Lỗi hệ thống nặng nề nhất
Ngô Nhân Dụng - Chính các ông công an như các ông Nguyễn Thế Nghiệp và Nguyễn Văn Ninh có thể nghĩ rằng việc họ đang làm đều do Ðiều 4 trong Hiến Pháp ủy nhiệm cho họ! Ðảng có quyền tuyệt đối thì những người đại diện cho đảng và nhà nước cũng vậy. Cho nên mới có ông công an đứng đầu ngành bảo vệ luật lệ giao thông ở tỉnh Hậu Giang ra lệnh cho tài xế tắc xi chở ông về nhà cứ vượt đèn đỏ! Không nghe lệnh thì ông đánh!…
*
Thời Việt Nam Cộng Hòa, thập niên 1950-60, nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết một truyện ngắn nhan đề “Cái chết của một người.” Truyện kể một ông đang đi ngoài đường thì bị một cành cây rớt trúng; trong lúc những người thợ đốn cây, tỉa cây đang nghỉ trưa. Sau đó, ông ta qua đời. Các báo loan tin tai nạn này trong hang trăm tin vặt mỗi ngày. Nhưng có người đọc bản tin xong rồi đặt câu hỏi tại sao thành phố lại để cho người dân chết vì tai nạn một cách vô lý như vậy? Rồi mọi người bàn tán trên báo chí; cuối cùng dân chúng cả thành phố nổi giận, họ hỏi tại sao sở công chánh đốn cây mà không ngăn đường, không báo cho người qua lại biết, khiến người dân chết oan. Cả nước chú ý, theo dõi câu chuyện; dư luận đều phản đối và kết tội chính quyền. Câu chuyện ngày càng lớn hơn; được đưa lên cả những cơ quan quốc tế về nhân quyền.
Doãn Quốc Sỹ mô tả nạn nhân trong câu chuyện trên chỉ là một công dân tầm thường, một người với cuộc sống rất bình thường. Nhưng cái chết của ông được cả nước và thế giới quan tâm. Tác giả muốn nói rằng: Sinh mạng một người, bất cứ người nào, cũng đáng quý. Và xã hội có bổn phận bảo vệ mạng sống của từng người dân. Chính quyền phải chịu trách nhiệm đó, vì trên nguyên tắc họ được ủy quyền lo việc giữ cuộc sống bình an cho cả xã hội.
Các báo, mạng ở Việt Nam bây giờ nên đăng lại truyện ngắn trên để độc giả cùng suy nghĩ. Vì có nhiều cái chết không minh bạch, đã quá nhiều. Khi nhiều người dân “tự sát” trong đồn công an, hoặc bị công an đánh tới chết, chúng ta phải tự hỏi: Tại sao con người ta phải chết như vậy? Tại sao một ông công an như một Trung Úy Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Giang, hay Trung Tá Nguyễn Văn Ninh ở Hà Nội có thể đánh một người đưa tới cái chết của họ, chỉ vì những vụ vi phạm luật lưu thông? Bây giờ anh Nguyễn Văn Khương và ông Trịnh Xuân Tùng đã trở thành người thiên cổ, chúng ta không cần tranh cãi chuyện họ thực tình có vi phạm luật hay không nữa. Ông Nguyễn Thế Nghiệp đã bị 7 năm tù và ông Nguyễn Văn Ninh chắc cũng được tuyên án như vậy. Rồi qua năm tháng, dư luận cũng nguôi dần rồi quên đi. Nhưng đối với những người còn sống, hơn 80 triệu người Việt Nam còn sống chứ không phải chỉ có gia đình các nạn nhân, vẫn còn một câu hỏi đáng nêu lên. Là tại sao các ông công an lại đánh người dân đến nỗi chết trong lúc theo định nghĩa họ có bổn phận bảo vệ sự an toàn của mọi người trong xã hội?
Ðây là một vấn đề chính trị, theo nghĩa rộng nhất của hai chữ này. Chính trị là cách xếp đặt xã hội sao cho mọi người sống chung với nhau một cách bình yên để theo đuổi những mục đích chung.
Câu hỏi giản dị nhất để định nghĩa một hệ thống chính trị là: “Ai có quyền ra lệnh mà những người khác phải nghe theo? Các định chế chính trị xưa nay chỉ là phương cách xác định câu trả lời cho câu hỏi chính yếu này. Những người ra lệnh gọi là chính quyền, là nhà nước, họ nhân danh cả xã hội, hoặc được xã hội ủy nhiệm, làm công việc bảo đảm cho mọi người dân được sống bình yên và đạt được những mục đích chung.
Một cách cụ thể, người ta có thể đặt câu hỏi là: “Ai có quyền bắt người khác góp tiền?” Câu trả lời nằm trong luật thuế khóa và luật ngân sách chính phủ; mà ở các nước tự do dân chủ thì các luật này phải được quốc hội, thay mặt dân chúng, chấp thuận. Cuộc cách mạng Mỹ vào thế kỷ 18 đã đưa ra một điều kiện là: Không có ý kiến của người đại diện dân thì chúng tôi không đóng thuế!
Thuế khóa chỉ là một trong nhiều điều mà xã hội ủy quyền cho nhà nước thi hành. Trong một trường hợp cực đoan, có thể đặt một câu hỏi cụ thể khác: “Ai có quyền giết người?” Trong mọi bộ lạc, mọi quốc gia tự cổ chí kim, người cầm quyền được nắm độc quyền sử dụng bạo lực. Ðó là công việc của quân đội, của cảnh sát; và vai trò của các lực lượng này được luật pháp quy định. Những đạo luật hình sự cho biết cảnh sát công an có quyền gì trên thân mạng người dân.
Khi đứng trước guồng máy nhà nước, người dân đều ngầm hiểu có những câu hỏi như trên. Ðó là những câu hỏi căn bản mà người dân trong mỗi xã hội phải đặt ra. Nhà nước tốt hay xấu là do những câu trả lời có phù hợp với lợi ích của người dân và của chung xã hội hay không. Tất cả các chủ thuyết, các khẩu hiệu; dù gọi tên là chế độ dân chủ hay quân chủ, chủ nghĩa cộng sản hay phát xít, khuynh hướng cấp tiến hoặc bảo thủ; tất cả những bài diễn văn hay lời tuyên bố hoa mỹ của các nhà chính trị, đều chỉ là những cách trả lời cho các câu hỏi căn bản này thôi.
Dưới những chế độ quân chủ chuyên chế, hoặc một đảng hay bè nhóm độc tài, ông vua hay nhóm người cai trị nắm độc quyền trả lời cho những câu hỏi trên đây. Họ quyết định có những loại thuế nào, sẽ sẽ thu thuế bao nhiêu. Họ nắm quyền sử dụng quân đội và cảnh sát theo phương cách mà họ ấn định. Dân không được góp ý kiến. Trong các nước tự do dân chủ thì chính quyền được người dân thỏa thuận giao cho những quyền này.
Khi thiết lập các chế độ dân chủ, làm cách nào để người dân bảo đảm được là chính quyền sẽ không lạm dụng quyền thu thuế và quyền bắt người, giam người, hoặc đánh giập và giết người? Người ta phải thành lập những định chế để cân bằng và kiểm soát lẫn nhau, ghi trong hiến pháp và diễn tả trong luật lệ. Ðiều khác biệt giữa dân chủ và độc tài nằm ở chỗ các quyền hành mà nhà nước sử dụng có được những người đại diện của dân chúng kiểm soát hay không. Kiểm soát nghĩa là những quyền hành trao cho nhà nước đều có giới hạn. Và trong guồng máy cai trị có những định chế để bắt buộc nhà nước phải tuân thủ những giới hạn này.
Nhưng ngay cả khi dân phải sống dưới chế độ quân chủ chuyên quyền, vẫn có những định chế có nhiệm vụ giám sát quyền hạn của quan lại. Tức là vẫn có cố gắng duy trì một hệ thống cân bằng và kiểm soát trên những người đang nắm quyền. Chính dưới thời Tần Thủy Hoàng, nổi tiếng là tàn ác, chức Ngự Sử đã được giao cho nhiệm vụ kiểm soát quan lại xem có làm đúng nhiệm vụ hay không. Chức Gián nghị Ðại phu đặt ra từ đời Hán, và có thể cũng bắt đầu có từ đời Tần. Bởi vi chính quyền nhà Tần được tổ chức theo quan niệm Pháp gia. Họ chủ trương việc cai trị phải dựa trên các hình luật rõ ràng minh bạch (tức là theo những tiêu chuẩn khách quan, chứ không dựa trên cá nhân người nắm quyền như tư tưởng nhân trị). Vì vậy, một công việc của các người làm ngự sử là lo bảo đảm đám quan lại không vượt quá quyền hạn mà vua đã quy định. Khác với chế độ tự do dân chủ , Pháp Gia chấp nhận ông vua đứng trên pháp luật, ông là người đặt ra luật! Nhưng chúng ta có thể tin rằng đám công an trong chế độ Tần Thủy Hoàng thế nào cũng được giám sát để không làm quá những quyền hạn mà ông vua trao cho. Thí dụ, chắc họ không được tùy tiện đánh người đến chết. Bởi vì giết người nhiều quá thì ông vua lấy đâu người để đánh thuế, bắt lính, làm sưu dịch, và sinh con đẻ cái? Tại sao công an ở nước ta bây giờ lại đánh người đến chết như đã thấy gần đây?
Chúng ta có thể tin rằng các người làm công an ở Việt Nam bây giờ cũng không ai có ý định đánh người dân đến chết. Cũng có thể tin rằng trong việc huấn luyện công an, người ta có dạy họ không được đánh người đến chết. Bởi vì trong đạo luật hình sự có ghi rõ những án tù dành cho cảnh sát công an “trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” mà có những hành động gây “hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.” Mỗi loại đều có ghi rõ số năm tù cả. Không một người bình thường nào, dù đi làm công an, lại tự ý làm bừa để bị bỏ tù, dù chỉ tù năm bẩy năm. Có thể tin rằng các ông Nguyễn Thế Nghiệp và Nguyễn Văn Ninh đều gây ra án mạng chỉ vì lỡ tay chứ không ai cố ý phạm tội.
Tin tưởng như vậy rồi, chúng ta càng phải một đặt câu hỏi quan trọng hơn: Tại sao hai người công an này lại trở thành những kẻ sát nhân? Tại sao lại có nhiều vụ đánh người và làm chết người trong đồn công an như thế? Như bài trước trong mục này đề nghị, chúng ta phải tìm ra những “Lỗi Hệ thống” mới hiểu được những vụ đánh người và làm chết người trong sở công an.
Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay thiết lập một sự ủy nhiệm quyền hành rất mơ hồ và tổng quát. Một Ðiều 4 trong bản Hiến Pháp cho phép đảng Cộng Sản “lãnh đạo nhà nước và xã hội,” trở thành căn bản của việc ủy quyền. cả guồng máy nhà nước lẫn xã hội gồm các công dân đều bị đảng này “lãnh đạo!” “Lãnh đạo” là một từ rất mơ hồ, có thể hiểu là anh chỉ đường cho tôi, cũng có thể hiểu là anh bảo tôi đi thì tôi được đi, bắt tôi đứng tôi phải đứng! Có khi anh bắt tôi quỳ tôi cũng đành phải quỳ! Bất cứ ai được ủy quyền một cách mơ hồ cũng có khuynh hướng lạm dụng quyền hành. Quyền hành sinh nhũng lạm, quyền tuyệt đối thì nhũng lạm tuyệt đối; câu nói của Lord Acton ai cũng nhớ. Tất nhiên, người ta khéo léo nói rằng đảng Cộng Sản phải “lãnh đạo” theo luật pháp chứ không được làm bừa. Nhưng tất cả ba thứ quyền, hành pháp, lập pháp và tư pháp đều nằm trong tay đảng thì việc “lãnh đạo” trở thành quyền tuyệt đối. Nghĩa là cũng giống như ông vua, họ có thể đứng lên trên pháp luật vì chính họ làm ra luật.
Vì vậy hệ thống chính trị ở nước ta trao quá nhiều quyền cho người cai trị mà không tính trước đến việc thiết lập những định chế để giới hạn quyền hành như các ông vua đời Tần, đời Hán bên Tầu. Tiêu biểu là các ông công an. Các vị công an có quyền sinh sát trên đời sống của người dân; đây là một sự thật hiển nhiên không cần bàn cãi nữa. Bắt đầu từ những việc nhỏ, việc xẩy ra hàng ngày. Bạn thử đến bàn giấy công an khai mình bị mất trộm coi. Nếu không có gói thuốc lá làm quà, thì ông công an làm việc rất từ từ. Có quà cáp, việc chạy nhanh ngay. Lâu ngày trở thành những thói quen, cả người công an và người dân đều ngầm hiểu bên cạnh các quy tắc, luật lệ, còn một thứ quyền hành không ghi trên giấy. Gói thuốc lá chỉ là một thí dụ nhỏ, các vị công an còn nghĩ ra nhiều cách hành động “bên cạnh” luật pháp lớn gấp trăm ngàn lần!
Khi những người công an tập thói quen lạm quyền nho nhỏ, ngày này qua ngày khác, lạm quyền mạnh bạo hơn; dần dân họ sẽ cảm thấy rằng việc sử dụng quyền hành của họ là tuyệt đối, không bị ai xoi mói, không ai kiểm soát hết. Từ việc nhỏ đến việc lớn, những ông công an quen làm những việc bên ngoài luật lệ sẽ tập được thói quen nghĩ rằng quyền hành của họ không bị một thứ pháp luật nào hạn chế cả. Họ chỉ chịu trách nhiệm trước đảng Cộng Sản. Mà đảng này thì không chịu trách nhiệm với ai cả; bởi vì từ việc tuyển chọn đảng viên đến việc bầu bán các chức vụ trong đảng, hoàn toàn là việc nội bộ của họ với nhau mà thôi. Chính các ông công an như các ông Nguyễn Thế Nghiệp và Nguyễn Văn Ninh có thể nghĩ rằng việc họ đang làm đều do Ðiều 4 trong Hiến Pháp ủy nhiệm cho họ! Ðảng có quyền tuyệt đối thì những người đại diện cho đảng và nhà nước cũng vậy. Cho nên mới có ông công an đứng đầu ngành bảo vệ luật lệ giao thông ở tỉnh Hậu Giang ra lệnh cho tài xế tắc xi chở ông về nhà cứ vượt đèn đỏ! Không nghe lệnh thì ông đánh! Tại sao ông ta bất chấp luật lệ, những điều luật mà ông và nhân viên của ông có trách nhiệm bảo vệ? Vì ông tự coi mình là đứng bên trên luật lệ. Bởi vì cái đảng lãnh đạo của ông nó đứng trên pháp luật như vậy!
Và chính những người công an được đảng bảo vệ rất kỹ trong khi làm việc. Ðiều 298 trong Bộ Luật Hình Sự, Khoản 2 viết về trách nhiệm của công an trong khi làm việc: “Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.” Vì thế, ông Nguyễn Thế Nghiệp làm chết người rồi cũng chỉ bị 7 năm tù. Ðiều 3 viết: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.” Chúng ta đoán trước được là ông Nguyễn Văn Ninh sẽ bị án trong giới hạn đó. Một công dân làm chết người tội đã nặng, một người thi hành luật pháp mà giết chết người mà chỉ bị những án tù nhẹ như vậy thôi, vô tình khuyến khích người ta làm bậy.
Bởi vì hệ thống chính trị ở Việt Nam không nhấn mạnh đến quyền của người dân mà chỉ nhắc nhở về quyền hành của nhà nước. Tất cả bắt đầu từ nguyên tắc ủy nhiệm rất mơ hồ viết trong Ðiều 4 Hiến Pháp.
Còn rất nhiều thứ “lội hệ thống” khác gây ra những cái chết đau thương của người dân trong tay công an. Nhưng nguồn gốc chính vẫn là điều số 4 trong Hiến Pháp hiện nay, đó là lỗi hệ thống nặng nề nhất!
Ngô Nhân Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét