30.5.11

RFI Điểm Báo 29.05.2011


RFI Điểm Báo 29.05.2011

  • Tứ Xuyên ba năm sau động đất: Hậu quả tâm lý còn khá nặng nề 
  • Lợi ích” của thảm họa đối với quân đội Nhật Bản
  • Quan hệ láng giềng được cải thiện nhờ thảm họa 
  • Bắc Kinh tiếp tục đau đầu về tự do tôn giáo
  • Tổng thống Mỹ xác định chính sách ngoại giao mới 
  • Mỹ ủng hộ cả Israel và Palestine
  • Báo chí Mỹ phê phán sự xuống dốc của chính giới Pháp 
  • Nước Pháp không có « thói quen » xét xử lãnh đạo
  • Trang nhất các tạp chí Pháp : Ưu tiên cho chủ đề Dominique Strauss-Kahn
Chủ nhật 29 Tháng Năm 2011
Tứ Xuyên ba năm sau động đất: Hậu quả tâm lý còn khá nặng nề
Ba năm sau trận động đất kinh hoàng tại tỉnh Tứ Xuyên, chính phủ Trung Quốc đã tập trung đổ tiền xây dựng lại những khu bị hư hại. Thế nhưng, sự hỗ trợ về mặt tâm lí cho nạn nhân còn nhiều thiếu thốn. Đó là ghi nhận của tạp chí Tài Kinh tại Bắc Kinh được Courrier International dẫn lại với dòng tựa “Ba năm sau động đất, Tứ Xuyên vẫn còn trong đau khổ”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (giữa) đi thăm vùng bị động đất ở Tứ Xuyên, ngày 29/06/2008 (Reuters)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (giữa) đi thăm vùng bị động đất ở Tứ Xuyên, ngày 29/06/2008 (Reuters)
Để minh chứng cho hậu quả nặng nề của trận động đất kinh hoàng hồi năm 2008, tờ báo đưa ra những số liệu ấn tượng: 2/3 trong số 230 phụ nữ có con chết do động đất bị chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD). Còn trên tổng thể, có đến 90% số người được khám có vấn đề về tâm lí, và 20% bị chứng PTSD. Trận động đất nói trên ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu người, 90 000 người chết và mất tích. Như vậy, trong số này, phải có đến 2 triệu người bị PTSD.
Tại huyện Bắc Xuyên (Tứ Xuyên), Bắc Kinh đã cho tiến hành ba cuộc điều tra dịch tễ học. Kết quả cho thấy, 14 tháng sau động đất, tỷ lệ người bị PTSD vẫn còn cao. Đặc biệt, cuộc điều tra hồi cuối năm 2010 cho biết tình hình được cải thiện rất chậm. Theo một chuyên gia công tác tại Viện Tâm lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, theo mức độ bình quân trên thế giới, một năm sau thảm họa, tỷ lệ người bị PTSD dao động từ 8 đến 12%, rồi tiếp tục giảm sau đó. Còn ở Bắc Xuyên, ba năm sau động đất, con số này vẫn ở mức 10%.
Nếu tâm lý của người dân vẫn chưa được phục hồi, thì công tác khắc phục vật chất lại được tiến hành nhanh chóng. Tất cả trong vùng thảm họa hình như đã được xây dựng mới. Trường Trung học Bắc Xuyên, nơi mà thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 thầy trò, đã được đầu tư đến 200 triệu nhân dân tệ (21 triệu euro) cho việc tái thiết. Một khu ký túc xá trị giá 30 triệu nhân dân tệ đã được xây dựng. Thêm vào đó là hai sân điền kinh và một căng tin hiện đại.
Như vậy, ở đây, có sự chênh lệch giữa sự khắc phục thiệt hại vật chất và khắc phục tổn thương tâm lý.
Sau động đất, có đến 30 000 tình nguyện viên đến hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân. Tuy thế, nhiều người có chuyên môn quá tệ. Đáng lên án hơn nữa là có nhiều tổ chức cử hàng loạt cán bộ nhân viên xuống địa bàn lấy tư liệu để … viết luận án luận văn! Các cuộc điều tra thực địa như thế liên tiếp diễn ra, đã vô tình khơi lại vết thương lòng nơi người bị nạn.
Trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương lại không có chính sách hỗ trợ cần và đủ cho các thiện nguyện viên tâm lý. Và thế là họ phải tự tìm nguồn tài trợ. Ngay cả khi có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thì công tác hỗ trợ cũng gặp khó khăn, như việc tập hợp những phụ nữ bị mất con trong thảm họa, có người cho rằng tập hợp như vậy là “một yếu tố bất ổn tiềm ẩn”.
Lợi ích” của thảm họa đối với quân đội Nhật Bản
Courrier International dành mục Từ chọn trong tuần cho Nhật Bản. Tờ báo này nhận định : Thảm họa đã kéo theo nhiều thay đổi đáng chú ý, nhất là những thay đổi trong giới hạn đối với quân đội Nhật Bản.
Sau thảm họa động đất, quân đội Nhật Bản đã được triển khai rầm rộ ở hầu hết các vùng bị thiên tai, đến mức mà người ta có cảm giác là nơi xẩy ra thảm họa là một bãi chiến trường chứ không phải là khu vực vừa bị động đât. Thảm họa đã đẩy quân đội Nhật Bản đến bờ « được tôn trọng”, khiến cho các lực lượng tự vệ nước này có được tính hợp pháp, bởi Hiến pháp nước này qui định Nhật không được có quân đội.
Trong tình hình cấp bách, chính phủ Tokyo đã cho huy động nguồn lực quốc phòng và triển khai quân nhân trên hầu khắp các vùng thảm họa. Nếu trong điều kiện bình thường, các nước láng giềng đã phản ứng dữ dội. Thế nhưng, thảm họa liên tiếp ở Nhật Bản, nhất là thảm họa hạt nhân, đã xua tan căng thẳng. Chuyến thăm Nhật của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có mục tiêu là tiến hành thành lập mặt trận chống nguy cơ hạt nhân chung. Tình hình êm đẹp đến mức người ta ngỡ rằng các tranh chấp lãnh thổ giữa họ đã biến mất, như thể là những vết thương mà nước Nhật gây ra hồi những năm 1940 đã lành hẳn.
Như vậy, theo tác giả, “Cơn bỉ cực” 11/3 vừa qua ở Nhật Bản dường như đã đưa quan hệ giữa nước này với các nước láng giềng đến “hồi thái lai”.
Quan hệ láng giềng được cải thiện nhờ thảm họa
Có chung cách nhìn nhận sự việc, Courrier International dẫn lại bài viết của nhật báo Mainichi Nhật Bản với hàng tựa “Biết đón nhận sự giúp đỡ”.
Thảm họa vừa rồi làm sống dậy nỗi đau mà người Nhật phải gánh chịu trong thế chiến thứ hai. Người bị nạn bây giờ đang cố hết sức để bám víu vào cuộc sống. Hiện tại, không ai biết được cần đến bao lâu để khôi phục kinh tế và xã hội. Nhất là ở vùng xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima, không ai chắc được đến bao giờ cuộc sống có thể được hồi phục như trước kia.
Nước Nhật sau thảm họa sẽ phải có sự thay đổi căn cơ. Những tiền đề của sự thay đổi đã hiển hiện, như việc Nhật Bản chấp nhận sự giúp đỡ của các nước châu Á. Đây là lần đầu tiên nước Nhật làm như vậy. Một chiến dịch mang tên “Chúng ta hãy cứu nước Nhật’ đã được phát động trên toàn khu vực. Tác giả nhấn mạnh, dù nước Nhật đã gây nhiều mất mát cho các quốc gia láng giềng trong thế chiến thư hai, thế nhưng, khi nước Nhật đối mặt với thảm họa như vừa rồi, lại được sự giúp đỡ lớn lao và sự đoàn kết chưa từng thấy từ các nước láng giềng.
Nhật Bản nên tranh thủ cơ hội này để tăng cường hợp tác với các nước châu Á nhằm xây dựng một “nước Nhật mới”, trong khi mà tình hình tại châu Á đang rất thuận lợi cho mỹ ý này. Chẳng hạn như Hàn Quốc, nước có đến 21 lò hạt nhân, cũng đang kiếm tìm nguồn năng lượng thay thế. Nước này cũng rất nghèo tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản. Vì thế, cơ hội hai nước xích lại gần nhau là rất lớn.
Bắc Kinh tiếp tục đau đầu về tự do tôn giáo
Le Nouvel Observateur nhắc lại việc thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc tăng cường đàn áp, bắt bớ tín đồ Thủ Vọng. Tại sao chính quyền lại quan ngại giáo hội Thủ Vọng như thế ? Le Nouvel Observateur tìm cách giải đáp câu hỏi này.
Theo tờ báo, Thủ Vọng đã được những người khởi xướng tại Trung Quốc phát triển thành một « đạo Thiên Chúa dấn thân », họ ủng hộ sự tách biệt giữa chính trị và tôn giáo, thế nhưng, họ tìm cách theo tín ngưỡng trong cuộc sống gia đình, trong nghề nghiệp và trong xã hội.
Mấy năm gần đây, phong trào bảo vệ dân quyền diễn ra mạnh mẻ và giữ vai trò trung tâm trong xã hội dân sự Trung Quốc. Giáo hội dấn thân trên cũng tham gia vào phong trào này. Nên nhớ rằng, phân nửa các luật sư can đảm đấu tranh bảo vệ dân quyền là những tín đồ mới nhập đạo gần đây. Chính trong khái niệm tình yêu thương mà họ đã tìm thấy nghị lực và lí tưởng cho hành động. Một tín đồ Tin Lành nổi tiếng trong phong trào bảo vệ dân quyền cho biết : « Chúng tôi muốn mang đến cho xã hội đầy thù hằn này một mô hình phát triển dựa trên tình yêu và sự tha thứ ». Le Nouvel Obervateur nhấn mạnh, đó cũng chính là điều mà tín đồ Thủ Vọng tin tưởng và sẵn sàn đấu tranh đến hơi thở cuối cùng.
Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, đại diện của nhiều giáo hội Thiên chúa giáo không chính thức tại Trung Quốc đã gửi kiến nghị lên Quốc hội yêu cầu chính quyền chấm dứt sách nhiễu và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc. Trong bối cảnh « tế nhị » đó, thật không lạ gì khi chính phủ Trung Quốc nghi ngại các phong trào này có âm mưu lật đổ chế độ.
Tổng thống Mỹ xác định chính sách ngoại giao mới
Hôm 19/5 vừa qua, tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài diễn văn đọc tại Washington đề cập đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong tình hình thế giới đầy biến động. Tạp chí L’Express dành mục thời luận phân tích chủ đề này với bài chạy tựa « Ông Obama chấp nhận mọi nguy cơ khi khẳng định thiện ý của mình ».
Hai năm sau bài phát biểu tại thủ đô Cairo (Ai Cập), ba tuần sau cái chết của Ben Laden, tổng thống Obama muốn tạo ra một bước ngoặc trong chính sách của Hoa Kỳ đối với vùng Địa Trung Hải và Vùng Vịnh. Vì thế ông đã nhấn mạnh quyết tâm « hợp lý hóa » chiến lược của Mỹ.
Tờ báo nhận định, đây là một sự điều chỉnh cần thiết và đúng lúc. Khi bất ổn chính trị đến với Ai Cập và Tunisia, Washington xem xét từng trường hợp và có những lập trường thay đổi tùy nơi và tùy nước.
Để giải thích những « khúc quanh » này, hiện tại, Obama xác định rõ một lập trường, đó là chấp nhận lệnh trừng phạt dành cho ông Bachar el-Assad, là sự phong tỏa tài sản của những người thân cận nhà lãnh đạo Syria, đó là thông báo một kế hoạch thân phương Đông với mục tiêu là xóa mờ đi những cư xử tiền hậu bất nhất của Washington và trả lại vị thế năng động cho nước Mỹ; đó là việc dành ưu tiên cho Ai Cập và Tunisia, hai nước vừa lật đổ hai nhà độc tài và còn nhiều khó khăn trong vấn đề cải tổ sắp tới.
Mỹ ủng hộ cả Israel và Palestine
Trên hồ sơ Palestine-Israel, ông Obama tuyên bố sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel là bất di bất dịch. Trong khi đó, ông cũng khẳng định lập trường ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo đường ranh giới năm 1967. Tuy nhiên, tổng thống Obama đã bác bỏ dự định của ông Mahmoud Abbas về việc đơn phương yêu cầu Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công nhận nhà nước Palestine vào tháng chín tới.
Với tuyên bố này, tổng thống Obama đã tạo ra một đột phá dù chưa có giải pháp cụ thể. Ông cũng đã nhận về mình mọi sự bất mãn. Israel và Palestine khai thác thái độ này để tấn công đối phương. Israel cho rằng ông Obama đã làm thay họ trong việc vận động Palestine từ bỏ ý định vào tháng chín vừa nêu trên tại Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, Palestine muốn tận dụng những lời hứa của Mỹ về việc chấp nhận ranh giới 1967 để dồn Israel vào gốc tường.
Như vậy, tổng thống Obama đã chấp nhận gánh lấy nguy cơ và những bất mãn của các bên về phía mình. L’Express nhận đinh : « Kết quả là tổng thống Mỹ đã không còn ở thế trọng tài, mà đã rơi vào vị trí của một vật hy sinh đầy lý tưởng ».
Báo chí Mỹ phê phán sự xuống dốc của chính giới Pháp
Từ khi vụ việc ông Dominique Strauss-Kahn (DSK) xẩy ra đến nay, báo chí Pháp và thế giới đã tốn nhiều giấy mực để khai thác chủ đề này với nhiều góc nhìn khác nhau. Courrier International giới thiệu đến độc giả góc nhìn của một số tờ báo lớn của Mỹ.
Với dòng tựa « Nước Pháp không còn giới lãnh đạo xứng đáng », Courrier International dẫn lại quan điểm của tạp chí Weerly Standard- Hoa Kỳ.
Theo tờ báo, sự việc ông DSK mang tính biểu trưng cao và cho thấy một thực trạng ở Pháp : Chính giới Pháp bị lún sâu vào các xì căng đan. Khi người dân Ả Rập xuống đường biểu tình phản đối bất công, thì bà Alliot Marie, bộ trưởng Ngoại giao Pháp lại nhận những món quà không đúng lúc của chính phủ bị phế truất Tunisia. Còn thủ tướng Francois Fillon cũng đã được tổng thống bị lật đổ Moubarak tiếp đón trọng thị tại Ai Cập. Ứng viên của Pháp để kế nhiệm ông DSK tại IMF là đương kiêm bộ trưởng kinh tế bà Christine Lagarde, cũng đang dính vào một vụ rắc rối tư pháp trong nước.
Weekly Standard kết luận : « Tội của DSK là một lỗi lầm cá nhân, nhưng ở đó cũng cần nhìn thấy sự sụp đổ của một tầng lớp lãnh đạo xã hội tại Pháp ».
Nước Pháp không có « thói quen » xét xử lãnh đạo
Chia sẻ quan điểm này, tờ New York Times cũng nhắc lại sự kiện nhiều quan chức cấp cao của Pháp bị phạm tội, nhưng rồi mọi việc cũng đâu vào đấy. Như việc ông Alain Juppé chẳng hạn. Ông này từng là thủ tướng và từng bị buộc tội tham nhũng, bị kết án 18 tháng tù treo và 10 năm cấm tham gia tranh cử. Thế nhưng, hiện tại, ông Juppé là bộ trưởng Ngoại giao Pháp, đại diện cho nước Pháp đi giao du trên toàn thế giới.
Cựu tổng thống Jacques Chirac cũng bị dính vào xì căng đan. Khi làm tổng thống, ông được hưởng qui chế đặc cách miễn trách nhiệm tư pháp. Thế nhưng, đến hiện tại, mọi nỗ lực đưa ông ra tòa trả lại công bằng trước vành móng ngựa hình như đã thất bại.
Cuối cùng, tác giả mỉa mai : « Tôi chắc rằng, dù ông DSK có bị kết án và bị bỏ tù đi chăng nữa, thì một ngày kia ông cũng sẽ trở về nước Pháp, và sẽ trở thành bộ trưởng, mà cũng có thể là bộ trưởng đặc trách về công tác phụ nữ ».
Cũng trên hồ sơ DSK, nhật báo Los Angeles Times mạnh miệng hơn khi cho rằng, vụ ông DSK, bị cáo buộc xâm hại tình dục đối với một phụ nữ làm công da màu, khiến người ta ngỡ đó thời kỳ nô lệ xa xưa vậy.
Trang nhất các tạp chí Pháp : Ưu tiên cho chủ đề Dominique Strauss-Kahn
Trang nhất Le Figaro chạy ảnh ông DSK đang lấy tay che miệng ra dấu im lặng với dòng tít lớn «Tại sao họ không nói gì ? ». Tờ báo phân tích sự khai thác hạn chế về chủ đề DSK trên các phương tiện thông tin đại chúng Pháp. Đặc biệt, tờ báo ghi nhận ý kiến trên của người Pháp trên mạng, theo đó đa số ý kiến cho rằng ông DSK đã bị giăng bẫy.
Tạo chí L’Express dành đến 32 trang cho chủ đề DSK. Với dòng tựa “Điều tiết lộ từ vụ DSK” đăng trên trang nhất cùng với bức ảnh DSK, tờ báo này có những thông tin và phân tích chi tiết về vụ án tại New York, về ảnh hưởng của nó lên tình hình chính trị ở Pháp.
Tuần san Le Nouvel Observateur dành một hồ sơ đặc biệt 20 trang để phân tích vụ án DSK. Tờ báo cũng cho biết, tai họa của ông DSK đã vô tình có lợi cho ông Francois Hollande trong cuộc chạy đua vào điện L’Elysée trong năm tới.
Le Monde giới thiệu quyển sách viết về bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (Pháp). Theo tờ báo, bà Le Pen đã thay cha lãnh đạo đảng, thế nhưng tình cảnh của đảng này đến hiện tại có vẻ như « bình mới rượu cũ ».
Trang nhất Courrier International dành ưu tiên phản ánh tình hình biểu tình của người dân ở Tây Ban Nha vừa qua. Tờ báo ghi nhận quan điểm của một số chuyên gia phân tích tỏ ra nghi ngờ về sự ảnh hưởng thật sự của phong trào này, nhất là do thiếu một lãnh tụ thật sự.

Không có nhận xét nào: