10.4.11

Tương lai năng lượng ở Đông Nam Á


Tương lai năng lượng ở Đông Nam Á

2011-04-10
Nhu cầu tăng cao về năng lượng ở khu vực Đông Nam Á cũng như việc có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của một số nước trong khu vực thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ.

AFP photo
Một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Chiết Giang Haiyan,Trung Quốc. Hình chụp hôm 02.06.2010.
Cuối tuần qua, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ có buổi hội thảo giới thiệu một nghiên cứu mới về tương lai năng lượng của khu vực Đông Nam Á mà Trung tâm này sắp tiến hành.
Buổi hội thảo có hơn 40 người tham dự, là đại diện các cơ quan và công ty năng lượng Hoa Kỳ, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á, cũng như đại diện các tòa sứ quán các nước trong khu vực tại Washington.

Nhu cầu ngày càng gia tăng

Là một trong 4 nhân vật chính thuyết trình tại buổi hội thảo và cũng là nhân vật chính sẽ thực hiện nghiên cứu này, ông Ernest Z. Bower (Cố vấn cao cấp và là Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại CSIS) cho biết do những phát triển của khu vực, nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới và Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia đó:
“Chúng tôi nhìn những gì đang xảy ra về mặt năng lượng tại khu vực Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng các nước này sẽ có nhiều quyết định về nguồn năng lượng trong tương lai. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ tập trung vào 5 nước có nền kinh tế lớn ở khu vực như Indonesia, Maylaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.”

Vấn đề chính trị và xã hội

Dễ dàng nhận thấy rằng, một khi đất nước phát triển thì càng có nhu cầu về năng lượng cho xe cộ, văn phòng hay nhà máy. Tuy nhiên, vấn đề về năng lượng trong tương lai của Đông Nam Á không chỉ là vấn đề tiêu thụ mà còn liên quan đến chính trị - xã hội. Có mặt tại buổi hội thảo, Đại sứ Indonesia tại Washington, Dino Patti Djalal, cho rằng:
Nhưng năng lượng không chỉ là vấn đề về mức tiêu thụ mà còn là vấn đề về chính trị và xã hội.
ĐS Indonesia Dino Patti Djalal
“Nhưng năng lượng không chỉ là vấn đề về mức tiêu thụ mà còn là vấn đề về chính trị và xã hội. Trong tương lai Indonesia có thể sẽ cần trợ cấp về một số loại năng lượng; những bất ổn tại Trung Đông gây ra khủng hoảng giá dầu…những điều này có thể trở thành những vấn đề chính trị cho Indonesia và tôi nghĩ là các nước khác cũng giống như vậy.”
Chính vì thế, khi nghiên cứu về năng lượng, người ta phải xem xét rất nhiều khía cạnh, bao gồm cả các vấn đề về nền kinh tế vĩ mô, vấn đề chính trị liên quan đến an toàn năng lượng, vấn đề xã hội, tiêu chuẩn quốc tế - khu vực, và cả sự cạnh tranh nữa. Đó cũng chính là những nội dung mà nghiên cứu của CSIS sẽ tập trung tìm hiểu, ngoài vấn đề chính về các nhân tố ảnh hưởng đến nguồn năng lượng, những chính sách môi trường bao gồm biến đổi khí hậu.

Quan trọng đối với chính sách của Hoa Kỳ

Khách tham quan đang xem mô hình lò phản ứng hạt nhân của công ty điện Đông Phương, Trung Quốc tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân đang được tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Khách tham quan đang xem mô hình lò phản ứng hạt nhân của công ty điện Đông Phương, Trung Quốc tại cuộc triển lãm về điện hạt nhân đang được tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Theo dự tính, nghiên cứu này sẽ hoàn tất vào tháng 9 năm nay để kịp đưa ra tại hội nghị APEC sẽ tổ chức vào tháng 11 này tại Honolulu, Hawaii, với sự chủ tọa của Obama. Vì sao nghiên cứu này quan trọng đối với Hoa Kỳ? Ông Earnest Bower cho biết:
“Mục đích chúng tôi làm nghiên cứu này là để cung cấp thông tin cho những nhà lập chính sách tại S.E.A khi họ phải chọn lựa chính sách về năng lượng trong tương lai. Đồng thời, nghiên cứu này cũng sẽ tạo ra một cái khung để những nhà lập chính sách ở Hoa Kỳ có thể dựa vào mà có chính sách phù hợp đối với khu vực này.”
Với dân số khoảng gần 600 triệu người cùng sự phát triển về kinh tế của khu vực trong những năm gần đây, khu vực ASEAN đã thu hút sự quan tâm của các nước lớn trên thế giới, không loại trừ các công ty năng lượng cũng như chính phủ Hoa Kỳ.
Khi nhu cầu năng lượng tăng lên, thì người ta có thể tìm đến các nguồn nhiên liệu mới như hóa thạch cao, nguồn khí thiên nhiên, các kỹ thuật mới hay là năng lượng hạt nhân, và đây chính là cơ hội đầu tư của các nước lớn. Ngoài ra, vấn đề Trung Quốc cũng là một mối quan ngại để Hoa Kỳ tiến hành những nghiên cứu nhằm có chính sách phù hợp cho khu vực Đông Nam Á. Trình bày tại hội thảo, Peter Evans, Giám đốc của Global Stratergy and Planning, nhấn mạnh rằng:
Khu vực Đông Nam Á lại giống như là “sân sau” của Trung Quốc, cho nên có cơ hội cao là nước này sẽ trở thành một nhân vật chủ chốt trên bàn cờ.
Ô. Peter Evans
“Trung Quốc ngày càng gia tăng nhập khẩu dầu và khu vực Đông Nam Á đang trở thành mối quan tâm về lợi nhuận của nước này. Và một trong những cách mà Trung Quốc làm là đầu tư tiền bạc. Thú vị là bây giờ Trung Quốc đầu tư nhiều tiền hơn Ngân hàng Thế giới vào các thị trường mới nổi. Khu vực Đông Nam Á lại giống như là “sân sau” của Trung Quốc, cho nên có cơ hội cao là nước này sẽ trở thành một nhân vật chủ chốt trên bàn cờ.”
Tại hội thảo, vấn đề năng lượng hạt nhân được mang ra bàn thảo sôi nổi. Trong khi nhiều người cho rằng không nên từ bỏ bất cứ một nguồn nào có thể mang đến năng lượng kể cả nguồn năng lượng hạt nhân, nhiều chuyên gia cho rằng cần xét duyệt nhiều mặt khi một đất nước tìm đến nguồn này chưa có kinh nghiệm về nó. Đó cũng chính là ý kiến của ông David Sandalow, Phụ tá Bộ trưởng Năng lượng Hoa kỳ về Quốc tế Sự vụ.
“Về việc này chúng ta cần nghiên cứu cẩn thận, năng lượng hạt nhân có vai trò riêng của nó nhưng cần chú ý đến hệ thống, khả năng quản lý hệ thống. Cần nghĩ đến câu hỏi là “một khi một nước chưa có kinh nghiệm về hạt nhân mà muốn phát triển nó thì cần những điều gì?”

Tương lai năng lượng tại VN

hat-nhan-ninh-thuan-250.jpg
Mô hình nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng ở Ninh Thuận. Photo courtesy of tinmoi.vn.
Cả 5 nước, bao gồm Việt Nam mà cuộc nghiên cứu này tìm hiểu về tương lai năng lượng đều cho thấy quan tâm đến năng lượng hạt nhân. Tháng 11 năm 2009, dự án xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận được 77% tổng số đại biểu quốc hội Việt Nam tán thành. Theo dự tính, nhà máy thứ nhất sẽ khởi công vào năm 2014 và bắt đầu vận hành năm 2020. Tuy nhiên, sau sự kiện rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, người ta bắt đầu quan ngại nhiều hơn và tìm đến các nguồn năng lượng xanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, theo truyền thống định nghĩa năng lượng xanh được dành cho năng lượng từ mặt trời và gió, nhưng mà bây giờ bao gồm luôn cả khí thiên nhiên. Theo ông Peter Evans, nguồn khí thiên nhiên có thể là một trong những nguồn năng lượng chính tại khu vực Đông Nam Á vì tại đây có nguồn này rất dồi dào. Mặt khác, khí thiên nhiên cũng có những giá trị rất lớn đặc biệt sau khi sự cố nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản vừa qua.
Kết thúc buổi hội thảo, trong vài phút hiếm hoi dành cho đài RFA, ông Earnest Bower nói rằng:
“Chúng tôi biết là nhu cầu về năng lượng của Việt Nam sẽ tăng trong tương lai và Việt Nam sẽ phải có chọn lựa về nguồn năng lượng bao gồm năng lượng hạt nhân hay gas chẳng hạn.
Về vấn đề năng lượng hạt nhân tại Việt Nam, tôi sẽ làm nghiên cứu và nói về vấn đề này sau nhưng trước hết tôi khuyên rằng không nên từ bỏ bất cứ nguồn năng lượng nào.
Ô. Earnest Bower
Về vấn đề năng lượng hạt nhân tại Việt Nam, tôi sẽ làm nghiên cứu và nói về vấn đề này sau nhưng trước hết tôi khuyên rằng không nên từ bỏ bất cứ nguồn năng lượng nào. Lợi thế của Việt Nam là kỹ thuật về năng lượng; Việt Nam đi sau các nước khác nên Việt Nam có thể rút ra được bài học kinh nghiệm từ những nước đi trước.
Nếu nghiên cứu về tương lai năng lượng Việt Nam, chúng tôi sẽ xét đến những nhân tố như nguồn năng lượng có sẵn tại đó, nhân tố chính trị ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa năng lượng, ảnh hưởng đến môi trường hay biến đổi khí hậu chẳng hạn.”
“Không nên từ bỏ bất cứ nguồn năng lượng nào” là lời khuyên của ông Earnest Bower dành cho Việt Nam. Có thể thấy, năng lượng hạt nhân là lựa chọn tối ưu của rất nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng đang tiến đến con đường này. Thế nhưng thảm họa hạt nhân Chernobyl và giờ đây là Nhật Bản chắc chắn trở thành những nhân tố chính để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam xem xét trước khi có những quyết định quan trọng cho đất nước.

Không có nhận xét nào: