Xét theo luật quốc tế, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vô tội
Việc bắt giữ và xét xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là trái với công pháp quốc tế, bởi vì chiếu theo Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, ông Hà Vũ hoàn toàn vô tội. Đó là nội dung chính bài phỏng vấn sau đây với ông Vũ Quốc Dụng, tổng thư ký Hiệp Hội Quốc Tế Nhân Quyền tại Đức
RFI : Thưa ông, trên mạng trong những ngày qua đã có rất nhiều bài tranh luận về vụ xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Cách đây mấy ngày, có một bài mang tựa đề « BẢN CHẤT NHỮNG VIỆC LÀM VỪA QUA CỦA CÙ HUY HÀ VŨ », nói về những lý do Việt Nam bắt giữ và xét xử ông Cù Huy Hà Vũ. Bài viết cho rằng vụ xử này phù hợp với luật pháp Việt Nam cũng như công pháp quốc tế. Ông nghĩ gì về lập luận này ?
Vũ Quốc Dụng : Tôi xin phép tóm tắt vấn đề như thế này : Xét theo luật quốc tế thì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vô tội. Nếu trong phiên xử dự kiến vào ngày 4 tháng 4 tới đây mà Việt Nam xử Tiến sĩ Hà Vũ là có tội, thì Việt Nam sẽ vi phạm luật quốc tế. Vấn đề này từng được nêu lên trong phiên xử luật sư Nguyễn Văn Đài hồi 4 năm trước đây, nhưng chính quyền Việt Nam đã không chịu trả lời.
Tôi không hiểu tại sao chính quyền Việt Nam cứ tiếp tục duy trì tình trạng vô lý này. Một mặt, Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Rồi Việt Nam cũng đã làm ra Luật Ký Kết, Gia Nhập và Thực Hiện Điều Ước Quốc Tế. Luật này qui định rằng luật quốc tế có giá trị cao hơn luật Việt Nam và phải ưu tiên áp dụng luật quốc tế trong trường hợp có mâu thuẫn.
Ðiều 6 khoản 1, Luật Ký Kết, Gia Nhập và Thực Hiện Điều Ước Quốc Tế Việt Nam quy định : “Trong trường hợp các văn bản Việt Nam khác với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì Việt Nam sẽ áp dụng các quy định của điều ước quốc tế đó.”
Thế nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm các điều ký kết với quốc tế. Điểm mấu chốt là bộ luật Hình sự của Việt Nam có nhiều điều khoản vi phạm luật nhân quyền quốc tế, nhưng chính quyền Việt Nam lại không chịu sửa luật cho phù hợp. Theo tôi, chỉ cần áp dụng nghiêm chỉnh đạo Luật Ký Kết, Gia Nhập và Thực Hiện Điều Ước Quốc Tế của Việt Nam, thì tòa án cũng có thể xử cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vô tội.
Bài viết nói trên là bài viết bênh vực chính quyền, khi cho rằng chính quyền Việt Nam làm đúng luật quốc tế. Rất tiếc bài viết nói trên mang đầy những lý luận ngụy biện. Một nhà báo có uy tín trong nước là cô Đoan Trang cho rằng, đây là luận điệu của chính quyền.
RFI : Tác giả bài viết nêu trên cho rằng chính quyền Việt Nam không vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (CƯQT QDSCT). Họ cho rằng Đ.19 này tuy qui định về quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng qui định không được dùng quyền này để xâm phạm an ninh quốc gia. Thự tế thì luật quốc tế qui định thế nào?
Vũ Quốc Dụng : Tác giả bài viết trên đã trích dẫn có 2 phầncủa Điều 19 CƯQT QDSCT, trong khi điều này có tất cả 3 phần. Tác giả này đã bỏ đi phần đầu của Đ.19, qui định Tiến sĩ Hà Vũ có một quyền tuyệt đối, đó là quyền giữ quan điểm riêng. Cho nên, khi buộc tội Tiến sĩ Hà Vũ đang viết dở dang một bài chưa phổ biến, thì chính quyền đã vi phạm quyền căn bản này.
Điều 19, khoản 1, CƯQT QDSCT quy định như sau : “Mỗi người có quyền giữ vững quan điểm mà không bị ai can thiệp”.
Đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm của Ts Hà Vũ, điều 19 này có qui định rất rõ về những hạn chế vì lý do an ninh quốc gia.
Điều 19, khoản 2 và 3 CƯQT QDSCT như sau : “Mỗi người có quyền tự do bày tỏ; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại thông tin và ý kiến bằng cách truyền khẩu, bằng bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông tự chọn khác, không kể biên giới quốc gia.
Việc hành sử những quyền được ghi tại khoản 2 nêu trên đòi hỏi đương sự phải có những trách nhiệm và bổn phận đặc biệt. Do đó, quyền này chỉ có thể chịu một số giới hạn nhất định nào đó, nhưng những giới hạn này phải được qui định bởi luật pháp và vì nhu cầu: tôn trọng quyền tự do và thanh danh của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng và đạo lý công cộng”.
Nhưng chính Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng biết rằng, việc giới hạn này là một lỗ hổng dễ bị lợi dụng, nên đã đưa ra nhiều qui định và giải thích rất rõ. Thứ nhất tình trạng an ninh quốc gia bị đe dọa phải được hiểu là một tình trạng khẩn trương liên quan đến sự tồn vong thực sự của cả một đất nước, chứ không phải chỉ là việc có một vài bài viết đụng chạm đến quyền lợi của một đảng phái hay một cá nhân đang cầm quyền. Và Công Ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị đòi hỏi phải thông báo việc hạn chế này cho chính Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.
Theo Điều 4, CƯQT QDSCT, “Trong giai đoạn xảy ra tình trạng khẩn trương công cộng vì sinh mạng quốc gia bị đe dọa và tình trạng khẩn trương này đã được chính thức tuyên bố, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này có thể ban hành một số biện pháp đình chỉ thi hành các nghĩa vụ của quốc gia, được ấn định trong Công Ước này. Tuy nhiên những biện pháp này phải có tính cách thật cần thiết vì nhu cầu của tình thế, và không vi phạm các nghĩa vụ của quốc gia phát sinh từ luật pháp quốc tế, và cũng không được dùng để kỳ thị chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo hay nguồn gốc xã hội”.
Trong mọi trường hợp, những quyền dân sự và chính trị ghi trong các điều 6, 7, 8 (khoản 1 và 2), và trong các điều 11, 15, 16, 18 của Công Ước không thể bị đình chỉ thi hành.
Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải lập tức thông báo qua vị Tổng Thư Ký LHQ cho các quốc gia hội viên khác tham gia vào Công Ước, hay biết những điều khoản nào trong Công Ước đã bị đình chỉ thi hành, và vì lý do gì. Ngay sau khi chấm dứt “tình trạng khẩn trương công cộng”, họ cũng phải thông báo theo thủ tục nói trên.
Thứ nhì, nếu muốn giới hạn quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính quyền phải làm việc này thật cẩn trọng để không xâm phạm đến bản chất của quyền tự do này. Liên Hiệp Quốc đòi hỏi chính quyền phải chính thức ra thông báo về tình trạng khẩn trương công cộng, phải ra một đạo luật qui định các hạn chế, trong đó quốc gia thành viên phải biện minh được “sự cần thiết” của những hạn chế này.
Uỷ ban Nhân quyền LHQ đã giải thích về Điều 19, khoản 3 CƯQT QDSCT như sau : (điểm 4 của văn bản CCPR/C/21/Rev.1, 19.05.1989): “Khoản 3 đặc biệt nhấn mạnh rằng việc thực thi quyền tự do bày tỏ cũng gắn liền với những trách nhiệm và bổn phận đặc biệt. Vì thế, CƯQT QDSCT cho phép các quốc gia thành viên đặt ra một số hạn chế đối với quyền này trong trường hợp có liên quan đến quyền lợi của các cá nhân khác hoặc quyền lợi của toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên, nếu một quốc gia thành viên muốn giới hạn quyền tự do bày tỏ thì việc đó không được phá hỏng tự thân quyền này. Khoản 3 đặt ra những điều kiện và chỉ cho phép quốc gia thành viên đưa ra những hạn chế trong khuôn khổ của các điều kiện sau đây: việc hạn chế phải được “qui định bằng một đạo luật”; những hạn chế này chỉ được đặt ra cho một trong các mục đích qui định bởi điểm a và b của khoản 3; và quốc gia thành viên phải biện minh được “sự cần thiết” của những hạn chế này vì các mục đích đó.
Tóm lại, CƯQT QDSCT không cho phép chính quyền Việt Nam dùng một lý do “vi phạm an ninh quốc gia” chung chung và mơ hồ để giới hạn quyền tự do phát biểu của Tiến sĩ Hà Vũ.
RFI: Còn ông nghĩ gì về lập luận cho rằng Tiến sĩ Hà Vũ đã vi phạm quyền dân tộc tự quyết ghi tại Điều 1 của Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị khi ông đã “ trả lời phỏng vấn một số báo chí nước ngoài và đưa các bài viết có nội dung đòi thay đổi thể chế chính trị” ở Việt Nam?
Vũ Quốc Dụng: Lập luận này là sai, vì tác giả đã dịch sai từ “political status“ là “chế độ chính trị“, với ẩn ý rằng đó chế độ chính trị này là chế độ cộng sản mà nhân dân Việt Nam đã tự chọn.
Thực ra trong công pháp quốc tế, “political status“ phải được hiểu là “qui chế chính trị của lãnh thổ“ của một quốc gia, nghĩa là quốc gia đó ở trong tình trạng đã được độc lập, bị bảo hộ hay còn là thuộc địa. Đó là quyền tự quyết về qui chế chính trị của lãnh thổ.
Còn quyền quyết định về thể chế thì lại nằm trong một điều khác của Công ước là điều 25, liên quan đến quyền tham gia của các công dân vào các công việc quốc gia, thí dụ thông qua việc tham gia bầu cử và ứng cử tự do. Vì trên thực tế, người dân Việt Nam không có quyền tự do bầu cử và ứng cử nên không thể nói rằng, họ đã tự chọn thể chế cộng sản hiện nay được.
Hiểu như vậy, thì những việc “trả lời phỏng vấn một số báo chí nước ngoài và đưa các bài viết có nội dung đòi thay đổi thể chế chính trị“ của Tiến sĩ Hà Vũ không thuộc phạm vi qui định của Đ.1 CƯQT QDSCT. Những hoạt động của Tiến sĩ Hà Vũ liên quan đến các quyền tự do tư tưởng (Đ.18), quyền tự do giữ quan điểm (Đ.19), quyền tự do phát biểu quan điểm (Đ.19) và quyền tham gia vào các công việc quốc gia (Đ.25) của CƯQT QDSCT.
Nếu làm theo đúng tinh thần của luật quốc tế, chính quyền Việt Nam còn phải bảo đảm cho Tiến sĩ Hà Vũ có cái quyền được phê bình chế độ cộng sản Việt Nam qua các phương tiện truyền thông.
RFI: Vừa qua, em gái Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là bà Cù Thị Xuân Bích có nhờ một luật sư tại Mỹ gửi đơn khiếu nại ra Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tác giả bài báo cho rằng việc làm này sẽ không có kết quả. Có thực là những đơn khiếu nại tại Liên Hiệp Quốc đều vô tác dụng không?
Vũ Quốc Dụng : Có lẽ vì không hiểu về các thủ tục khác nhau của LHQ nên người viết mới lẫn lộn thủ tục khiếu nại tại Hội đồng Nhân quyền LHQ với thủ tục khiếu nại tại Uỷ ban Nhân quyền. Đó là 2 cơ cấu hoàn toàn khác nhau. Bà Cù Thị Xuân Bích chỉ làm đơn khiếu nại với Hội đồng Nhân quyền LHQ mà thôi, trong khi tác giả lại đem thủ tục khiếu nại tại Uỷ ban Nhân quyền ra giải thích. Chúng ta không nên lấy râu ông nọ cắm cầm bà kia như vậy.
Việc khiếu nại của bà Bích có kết quả hay không sẽ tùy thuộc ở thái độ trả lời của chính phủ Việt Nam đối với Tổ công tác về việc Bắt giữ Độc đoán của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Vì Tiến sĩ Hà Vũ sắp bị đưa ra tòa, nên cơ quan này có thể đã dùng thủ tục khẩn cấp để yêu cầu phía Việt Nam phải trả lời. Tùy kết quả phiên tòa, mà cơ quan này sẽ quyết định các biện pháp kế tiếp, vì cơ quan LHQ này sẽ nghiên cứu cả 3 mặt của việc bắt giữ: 1) Hiến pháp và luật pháp Việt Nam có cho phép không? 2) Có vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và CƯQT QDSCT không? 3) Phiên xử có bảo đảm tính xét xử công bằng không?
RFI: Xin cám ơn ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét