã tận lực lo cho họ.
 Cũng theo lời anh Hà Minh Thành, trong Lá thư gởi nhà văn Phạm Viết Đào anh kể lại câu chuyện thật xúc động:
“Có một câu chuyện cảm động ngày hôm qua một đứa bé Nhật đã dạy cho một người lớn như em một bài học làm người.
Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm.Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói“.
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ“.
Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc, để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.”
Cái gì đã làm thành ba đức tính cao quý của người Nhật mỗi khi gặp thiên tai?
Bình Tĩnh – Kỷ Luật – Tự Trọng – Khắc Kỷ
Nước Nhật với dân số 127 triệu trên diện tích 379.954 km² (so với Việt Nam: dân số 87triệu, diện tích 331.114 km²), đa phần kề bên miệng núi lửa, nên thiên tai được người Nhật chấp nhận một cách tự nhiên như thể là định mệnh của họ. Họ đã trải qua hàng ngàn cuộc động đất lớn nhỏ, trong đó có trận động đất năm 1923 ở gần Tokyo, sát hại 142.800 người; trận động đất năm 1995 ở Kobe sát hại 6.400 người; thiên tai lần này được coi như tai họa lớn nhất , thiệt hại có thể còn lớn hơn cả Thế Chiến II.
Phải chăng tai họa triền miên đã rèn luyện người Nhật thành một dân tộc cao quý?
Chúng ta đã chứng kiến không biết bao cảnh thiên tai tại nhiều nước khác trên thế giới nhưng chưa có dân tộc nào chịu đựng họan nạn một cách bình tĩnh, kỷ luật, và đầy tự trọng như vậy.
Người Mỹ vẫn còn “xấu hổ” khi nhắc đến trận bão Katrina năm 2005 ở Louisiana. Nhiều dân tộc cúi mặt khi thấy trên màn ảnh truyền hình người dân của họ ẩu đả, giành giật đồ cứu trợ khiến nhân viên cứu trợ phải ném thực phẩm xuống đám đông để tháo chạy.
Riêng ở Việt Nam, chúng ta còn thấy nhiều cảnh đau lòng hơn. Nhiều viên chức địa phương ăn chặn cả đồ cứu trợ rồi bán ra thị trường với giá cắt cổ để cho vào túi riêng. Có những gia đình thừa của ăn của để cũng đi lĩnh đồ cứu trợ để… cất đi. Mỗi khi có thiên tai là các cửa hàng nhu yếu phẩm “mượn gió bẻ măng”, mặc sức “chém chặt” nạn nhân.
Truyền thống đạo đức dân tộc không phải do trời phú, cũng không phải rèn luyện một sớm một chiều mà thành. Đó là một quá trình gây dựng, chọn lọc, kế thừa và tích lũy, từ đời này sang đời khác.
Dân tộc ta cũng không thiếu gì truyền thống tốt đẹp nhưng tiếc thay đạo đức xã hội của ta càng ngày càng bị xói mòn do sự du nhập những học thuyết phi nhân bản, do chủ trương thủ tiêu mọi giá trị luân lý cổ truyền của Cách Mạng Vô Sản.
Người dân Nhật như vậy nên chẳng ai dám nghĩ tới chuyện bắt nạt họ. Người Nhật như vậy thì khó khăn nào họ chẳng vượt qua được. Dân trí Nhật như vậy thì ai mà không kính nể nước Nhật.
Karl Max có sống dậy cũng chỉ ao ước một thiên đường Cộng Sản giống như nước Nhật ngày nay.
Lê Duy Nhân
0
0
 

Không có nhận xét nào: