18.6.11

Biểu tình - Những chuyện "mắt thấy tai nghe"


Biểu tình - Những chuyện "mắt thấy tai nghe"

2011-06-17
Chủ nhật 12 tháng 6 vừa qua, Hà Nội và Sài Gòn lại xuống đường biểu tình phản đối việc tàu Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Viking II.

Hành động của Trung Quốc bị cho là ngang ngược vi phạm Luật Biển Quốc tế của Liên Hiệp Quốc năm 1982, cũng như đi ngược lại nhiều tuyên bố của những người đứng đầu chính quyền Trung Quốc tại các cuộc hội nghị quốc tế bị người dân Việt Nam tham gia biểu tình lên án.

Cuộc biểu tình lần thứ hai

Ngay khi cuộc tuần hành biểu tỏ thái độ diễn ra, thông tin cập nhật chi tiết kèm theo hình ảnh của lần xuống đường chống Trung Quốc thứ hai này lập tức được truyền qua các trang blog. 
Điểm đáng chú ý là đoàn biểu tình tại Hà Nội có những vị trí thức nổi tiếng tham gia như tường thuật của tác giả Vũ Danh trang blog boxitvn: 
“Lại một cái đầu trắng xuất hiện. Ai thế? Anh Huệ Chi reo lên: “A, anh Hiển, GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt. Có mặt anh là thêm một sức mạnh cho chúng ta rồi”. Đang tay bắt mặt mừng thì điện thoại Nguyễn Xuân Diện đổ chuông: Hóa ra Nhà hàng café bên Cột Cờ đã mở. “Mở rồi à?” “Thế này thì chắc thuận lợi chứ không khó khăn lắm đâu”. 
Lập tức bảo nhau kéo sang Café Cột Cờ vì ở đấy mới tiếp cận nơi biểu tình nhanh chóng và “cơ động” được. Trên đường đi, nhìn thấy số lượng công an vẫn đông nghịt chứ không có gì thay đổi, có khi còn dày đặc hơn. Mặc, cứ vào đây ngồi chờ lúc nữa xem sao. Chúng tôi không chui vào trong quán mà xuyên ra sau, đi tuốt lên một bệ cao, ngồi vào các ghế băng để đợi đông người hơn, cũng để dễ quan sát tình hình bên kia.” 
Phóng viên Vũ Danh tường thuật tiếp: “Không ngờ mấy vị Giáo sư hăng hái thế, đi vượt lên trước cánh trẻ, vì thế mà có tin đưa ngay lên mạng là cuộc biểu tình do GS Nguyễn Huệ Chi và GS Phạm Duy Hiển cầm đầu, kỳ thực ai cũng biết hai vị cũng chỉ là người tham gia chứ chẳng hề “cầm” ai.
Mà không chỉ có hai vị, lực lượng trí thức lần này không ít, còn có GS Hoàng Xuân Phú và GS Nguyễn Yên Đông đều ở Viện Toán học giương cao một tấm biểu ngữ rất lớn. Tất cả mọi người tụ tập lại trên những mô đất dưới bóng cây và khác hẳn lần trước, hàng loạt tiếng hô khẩu hiệu bắt đầu vang vang: Việt Nam – Hoàng Sa / Việt Nam – Trường Sa / Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải / Đả đảo Trung Quốc gây hấn / Việt Nam muôn năm… cứ lặp đi lặp lại, ngân rền không dứt. 
Các hãng tin, hãng truyền hình phương Tây, Nhật Bản, và cả một nữ phóng viên Trung Quốc cũng len vào tác nghiệp, cô này chỉ chụp ảnh, ghi hình còn các hãng khác thì phỏng vấn nhiều người ngay tại chỗ; hai phóng viên Nhật Bản quây lấy GS Huệ Chi và nhiều cư dân mạng cũng nhận ra khuôn mặt quen thuộc của anh, xúm lại quanh anh chào hỏi và bắt tay, trong khi anh cố sức thoát khỏi tình thế bị “vây bủa” bằng cách giới thiệu GS Hiển đứng ngay bên cạnh: “Đây, GS Phạm Duy Hiển đây mới quan trọng, người vừa lên tiếng trên trang mạng chúng tôi yêu cầu Nhà nước lùi việc xây nhà máy hạt nhân lại 10 năm nữa, cốt tránh cho đất nước một tai họa như Nhật Bản”. Người ta ồ lên trầm trồ.”
Khác với Hà Nội, tại Sài Gòn ở phía nam, những nhân vật đi hàng đầu trong cuộc biểu tình hôm ngày 5 tháng 6 vừa qua như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông cựu phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Lê Hiếu Đằng, ông chủ tịch Phong trào Sinh viên học sinh trước năm 1975, Huỳnh Tấn Mẫm… tuần này không thể xuất hiện.
Tác giả Nguyễn Thông, trên blog Dân Làm Báo, có bài ‘Trong mắt tôi’ với đoạn tường thuật lại cảnh mắt thấy tai nghe hôm sáng ngày 12 tháng 6 ở khu vực trung tâm Sài Gòn, nơi một tuần trước đó, diễn ra một cuộc biểu tình tuần hành rầm rộ với số người đông cả mấy ngàn: 
“Đoàn người mỗi lúc đông thêm nhưng bị công an khéo léo chia cắt thành từng nhóm. Tuy vậy còn hơn không bởi trước đó đến tận 8h30, được sự trợ giúp của cả một bộ máy khổng lồ, tòa lãnh sự Tàu vững như bàn thạch. Thiếu những người đi đầu như cụ Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Cương Quyết... nên sức mạnh quần chúng vẫn chỉ là sức mạnh tiềm ẩn. 
Giờ thì đã có lá cờ đỏ sao vàng do một bạn trẻ phất lên, nhiều người đồng loạt đứng dậy rời ghế quán cà phê, ra khỏi vỉa hè để nhập vào. Ôi các bạn trẻ, lần này hầu hết là học sinh sinh viên, nhiều bạn ăn mặc rất giản dị, thậm chí áo quần cũ kỹ nhưng trông họ thật đáng mến, đáng khâm phục. 
Họ kéo một tốp khoảng hơn trăm người ra lề đường Lê Duẩn vừa phất cờ, giương cao khẩu hiệu vừa hô “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”…, từng nhóm công an chìm nổi lẽo đẽo theo sau. Người đi đường dừng lại xem như xem một sự lạ, không ai có vẻ muốn gia nhập với họ. Ôi nhân dân. Tôi nhìn các bạn trẻ mà trào nước mắt.’

Tình hình bắt bớ

Xúc cảm của tác giả Nguyễn Thông trên blog Dân Làm Báo có thể xuất phát từ hành xử của các nhân viên an ninh, cảnh sát tại thành phố Hồ Chí Minh đối với đoàn người tham gia biểu tình hôm ngày 12 tháng 6 ở đó. 
quangdu-200.jpg
Một người đàn ông bị công an mặc thường phục bắt trong lúc đang tuần hành phản đối Trung Quốc tại SG hôm 12/6/2011. Photo by Quang Dư
Một thanh niên 18 tuổi tham gia đoàn biểu tình có cầu cứu được trang blog Nguyễn Xuân Diện loan đi; sau đó chuyển sang cho blogger Phạm Viết Đào với chi tiết vụ việc người bạn cùng đi biểu tình bị bắt như sau:
"Khoảng lúc hơn 11h 1 người bạn của cháu tên Hào (hiện đã đi làm) nhận được điện thoại của cháu về cuộc biểu tình và lên trước cửa Diamond Plaza cùng cháu, khi cháu và Hào nói chuyện có vài người đến đứng chụp hình rất nhiều, cháu có vẻ e dè nhưng Hào ko sợ còn la to "Mình làm việc đúng, mình sợ gì, đừng nhắc đến những việc đó làm nhụt chí, đã làm thì phải chấp nhận", sau câu nói đó đã có nhiều người đến đứng kế bọn cháu và hỏi thăm "có đi biểu tình nữa ko", nhưng bọn cháu ko trả lời.
Khoảng lúc hơn 12h khi đoàn người đi biểu tình kia ( có 2 đoàn) quay lại và sáp nhập với đoàn của bọn cháu,(đối diện giữa LSQ Trung Quốc và nhà thờ Đức Bà Q1) hét to " Hoàng Sa - Trường Sa- Việt Nam" thì lập tức có vài thanh niên cả nam lẫn nữ xen vào nói "thôi mình đừng hét vậy nữa, mình hát đi", sau đó họ vận động mọi người hát những bài như "Mùa xuân trên TPHCM", rồi toàn những bài ko liên quan đến cuộc biểu tình, họ ko hề hô vang những khẩu hiệu đó như bọn cháu mà chỉ đứng nhìn mọi người sau đó hô "đói bụng-ăn cơm-uống nước-đi ngủ..."
Sau đó đột nhiên có 1 xe tải nhỏ chở hàng chục người mặc đồ thường đến, ùa ra lao thẳng vào lôi đầu, kéo cổ Hào và 1 người đứng biểu tình kế Hào.
5' sau 1 xe nữa đến tiếp tục bắt thêm 1 người nữa, 5' sau lại có 1 đám đông mặc áo dân thường đến kéo 1 người nữa đi, 1 bạn gái đã khóc rất nhiều ( ko biết vì lí do gì )"
Trên các trang blog như Dân Làm Báo vào ngày thứ ba xuất hiện bài của một người tham gia biểu tình xưng tên là Phan Nguyên, kể lại chuyện bản thân bị bắt vì tham gia cuộc tuần hành biểu tình hôm ngày 12 tháng 6 ở Sài Gòn. Bài có ảnh minh họa một thanh niên bị một người nam khác ôm xốc người quay ngang ngay trên đường sau lưng Nhà Thờ Đức Bà.
Một người tham gia biểu tình hôm ngày 12 tháng 6 ở Sài Gòn kể lại chuyện bản thân bị bắt như sau:
"Lúc đầu ‘bọn em’ ngồi bên Công viên 30 Tháng 4, cũng như chủ nhật tuần trước, tâm lý muốn tham gia cuộc tuần hành. Nhưng thấy tình hình căng thẳng quá. Sau đó đi qua bên Diamond Plaza thay đồ, em mặc áo đỏ và bạn em mặc áo trắng. Sau đó có mấy người đến bắt tụi em đi và đưa về UBND Quận 1.

Thông điệp

000_Hkg4999757-250.jpg
Giới trẻ Hà Nội xuống đường biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai hôm 12/6/2011. AFP photo
Sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai vào ngày 12 tháng 6 vừa qua, trên một số trang blog như boxitvn, Dân làm báo… xuất hiện thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng, gửi cho ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam.
Nội dung về bản tin mà Thông tấn xã Việt Nam loan đi hôm chiều tối ngày 5 tháng 6, sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ nhất tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn.
Trong bức thư ngỏ đề ngày 12 tháng 6 của ông Lê Hiếu Đằng có đoạn viết : “TTXVN thông tin rằng chỉ có những cuộc “tụ tập” của “một số ít người” trong sáng ngày 05-6 ở Hà Nội và Sài Gòn – TP.HCM, vậy thì tôi xin mời ông, các vị lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông, TTXVN hãy xem các hình ảnh chụp được, các đoạn video clip trên các trang mạng (chắc hẳn các ông đều có phương tiện và khả năng sử dụng được) và nhất là vào hỏi nhân dân đang cư ngụ ở chung quanh tòa lãnh sự Trung Quốc, trước nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ) và các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, chợ Bến Thành, v.v. xem đó chỉ là cuộc tụ tập của một số ít người hay biểu tình tuần hành của đông đảo quần chúng? Hoặc có thể hỏi lực lượng công an, cảnh sát chìm nổi phải mướt mồ hôi mà vẫn không cản được làn sóng người như nước vỡ bờ sáng hôm ấy. 
Cái tai hại nhất là việc thông tin sai sự thật trắng trợn của TTXVN, biến các cuộc biểu tình tuần hành thật sự trở thành chỉ là những cuộc tụ tập đông người, đã làm cho nhân dân trong nước, nhất là ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn – TP.HCM cũng như dư luận nước ngoài càng tin rằng những thông tin chính thức từ TTXVN, cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước, đều là nói láo, đổi trắng thay đen. 
Nói như cách khá tế nhị tuy đầy tính phê phán của GS Ngô Bảo Châu về việc xử án TS Cù Huy Hà Vũ: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”.
Luật sư Lê Thanh Sơn, thuộc Văn phòng Luật AIC có một bài khá dài trên trang blog Nguyễn Hữu Quý, nêu ra những luận điểm pháp lý mà Việt Nam cần tận dụng để đưa ra trước Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế về những vi phạm của phía Trung Quốc. 
Kết thúc, luật sư Lê Thanh Sơn có đề nghị với chính phủ Việt Nam : “Cần phải có hành động mạnh mẽ thể hiện ý chí quyết tâm trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. 
Các hành động đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cần thiết phải được thực hiện ngay như gửi công hàm chính thức phản đối Trung Quốc cần phải được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tố cáo về hành vi xâm phạm lãnh hải, đe dọa sử dụng vũ lực để ngăn cản các hoạt động bình thường của các ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam được qui định tại Hiến chương Liên hiệp quốc, Công ước quốc tế về Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử Biển Đông DOC 2002”.
Trên blog Nguyễn Xuân Diện, cũng có bài viết mà tác giả ký tên Nguyễn Quang Thạch gửi đến với tựa đề Hành động và Phát ngôn Lãnh đạo’ chia xẻ ý kiến : “Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, nếu lãnh đạo đất nước biết tạo cảm hứng cho nhân dân bằng tài năng, sự liêm chính, lòng dũng cảm  và hành động thì nhân dân sẽ biến những con số 0 vô nghĩa thành những con số vô cùng lớn được đo bằng những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, chiến thắng của Khoán 10.., và sự phồn thịnh lẫn nhân văn của dân tộc trong dài hạn.”

Không có nhận xét nào: