1.4.11

Vụ án Cù Huy Hà Vũ và trò chơi dân chủ


Vụ án Cù Huy Hà Vũ và trò chơi dân chủ

Nguyễn Hưng Quốc - Đưa Cù Huy Hà Vũ ra xét xử, bất cứ lời phát biểu nào tại tòa, từ phía công tố đến phía biện hộ, đều làm nổi bật lên tính chất thiếu dân chủ và khát vọng tự do ở Việt Nam: Chúng trở thành những lời buộc tội chế độ…

Phiên tòa hình sự sơ thẩm xử ông Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội vào ngày 4 tháng 4 sắp tới đã và đang thu hút sự chú ý của rất nhiều người từ trong đến ngoài nước, kể cả các cơ quan truyền thông và các tổ chức nhân quyền quốc tế . Tội danh chính của ông Vũ là có hành vi “tuyên truyền, xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, đòi lật đổ chế độ, thực hiện đa nguyên đa đảng”.
Diễn tiến vụ án này, từ lúc khởi đầu cho tới nay, đã được nhiều người tường thuật, bởi vậy, tôi khỏi phải nhắc lại. Chỉ xin xoáy vào hai điểm chính: mục tiêu của chính quyền và ý nghĩa của vụ án.
Về mục tiêu, có lẽ ai cũng đồng ý, khi ra lệnh bắt và đem Cù Huy Hà Vũ ra xét xử, chính quyền Việt Nam nhắm đến ba điểm chính:
Một, ngăn chận các nỗ lực tranh đấu cho tự do và dân chủ của ông Vũ qua việc ông liên tiếp lên tiếng tố cáo và phê phán tính chất độc tài của chính phủ, trong đó nổi bật nhất là hai sự kiện: ông đòi bỏ điều 4 trong Hiến Pháp quy định vai trò của đảng Cộng sản trong việc lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam, và khởi đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, một điều ông cho là xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi quốc gia.
Hai, đe dọa ông Vũ cũng như tất cả những người cùng lý tưởng và chí hướng với ông Vũ.
Và ba, dập tắt xu hướng đấu tranh cho tự do và dân chủ đang rục rịch nổi lên, đặc biệt trong giới trí thức.
Thật ra, để đạt được ba mục tiêu ấy, chính quyền không cần phải bắt và mang ông Vũ ra tòa. Họ có thể chọn một biện pháp nhanh gọn hơn: dàn dựng một kiểu tai nạn gì đó để giết ông. Có điều biện pháp ấy khá nguy hiểm. Thứ nhất, ông Vũ là người nổi tiếng và khá có uy tín, không những ở năng lực mà còn ở gia thế của ông nữa: ông là con ruột và là con nuôi của hai trong số những nhà thơ được yêu mến nhất Việt Nam: Huy Cận và Xuân Diệu. Cả hai đều là những công thần của chế độ. Thứ hai, Việt Nam bị khá nhiều ràng buộc của quốc tế, nhất là sau khi được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Sự kiện thứ nhất có thể gây ra sự công phẫn trong xã hội Việt Nam và sự kiện thứ hai có thể gây ra công phẫn trong cộng đồng quốc tế. Cả hai sự công phẫn ấy có thể biến Cù Huy Hà Vũ thành một thứ thánh tử đạo, từ đó, thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng trong quần chúng.
Không thể giết lén, nhà cầm quyền bèn bắt ông Vũ và đưa ông ra tòa.
Mang Cù Huy Hà Vũ ra tòa, chính quyền Việt Nam còn nhắm đến một mục tiêu khác, có thể gọi là mục tiêu thứ tư: chứng tỏ với mọi người, trong và ngoài nước, là Việt Nam coi trọng pháp luật, muốn giải quyết những điều họ xem là “vi phạm” luật pháp bằng chính luật pháp.
Vấn đề là: chính quyền Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu ấy không?
Theo tôi, đó là điều bất khả.
Trước hết, thử hình dung: kết quả phiên tòa sẽ ra sao?
Nó chỉ có thể sẽ rơi vào một trong ba khả năng:
Thứ nhất, tha bổng. Tôi nghĩ khả năng này tuy rất đáng mơ ước nhưng rất khó xảy ra vì một là, nó chứng tỏ chính quyền thất bại trong cả ba mục tiêu đầu; và hai là, nó dễ bị xem là một cách gián tiếp khuyến khích các nhà bất đồng chính kiến khác.
Thứ hai, xử nhẹ với lý do ông Vũ có nhân thân tốt. Tuy nhiên điều này cũng khá nguy hiểm vì nó cũng có làm giảm tác dụng răn đe, đặc biệt đối với những nhà bất đồng chính kiến sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, hầu hết đều có “lý lịch” rất tốt, hoặc bản thân hoặc bố mẹ đã từng tham gia cách mạng ngay từ đầu. Bởi vậy, khả năng này chỉ có thể thành hiện thực với một điều kiện: ông Vũ phải nhìn nhận “tội lỗi” của ông và công khai xin khoan hồng. Nếu ông Vũ đứt khoát không nhận tội và không chịu xin khoan hồng như Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đã làm trước đây, một án nhẹ hơn mức bình thường có thể bị/được diễn dịch như một thế yếu của chính phủ.
Thứ ba, xử nặng. Trong trường hợp này, chính quyền sẽ đạt được mục đích trừng phạt và răn đe nhưng lại đối diện với một nguy cơ khác: trở thành một thứ nhà nước khủng bố dưới mắt quốc tế. Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng chọn biện pháp tương tự và cũng phải gánh chịu hậu quả tương tự. Có điều, là một cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc có thể đương đầu với các áp lực từ bên ngoài. Còn Việt Nam, một nước nhỏ và nghèo, đang mong muốn nương nhờ các thế lực phương Tây để giảm bớt sức ép về chính trị và cả về quân sự từ Trung Quốc, chắc chắn không đủ sức mạnh và sự điên rồ để thách thức dư luận thế giới như vậy. Ở đây, cũng cần ghi nhận sự khác biệt giữa Cù Huy Hà Vũ và một số nhà bất đồng chính kiến đã bị xét xử trước ông như Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung. Khác ở tầm vóc trí thức. Khác ở lý lịch. Khác ở uy tín. Khác ở cách thức hoạt động: Cù Huy Hà Vũ không tham gia vào tổ chức chính trị nào; ông chỉ thuần sử dụng các biện pháp tranh đấu công khai và hợp pháp. (Điều 69 trong Hiến pháp Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”) Và cũng khác ở cách thức vận động bênh vực cho Cù Huy Hà Vũ: thân nhân và những người ủng hộ ông đã khôn khéo quốc tế hóa vụ án bằng cách yêu cầu các cơ quan truyền thông thế giới, nơi ông Vũ thường được phỏng vấn, xuất hiện như các chứng nhân.
Cho đến khi phiên tòa kết thúc, chúng ta khó biết chính quyền Việt Nam sẽ chọn khả năng nào trong ba khả năng nêu trên. Có điều, dù chọn khả năng nào thì riêng việc mang Cù Huy Hà Vũ ra tòa, chính quyền Việt Nam cũng đã chọn một trò chơi khá liều lĩnh: trò chơi dân chủ. Trò chơi ấy diễn ra ở tòa án, dưới chiêu bài luật pháp và trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều người, không những người Việt Nam mà còn cả người ngoại quốc, đặc biệt những người quan tâm đến Việt Nam và tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có không ít quốc gia vốn thường xuyên phê phán tính chất thiếu dân chủ trong sinh hoạt chính trị và xã hội Việt Nam.
Đưa Cù Huy Hà Vũ ra xét xử, bất cứ lời phát biểu nào tại tòa, từ phía công tố đến phía biện hộ, đều làm nổi bật lên tính chất thiếu dân chủ và khát vọng tự do ở Việt Nam: Chúng trở thành những lời buộc tội chế độ. Hãy tưởng tượng cảnh Cù Huy Hà Vũ và các luật sư của ông biện hộ cho lập trường đòi cắt bỏ điều 4 trong Hiến Pháp Việt Nam. Họ sẽ nói gì? Bất kể lý lẽ của họ như thế nào, một quan điểm như thế, khi được phát biểu công khai, cũng trở thành một đe dọa hãi hùng cho chính quyền.
Dĩ nhiên, chính quyền có thể tránh được đe dọa ấy bằng cách xử kín.
Nhưng xử kín thì lại phản bội lại cái trò chơi dân chủ mà họ đã lựa chọn. Và cũng vô hiệu hóa âm mưu ban đầu của họ: trừng trị và răn đe các nhà đồng chính kiến bằng luật pháp để chứng tỏ với mọi người là họ không phải là những kẻ độc tài như Cù Huy Hà Vũ đã tố cáo. Bất cứ một thủ đoạn nào của họ trước tòa, dù nhỏ đến mấy, như không cho thân nhân hay các phóng viên tham dự hay đưa ra những lời kết tội vu vơ, đều là một cách thừa nhận, với minh họa cụ thể, là Cù Huy Hà Vũ nói đúng.
Mà không phải chỉ có Cù Huy Hà Vũ mới nói đúng. Cả bà Ngô Bá Thành, một luật sư nổi tiếng trước và sau năm 1975, cũng nói đúng khi cho “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”.
Và ông Trịnh Hồng Dương, cựu chánh án tòa tối cao (nhiệm kỳ 1997- 2002), cũng nói đúng nữa, khi thừa nhận trước Quốc Hội: “Ở nước ta xử đúng cũng được, xử sai cũng được, xử hòa cũng được, xử thắng cũng được”.
Tất cả những cái đúng ấy chứng minh một cái đúng khác nữa: Việt Nam quả là một quốc gia không những không có dân chủ mà còn sẵn sàng chà đạp lên mọi quyền căn bản của con người.
Trong bất cứ tình huống nào thì mục tiêu thứ tư ở trên cũng không thể thực hiện được.
Phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ, do đó, trở thành phiên tòa xét xử chính chính quyền Việt Nam.

Không có nhận xét nào: