Nói cho đồng bào tôi nghe
Nguyễn Thị Ngọc Hải (viet-studies.info) – Người dân thường không hiểu được tại sao ngủ một đêm dậy giá tăng ầm ầm, không hiểu vì sao tất cả các ngành đều kêu sản xuất lỗ (không ai yêu cầu họ giải trình xem họ làm ăn thế nào mà lỗ) và ai cũng nói phải tăng cho bằng giá thế giới. Không thấy ai nói phải tăng lương cho bằng lương thế giới cả. Với người dân, họ chỉ có một vấn đề: họ sẽ phải sống thế nào. Chỉ riêng có một điều này là không ai nói cả…
*
Một người nói với bạn thân là nhà nghiên cứu kinh tế: Hôm nào ông giảng cho tôi hiểi tất cả cái sự biến động kinh tế giá cả này. Mà nói sao cho thật dễ hiểu, sao cho người dân đen “ngu” nhất như tôi hiểu được, chứ đừng có hỏa mù quá nhiều từ chuyên môn như vừa rồi các ông phát biểu trên báo. Tôi không hiểu gì cả. Nhà nghiên cứu kinh tế hóm hỉnh rỉ tai người bạn: bà dân đen không phải ngu nhất đâu. Lãi suất bị đẩy lên cao nên cung và cầu trong xã hội đều giảm, đầu tư giảm, lượng tiền lưu thông sẽ giảm và sẽ đến mức cân bằng. Đây chính là mục tiêu của việc tăng lãi suất hiện nay…
Nào là chính sách tài khóa (sao không nói là chi tiêu công cho dân trung bình hiểu được). Nào là “tự do tiệm cận chính thức” nói về tỉ giá theo hai chiều tăng giảm trên thị trường… Người dân thường không hiểu được tại sao ngủ một đêm dậy giá tăng ầm ầm, không hiểu vì sao tất cả các ngành đều kêu sản xuất lỗ (không ai yêu cầu họ giải trình xem họ làm ăn thế nào mà lỗ) và ai cũng nói phải tăng cho bằng giá thế giới. Không thấy ai nói phải tăng lương cho bằng lương thế giới cả. Với người dân, họ chỉ có một vấn đề: họ sẽ phải sống thế nào. Chỉ riêng có một điều này là không ai nói cả.
Người dân Nhật Bản trong thảm họa, họ cư xử với tính người cao nhất như vậy vì văn hóa dân tộc đã được hình thành, được xây dựng, giáo dục, trở thành lối sống thường ngày. Bên cạnh đó, họ tin tưởng sự chỉ huy của chính phủ. Nếu ai dõi theo nhiều blog (trong đó có blog Hà Linh) miêu tả diễn biến từng ngày ở Nhật sẽ thấy. Tivi, radio, truyền thông 24g hướng dẫn cụ thể. Tình hình được phản ánh một cách trung thực. Không hiểu sao giữa lúc khủng hoảng hạt nhân lớn như thế mà công ty Tepco – chủ của nhà máy hạt nhân lại có thể báo cáo thật là họ đã không kiểm tra được hoạt động của 33 thiết bị lớn nhỏ trong 6 lò phản ứng, bỏ qua kiểm tra các thiết bị làm mát… Chứ không có chuyện quan lớn đứng ra bảo vệ bênh chằm chặp, ngăn cản điều tra. Người ta nói ra sự thật để quyết tâm xử lý chính xác, vì lợi ích cộng đồng trên hết. Lòng tin của dân đặt vào họ là vì thế. Phải biết người dân cần gì, nghĩ gì. Sao nước tư bản như Nhật Bản lại biết làm công tác tư tưởng đúng kiểu Mac Lenin như vậy? Trong lúc dân đang chịu đựng cơn bão giá kinh hoàng như hiện nay, cần phải có lời nói với họ. Những thắng lợi của triển khai nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp, cần phải được nói cho rõ để người dân tin tưởng và có thêm sức chịu đựng, phấn đấu, chia sẻ khó khăn. GDP cứ tăng, các ngành có chuyển biến tích cực thu ngân sách nhà nước tăng… nhiều thứ tăng, không biết nó phát huy vào đâu, chỉ thấy đời sống giảm. Tháng 3 tỉ số giá tăng dữ dội. Trên báo chí thấy quan chức “hô hào”: không để giá tăng vô tội vạ!” – (không hiểu ổng ra lệnh cho ai làm mà các bà vợ đi chợ về gần mếu: sườn heo lên 100.000 một kg rồi).
Người Việt Nam đã từng có thời kỳ cư xử trong sống – chết chả kém gì người Nhật hôm nay, đã từng được thế giới kính trọng. Đó là những năm tháng sống dước bom đạn Mỹ “cho miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Báo chí nước ngoài đưa các phóng sự người Việt ung dung đàng hoàng, sáng tập thể dục, anh bộ đội trực chiến qua đêm đang đánh răng ở nhà máy nước vỉa hè gần nhà máy. Mọi người xếp hàng vào ăn phở “không người lái” (không có thịt). Không có trộm cắp, đi đêm tha hồ. Cửa nhà bỏ đấy đi sơ tán chẳng ai đụng vào.
Vậy mà bây giờ có bao tính xấu, ông Vương Trí Nhàn nghiên cứu tính xấu đó thì bị “tấn công” đến bỏ dở cuộc phỏng vấn, và câu của ông được treo trên mạng “thói xấu nhất của người Việt là sợ nói về thói xấu của mình”…
Dân vẫn là dân ấy, chẳng ai “cách chức” dân đi đâu được. Phải nói với dân theo đúng cách họ hiểu – không phải họ không là nhà chuyên môn nên không biết gì. Họ biết rất nhanh các cư xử vì dân, cái gì sáo rỗng không thực chất, nói kiểu tuyên truyền cũ rích là thế nào, nói thật hay nói dối, có dám nhận trách nhiệm thật sự hay “trốn vào tập thể” và nhiều tội tày đình vẫn “úm ba la ta cùng khỏi”… Cái gì đúng biết cách nói với họ, họ làm cái rụp (cấm pháo, đội mũ bảo hiểm…)
Nhà nghiên cứu kinh tế trả lời người bạn thân: Không phải bà là “ngu” nhất đâu. Đúng rồi. Bà không ngu. Từ chuyên môn bà không rành, bà không để sự rắc rối ngơn từ làm bận đầu, nhưng bà biết thứ ngôn ngữ chân thật và hiểu bản chất của vấn đề…
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét