28.5.11

HIỂU SAI NÊN DỊCH SAI


HIỂU SAI NÊN DỊCH SAI

Xin thưa ngay tựa cái bài viết là của tác giả Ngũ Phương lên tiếng về chuyện bài viết “Đập Xayaburi và những con dế” của tác giả bị một “diễn đàn viên” điện báo ĐCV có nick Elle phê bình như sau:

“Một bài viết hổ lốn bằng cách copy loạn xạ rồi chêm vào mấy câu chợ búa hạ cấp. Dịch tiếng Anh thì láo toét: từ“nearly 95 percent of the Lao population eats insects” thành “thậm chí 95% người dân Lào vẫn còn phải ăn côn trùng để sống”, để thêm từ “để sống” đúng là quá thô bỉ, thiếu trung thực, định bịp độc giả à? Thất vọng toàn tập từ DCV, bài chủ lẫn diễn đàn viên chống cộng trình độ đều quá thấp, dưới mức trung bình so với dân trí các huyện nghèo ở Việt Nam”.  
Không biết tác giả Ngũ Phương có bằng tiến sĩ hay không; nhưng tư cách của ông rất đáng khâm phục trước góp ý “rất ư là chợ cá và quơ đũa cả nắm”của nick có tên Elle. Ông viết hẳn một bài để giải thích và xác nhận:“Dịch sai nguyên tác rõ ràng là không tốt, nhưng tiếc thay vẫn xảy ra khi này, khi khác. Thường vì người dịch hiểu sai nên dịch sai”.
Thế mới biết bằng cấp không làm nên nhân cách! Và cái thùng rỗng nào cũng kêu to!
Kế, tác giả nhắc lại chuyện có người không hiểu “canh gà là tiếng gà gáy lúc trời hừng sáng cũng là lúc tiếng trống điểm canh năm”, theo giải thích của giáo sư Vũ Quốc Thúc nên đã dịch mấy chữ “canh gà Thọ Xương” trong câu “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” qua Anh ngữ là “Thọ Xương chicken soup”.
Ở văn học hải ngoại thế kỷ 20, cũng có chuyện tương tự là là có ông doctor-to-be ở  miền Đông (lúc đó) dịch hai chữ “bể dâu” trong câu thơ: “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” thành hai chữ “mulberry sea”, khiến phiếm luận gia Tú Rua lúc còn sống đề nghị là nên dịch là “broken bride” và xếp hạng ông dịch giả này vào “trường phái bể dâu”, khiến nhiều người phải ôm bụng mà cười. Và ông dịch giả thì thù ông phiếm luận gia tới tận xương!
Và nhà thơ Tú Nạc, hậu duệ của tiền bối Tú Xương đã có cảm hứng làm mấy câu thơ như sau:
“Mulbeery sea” dịch “bể dâu”
Dịch mà được vậy chẳng dễ dầu
Dịch mà được vậy thì cũng giống:
“No star where” dịch “không sao đâu!”
Văn chương đã lỡ vo thành cục
Chữ nghĩa thôi đàng xoắn lại viên
Ông Tản Đà ơi, ông có biết:
Nước mất nên hồn chữ ngã nghiêng!”   
Trên đây là mấy chuyện “HIỂU SAI NÊN DỊCH SAI” thời văn học lưu vong.
Sau đây xin nói về chuyện dịch đúng, dịch sai, dịch hay, dịch dở, dịch để… chọc cười thời thế kỷ 18, 19.
*
Đặng Trần Côn, người làng Nhân Mục, tục gọi là làng Mọc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, Bắc Việt. Khi ông còn trẻ, thời Chúa Uy Nam VươngTrịnh Giang, kinh đô ban đêm cấm lửa rất ngặt. Ông ham học, phải đào hầm sâu để học đêm. Lớn lên thi đỗ, làm tri huyện Thanh Oai, Hà Đông đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Tương truyền khi ông còn trẻ, có lần nghe tiếng bà Đoàn Thị Điểm, ông có làm bài thơ, đưa đến xin ra mắt. Bà Đoàn Thị Điểm nói:
“Chữ nghĩa như thế này, thật chẳng đáng bõ công xem, nên về học thêm.”
Khi Hồng Hà nữ sĩ nói câu trên, nữ sĩ không ngờ rằng mình đã gieo vào lòng người học trò làng Mọc một mối quyết tâm. Người học trò ấy đã về ngày đêm vùi mài kinh sử, trở thành danh sĩ, trước thuật nhiều tác phẩm: Chinh phụ ngâm, Bích Câu kỳ ngộ, Tiêu tương bát cảnh, bài phú Trương Hàn, Trương Lương bố y, Khấu môn thanh
Khi Đặng Trần Côn trở lại xin ra mắt lần thứ hai với quyển Chinh phụ ngâm, Hồng Hà nữ sĩ sau khi đọc xong đã than rằng:
“Đây quả là văn tài của một bậc danh sĩ trong thiên hạ; rất tiếc bao nhiêu tinh hoa đã phát tiết ra ngoài, e rằng sớm muộn phải yểu mệnh thôi!”
Sau đấy, quả thực Đặng Trần Côn mất sớm.
Chinh phụ ngâm nguyên tác bằng Hán văn, làm theo lối Cổ nhạc phủ – Trường đoản cú – số chữ trong câu từ 3 đến mười mấy chữ, không nhất định, được mọi người ca tụng là danh tác đương thời. Đoàn Thị Điểm đã khổ dụng tài hoa của mình mà dịch sang chữ nôm với thể văn vần song thất lục bát. Cũng tài tình, độc đáo không thua gì nguyên bản nếu không muốn nói là còn có phần xuất sắc hơn.
Bốn câu mở đầu  trong nguyên tác:
Thiên điạ phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương
Hề thùy tạo nhân.
Dưới ngòi bút tài hoa của Hồng Hà nữ sĩ biến thành một khổ thơ song thất lục bát:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì đâu gây dựng cho nên nỗi này.
Quả  thực là bên nửa cân, bên tám lạng.
Vị danh sĩ của thế kỷ thứ 18, người đã để lại cho văn học sử những danh tác có giá trị muôn đời kia, khi mất, đã được an táng ở quê ông, làng Nhân Mục. Cách đây mấy năm, báo chí trong nước đã để lộ ra một điều: ngôi mộ của Nhân Mục tiên sinh có nguy cơ biến mất. Ngôi mộ nằm giữa những nơi người ta buộc trâu bò, các ao hồ dơ bẩn cho trâu bò trầm mình và không biết rồi nó sẽ sụp lỡ hồi nào. Ôi tội nghiệp cho tác giả của Chinh phụ ngâm và Bích Câu kỳ ngộ.
Ông thi sĩ lớn của thế kỷ 20 là ôngSóng Hồng, tức ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu, đã làm những câu thơ đọc lên có thể khiến người yếu bóng vía phải giật mình:
Sắt chạm sắt toé lửa
Tiếng chạm tiếng đinh tai (!!!)
Thơ như thế chắc phải xếp vào trường phái thơ xe lửa hoặc thơ thợ rèn gì đấy mới xứng đáng! Ông đại thi sĩ của trường phái thơ xe lửa có một ngôi mộ rất to trong nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Còn tác giả của mấy câu thơ tả cảnh:
Vị kiều đầu,
Thanh thủy câu
(Đặng Trần Côn, Chinh phụ ngâm)
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
(Đoàn Thị Điểm, Chinh phụ ngâm khúc)
thì chẳng biết ngôi mộ ông cho đến năm nay có còn nguyên vẹn hay không.
Cũng một kiệt tác về dịch chữ Hán sang văn vần là bài dịch Tỳ bà hành, nguyên tác của Bạch Cư Dị, sang văn vần, song thất lục bát của Phan Huy Thực. Nguyên bản Hán văn của Bạch Cư Dị làm ra trong năm Nguyên Hòa thứ 11 (816).
Tựa: năm Nguyên Hòa thứ mười, ta bị giáng ra làm chức Tư Mã ở quận Cửu Giang. Mùa Thu năm sau đi tiễn khách ở bến Bồn, giữa đêm khuya nghe tiếng đàn tỳ bà trên một chiếc thuyền, đúng là tiếng đàn ở kinh độ. Hỏi ra thì là một người ca nữ ở Trường An, thường đã học đàn tỳ bà hai thiên tài họ Mục và họ Tào. Tuổi già nhan sắc kém ủy thân làm vợ một người lái buôn. Liền bảo đặt rượu và bảo đánh vài khúc. Đánh xong mấy khúc người ấy buồn bã, tự kể chuyện vui chơi lúc thiếu thời nay lưu lạc tiều tụy nơi giang hồ. Ta ra làm quan ở ngoài đã hai năm điềm nhiên tự an. Đêm nay cảm lời nói của người ấy mới để ý đến sự giáng trích và làm bài trường ca để tặng. Bài này có 622 chữ, đặt tên là Tỳ bà hành.
Tầm dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp lộ hoa thư sắc sắc
Chủ nhân hạ mã, khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quân huyền…
Phan Huy Thực dịch:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, kẻ dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty.
Người dịch cũng tài hoa không kém. Bài có 88 câu, nhiều câu rất hay:
Đồng thị thiên nai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tăng tương thức…
Dịch:
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
Cái câu “cùng một lứa bên trời lận đận” đã trở thành câu nói quen thuộc trên cửa miệng nhiều người. Phan Huy Trực dịch Tỳ bà hành cũng tài hoa không kém Hồng Hà nữ sĩ khi dịch Chinh phụ ngâm. Lệ Thần Trần Trọng Kim cũng có dịch Tỳ bà hành, nhưng nhiều người cho rằng bản dịch của Phan Huy Thực sắc sảo hơn.
Đó là những bản dịch đặc sắc hồi thế kỷ 18, 19.
Còn đây cũng là chuyện dịch, đọc lên không thể nín cười. Cái chuyện dịch trời ơi đất hỡi này đã được cụ Phùng Tất Đắc kể lại.
Vào năm Thành Thái thứ 19, tức năm 1906, trường Sư phạm Hà Nội mới mở ra. Trường lấy những ông Cử nhân, Tú tài Hán học, hoặc những người đã đậu nhất trường, nhị trường các kỳ thi Hương để học chữ Quốc ngữ, đợi khi mãn khoá thì bổ nhiệm làm giáo viên. Chương trình học và thi có những bài toán pháp, địa dư, cách trí và chữ Nho dịch ra Quốc văn.          
Có một ông họ Hoàng, hàm tri huyện, là giáo học trường sư phạm ra đầu bài chữ nho cho thí sinh dịch.
Đầu bài lấy từ phần chính văn của sách Đại học, một trong Tứ Thư:
“Tri chỉ, nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.”Các giáo sinh đều dịch theo đúng nghĩa:
“Có biết đến cùng, sau mới định trí, định trí sau mới tĩnh, tĩnh sau mới yên, yên sau mới có thể nghĩ ngợi tinh tường, nghĩ ngợi tinh tường sau mới lĩnh hội được điều phải điều hay.”
Riêng trong số giáo sinh có ông Cử nhân Nguyễn Văn Bật, sinh vào khoảng năm 1880, quê ở Sơn Tây, ngày thường hay tỏ vẻ bất bình vì xem thường tri huyện họ Hoàng không phải là khoa bảng xuất thân nên có ý dịch khôi hài để chế nhạo:
“Người ta phải biết ăn ở cho phải chẳng thì chí hướng mới định. Muốn thế phải đến làng Tri Chỉ mà ở. Chỗ đã định rồi thì phải tìm thú vui, thứ vui không đâu bằng phố Năng Tĩnh, Nam Định. Chỗ ấy có lắm cô đầu ở. Đã có thú vui rồi mới nghĩ ngợi được mọi cơ mưu. Thí dụ như người làm quan phải nghĩ làm sao lấy được nhiều tiền. Khi đã có nhiều rồi phải có trò chơi thỏa thích như đánh tổ tôm, làm thế nào ù được nhiều, lấy vợ làm sao đẻ được nhiều con, thế mới gọi là năng đắc.”
Làng Tri Chỉ là một làng thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên, nơi sản xuất rất nhiều cô đào danh ca.
Ông tri huyện họ Hoàng xem bài dịch rất lấy làm căm tức, đưa trình hội đồng. Hội đồng gốm có Phó bảng Phạm và một số người khác. Ông Phó bảng Phạm kêu ông Cử Bật đọc bài, Cử Bật cứ thản nhiên đọc nguyên văn như trên không ngượng nghịu gì. Ai nấy đều bưng miệng cười.
Phó bảng Phạm hỏi Cử Bật:
“Nghĩa sách thầy học như vậy à?”
Cử Bật thưa:
“Bài dịch này tôi chủ ý để riêng ông huyện Hoàng xem, chứ không ngờ đến tai Hội đồng, xin ngài châm chước cho.”
Ông Phó bảng Phạm liền phạt Cử Bật không được dự thi kỳ nào nữa.
Ông Cử Bật vì dịch đùa mà đường công danh bế tắc. Còn ông Phó bảng Phạm xem ra cũng nghiêm khắc.
Cùng thời với ông Phó bảng Phạm cóPhó bảng Sắc. Phó bảng là những người đã đỗ Cử nhân, nhưng thi Tiến sĩ không trúng cách. Ông Sắc người xứ Nghệ, được bổ đi làm Tri huyện Bình Khê. Một hôm say rượu đánh chết người, bị cách. Phó bảng Sắc xấu hổ với làng nước, bỏ xứ một thân một mình lưu lạc vào tận Nam Kỳ, ngồi dạy trẻ con ở điền ông Cả Hiến, một đại điền chủ nổi tiếng miệt Cao Lãnh. Giàu có nứt đố, đổ vách mà tánh thì mê đá gà. Ông Cả Hiến là bố vợ của ông Diệp Văn Kỳ, chủ báo Đông Pháp. Như vậy ông là sui gia với Thiện Niệm Công chúa, mẹ của ông Diệp văn Kỳ. Thấy Phó bảng Sắc có ít chữ nghĩa, Cả Hiến đem về làm gia sư trong nhà, khi Phó bảng Sắc chết, được ông Cả Hiến ma chay cẩn thận, chôn trong điền của mình.
Phó bảng Sắc có người con trai, đến năm 55 tuổi, ông con trai ông Phó bảng Sắc dám bố láo xưng “Bác” với tất cả mọi người già, trẻ, lớn, bé của nước Việt Nam. Vì anh ta xưng “Bác” như vậy suốt hai mươi bốn năm, cho tới năm Kỷ Dậu 1969, anh ta mới… hai năm mươi! Đám lâu la của anh ta mới vơ vét máu xương của dân mà xây cho anh ta một cái nhà mồ rất lớn ở Hà Nội.
Con trai ông Phó bảng Sắc cũng có dịch một số thơ hoặc văn tự chữ Hán ra tiếng Việt. Đọc lên còn tức cười hơn đoạn văn dịch của ông Cử Bật. Có điều ông Cử Bật cố ý dịch đùa để chọc cười thiên hạ, còn mấy cái thơ văn bá láp của con trai ông Phó bảng Sắc lại được đem ra bắt cả nước học mới là khổ khổ.
Chừng nào hết cái họa cộng sản về được trong nước, bà con sẽ góp tiền xây cho Nhân Mục tiên sinh một ngôi mộ coi đỡ đỡ một chút. Tiên sinh ráng chờ. Chứ bây giờ thì nhà nước còn phải bỏ tiền muôn bạc triệu để trị nấm mốc cho cái xác ướp của anh con trai của ông Phó bảng Sắc, đâu có tiền mà xây lại ngôi mộ cho ông tác giả Chinh phụ ngâm. Nhân Mục tiên sinh hãy gắng mà chờ vậy!
LÃO MÓC

Không có nhận xét nào: