20.5.11

Trung Quốc dân chủ hóa được hay không?


Trung Quốc dân chủ hóa được hay không?

Tuần trước, mục này đã nhắc đến cuộc thảo luận (gọi là tọa đàm) ở Hà Nội nói đến nhu cầu đổi mới chính trị tại Việt Nam, vì nếu không thay đổi chính trị thì kinh tế sẽ không tiến được.

Tất cả những lời phát biểu (được đưa lên một mạng của đảng Cộng Sản)quanh đi quẩn lại chỉ tóm lược các ý kiến mà ông Ôn Gia Bảo đã nói công khai ở bên Tầu, từ tháng 8 năm ngoái tới tháng 3 năm nay.
Một điểm “nổi bật” trong cuộc tọa đàm này chính là những lời không được nói tới, ít nhất là không được tường thuật! Các diễn giả chỉ nói rất hùng hồn đến việc “đổi mới chính trị” một cách chung chung, nhưng không thấy ai dám đả động đến những chữ “dân chủ hóa.” Ðiều đó cũng có thể đoán trước được; vì chính ông Ôn Gia Bảo cũng vẫn tránh không nhắc đến ba chữ kỵ húy này khi nói chuyện với đồng bào của ông. Chỉ có ông Ngô Bang Quốc, khi nói ngược lại, thì trình bày những điều rất cụ thể, thí dụ, ông nói Trung Quốc không thể chấp nhận chế độ đa đảng tranh cử, cũng không chấp nhận bầu lên một Quốc Hội giống như các nước tây phương.
Trước đây Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu đổi mới kinh tế sau khi Ðặng Tiểu Bình đã thí nghiệm bên Tầu. Bây giờ nghe bên Bắc Kinh người ta nói đến “đổi mới chính trị,” ở nước ta cũng lập lại giống hệt!
Nhưng liệu Cộng Sản Trung Quốc có thể thực hiện được việc thay đổi về chính trị hay không? Có thể trả lời ngay, việc dân chủ hóa nước Trung Hoa sẽ vô cùng khó khăn. Vì họ sẽ gặp rất nhiều chướng ngại xuất phát ngay trong nội bộ. Trong 30 năm thay đổi kinh tế, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã gieo mầm và nuôi dưỡng những thế lực bảo thủ chống lại mọi thay đổi chính trị. Họ nằm trong các doanh nghiệp nhà nuớc và thế lực của họ hiện nay càng ngày càng mạnh hơn! Ông Tập Cận Ðình lên làm tổng bí thư, dù có muốn cũng khó lòng dân chủ hóa nước Trung Hoa.
Khi ông Ôn Gia Bảo báo động vào tháng 8 năm ngoái rằng Trung Quốc phải thay đổi về chính trị thì mới giữ được các thành quả do cải tổ kinh tế mang lại, người ngoài có thể rất ngạc nhiên. Nhưng các người theo dõi tình trạng kinh tế ở Trung Quốc thì biết rằng ông đang nói một nhu cầu khẩn thiết. Nhìn từ bên ngoài, kinh tế Trung Quốc đang phát triển gần 10% một năm, không có nhu cầu thúc bách nào bắt phải thay đổi. Nhưng nhìn rõ hơn vào tình trạng kinh tế Trung Quốc, thì người ta thấy chứa đầy mâu thuẫn nội tại, không thể giải quyết được nếu không thay đổi cơ chế. Ông Ôn Gia Bảo đã nói đến nhu cầu đặt ra những giới hạn trên quyền lực của những người đang cầm quyền như chính ông ta, nói đến nhu cầu phải để cho người dân được phê phán, được phát biểu ý kiến, và được bầu những người đại diện đích thực cho quyền lợi của họ lên nắm quyền. Nói cách khác, là phải dân chủ hóa.
Giới lãnh đạo như ông Ôn Gia Bảo biết đang có một mối mâu thuẫn ngày càng gay gắt là quyền lợi xung khắc giữa các doanh nhân ngoài đảng và những người nắm guồng máy kinh tế trong đảng. Như Giáo Sư Hoàng Á Sinh thuộc Ðại Học MIT thường nêu lên, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong thập niên 1980 chính là nhờ giới tư doanh, nhưng sau vụ tàn sát ở Thiên An Môn, Cộng Sản Trung Hoa đã chuyển trục, lo củng cố các doanh nghiệp nhà nước và bỏ rơi, phải nói là kỳ thị các xí nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp nhà nuớc ngày càng lớn, lại được đảng Cộng Sản ưu đãi bằng cách cho vay tiền dễ dãi với lãi suất nhẹ. Trong khi đó, các xí nghiệp tư nhân phải đi vay trong một hệ thống “ngân hàng không chính thức” với lãi suất cắt cổ, cao gấp 10 lần lãi suất mà các doanh nghiệp nhà nuớc phải trả. Trong ba năm qua, đảng Cộng Sản lại bơm thêm tiền kích thích kinh tế, đi qua các doanh nghiệp nhà nuớc, tức là nuôi béo những thế lực bảo thủ nhất và kém hiệu năng nhất trong nền kinh tế. Các xí nghiệp tư rất năng động, thì đã bị bỏ rơi từ hai chục năm nay, nhưng vẫn cố tiến lên.
Một hình ảnh tiêu biểu cho tình trạng các xí nghiệp tư là thành phố Ôn Châu trong tỉnh Chiết Giang, với gần 8 triệu dân nhưng đã có 300 ngàn xí nghiệp nhỏ và trung (MSE). Trước đây Ôn Châu chỉ là một làng đánh cá, khi cả vùng này bị đảng Cộng Sản bỏ rơi vì ở bờ biển với núi non bao bọc, rất dễ bị quân đội Trung Hoa Quốc Gia tấn công. Ngay cả khi Ðặng Tiểu Bình cải tổ kinh tế, vùng này vẫn tiếp tục bị bỏ rơi. Chính người dân ở đây đã đứng ra mở mang kinh doanh và làm giầu. Ôn Châu đã trở thành thủ đô của nghề sản xuất máy lửa (hộp quẹt máy), chiếm 70% thị trường thế giới. Ôn Châu sản xuất 20% số giầy dép cho hơn một tỷ dân ở Trung Quốc, mỗi ngày làm ra 40,000 đôi giầy, tức là mỗi giây đồng hồ một đôi.
Một người đã đóng góp vào việc biến Ôn Châu thành thủ đô giầy dép ở Trung Quốc là Lý Viên Niên, bắt đầu kinh doanh năm 1988, với số vốn do thân nhân cung cấp. Năm 1988 là lần đầu tiên Cộng Sản Trung Quốc chính thức công nhận các xí nghiệp tư có từ 8 công nhân trở lên, cho nên hầu hết các công ty tư đều được lập năm đó, mặc dù trước kia họ đã làm chui rồi! (Tại sao Bộ Chính Trị chọn con số 8 làm giới hạn? Vì Karl Marx đã viết rằng khi số công nhân lên trên 8 người thì bắt đầu sản xuất theo lối tư bản chủ nghĩa. Ông Marx viết cái đó hồi thế kỷ 19!) Năm 2007, công ty Cự Nhất (Juyi) của ông Lý đã có 3,600 công nhân và sản xuất 10 triệu đôi giầy, bán trong nước và xuất cảng sang Âu Châu.
Một doanh nhân khác tên Nam Tồn Huy (Nan Cunhui) bắt đầu sự nghiệp với nghề vá giầy, sau vay tiền bà con và rủ bạn bè, ban đêm làm thêm việc chế tạo cái chốt để bật đèn, với những đồ phế thải. Từ đó, anh lập ra công ty sản xuất đồ điện đặt tên là Chính Thái, Chint. Ðến năm 2008, theo nhật báo Financial Times, số bán của công ty Chính Thái lên tới 2 tỷ 300 triệu đô la Mỹ, trở thành công ty sản xuất đồ điện lớn nhất ở Trung Quốc.
Khi Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã quyết định thay đổi cương lĩnh để thu nhận các nhà tư bản, họ đã nhắm đến chính các nhà tư bản như ở Ôn Châu này. Năm 2007, trong số 300 ngàn xí nghiệp tư đã có gần 4,000 thành lập chi bộ đảng Cộng Sản. Trong phòng hội của công ty Cự Nhất đã treo hình của các lãnh tụ Marx, Engels, Lenin, Stalin, Mao, và Ðặng Tiểu Bình. Công ty Chint thì được ghi công là xí nghiệp tư đầu tiên đã thành lập một chi bộ đảng Cộng Sản, mặc dầu chủ nhân Nam Tồn Huy chưa được gia nhập đảng!
Một doanh nhân khác ở Ôn Châu mà tuần báo Economist kể chuyện, đã bỏ học năm 16 tuổi, vay mượn được 360 đồng nguyên, mua hai cái máy làm mì sợi, rồi mua cái vé xe lửa đem máy đi bán ở một tỉnh trong lục địa, được 480 nguyên. Sau 6 tháng nhiều người bắt chước, anh đổi sang nghề buôn khuy áo, rồi buôn đồ phế thải để chế ra khuy áo, rồi buôn tới máy móc để chế plastic làm khuy. Năm nay anh đang ở Hồng Kông, chuyển sang loại máy móc làm plastic cho các loại đèn LED.
Cuộc khủng hoảng tài chánh đưa tới suy thoái kinh tế ở Mỹ năm 2007, 08 đã lan khắp thế giới, ảnh hưởng tới Ôn Châu và các doanh nghiệp tư ở Trung Quốc. Chủ tịch Hội các Doanh nghiệp cỡ trung và nhỏ tại Ôn Châu, ông Chu Ðức Văn (Zhou Dewen) cho biết trong năm 2010 mức lời của các công ty này xuống tới số không! Những nhà tư bản mới ở Ôn Châu tất nhiên biết tìm cách đem tiền đi đầu tư nơi khác. Họ đã đổ tiền vào địa ốc, họ đã lập ra các quỹ đầu tư như ở Mỹ, góp vốn vào công nghê thông tin, vào mỏ than, vân vân.
Theo phòng thương mại tỉnh ủy Chiết Giang cho biết thì 90% trong số 43 triệu xí nghiệp trong cả nước Trung Hoa là các xí nghiệp tư. Những doanh nghiệp tư này sử dụng 92% số công nhân toàn quốc. Nhưng giới tư doanh ở Trung Quốc vẫn bị gạt ra ngoài hệ thống ngân hàng của nhà nước, họ phải đi vay với lãi suất cắt cổ. Theo Trung Quốc Nhật báo ở Bắc Kinh thì 57% các xí nghiệp và 89% dân chúng Ôn Châu đều đi vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng của nhà nước. Lãi suất họ trả thường là 40% đến 80% một năm; có khi lên tới 10% trong 30 ngày (214% một năm) như tờ Economist kể, trong khi các doanh nghiệp nhà nuớc chỉ trả 6% hay 8%. Nhưng hệ thống “tín dụng chui” này sẽ giảm hiệu lực khi các cuộc kinh doanh phát triển cao hơn.
Chính sách kinh tế của đảng Cộng Sản Trung Quốc ưu đãi các doanh nghiệp nhà nuớc, là bộ phận kém hiệu năng, và bỏ mặc cho giới tư doanh xoay trở lấy, mà các xí nghiệp tư thì chạy với công suất cao hơn. Tình trạng kỳ thị, phân biệt này sẽ đưa tới kinh tế trì trệ. Ðảng Cộng Sản vẫn chưa cải tổ được hệ thống ngân hàng, vì các thế lực chống đối trong đảng còn quá mạnh. Các doanh nghiệp nhà nuớc đã trở thành một đảng riêng trong đảng Cộng Sản. Họ liên hệ với nhau qua hệ thống đảng. Họ có tiền để vận động các ủy viên Trung Ương Ðảng và cả Bộ Chính Trị để bảo vệ quyền lợi của họ. Chính họ sẽ bảo vệ chính sách hiện nay, là ưu đãi quốc doanh, kỳ thị tư doanh! Nhưng chính sách đó chắc chắn sẽ đưa tới trì trệ kinh tế. Ðó chính là mối lo lớn đằng sau những lời tuyên bố muốn thay đổi chính trị của ông Ôn Gia Bảo! Nhưng ông khó có thể cải tổ chính trị, vì đụng chạm quyền lợi những người có thế mạnh nhất trong đảng.
Nếu Trung Quốc cải tổ chính trị, thì một Quốc Hội do dân bầu lên sẽ quyết định thay đổi cả chính sách kinh tế. Trong một xã hội dân chủ tự do các xí nghiệp tư cũng có quyền vận động trong các cuộc bầu cử, dân chúng được tự do phán xét và bầu chọn người đại diện. Các doanh nghiệp nhà nuớc sẽ thất thế, vì không một chính quyền dân chủ tự do nào chấp nhận tình trạng độc quyền kinh tế của họ như hiện nay. Cho nên, nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nuớc sẽ chống đến cùng việc dân chủ hóa Trung Quốc. Thế lực những người khao khát muốn dân chủ hóa thì còn rất yếu.
Khi kinh tế một nước phát triển, một giai cấp trung lưu thành hình, người ta tin rằng chính giai cấp trung lưu này sẽ trở thành động lực thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Nhưng giai cấp trung lưu ở Trung Quốc đã đủ lớn mạnh để làm sứ mạng đó hay chưa? Báo The Japan Times ở Nhật Bản vào cuối năm 2010 đã tìm hiểu vấn đề này trên khía cạnh thương mại, với mục đích cho các xí nghiệp ở Nhật biết thị trường tiêu thụ người Trung Hoa lớn hay nhỏ. Theo báo này thì hiện nay giai cấp trung lưu ở Trung Quốc chỉ chiếm độ 23% dân số, khoảng 300 triệu người. Tại các nước kỹ nghệ hóa đã phát triển thì giai cấp trung lưu chiếm khoảng 70% dân số. Các nhà nghiên cứu định nghĩa giai cấp trung lưu ở Trung Quốc là những gia đình có lợi tức hơn 6,000 đồng nguyên (dưới một ngàn đô la Mỹ). Với số lợi tức đó thì họ đang sống rất vất vả trong các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, nơi mà giá một căn hộ trong cao ốc (condo) cao từ 200 ngàn đến 400 ngàn, gấp 30 lần đến 50 lần số lương một năm của một gia đình trung lưu. Thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm 2009 chi tiêu khoảng 12 ngàn tỷ đồng nguyên, là một thị trường lớn tương đương với gần 2,000 tỷ đô la. Nhưng trong con số 12 ngàn tỷ đó, gần một nửa là chi tiêu vào việc mua nhà; số tiền còn lại rất nhỏ trong ngân sách các gia đình. The Japan Times kết luận rằng giai cấp trung lưu đang cố gắng để sống chứ không phải là một động lực chủ yếu trong xã hội Trung Hoa. Vậy tiền bạc của cải được tạo ra nhờ cuộc cải cách kinh tế trong hơn 30 năm qua đi đâu? Báo Times trong 10 năm qua đại đa số tiền tiêu thụ là do những người rất giầu có, khoảng 70 đến 80 triệu người là đảng viên hoặc có quan hệ mật thiết với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ chính là những người sẽ bảo vệ chế độ chính trị hiện nay đến cùng!
Nếu tính ở Trung Quốc có gần 40 triệu xí nghiệp tư (trong đó các xí nghiệp tư do các đảng viên làm chủ có thể cũng lớn) thì con số những người muốn vận động thay đổi chính trị sẽ chỉ bằng một phần ba hay một nửa con số những người không muốn thay đổi.
Cho nên không có hy vọng gì đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ dân chủ hóa được chế độ. Như nhà tranh đấu dân chủ Ngụy Kinh Sinh đã nói khi đến thăm báo Người Việt: Ðảng Cộng Sản Trung Quốc không thể tự thay đổi được! Người dân Trung Quốc phải đứng dậy đòi dân chủ tự do!

Không có nhận xét nào: