29.5.11

Cuộc chiến Libya thực sự “sang trang”


Cuộc chiến Libya thực sự “sang trang”

Cập nhật lúc : 3:12 PM, 29/05/2011
(VOV) – Cuộc chiến tại Libya đã thực sự bước sang một giai đoạn mới, khi lần đầu tiên Nga lên tiếng yêu cầu nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ chức.



Bên cạnh đó, nhằm gia tăng áp lực với lực lượng của ông Gaddafi, các máy bay chiến đấu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành các vụ không kích cả ngày lẫn đêm; và lực lượng đối lập Libya tuyên bố sẽ xúc tiến bầu cử trong vòng chưa đầy 1 năm, kể từ khi Chính phủ của ông Gaddafi sụp đổ.
Ngày 27/5, phát biểu với báo giới sau Hội nghị Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8) tại Deauville, miền Nam nước Pháp, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố “cộng đồng thế giới không còn coi ông Gaddafi là nhà lãnh đạo Libya nữa”; đồng thời cho biết đã cử Đặc phái viên Mikhail Marghelov, chuyên trách quan hệ hợp tác với các nước châu Phi, kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, tới Bengazi để gặp lãnh đạo phe đối lập Libya.

Bầu trời đêm Libya rực sáng vì lửa đạn (Ảnh: AP)
Cùng với đó, nhằm gia tăng áp lực với chính quyền của ông Gaddafi, đêm 27/5 là đêm thứ 5 liên tiếp máy bay chiến đấu của NATO không kích vào các mục tiêu dân sự và quân sự ở thủ đô Tripoli. Tiếp đó, ngày 28/5, máy bay NATO tiến hành một cuộc không kích vào Tripoli và thủ đô này đã bị oanh tạc dữ dội  lúc 8h (giờ địa phương). Đài Truyền hình Nhà nước Libya dẫn nguồn tin quân sự nói rằng, cả các địa điểm dân sự và quân sự là mục tiêu của cuộc tấn công.
Trong diễn biến có liên quan, Hội đồng dân tộc chuyển tiếp, đại diện cho phe đối lập Libya tuyên bố đặt mục tiêu tiến hành cuộc bầu cử sớm nhất có thể, sau khi Chính phủ của ông Gaddafi sụp đổ.
Phát biểu với báo chí ngày 28/5 tại thành phố Bengazi, nơi được xem là thủ phủ của phe đối lập Libya hiện nay, ông Mustafa Abdul Jalil, người đứng đầu Hội đồng dân tộc chuyển tiếp khẳng định: “Chúng tôi không tìm kiếm quyền lực. Các thành viên Hội đồng dân tộc chuyển tiếp sẽ nỗ lực thực hiện lộ trình nhằm tổ chức một cuộc bầu cử, sau khi tiến hành trưng cầu ý dân về hiến pháp. Chúng tôi dự đoán cuộc bầu cử đó sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 1 năm”.

Cuộc nội chiến đã làm hàng nghìn người chết (Ảnh: AP)

Trong khi đó, một số nhà phân tích cảnh báo, Phương Tây càng can thiệp sâu vào Libya, cái giá phải trả càng cao. Giáo sư Stephen M. Walt, giảng viên quan hệ quốc tế tại Trường Hành chính Kennedy, thuộc Đại học Harvard, Mỹ cho rằng đã đến lúc liên quân quốc tế phải tự hỏi xem tiếp tục cuộc chiến sẽ có lợi cho họ hay cho người Libya, còn Mỹ cần tránh lặp lại một kịch bản tương tự như ở Iraq. Đến nay cuộc chiến Libya đã ngốn của Mỹ khoảng 750 triệu USD.
Ông Stephen nhấn mạnh, trong khi NATO và Mỹ tuyên bố can thiệp vào cuộc xung đột Libya để tránh một “thảm họa nhân đạo”, song không ai biết có xảy ra hay không và xảy ra ở quy mô nào, thay vào đó lại là cuộc nội chiến đã làm hàng nghìn người chết trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn./.


Huy Hoàng (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: