29.5.11

Lịch sử không có quy trình “tất yếu”


Lịch sử không có quy trình “tất yếu”

Đoàn Hưng Quốc
Giấc mơ của các nhà nghiên cứu chính trị và xã hội là nhìn thấy được hướng tiến của lịch sử nhưng cho đến giờ này các kết quả đều không khả quan. Hai thí dụ điển hình trong quá khứ gồm có:
  1. Lời tiên đoán rằng thế giới tất yếu sẽ tiến từ tư bản lên cộng sản. Nhưng đến cuối thế kỷ thứ 20 thì mô hình kinh tế chỉ huy và chủ nghĩa Mác Xít không còn sức hấp dẫn nửa trong lúc thị trường tự do và quyền tư hữu được chấp nhận tại hầu hết mọi quốc gia.
  1. Mạng lưới Internet và mậu dịch toàn cầu tất yếu sẽ mang đến dân chủ tự do cho toàn thế giới. Còn quá sớm để kết luận nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế và đà suy thoái của Âu-Mỹ cùng sự trổi dậy và củng cố quyền hành của nhà cầm quyền tại các nước đang phát triển thì mô hình xã hội Tây Phương không có gi bảo đảm sẽ lan rộng trong những năm sắp tới
Dĩ nhiên xã hội có những động lực thúc đẩy thay đổi giống như máy xăng đẩy xe hơi chạy tới nhưng điều này không đồng nghĩa với điểm đến đã được quyết định. Giống như không có tài xế giỏi thì xe hết xăng, hoặc rơi xuống hố, hay đi vòng vo lạc đường!
Trong thập niên đầu của thế kỷ 21 có thêm hai quan điểm mới về bước tiến của nhân loại:
  1. Cách Mạng Hoa Lài cho thấy tự do thông tin tất yếu sẽ mang lại dân chủ cho các nước đang mở mang: nhưng thật tình mà nói đến giờ này không ai tiên liệu được những xáo trộn tại Trung Đông rồi sẽ mang lại tự do và thịnh vượng, hay độc tài đa số, hoặc khung cảnh chính trị bấp bênh trong 5, 10, 20 năm tới đây.
  1. Nhiều nước đang mở mang hiện trải qua thời kỳ “tư bản hoang dại” nhưng với đà phát triển của thông tin và sự thành hình của giới trung lưu tất yếu sẽ tiến lên xã hội dân sự pháp trị. Tiêu biểu cho lập trường này là lời tiên đoán suốt từ 30 năm nay rằng nền kinh tế và nhà nước Trung Quốc sẽ sụp đổ; ngưọc lại họ chẳng những vững vàng qua hai cuộc khủng hoảng lớn 1998 (Đông Á) và 2007 (Âu-Mỹ) mà còn thăng tiến đến mức chóng mặt.
Do vây đây là những hy vọng thay vì tiên đoán lịch sử. Người viết xin tạm so sánh với hai cái nhìn từ Marx và Lenin: nếu Marx cho rằng tôn giáo là liều thuốc ru ngủ giai cấp bị trị cũng chẳng khác gì các ước mong về hướng tất yếu của lịch sử là thang thuốc an thần cho giới trí thức tư sản để …. không làm gì cả. Lenin quan niệm phải có sự thúc đẩy tích cực mới đạt đến mục tiêu, cũng giống như động lực của xã hội cần được điều hướng và phát huy mới mang lại kết quả như ý.
Giáo dục quần chúng về những trào lưu của thời đại là cần thiết, nhưng chính hành động này cho thấy cần đến các nổ lực và hy sinh phi thường mới thúc đẩy được sự tiến bộ. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, sinh viên Nguyễn Tuấn Anh, luật sư Lê Thị Công Nhân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn,  Khối 8409 là những thể hiện cần thiết và can đảm đó.
Người viết xin kết luận bằng một câu truyện vui ý nghĩa. Hai người Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo cùng đi xem vô địch quyền anh. Một đấu thủ làm dấu thánh giá trước khi trận đấu mở màng: Người Do Thái hỏi:
-       Ông ta làm gì vậy?
-       Xin Chúa giúp thắng cuộc
-       Vậy Chúa có giúp ông không?
-       Nếu ông lên võ đài không đánh liều mạng thì Chúa cũng chẳng giúp!
Nói theo Á Đông là phải cố gắng hết sức mình trước rồi mới biết ý trời – Tận nhân lực, tri thiên mệnh.

Không có nhận xét nào: