9.4.11

Bon hinh anh cua Trung Cong

Tạp chí “Ngoại giao Trung Quốc”, số 11/2010)
Do sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, các nước trên thế giới ngày càng quan tâm đến nước này. Vậy trên thế giới, Trung Quốc có hình ảnh như thế nào? Kết quả điều tra thăm dò ý kiến công chúng ở 22 quốc gia của tổ chức Pew đã cho biết, Trung Quốc có bốn hình ảnh khác nhau trên thế giới.


I) Các nước Trung Đông: Trung Quốc “không xấu, không tốt”
Trong bản điều tra thăm dò ý kiến vào năm 2010, hơn một nửa người dân Trung Đông có cảm tình và gần nửa còn lại không có cảm tình với Trung Quốc. 56% dân chúng Libăng có cảm tình với Trung Quốc, nhưng 42% thì phản cảm. Ở Gioócđani 53% có cảm tình, còn lại 46% lại không. 52% công chúng Ai Cập có cảm tình, còn lại 43% lại không có.
Thái độ thân thiện của các nước Trung Đông có thể liên quan đến chính sách của Trung Quốc đối với khu vực này. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Ixraen vào năm 1992 đến nay, Trung Quốc về cơ bản luôn hạ giọng trước các tranh chấp ở Trung Đông. Khi được hỏi Trung Quốc là bạn hay thù ở Trung Đông, hầu hết các nước Trung Đông đều lựa chọn “không phải bạn, những cũng không phải kẻ thù”.
Đương nhiên, giữa “đối tác” và “kẻ thù”, các nước Trung Đông có khuynh hướng coi Trung Quốc là “đối tác” chứ không phải “kẻ thù”. Ở Ai Cập, 28% công chúng cho rằng Trung Quốc là đối tác, 15% coi là kẻ thù. Ở Libăng, 35% cho rằng Trung Quốc là đối tác, 10% cho là kẻ thù. Ở Gioócđani, 47% công chúng coi Trung Quốc là đối tác, 13% coi là kẻ thù.
Các nước Trung Đông cũng có thái độ khác nhau đối với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Phần lớn người dân hoan nghênh sự trỗi dậy về kinh tế, nhưng lo ngại sự trỗi dậy quân sự. 54% người dân Ai Cập, Libăng và 71% người dân Gioócđani cho rằng kinh tế Trung Quốc lớn mạnh là điều tốt. Tuy nhiên, 55% người Ai Cập, 56% người Gioócđani và 59% người Libăng cho rằng sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc là điều xấu đối với đất nước họ.
Trong khu vực Trung Đông, thái độ của Ai Cập đối với Trung Quốc rất đáng chú ý. Ai Cập không chỉ là một quốc gia Trung Đông, mà còn là một nước châu Phi và là bộ phận của thế giới Arập. Ai Cập là nước đầu tiên ở châu Phi cũng như thế giới Arập công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ai Cập thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/5/1956 và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc vào năm 1999. Hai nước đã ký kết Đề cương làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chiến lược vào năm 2006. Trái với mối quan hệ ấm lên của chính quyền, đánh giá của nhân dân Ai Cập đối với Trung Quốc ngày càng xấu đi. Năm 2007, 65% người dân Ai Cập có thiện cảm với Trung Quốc, nhưng đến năm 2010 chỉ còn 52%. Sự thay đổi này do hai nguyên nhân. Thứ nhất, đại đa số người dân Ai Cập hiểu biết về Trung Quốc thông qua các phương tiện truyền thông của phương Tây, nên dễ bị ảnh hưởng tiêu cực. Thứ hai, khi người Ai Cập làm ăn buôn bán với Trung Quốc, gặp nhiều chuyện không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của họ.
Ngoài ra, một quốc gia Đông Âu là Ba Lan cũng có cách nhìn tương tự. 46% người dân ba Lan có cảm tình với Trung Quốc còn 41% thì không. 55% người dân nước này cho rằng Trung Quốc không phải là đối tác nhưng không phải là kẻ thù. Người Ba Lan còn cho rằng dù Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế hay quân sự thì cũng không phải là điều tốt đẹp đối với họ.
II) Một số ít nước Tây Âu và láng giềng của Trung Quốc: Trung Quốc “xấu xa”
Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc thường thích xếp các nước phương Tây vào cùng một loại, cho rằng, do báo chí phương Tây đều đưa thông tin bôi nhọ nói xấu Trung Quốc, nên đông đảo công chúng phương Tây có cách nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Điều tra tâm lý dân chúng của Tổ chức Pew lại cho kết quả khác. Không phải quốc gia phương Tây nào cũng ghét Trung Quốc, mà nhiều nước không có cảm tình với Trung Quốc lại là láng giềng của Trung Quốc.
Trên thực tế, chỉ có một số nước Tây Âu và một số láng giềng của Trung Quốc coi Trung Quốc là một nước “xấu xa”. Ở Pháp và Đức, số người ghét Trung Quốc nhiều hơn số người có cảm tình. Ở Pháp, 59% người dân không có cảm tình với Trung Quốc, 41% có cảm tình. Ở Đức 61% số người được hỏi không có cảm tình với Trung Quốc, chỉ có 30% có cảm tình. Ba nước láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều ghét Trung Quốc. 56% người Hàn Quốc không có cảm tình và 38% có cảm tình với Trung Quốc. 69% người Nhật Bản ghét, chỉ có 26% có cảm tình với Trung Quốc. 52% người Ấn Độ ghét Trung Quốc,, 34% có cảm tình. Ở những quốc gia này, người Nhật Bản có cái nhìn tiêu cực nhất đối với Trung Quốc.
Về góc độ lịch sử, những quốc gia trên không phải lúc nào cũng không thích Trung Quốc. Pháp và Đức đã từng có cảm tình với Trung Quốc. Tuy nhiên, do sự thay đổi của thời gian, hai nước này không còn thích Trung Quốc nữa. Tuy nhiên, nguyên nhân không thích Trung Quốc của hai nước Tây Âu và mấy nước láng giềng của Trung Quốc hoàn toàn khác nhau. Pháp và Đức không có bất đồng lớn với Trung Quốc về chiến lược, còn các nước láng giềng lại có xung đột về lợi ích với Trung Quốc.
Hầu hết những quốc gia này đều lo ngại sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc, nhưng nhận thức đối với sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc thì khác nhau. 87% người Pháp và 73% người Đức cho rằng sự hùng mạnh về quân sự của Trung Quốc là một điều xấu đối với họ. 64% người Ấn Độ, 86% người Hàn Quốc và 88% người Nhật Bản lo ngại sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc.
67% người Pháp và 58% người Đức cho rằng sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc là điều xấu đối với nước họ. Thái độ của người Ấn Độ cũng vậy, 56% người Ấn Độ lo ngại sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc.  Người Hàn Quốc lại có cách đánh giá khác nhau về sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc: 49% người Hàn Quốc cho đây là thách thức, 45% cho là cơ hội. Người Nhật Bản thì hoan nghênh sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, 61% cho là điều tốt, 29% coi là điều xấu.
Cần thấy rằng, sự lo ngại của những quốc gia này đối với sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc là vô căn cứ. Bởi vì, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trên thực tế đều đem lại sự phát triển kinh tế cho họ. Chẳng hạn, sự phục hồi kinh tế của Đức đa phần là do nước họ đã gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh chóng là nhờ được lợi từ sự gia tăng nhanh quan hệ thương mại với Trung Quốc. Do đó, những quốc gia này không phải lo ngại về sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, mà họ lo ngại sự trỗi dậy của chính Trung Quốc.
III) Mỹ, châu Âu, châu Á, các nước Mỹ-Latinh: Trung Quốc “tốt”
Như đã trình bày ở trên, thái độ của các nước phương Tây đối với Trung Quốc không giống nhau. Mặc dù một số nước Tây Âu không có ấn tượng tốt với Trung Quốc, nhưng nhiều nước Tây Âu khác vẫn coi Trung Quốc là đất nước tuyệt vời. Ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, số người có cảm tình nhiều hơn số người ghét Trung Quốc. 49% người Mỹ có cảm tình và 36% ghét Trung Quốc. 47% người Tây Ban Nha có cảm tình, 38% thì không. Nhưng theo điều tra mấy năm gần đây, năm 2008, Mỹ và các nước Tây Âu hầu hết không ưa Trung Quốc. Kết quả điều tra sau lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh năm 2008 cho thấy, số người có cảm tình với Trung Quốc ở những nước này là thấp nhất.
Ngược lại với ấn tượng chung, đa số người Mỹ lại không coi Trung Quốc là “kẻ thù”. Hơn một nửa (52%) người Mỹ cho rằng Trung Quốc không phải là đối tác, cũng không phải là kẻ thù, 25% coi là đối tác, chỉ có 17% coi là kẻ thù. Tình hình ở Tây Ban Nha cũng vậy. Đại đa số người Anh (71%) cho rằng Trung Quốc không phải là đối tác, cũng không phải kẻ thù, 17% coi là đối tác, chỉ có 8% coi là kẻ thù.
Tuy nhiên, đánh giá của những quốc gia này đối với sự trỗi dậy về quân sự và kinh tế của Trung Quốc rất khác nhau. Mỹ và các nước Tây Âu lo ngại cả sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc là điều xấu, 12% cho là tốt. 74% người Anh cho rằng sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc là điều xấu, 11% coi là tốt. 66% người Tây Ban Nha cho rằng sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc là xấu, 11% cho là tốt. Ở điểm này, Nga cũng không phải là ngoại lệ. 71% người Nga cho rằng sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc là điều xấu, chỉ có 14% cho là tốt.
Mỹ và Tây Ban Nha còn lo ngại về sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, các nước khác lại vui mừng. 47% người Mỹ cho rằng sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc là điều xấu, 40% cho là tốt. 48% người Tây Ban Nha coi là xấu, 36% coi là tốt. Ở nước Anh thì ngược lại, 42% người Anh coi kinh tế Trung Quốc trỗi dậy là điều xấu, 44% coi là điều tốt.
IV) Các nước châu Á, châu Phi: Trung Quốc “quá tốt”
Điều hiển nhiên là Trung Quốc không những được nhiều nước ưu chuộng, mà còn hơn thế. Trong con mắt của người dân một số nước châu Á và châu Phi, Trung Quốc là một nước “quá tốt”. Pakixtan, Kênia và Nigiêria đều cho rằng Trung Quốc là nước “quá tốt”; 85% người Pakixtan có cảm tình với Trung Quốc, chỉ có 3% không có cảm tình. 86% người Kênia có cảm tình, chỉ có 10% phản cảm. 76% người Nigiêria có cảm tình, chỉ có 15% ghét Trung Quốc.
Những quốc gia này đều coi Trung Quốc là đối tác chứ không phải kẻ thù. 84% người Pakixtan coi Trung Quốc là đối tác, 2% cho là kẻ thù. 84% người Kênia cũng coi Trung Quốc là đối tác, chỉ có 4% coi là kẻ thù. 75% người Nigiêria coi Trung Quốc là đối tác, chỉ có 18% coi là kẻ thù.
Những quốc gia này đều hoan nghênh sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. 79% người Pakixtan, 90% người Kênia và Nigiêria cho rằng sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc là một điều tốt đối với nước họ, chỉ có 5% người Pakixtan, Nigiêria và 6% người Kênia cho rằng đó là điều xấu. Người dân ở những quốc gia này đều coi sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc là điều tốt, 7% coi là điều xấu. 66% người Kênia cho rằng sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc là điều tốt, 25% là xấu. 64% người Nigiêria cho rằng sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc là tốt, 20% cho là xấu.
Pakixtan là đối tác toàn diện của Trung Quốc, luôn vui mừng trước sự phát triển của Trung Quốc. Tình hữu nghị truyền thống giữa các nước châu Phi với Trung Quốc được xây dựng từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước lại mang thêm ý nghĩa mới kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa đến nay. Những quốc gia này có cảm tình với Trung Quốc, hoan nghênh nền kinh tế và quân sự Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
V) Chiến lược nâng cao hình ảnh Trung Quốc
Tóm lại, trên trường quốc tế, Trung Quốc không chỉ có một hình ảnh mà có bốn hình ảnh. Có hai nguyên nhân dẫn đến các nước Trung Đông và Ba Lan coi Trung Quốc là nước không tốt không xấu: Thứ nhất, thái độ trung lập của Trung Quốc trong vấn đề Trung Đông khiến rất nhiều nước trong khu vực này rất khó coi Trung Quốc là đồng minh. Mặt khác, những thông tin tiêu cực của truyền thông phương Tây về Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn nhận của dân chúng khu vực này. Muốn cải thiện hình ảnh Trung Quốc trong khu vực, trước hết, Trung Quốc phải giương cao ngọn cờ chính nghĩa, ủng hộ kẻ yếu, đồng thời làm cho người dân Trung Đông hiểu Trung Quốc một cách thực chất.
Có hai loại quốc gia coi Trung Quốc là xấu: Các nước Tây Âu và láng giềng của Trung Quốc. Bất đồng giữa các nước Tây Âu và Trung Quốc là xung đột về chuẩn mực giá trị, không phải là xung đột lợi ích chiến lược. Do Trung Quốc không ngừng học hỏi, đồng thuận với những quan niệm giá trị chung của nhân loại, những xung đột này dần dần sẽ giảm bớt. Mâu thuẫn giữa một số nước láng giềng với Trung Quốc là sự xung đột lợi ích tiềm tàng. Trên thực tế, Trung Quốc và những nước này không có xung đột cơ bản về lợi ích kinh tế, chỉ vì lãnh thổ liền kề nhau, giữa bên này với bên kia khó tránh khỏi tình trạng không tin tưởng nhau. Mối quan hệ này đều có đặc điểm là chính phủ thì nhiệt tình, dân chúng thì lạnh nhạt. Thách thức đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa sự giao lưu giữa các tổ chức xã hội, xoá bỏ ngăn cách.
Ở Mỹ, khu vực Mỹ Latinh và trong một số quốc gia châu Âu, tuy hình ảnh Trung Quốc không đến nỗi “quá xấu”, nhưng còn lâu mới có thể nói đến “quá tốt”. Tuy số người có cảm tình với Trung Quốc nhiều hơn số người ghét Trung Quốc, nhưng số người thích Trung Quốc nói chung đều không được quá nửa. Thông tin của Mỹ và châu Âu về Trung Quốc khá tiêu cực, trong khi hiểu biết của các nước Mỹ Latinh về Trung Quốc rất ít. Nếu có thể “đính chính lại” được nhữgn thông tin tiêu cực của phương Tây, tăng thêm sự hiểu biết của Mỹ Latinh về Trung Quốc thì hình ảnh Trung Quốc sẽ được cải thiện. Cuối cùng, Trung Quốc phải biết quý sự tôn trọng của một số nước châu Á và châu Phi, tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị với những quốc gia và khu vực này, ngăn ngừa xuất hiện sự tụt dốc quan hệ.
Đương nhiên, việc nâng cao toàn diện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc phụ thuộc vào sự đi lên toàn diện của bản thân Trung Quốc. Là một nước lớn đang trỗi dậy, Trung Quốc không thể trở thành đế quốc vì lợi quên nghĩa, lấy mạnh nạt yếu, mà phải trở thành tấm gương mẫu mực về dân chủ, tự do, bác ái, bình đẳng… Nếu Trung Quốc biết không ngừng tiếp thu nền văn minh nhân loại, phát huy truyền thống văn hoá của nước mình, nhân dân Trung Quốc có cuộc sống thực sự hạnh phúc, lành mạnh, tự do, thì Trung Quốc nhất định sẽ là đối tượng được noi theo trên thế giới./.

Không có nhận xét nào: