14.5.11

BƠ VƠ TRẦN HOÀI DƯƠNG


BƠ VƠ TRẦN HOÀI DƯƠNG

 Trần Mạnh Hảo
Sáng nay 12-05-2011, tôi cùng gia đình, bạn bè tiễn đưa nhà văn Trần Hoài Dương về đài hỏa thiêu Bình Hưng Hòa, mong ngọn lửa mang anh về cõi khác. Mẹ anh chắc sẽ đón anh, các bạn bè thân của anh như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Lâm ( Lâm râu), Nghiêm Đa Văn…sẽ đón anh.

Anh đã vĩnh viễn chia tay cái thế giới bơ vơ này suốt 69 năm trường, để đến cõi Niết Bàn không còn tham sân si, không còn cái ác, cái xấu, cái dối trá…nữa Trần Hoài Dương ơi.
Mới lên sáu tuổi, Trần Hoài Dương đã mồ côi mẹ. Có những người cũng mồ côi mẹ từ rất bé như anh, thậm chí còn không nhớ nổi gương mặt mẹ mình vì họ chỉ mới vừa lên hai, hay ba tuổi. Nhưng những người đó có khả năng tiêu hóa nỗi bơ bơ do sư mồ côi mẹ của mình mang lại. Trần Hoài Dương thì khác. Anh không có khả năng quên đi sự mồ côi, không tiêu hóa nổi nỗi bơ vơ cực lớn của đời mình. Mãi mãi cho đến khi nằm xuống do vỡ tim vì bệnh nhồi máu, tâm hồn Trần Hoài Dương vẫn là một cậu bé mới lên sáu tuổi, lúc nào cũng tủi thân, tủi phận, lúc nào cũng ngơ ngác, bơ vơ, hụt hẫng, cả tin vì mồ côi mẹ.
Do vậy, lý trí anh phải vượt lên quá sớm, quá sức, lúc nào cũng phải gồng mình lên mà học cho trối chết, lao động bằng ngòi bút cật lực mà trưởng thành mau lẹ, để gánh vác một cậu bé không chịu lớn là tâm hồn mới lên sáu tuổi của mình…Tâm hồn ấy dằn vặt thân xác anh, dỗi hờn hiện tồn anh, truy nguyên mọi lẽ đời, lẽ sống, bắt anh phải trong vắt như giọt nước mắt, phải cả tin ngay cả lúc bị lừa, nghĩa là phải bơ vơ sống, bơ vơ hi vọng, bơ vơ tin yêu, bơ vơ ngay cả trong niềm hạnh phúc gia đình.
Tâm hồn trẻ thơ của Trần Hoài Dương làm đời anh bơ vơ khôn xiết trong tiếng gọi âm vang cả trong giấc ngủ : mẹ ơi ! Cảm giác mồ côi mẹ chi phối cuộc đời anh, khiến anh như hiện thân của một nỗi cô đơn mãi mãi.
Chính trong tâm thế đó mà Trần Hoài Dương đã hiến dâng đời cầm bút mình cho thế giới trẻ thơ. Anh chọn nghề viết cho thiếu nhi, cho tuổi thiếu niên, tuổi hoa niên. Anh rất thích câu danh ngôn của Chúa Jesus trong kinh thánh : “ Hỡi con người, nếu ai không hóa thành con trẻ thì nước trời không thuộc về kẻ ấy”. Trần Hoài Dương nhìn thế giới này bằng đôi mắt trẻ con, hơn nữa là đôi mắt của đứa trẻ con mồ côi mẹ, luôn luôn khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc. Có lẽ, chỉ khi đã để tâm hồn mình hòa vào thế giới trẻ thơ, thế giới không có sự dối trá, không có sự bất hạnh, thế giới hồn nhiên đến ông trời cũng chỉ là một đứa trẻ con ( hóa nhi), Trần Hoài Dương mới vợi đi nỗi bơ vơ của mình chăng ?
Sinh ra và lớn lên trong thời loạn, thời của những tiên tri giả, thời của trắng đen phải trái lẫn lộn, thời của cái ác cái xấu tự do tung hoành, Trần Hoài Dương phải núp vào tâm hồn mới lên sáu tuổi của mình như núp vào căn hầm trú ẩn để giữ lấy đôi mắt trẻ thơ trong sáng, lương thiện của mình đặng nhìn thế giới bằng đôi mắt chưa nhiễm bụi đời. Đôi mắt ấy hình như lúc nào cũng rơm rớm như một giọt sương ban mai bơ vơ dưới ánh mặt trời cháy bỏng ?
Lớn lên trong thời chính trị là thống soái, thời mà từ hạt bụi, từ con đom đóm đến ông sao, từ con cà cuống đến ông mặt trời, thảy thảy đều phải có tính đảng, tính giai cấp, thì tất nhiên, con người thân xác Trần Hoài Dương phải là con người chính trị. Điều này lý giải sau ba măm học trường báo chí, Trần Hoài Dương đã được chọn về làm báo tại nơi “ngon” số một của chế độ là tạp chí Học Tập ( tạp chí Cộng Sản bây giờ) cơ quan lý luận của đảng cầm quyền. Trần Hoài Dương đã làm ở tạp chí Học Tập bảy năm trời. Anh đã là người tổ trưởng của Nguyễn Phú Trọng, góp ý và sửa chữa những bài viết đầu tay của ông tổng bí thư tương lai này. Đây là lò đào luyện cán bộ cao cấp cho tương lai, nơi bao nhiêu con ông cháu cha mơ mà không được.
Nhưng đứa trẻ con trong anh đã bắt anh phải từ giã cái cõi không dành cho sự hồn nhiên tham dự là cõi chính trị; cõi dạy người ta làm cách nào để thành ông lớn, thành lãnh đạo, lãnh tụ, nhảy lên vai lên lưng đồng loại mà phán truyền như những ông thánh sống. Trần Hoài Dương thấy bơ vơ khi theo đảng, bơ vơ trong tâm điểm của cõi quan trường, bèn xin về báo Văn Nghệ để hi vọng được làm văn chương, được có cơ hội sống cuộc đời trẻ thơ ngay cả trong chốn bụi trần. Nhưng về báo Văn Nghệ rồi, viết được hàng chục cuốn sách hay cho trẻ thơ rồi mà sao Trần Hoài Dương vẫn cứ bơ vơ ?
Phải nói thêm rằng, trường hợp viết văn của Trần Hoài Dương là trường hợp độc nhất vô nhị của một nước theo nguyên lý : văn nghệ phục vụ chính trị. Ấy là văn học của Trần Hoài Dương là một thứ văn học phi chính trị. Thế giới nhân vật của anh là thế giới của trẻ thơ, trẻ con với chim sâu, con kiến, con ong, bông hoa, ngôi sao, giọt sương, dòng sông, bờ tre, ngọn cỏ…Anh thiên về những đứa trẻ con bất hạnh : đi lạc, mồ côi, không gia đình…Một đứa trẻ sáu tuổi như tâm hồn nhà văn Trần Hoài Dương cần có mẹ hơn cần chính trị tranh giành chức quyền. Ngọn gió buổi sáng tươi rói hoài niệm trẻ thơ kia, tiếng chim kêu trời xanh bên cửa sổ kia chỉ cần mái ấm gia đình chứ đâu cần phải suy tôn ông lớn này, bà lớn nọ, hoặc giả vờ cao đạo, giả vờ lương thiện để trục lợi hòng kiếm đặc quyền đặc lợi.
Cả cuộc đời Trần Hoài Dương phải làm một đứa trẻ chơi trò chơi trốn tìm chính trị. Anh đã trốn biệt vào tâm hồn mình, trốn biệt vào văn học thiếu nhi mà chính trị hầu như vẫn tìm ra nơi ẩn nấp của anh. Cuộc đời Trần Hoài Dương là một cuộc chạy trốn vĩnh viễn. Chính trị đuổi bắt anh. Có lúc nó chộp được anh rồi nhưng anh lại hóa kiến để chui vào lỗ nẻ câu chữ. Trong thế giới thần tiên của truyện thần thoại, đồng thoại do anh kể cho lũ trẻ con cả nước nghe, Trần Hoài Dương mới được sưởi ấm nỗi bơ vơ truyền kiếp của mình.
Bạn bè thân thiết hồi ấy của anh như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Dương Thụ, Nhật Tuấn, Nguyễn Lâm, Hoàng Hưng…khuyên Trần Hoài Dương rằng muốn khỏi bệnh bơ vơ, hãy lấy vợ. Suy tư mấy năm, Trần Hoài Dương nghĩ có thể khi có gia đình, hình ảnh người vợ chắc sẽ giúp anh thoát khói ám ảnh mồ côi mẹ, sẽ giúp tâm hồn quyết dừng lại ở tuổi lên sáu của mình trưởng thành mà hòa nhập với thân xác. Số phận cho anh may mắn gặp người con gái tài sắc vẹn toàn là chi Trinh, một cô giáo dạy Nga văn mà tự học nói được cả tiếng Hoa. Cuộc tình của anh chị thời gian đầu rất hạnh phúc. Họ đã sinh ra một đứa con duy nhất là chàng nhạc sĩ tài ba của tương lai : Trần Lê Quỳnh, đang nổi tiếng với những bài hát rất hay như “Chân tình”, “ Cô gái đến từ hôm qua”, “Tuyết rơi mùa hè”…
Tưởng khi có một gia đình lý tưởng : con ngoan vợ hiền như thế, Trần Hoài Dương đã thoát khỏi ám ảnh bơ vơ. Chị Trinh, vợ anh thời ấy vừa ngoan hiền, vừa giỏi giang hết mực : ngay từ thời còn khó khăn nhất của Việt Nam, chị đã làm kinh tế giỏi, làm đại diện cho một công ty Singapo tại Việt Nam, đảm bảo nuôi chồng con suốt đời trong sung túc. Đến nỗi Trần Hoài Dương đã xin nghỉ việc ở chỗ rất “ ngon”, lúc rất “ngon” là nhà xuất bản Trẻ. Ấy là khi anh hầu như sẽ được đề bạt lên làm tổng biên tập của nhà xuất bản Trẻ do được giám đốc Khuê và anh em trong cơ quan tín nhiệm. Vợ anh bảo : anh cứ tha hồ ngồi viết , không cần phải đi làm tám tiếng cho mệt, có mẹ thằng Quỳnh lo cho hai bố con là đủ rồi…Sướng thế mà anh lại thấy khổ, thấy bơ vơ, lại chạy trốn cả chính trị lẫn người vợ hiền để đi tìm một thế giới trẻ con, một thế giới tuyệt mỹ ? Anh là một con người không bình thường của thế giới bình thường.
Đứa trẻ con trong tâm hồn Trần Hoài Dương vẫn không chịu lớn, vẫn quyết rủ rê anh đi vào cuộc chơi trốn tìm số phận, trốn tìm nỗi bơ vơ. Trong tận cùng hạnh phúc gia đình, Trần Hoài Dương vẫn chỉ là đứa trẻ con vừa mất mẹ, lúc nào cũng tủi thân, cũng hụt hẫng, ngơ ngác, u hoài nhìn về quá khứ đầy mù sương, thăm thẳm mưa phùn, tròn vo đôi mắt vô vọng chờ mẹ về từ bên kia thế giới…
Trần Hoài Dương, một đứa trẻ con 69 tuổi đầu, trước khi bị nhồi máu cơ tim trong một đất nước bị nhồi máu cơ quan, vẫn quyết tin yêu vào một thế giới không thể tin yêu, một thế giới đang toan tính đẩy trẻ con ra khỏi cuộc chơi hồn nhiên trong sáng của chúng, bắt chúng dối trá, đạo mạo, hư đốn, vong thân ngay từ thời mẫu giáo vì phải học nhiều điều sai sự thật…Trần Hoài Dương, bằng những sáng tác chân thành phi chính trị của mình, anh mang đôi mắt cả tin, đôi mắt trẻ thơ trao cho thế giới lọc lừa này, hi vọng con người thức tỉnh, tìm thấy đứa trẻ con lương thiện vẫn còn sống sót trong tâm hồn mình, đặng còn cơ hội cho con người hoàn lương, sám hối.
Cả cuộc đời cầm bút viết cho trẻ thơ, Trần Hoài Dương sống và chết trong hội chứng trẻ con, trong hội chứng của sự hoàn thiện hoàn mỹ. Nếu gom lại những truyện ngắn chất lượng của mình thành một tuyển tập ba trăm trang, tôi nghĩ Trần Hoài Dương chắc chắn là một nhà văn lớn, vượt qua cả “ Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Văn chương phi chính trị của anh sẽ sống mãi, tiếp tục làm cuộc cách mạng “trẻ con hóa thế giới”, trả trẻ thơ về cho con người…Không có đứa trẻ con thơ ngây, cả tin trong mỗi tâm hồn con người, những người lớn phi trẻ con kia chỉ là những sinh vật dối trá. Mà sự dối trá chính là căn nguyên sẽ làm biến mất đất nước này, làm biến mất thế giới này.
 Sinh thời, Trần Hoài Dương đã mồ côi mẹ, mồ côi chân lý, mồ côi lẽ phải, mồ côi cái đẹp, mồ côi hạnh phúc, nên anh rất lo sợ phải mồ côi đất nước. Trong đám đông ồn ào cười nói, Trần Hoài Dương lại thấy bơ bơ. Trong gia đình hạnh phúc, anh càng thấy bơ vơ. Anh đau đáu một nỗi niềm chân thiện mỹ, lúc nào cũng nghĩ đến những trẻ em bất hạnh, lúc nào cũng sợ trẻ con sẽ biến mất, đất nước sẽ biến mất vào tay ngoại bang, thế giới sẽ biến mất vào tay những tiên tri giả hiện thân của ma quỷ. Anh không có khả năng sống cho mình, vì anh là một hành tinh bơ vơ từ ngoài vũ trụ đến đây xin thử làm người xem có thoát khỏi nỗi cô đơn bản thể vũ trụ ? Anh đã chọn bơ vơ để đến thế giới này và đi khỏi thế giới này trong lúc bơ vơ: sống một mình trong ngôi nhà, sống một mình trong cõi đời này. Trần Hoài Dương, anh là sinh vật cô đơn, sinh vật mồ côi do Trời Phật mang đến thế giới này để bằng ngòi bút, giúp trẻ con được sống bình yên trong mái ấm gia đình, thoát khỏi sự mồ côi, sự bơ vơ như anh từng phải sống. Văn chương anh những trang hay nhất là những trang của cái đẹp bơ vơ, của những nỗi niềm rưng rưng câu chữ, những mảnh đời trong veo như nước mắt run rẩy trước gió, những ngọn lửa run run rét buốt lẩy bẩy trong giá rét mùa đông cơ hàn con trẻ…
Nỗi bơ vơ ấy đã cướp đi hạnh phúc trần gian của anh. Trần Hoài Dương theo đảng cũng bơ vơ, theo vợ cũng bơ vơ, theo văn chương càng thấy bơ vơ. Anh đã đi theo đứa trẻ con là tâm hồn mình, chơi tiếp cuộc chơi trốn tìm với hư vô, với cái chết. Trần Hoài Dương, hình như anh chính là biểu tượng của lứa trẻ con U 70 chúng tôi : một thế hệ bơ vơ.,.
Sài Gòn ngày 12-05-2011
Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào: