17.4.11

Bão giá sóng thần và nguy cơ phá sản sẽ đưa đến đâu?


Bão giá sóng thần và nguy cơ phá sản sẽ đưa đến đâu?

“…Nếu nhà cầm quyền cộng sản không thể kềm được cơn bão giá thì đến một lúc nào đó, cơn bão đó sẽ quét đi những người đã là nguyên nhân chính gây ra nó…”

Những ngày đầu tháng tư 2011, sau những đợt tăng giá điện 15%, giá xăng (tăng lên 21.300 VND/lít tức 30% trong tháng 3/2011) và điều chỉnh tỉ giá hối đoái (tăng 9,3% từ đầu năm), Việt Nam đang trải qua một cơn bão giá mà có người gọi là “cơn bão giá sóng thần”. Nó khiến người ta nhớ tới cơn bão giá vào tháng 1/2008 đã đem đến lạm phát phi mã 28% trong năm này.
Cơn bão giá tháng 4/2011 sau cơn bão giá tháng 2/2011 (sau 2 đợt tăng giá xăng ngày 24/2) tất nhiên sẽ vượt xa chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 13,89% vào tháng 3/2011 so với cùng kỳ năm 2010. Thực ra mức lạm phát hiện nay chỉ là tiếp nối ở mức cao hơn mức lạm phát báo động 11,75% của năm 2010. So với các nước trong khu vực kể cả Trung Quốc (1) mà mức lạm phát trung bình từ 3-5% thì Việt Nam là một hiện tượng ! Riêng Trung Quốc có mức phát triển khoảng 10% (dự trù giảm xuống còn 7-8% trong 5 năm tới), còn lạm phát chỉ mới sấp sỉ 5% mà đã phải điều chỉnh bốn lần lãi suất.Việt Nam thì ngược lại chỉ muốn tăng mức phát triển lên 7% khi mà mức lạm phát tăng gấp đôi (dự kiến 7% cho năm 2011 trong khi Ngân hàng Phát triển Á châu đưa ra con số 13,3%).
Tổng sản lượng GDP và tỉ lệ lạm phát của một số nước Á Châu và Việt Nam
Mức tăng giá xăng liên tục 3 lần từ đầu năm chỉ là sự thích ứng với tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế khi mà Việt Nam phải nhập khẩu 70% lượng tiêu thụ và cũng để tránh tình trạng trợ giá khiến xăng dầu tuồn qua ngả Cam-pu-chia (giá rẻ hơn khoảng 4000 VND/lít). Tuy nhiên, mức tăng mạnh bạo, liên tục và cách thức loan báo bất nhất, đột ngột đã có ảnh hưởng tâm lý khiến người dân không tin tưởng vào lời nói và chính sách của nhà cầm quyền và thúc đẩy mức lan toả mạnh. Tăng giá xăng dầu không chỉ ảnh hưởng người tiêu thụ trực tiếp (trong đó có giá cước vận tải và ngư dân mà nhiều tàu thuyền đã phải nằm bãi), nó còn ảnh hưởng đến đời sống nông dân khi giá bán tăng không bù được mức tăng giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng 30%. Mặc dù chủ yếu là “té nước ăn theo”, nó khiến giá thực phẩm tăng vọt nhiều khi hơn cả mức tăng 20% của tăng giá xăng ngày 29/3. Giá mớ rau cải canh từ 3.000 lên 4.000 đồng 1 mớ, cá trắm cỏ từ 70.000 lên 100.000 đồng/kg, gạo trắng thường từ 8.000 lên 10.800 đồng/kg… Các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá cũng tăng từ 9-43% từ 1/4/2011. Nói chung là nhà cầm quyền không còn khả năng kềm giá cả. Ở đây yếu tố tâm lý là cực kỳ quan trọng trong thực trạng lạm phát phi mã ở Việt Nam.
Các báo trong nước và truyền thông nước ngoài đã mô tả những biến động giá cả vượt mức trên các mặt hàng lương thực, thuốc men, cước phí vận tải, đời sống nông ngư dân và người có lợi tức cố định sau khi giá xăng tăng ra sao (2). Trong các phản ứng có xen phẫn uất, cam chịu, thắt lưng buộc bụng và xoay trở. Nhưng dù cam chịu thì cũng chỉ có giới hạn. Không ai có thể tiên liệu phản ứng người dân rao sao trong tương lai đen tối của nền kinh tế khi mà trách nhiệm chủ yếu là nhà cầm quyền cộng sản.
Nguy cơ phá sản đã gần kề
Ngoài nguy cơ lạm phát phi mã sẽ phân tích sau, Việt Nam còn chịu một nguy cơ không kém, phát sinh từ cán cân chi trả khiếm hụt: nguy cơ vỡ nợ phá sản, tương tự như Hy Lạp, Ái nhĩ lan. Đó chính là nhận định rất có cơ sở của ông David Koh, chuyên viên Viện nghiên cứu Đông nam á trong bài viết “Vietnam’s poor Government” đăng trên tạp chí Chính sách ngoại giao giữa tháng 3/2011(3).
Thực vậy, nợ nước ngoài ở Việt Nam không ngừng tăng gia, hiện là 29 tỉ USD vào đầu tháng 3/2011, trên 42% Tổng sản lượng quốc dân (GDP).Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ cuối năm 2010 là 12 tỉ USD (hiện nay chỉ còn khoảng 10 tỉ USD, so với 23 tỉ USD năm 2008), tương đương với khoảng hai tháng nhập khẩu (trong khi tối thiểu phải là 3-6 tháng). Hiện nợ đến kỳ phải trả là 4 tỉ USD. Ông David Koh đưa ra giả thiết nếu các chủ nợ kêu đòi ngay một lúc (do khủng hoảng quốc tế hay mất tin tưởng của nước ngoài) thì nhà cầm quyền sẽ không thể chi trả. Nghĩa là vỡ nợ, phá sản!
Có nhiều dấu hiệu về mối lo này của giới lãnh đạo cộng sản. Vào tháng 3/2011, nỗ lực vay tiền nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất đặc biệt cao đã không được giới đầu tư quốc tế đáp ứng. Giá trái phiếu chính phủ xuống thấp trong tháng 3. Đây là phản ứng của quốc tế và trong nước sau khi Vinashin đã phải xin hoãn trả món lãi đến hạn kỳ cuối năm 2010. Từ cuối năm 2010, Công ty Moody’s cùng Standard & Poor’s đã hạ thấp mức tín nhiệm giá trị trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ (từ Ba3 xuống B1 và từ BB xuống BB trừ). Lý do nêu ra là thâm hụt thương mại tăng cao, dự trữ ngoại tệ xuống quá thấp và áp lực phá giá cao.
Chuyến đi lặng lẽ vào ngày 7/4/2011 của bộ trưởng tài chính Nguyễn Văn Ninh sang Mỹ để gặp ông bộ trưởng Timothy Geithner, ông Obama sau khi đã ghé Ngân Hàng Thế Giới chắc chắn mang một ý nghĩa khẩn cấp để tìm hỗ trợ của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Mức dự trữ ngoại tệ xuống quá thấp đã góp phần chính vào sự mất giá 9,3%đồng tiền so với USD (trong khi thực giá của USD mất 10% trị giá !).Nhà cầm quyền không thể không phá giá khi có sự khan hiếm gia tăng của USD và sai biệt quá cao giữa tỉ giá chính thức và thị trường tự do. Đừng tưởng sự phá giá mạnh đồng tiền trong nước sẽ chỉ đem lại lợi ích về ngoại thương. Việt Nam nhập 80-90% nguyên liệu để xuất khẩu nên thay đổi tỉ giá sẽ tăng giá nhập khẩu nguyên liệu và làm hàng xuất khẩu tăng giá một phần. Nó chỉ có lợi với xuất khẩu nông sản trong một chừng mực nhất định. Về nhập khẩu thì chắc chắn bất lợi.
Tại sao dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lại xuống thấp đến thế ? Lý do chính là nhập siêu tiếp tục tăng trong hai năm liền sau khi ở mức cao nhất 17 tỉ USD năm 2008. Nhập siêu năm 2009, 2010 trên 12 tỉ USD, năm 2011 lại dự trù tăng lên 14 tỉ USD. Số lượng nhập hàng xa xỉ hiện ở mức 10 tỉ USD, mức nhập siêu với Trung quốc quá cao (xuất 6 tỉ USD, nhập 20 tỉ USD). Ngân Hàng Nhà Nước cũng để cho các tập đoàn, doanh nghiệp NN có khối ngoại tệ lớn (Petro VN cất giữ vài tỉ USD) không bán ra. Mặt khác, thị trường nhập vàng với mục tiêu kinh doanh đã khiến mất vài tỉ USD. Mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã sụt giảm nhiều từ đầu năm 2011, thua xa mức 31 tỉ USD năm 2008. Riêng mức đăng ký FDI trong quý 1 đã giảm 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái nói lên tính chất thiếu tin tưởng của giới đầu tư nước ngoài. Số lượng ngoại tệ do kiều hối cũng xuống thấp. Ngoài ra, số ngoại tệ và trị giá vàng do người dân nắm giữ được ước tính khoảng 20 tỉ USD, nhưng số ngoại tệ đó không đến tay Nhà nước.
Lâp lại kịch bản chống lạm phát năm 2008?
Lạm phát phi mã 28% vào năm 2008 chủ yếu do Ngân hàng NN cho in tiền 115 tỉ VND để mua USD của các ngân hàng thương mại có số lượng lớn, hầu giữ ổn định tỉ giá đồng USD và kích thích tăng trưởng. Nhưng mức tăng tín dụng quá lớn so với nhu cầu (trên 30%) đi kèm với sự tăng giá cao nhiên liệu và thực phẩm trên thị trường thế giới đã đẩy mạnh mức lạm phát. Những nguyên nhân yếu kém nội tại trong sự điều hành nền kinh tế (khối đầu tư công quá lớn 43%, hiệu quả kém(ICOR=7 rất cao so với các nước), bội chi trên 5%, tham nhũng trầm trọng,.nhất là các biện pháp chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã không được thực hiện đúng theo cam kết….tất cả đã đưa đến kết quả như ta đã biết.
Ngày 24/2/2011, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra Nghị quyết 11/NQ/CP với nhóm 6 giải pháp nhằm chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết 11 cũng có nhiều nét tương đồng với Nghị quyết 10 và nhóm 8 giải pháp mà ông Dũng đưa ra vào tháng 4/2008. Điểm khác biệt chính là nghị quyết 11 bỏ hẳn mục tiêu tăng trưởng để chỉ dồn vào kềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đã không có gói kích cầu 1 tỉ USD như 2008 vì dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Đây là bước ngoặt quan trọng. Tuy nhiên trong cách phân tích, nghị quyết đã không cho thấy những nguyên nhân chủ quan nội tại kéo dài đã đưa tới tình hình hiện nay, khác với các nước trong vùng.
Nghị quyết 11 chủ trương thắt chặt tiền tệ ở mức tăng khối cung tín dụng không quá 20% so với 25% của năm 2010 (thực tế là 30% theo báo cáo Quốc hội). Đây là điều tất yếu vì chính sách buông thả tín dụng để hỗ tăng trưởng vào năm 2010 đã bị phê phán là nguyên nhân chính đưa lạm phát lên gần 12%. Theo ông David Dapice, chính sách tăng trưởng tín liên tục khoảng 30% từ năm 2000 đến nay đã khiến các ngân hàng thương mại đổ dồn vốn vào việc mua bán nhà đất, bất động sản khiến cho giá nhà đất tăng cao. Hiện giá nhà đất các khu “nhà dát vàng”ở Hà Nội, Saigon đã lên tới mức 1 tỉ VND/m2 (khoảng 50.000 USD), thuộc loại “top 10” thế giới, trong khi đa số các khu xây dựng để trống. Tình trạng bong bóng này đang có dấu hiệu bể giống như năm 2008 (4). Giá nhà đất ở Vũng Tàu đang rao bán giảm giá 20%.
Gần đây, Ngân Hàng NN đã tăng lãi suất huy động không quá 14% (lãi suất cơ bản tăng lên 9%). Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đã tìm cách “lách trần” bằng nhiều biện pháp để đưa nó lên 17-18%. Từ đó lãi suất vay vốn sấp sỉ 20% khiến các doanh nghiệp sản xuất phải lắc đầu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Việc tự động phá rào là do các ngân hàng ước tính về mức lãi suất thực. Các ngân hàng thường thiếu thanh khoản nhiều sau khi đã phải mua trái phiếu chính phủ quá lớn và đầu tư vào lãnh vực phi sản xuất như nhà, đất. Ngân hàng NN hiện tỏ ra bất lực không kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại. Trong bản tin ngày 24/3/2011, công ty đánh giá tín dụng nổi tiếng Standard & Poor tiên đoán hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ gặp nhiều xáo trộn trước nạn lạm phát tăng, khó khăn thanh khoản và nợ tăng cao. Ba ngân hàng thương mại lớn là Ngân hàng ngoại thương, NH đầu tư và phát triển, NH thương mại và công nghệ đã bị xuống hạng BB-. Hiện Ngân hàng NN đã tăng dự trữ bắt buộc từ 11% lên 12%.theo đúng bài bản chống lạm phát nhưng sẽ tạo thêm khó khăn về thanh khoản với mức độ khác nhau cho ngân hàng…
Đối với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ thị trường mua bán vàng lá, USD, những biện pháp ngăn cấm đưa ra vẫn không giải quyết toàn diện vì sau ít ngày, thị trường chợ đen đã xuất hiện trở lại. Giá vàng hiện lên tới mức kỷ lục 37,25 triệu VND/lạng (11/4) tương ứng với mức tăng kỷ lục 1457 USD/ounce trên thị trường Newyork. Người dân hiện không còn tính giá nhà đất theo “cây” vàng như trước mà là USD,và đây là một chỉ dấu chuyển “giá trị trú ẩn”vào đồng đô-la nhiều hơn.Tỉ giá USD vừa từ 20.723 lên 20.930 VND (11/4) mặc dù quyết định tăng dự trữ bắt buộc lên 6% đối với ngoại tệ ký gửì từ đầu tháng 5 và quy định trần lãi suất tiền gửi là 3% từ 13/4. Những quyết định vừa nêu nhằm hướng hoạt động tín dụng ngoại tệ sang nội tệ.
Hiện chúng ta khó tin tưởng mục tiêu tăng tín dụng dưới 20% sẽ thành hiện thực.
Về chính sách tài khoá, Nghị quyết 11 chủ trương cắt giảm đầu tư công, tăng thu 8-9%, giảm chi thường xuyên 10% để đạt mức bội chi ngân sách 2011 dưới 5% GDP. Ở đây, có nhiều yếu tố cho thấy mục tiêu 5% đưa ra là không thực tế. Theo đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, bội chi ngân sách năm 2009 của Việt Nam đã lên tới 9% GDP, cao hơn nhiều so với mức công bố 6,9%. Năm 2010, mức bội chi theo ngân sách biểu quyết là 6,2% trong khi thực tế ít ra là 8% GDP. Năm 2011, đã dự trù tổng chi 725.600 tỉ VND (tăng 12,7%/2010), tổng thu 595 000 tỉ VND, bội chi 130.600 tỉ (tăng so với 119.700 tỉ VND năm 2010). Theo cách tính như trên, bội chi năm 2011 chắc sẽ cao hơn mức tính 6,2% GDP của Nhà nước.Những biện pháp ông Dũng đưa ra có thể khiến bội chi năm 2011 xuống còn 5% hay không?
Căn cứ vào kinh nghiệm của việc thực thi kế hoạch giảm bội chi đưa ra năm 2008, chúng ta sẽ có thể trả lời cho câu hỏi vừa nêu.
Thực vậy Tổng chi ngân sách nhà nước vẫn tăng cao 22,3% trong năm 2008 so với 2007.bất chấp những cam kết trước đó của chính phủ cắt giảm hai khoản chi tiêu công quan trọng nhất là chi thường xuyên(10%) và chi đầu tư phát triển nhằm kiềm chế lạm phát.
Lý do : các tập đoàn, doanh nghiệp NN, cơ quan thường chỉ hứa cắt giảm đầu tư hay chi phí mà không thực thi, chính quyền thì không theo dõi hay có biện pháp cứng rắn.Tình trạng này có triển vọng sẽ tái diễn. Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân thì ít nhất phải cắt giảm 30.000 tỉ VND (gần 10% tổng cầu) cho đầu tư công để có hiệu quả giảm bội chi ngân sách. Những biện pháp đang áp dụng để cắt giảm những đầu tư không hiệu quả, kéo dài xem ra không thể đạt yêu cầu trên. Đầu tư công vẫn chiếm trên 40% từ 2006-2010, hiệu quả kém (ICOR=7-8).Chính quyền vẫn bất lực với các tập đoàn làm ăn thua lỗ. Vinashin thua lỗ hàng tỉ USD không trả được lãi vay mà lãnh đạo vẫn không bị kỷ luật hay chế tài, Tập đoàn Điện lực thì được coi là làm ăn thua lỗ lớn nhất mà vẫn không có giải pháp. Nói chung, các tập đoàn đều có quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo đảng và đây là điều mà mọi người đều rõ. Nói về giới lãnh đạo và tệ nạn tham nhũng thì theo trang mạng danlambao ngày 22/3/2001, trong 250.000 điện văn ngoại giao của Mỹ, căn cứ trên nguồn tin từ giới ngân hàng Việt Nam cho biết gia đình ông Dũng đã nhận chuyển khoản 150 triệu USD tiền “nhẩm sà” về dự án bô-xít Tây nguyên từ cuối năm 2006 đến tháng 6/2009 . Còn gia đình ông Nông Đức Mạnh cũng nhận chuyển khoản tới 300 triệu USD từ cuối năm 2001. Đây là nguồn tin đáng tin cậy đúng như tin đồn đã lan truyền.
Căn cứ vào những nhận định trên, có cơ sở để tin rằng con số bội chi thực năm 2011 sẽ từ 7- 9%.
Về vấn đề giảm nhập siêu thì hiện chưa có biện pháp thực hiện việc giảm nhập hàng xa xỉ và cân đối ngoại thương với Trung quốc.Việc nhập xăng dầu với giá cao theo thị trường quốc tế và theo tỉ giá tăng là điều mà nghị quyết 11 đã đưa ra. Việc tiếp tục tăng giá xăng dầu nhiều lần sẽ khiến lạm phát phi mã không thể kềm chế trong năm nay.
Về bảo đảm an sinh xã hội, nhà cầm quyền đã có quyết định tăng lương tối thiểu công nhân viên từ 730.000 lên 830.000 VND kể từ 1/5/2011 với chi phí 27.000 tỉ. Tuy nhiên, công nhân với đồng lương thấp kém, trung bình khoảng 1,2-1,6 triệu đồng/tháng là hoàn toàn không đủ sống và lại không mấy thay đổi theo lạm phát. Họ đã có phản ứng, gia tăng biểu tình đòi tăng lương những ngày gần đây như trường hợp 3.000 công nhân hãng Yamaha ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Đến đây, chúng ta có nhiều cơ sở để tin rằng con số lạm phát phi mã 13,3% mà ADB dự trù cho năm 2011 của Việt Nam là khá lạc quan mặc dù cơ quan này đã ghi nhận lạm phát quý 3 sẽ lên tới 16% trước khi giảm. Dự đoán của ADB dựa trên giả thiết “nếu” : nếu nhà cầm quyền thực thi đúng các cam kết đã đưa ra ! Chúng tôi đã trả lời phần nào cho câu hỏi trên. Ngay chính một số chuyên gia của ADB cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng thực thi cam kết.Tất nhiên, về phương diện dự đoán, có rất nhiều ẩn số chưa thể tính hết như: tình hình gia tăng nhiên liệu, thực phẩm trên thế giới, thiên tai dịch hoạ… Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng con số lạm phát thực của Việt Nam trong toàn năm 2011 sẽ vào khoảng 16-20% căn cứ chủ yếu vào kinh nghiệm đã qua. Chúng ta cần thận trọng với dự đoán của ADB (5). Riêng về mức phát triển dự trù 6,1% của ADB cho năm 2011 (so với 7% kỳ vọng) tương đối vẫn lạc quan nếu căn cứ trên sự sút giảm 5,4% của quý 1/2011 so với cùng kỳ năm ngoái và hiệu quả bất lợi của việc thắt chặt tín dụng trên hoạt động sản xuất mà không có biện pháp bổ sung. Hiện có nhiều doanh nghiệp phá sản vì thiếu vốn, cạn nguyên liệu.
Bức tranh kinh tế ảm đạm nêu trên nằm trong một toàn cảnh u ám. Trong bản phân tích của hãng Reuters vào đầu tháng 4/2011(6), có năm dấu hỏi lớn về phát triển lâu dài của Việt Nam: hoạch định kinh tế vĩ mô không thực hiện, hiệu quả thực của nền quản lý quan liêu, vô trách nhiệm (điển hình là vu Vinashin phá sản), nạn tham nhũng ngày càng tăng cao trong bảng thứ hạng quốc tế, gia tăng vi phạm nhân quyền (qua việc bắt bớ gần 400 người về chính trị, tôn giáo, sắc tộc) và bất ổn xã hội.
Những “bức xúc” liên quan đến trưng thu đất đai xảy ra trên mọi vùng đất nước qua những biểu tình của người dân miền Tây tại Saigon, biểu tình ở Hà Nam và ngay ngoại ô Hà Nội.
Tình trạng bạo hành của công an trong mọi lãnh vực (từ giao thông đến tranh chấp đất đai) đã khiến dân chúng phẫn uất, biểu tình tại nhiều nơi như Bắc Giang, Đà Nẵng và ngay tại Hà Nội.
Sự đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến đã gây được nhiều sự ủng hộ của quần chúng qua phiên toà xử luật sư Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội với hàng ngàn người theo dõi bên ngoài.
Nhưng ngòi nổ lớn nhất trong tình trạng xã hội hiện nay là cơn bão giá đang ảnh hưởng mạnh đến các gia đình có lợi tức thấp trong tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Nếu nhà cầm quyền cộng sản không thể kềm được cơn bão giá thì đến một lúc nào đó, cơn bão đó sẽ quét đi những người đã là nguyên nhân chính gây ra nó.
Rennes 15/04/2011
Tiến Hồng
(1) Lạm phát năm của Thái Lan tính đến cuối tháng 3/2011 là 2,9%, Indonesia 6,8%, Singapore 5%, Malaysia 2,9%.
(2) “Bão giá như sóng thần”. RFA,1/4/2011. “Vin vào giá xăng, giá thực phẩm tăng chóng mặt”. Tiền Phong, 5/4/2011…
(3) “Chính phủ Việt Nam có nguy cơ phá sản”. Bản dịch của Nguyên Đình. Beauxite Việt Nam, 16/3/2011.
(4) Vào cuối năm 2007, giá 1m2 nhà ở đường Đồng Khởi, Saigon đã lên tới 1,7 tỉ VND cao hơn cả Luân Đôn, Tokyo…và sau đó đã sụt thê thảm.
(5) Chúng tôi cũng cho rằng dự đoán mức lạm phát năm 2011 4,6% của ADB cho Trung Quốc là xa sự thật. Qua 4 lần tăng lãi suất mà lần cuối lãi suất cơ bản tăng đến 6,31% chứng tỏ mức lạm phát thực ít ra là 7%. Tuy nhiên cơ cấu kinh tế của Trung quốc tương đối ổn định, với mức dự trữ ngoại tệ hiện lên tới 2.847 tỉ USD (so với 165 tỉ năm 2001), cao nhất thế giới, khiến Trung quốc gia tăng đầu tư trên nhiều nước Tây Âu và mua trái phiếu nợ lãi suất thấp của các nước như Hy Lạp, Bồ và Tây Ban Nha. Ảnh hưởng chính trị do đó gia tăng.
(6) “Rủi ro tiềm tàng về kinh tế-xã hội VN”. BBC, 2/4/2011.

Không có nhận xét nào: