Cầm búa & cầm bút
Đã lâu, có bữa, chắc bị rảnh dữ (lắm) nên ông Nguyễn Hưng Quốc rủ rê “ Chúng ta thử đọc lại đoạn Vũ Trọng Phụng tả cảnh Mịch bị Nghị Hách hiếp dâm:
“Vờ tìm ví da trong túi áo, nhà điền chủ mắt vẫn lẳng lơ nhìn chị nhà quê cho mãi đến khi cầm trong tay cái ví rồi mà vẫn không lấy tiền ra vội, lại hỏi:
“Con tính bao nhiêu?”
“Bẩm quan chả mấy tí, quan cho mấy xu cũng được ạ.”
“Được lắm! Con ngoan ngoãn lắm, để ta thưởng cho nhiều tiền! Con hãy lên xe để quan đóng cửa không rét quan… Ta đang đếm tiền đây.”
Chị nhà quê nhìn đến những đệm da đẹp đẽ, những chỗ kền mạ bóng nhoáng, con búp bê Nhật hay hay, treo ở bên miếng kính, ngọn đèn nhỏ sáng chói lọi trên nóc xe, thấy nó sạch sẽ quá, sang trọng quá, không dám bước lên. Nhưng mà quan đã với ra định đóng cửa xe, chị đành liều mà bước lên vậy. Quan đóng cửa đánh sập một cái rồi lại hỏi:
“Thế con làm vất vả như thế thì mỗi ngày được bao nhiêu?”
“Bẩm chỉ được mỗi ngày sáu xu và hai bát gạo.”
“Khổ nhỉ! Thế để quan cho năm đồng con may áo mặc tết nhé! Đây này, năm cái giấy bạc một đồng đấy, con đem về mà mua nhiêu, mua xã cho chồng.”
“Con xin quan lớn, cảm ơn quan lớn.”
“À, nhưng mà con đã có chồng rồi hay là chưa?”
Chị nhà quê cúi mặt không đáp, buộc tiền vào thắt lưng xong đứng lên:
“Thôi lạy quan, quan cho con xuống kẻo họ đợi.”
“Ấy khoan đã! mặt con tái đi như thế kia, khéo không thì trúng phong rồi đó, để quan lấy cho một tị dầu trong này mà bôi rồi về thì về.”
Nhà điền chủ nói xong lấy ở áo ra một lọ gì nhỏ, để đầu ngón tay vào miệng lọ lắc một cái, rồi quờ tay vào trán chị nhà quê. Chị này cứ để yên và co ro khép đôi đùi lại, kéo cái váy xuống.…
“Giời ơi! Con lạy ông, ông buông con ra!”
Giọng quan vẫn ngọt ngào:
“Con im, không được cưỡng…”
“Giời ơi, lạy ông! Ông đừng làm hại một đời tôi!”
“Im ngay! Quan sẽ cho nhiều tiền…”
“Bỏ ra! Ái!”
“Im cho ngoan nào…”
“Ối giời đất ơi! ối làng nước…”
“Hai anh tài xế khôn ngoan và trung thành muốn át những tiếng ấy, cứ việc gõ búa thình thình vào một bộ phận nào đó trong động cơ.
…
“Mãi đến lúc ông điền chủ ngồi lên bật đèn, chị nhà quê vẫn nằm đờ trong xe, hai tay bưng mặt, ngất đi. Lão này cúi xuống, hôn một cái hôn cuối cùng, lôi cái váy xuống, nhấc chị nhà quê ngồi dậy, mở cửa xe mà đẩy người ta xuống…”
Thiệt là một ông già (dê) và hai anh tài xế mắc dịch. Ở thời buổi cách mạng mà cũng hiếp dâm – giữa ban ngày ban mặt – theo kiểu Nghị Hách thì lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và không chừng (dám) còn lôi thôi lớn.
Ngày 2 tháng 2 năm 2010, ông Phạm Thanh Sơn, giảng viên của trường sư phạm Vĩnh Phúc, sau khi bị bắt gặp quả tang đang cưỡng ép một nữ sinh của trường – tại một nhà nghỉ ở TP Vĩnh Yên – liền bị Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định điều chuyển ngay tức khắc.
Trước đó không lâu, ông Sầm Đức Xương –Hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh – ngay khi mới bị nghi ngờ là có hành vicưỡng dâm cũng đã bị ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (Nguyễn Trường Tô) cảnh cáo:“Tỉnh sẽ chỉ đạo xử nghiêm. Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh là một việc động trời, không thể hình dung được.”
Nói tóm lại: Đảng và Nhà Nước không thuận tình cho cán bộ cưỡng dâm hoặchiếp dâm – dưới bất cứ hình thức nào. Chỉ có chuyện hiếp dân thì ngó bộ đường lối chính sách, của chính quyền cách mạng, chưa được rõ ràng hay minh bạch gì cho lắm. Bởi vậy nên chuyện dân Việt bị hành hung, bị bắn giết, bị cướp bóc, bắt giam … vẫn xẩy ra đều đều – nhất là đối với những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng hay còn gọi chung là miền sơn cước.
Hiện trạng ở Tây Nguyên, theo trình bầy của nhà văn Nguyên Ngọc – đọc được trênDiễn Đàn Forum, vào ngày 20 tháng 8 năm 2008 – có một số vấn nạn cần phải quan tâm. Xin được ghi lại vài điểm chính, có những chữ in đậm, theo nguyên bản:
“1. Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn… Đầu thế kỷ XX, các dân tộc bản địa chiếm 95% dân số. Đến năm 1975, tỷ lệ này là 50%. Hiện nay người bản địa chỉ còn 15-20% trên toàn địa bàn…
2. Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên. Từ sau năm 1975, quyền sở hữu tập thể truyền thống của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiểm nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên, quyền sở hữu này chính là nền tảng vật chất, kinh tế của làng ; bị bứng mất đi nền tảng này, làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ…
3. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Cho đến nay, trừ một vài vùng nhỏ như một ít khu vực quanh núi Ngok Linh, vùng Komplong…, có thể nói về cơ bản rừng Tây Nguyên đã bị phá sạch, hậu quả về nhiều mặt không thể lường.
4. Người bản địa bị mất đất. Việc mất đất, không phải trong một xã hội bình thường mà là từ tay người dân tộc bản địa sang tay người nơi khác đến là người Việt, đã khiến vấn đề đất đai trở thành vấn đề dân tộc. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên.
5. Văn hoá Tây Nguyên bị mai một. Việc mất rừng, tan vỡ của làng, cơ cấu dân cư bị đảo lộn lớn và đột ngột, người bản địa bị mất đất và mất gốc rễ trở thành lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình… tất yếu đưa đến đổ vỡ về văn hoá.”
Nguyên Ngọc nói đúng nhưng không đủ. Ông quên (hoặc không tiện) đề cập đến nhiều vấn đề khác, có liên quan tới sinh hoạt tôn giáo và chính trị, của người dân Tây Nguyên.
Sự quên lãng của ông, may thay, được bổ túc bởi một phúc trình của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế (No Sanctuary: Ongoing Threats to Indigenous Montagnards in Vietnam’s Central Highland) dài 55 trang, cùng 74 trang phụ lục – đính kèm danh sách 355 người dân Tây Nguyên hiện đang bị giam giữ bởi nhà đương cuộc Hà Nội, từ năm 2001 đến nay. Xin trích dẫn một đoạn ngắn, trong bài giới thiệu, về phúc trình này:
“Các viên chức Việt Nam tiếp tục ép buộc người công giáo Tây nguyên phải từ bỏ tôn giáo của họ, mặc dù những luật lệ mới ban hành cấm đoán việc này. Một số cán bộ địa phương ngăn cấm việc di chuyển giữa các làng mạc — đặc biệt đối với những tôn giáo không được chính quyền công nhận — và ngăn chặn việc hội họp tại nhiều khu vực, dù nó được chủ trì bởi các vị mục sư được chính quyền công nhận.”
Chính quyền Việt Nam dai dẳng truy diệt những người chống đối ôn hoà, không thừa nhận những sinh hoạt tôn giáo, và truy lùng những nơi ẩn lánh tại Cambodia, bằng cách bắt giữ và giam cầm những người thiểu số can dự vào những hoạt động này. Bị đàn áp nặng nề nhất là những giáo hữu Tin Lành thuộc các giáo hội độc lập hay không trình báo và những người hỗ trợ cho các phong trào bất bạo động nhằm bảo vệ đất đai của tổ tiên truyền lại”.
“Hơn 350 người thiểu số đã bị kết án tù từ năm 2001, hầu hết là những người tranh đấu ôn hoà cho quyền tự do chính trị và tôn giáo. Phần lớn những người này bị kết án dựa theo luật hình sự của Việt Nam, rất mập mờ so với luật hình sự quốc tế, bao gồm cả tội ‘phá hoại chính sách đoàn kết” hay “phá hoại nền an ninh” hoặc làm “xáo trộn trật tự công cộng’. Hơn 60 người thiểu số đã bị cầm tù sau khi họ bị cưỡng bách hồi hương từ Cambodia là nơi họ đi tìm quyền tỵ nạn”.
(Vietnam: Montagnards Face Religious, Political Persecution / Việt Nam: Người Tây Nguyên Bị Ngược Ðãi Vì Tôn Giáo Và Chính Trị – bản tiếng Việt cũng củaHRW)
Tây Nguyên qua sự mô tả của nhà văn Nguyên Ngọc, cũng như qua phúc trình của HRW, và hai tổ chức Montagnard Human Rights Organization vớiBAJARAKA (xem ra) rất thê lương, ảm đạm, ngột ngạt, bất an, và tàn bạo: “người bản địa bị mất đất và mất gốc rễ trở thành lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình.”
Nhưng còn một Tây Nguyên (hoàn toàn) khác nữa – nhộn nhịp, háo hức, tươi vui, và lúc nào cũng tưng bừng lễ hội – qua sự mô tả của những cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam:
- Ký giả Thạch Yên, viết trên báo Dân Trí (số ra ngày 17 tháng 11 năm 2007) vềLễ hội cồng chiêng Tây Nguyên 2007,” được tổ chức ở Ban Mê Thuộc, như sau:“quy mô và rất hoành tráng với nhiều chương trình mang đậm âm hưởng núi rừng và con người Tây Nguyên.”
- Cũng trên báo Dân Trí, số ra ngày 5 tháng 9 năm 2008, ký giả Bình An mô tảLễ hội cồng chiêng các dân tộc tỉnh Kon Tum “là lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng quy mô và hoành tráng nhất từ trước đến nay. Nhiều tác phẩm văn hoá đặc sắc của các dân tộc tham gia lễ hội góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo này. Không gian văn hoá cồng chiêng của các dân tộc Kon Tum đã thu hút và lan toả rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới. Nhất là khi cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.”
- Lễ hội cồng chiêng năm 2009 – theo ghi nhận của ký giả Đoàn Dự, báo Đất Việt– “diễn ra tại Quảng trường 17/3 ở TP Pleiku, với chủ đề Âm vang cồng chiêng và sức sống Tây Nguyên. Theo kịch bản của tổng đạo diễn Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, phần mở màn sẽ diễn ra trong tiếng cồng chiêng và tiếp nối bằng màn trình diễn nghệ thuật kéo dài 70 phút của khoảng 3.000 nghệ nhân, diễn viên với 4 chủ đề chính: Thiên nhiên – đất và người Gia Lai, Tây Nguyên; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Hội nhập và phát triển; Sức sống cồng chiêng kết nối khối đại đoàn kết dân tộc.”
Tôi cũng hy vọng, như ông thứ trưởng Lê Tiến Thọ, là ”sức sống cồng chiêng (có thể) kết nối khối đại đoàn kết dân tộc” trong tương lai gần – khi mà Tây Nguyên được hồi sinh, và âm vang cồng chiêng sẽ vang khắp đại ngàn mà không cần đến bất cứ ai chi tiền để làm … đạo diễn! Còn ngay bây giờ, sau khi đọc những bài viết của những ký giả, phóng viên, nhà báo (về những lễ hội ồn ào ở Tây Nguyên) tôi chỉ nghĩ ngay đến lúc Mịch bị Nghị Hách đè hiếp – trong khi “hai anh tài xế khôn ngoan và trung thành muốn át những tiếng ấy, cứ việc gõ búa thình thình vào một bộ phận nào đó trong động cơ.”
Tưởng Năng Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét