25.6.11

Mỹ sốt ruột về khủng hoảng Hy Lạp


Mỹ sốt ruột về khủng hoảng Hy Lạp
Biểu tình tại Athens, trước cửa Tòa nhà Nghị viện Hy Lạp để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và nạn tham nhũng, quảng trường Constitution (Syntagma), 12/6/2011.
Biểu tình tại Athens, trước cửa Tòa nhà Nghị viện Hy Lạp để phản đối chính sách kinh tế khắc khổ và nạn tham nhũng, quảng trường Constitution (Syntagma), 12/6/2011.
REUTERS/Pascal Rossignol
Đức Tâm
Sự bất lực của châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp đã làm cho Hoa Kỳ sốt ruột. Thậm chí, tại Washington, một số dân biểu Mỹ còn sử dụng hồ sơ này để gây sức ép với chính quyền Obama.
Từ hơn một năm nay, cộng đồng tài chính quốc tế và giới chính khách Mỹ lo lắng theo dõi những diễn tiến của cuộc khủng hoảng Hy Lạp, những tranh cãi và bất đồng giữa các nước châu Âu, đặc biệt là giữa Pháp, Đức, Phần Lan và một số nước khác.
Theo kinh tế gia Domenico Lombardi, thuộc Viện Brookings, ở Washington, thì « Hoa Kỳ theo dõi cuộc khủng hoảng đồng euro ngay từ đầu. Họ hiểu được nguy cơ bùng nổ tiềm tàng mà cuộc khủng hoảng có thể gây ra đối với thế giới và nền kinh tế Mỹ ».
Hôm thứ Tư, 22/06, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã báo trước là ông theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng, bởi vì nếu trong tương lai Hy Lạp không thể thanh toán được một phần nợ của mình thì nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu những tác động đáng kể do những căng thẳng trên thị trường tài chính quốc tế.
Đó là về kinh tế. Nhưng cuộc khủng hoảng Hy Lạp cũng trở thành một thách thức chính trị quan trọng tại Washington.
Sau khi kế hoạch quốc tế trợ giúp Hy Lạp được đưa ra, ngày 17/05/2010, Thượng viện Hoa Kỳ, với 94 phiếu thuận, không có phiếu chống, đã thông qua một sửa đổi bổ sung cho luật cải cách thị trường Wall Street. Theo đó, mỗi khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế xem xét việc cung cấp tín dụng cho những nước có mức nợ công cao hơn tổng sản phẩm quốc nội, thì chính quyền Obama phải đánh giá khả năng trả nợ của các quốc gia đó. Nếu thấy không bảo đảm thì chính phủ Mỹ với tư cách là cổ đông quan trọng nhất trong hội đồng quản trị IMF, sẽ bỏ phiếu chống.
Đối với một số nghị sĩ Hoa Kỳ, nguy cơ này hiện nay  tại Hy Lạp đang rất cao và Washington cần phải áp dụng điều khoản nói trên.
Thế nhưng, kinh tế gia Jacob Kirkegaard, thuộc học viện Peterson, tại Washington, được AFP trích dẫn, lại nhận định rằng xác suất không thu hồi được nợ thực ra rất nhỏ và những tuyên bố theo kiểu này của các nghị sĩ Mỹ mang mầu sắc chính trị.
Về mặt chính thức, ngay từ khi xẩy ra cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, quan điểm của Mỹ vẫn không thay đổi : Athens phải tiến hành cải cách để có thể phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, Washington cũng muốn biểu thị sự khó chịu trước những chậm trễ, tranh cãi, bất đồng của châu Âu.
Ngày 21/06, bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nhắc nhở, việc châu Âu có chung một tiếng nói là rất cần thiết để nhanh chóng giải quyết hồ sơ Hy Lạp. Ông nhấn mạnh, « Rất khó cho những nguời đầu tư vào châu Âu hiểu được chiến lược của châu Âu ra sao, khi họ nghe thấy nhiều tiếng nói khác nhau ».
Theo chuyên gia Lombardi, sự hẫng hụt ngày càng gia tăng đối với Hoa Kỳ, bởi vì Washington không có một đối tác duy nhất để thảo luận. Đức là một cuờng quốc kinh tế của châu Âu thì bận tâm đến những vấn đề chính trị nội bộ và tranh luận về việc huy động các tổ chức tài chính tư nhân tham gia giải quyết khủng hoảng Hy Lạp, còn Paris lại lo lắng bảo vệ các quyền lợi cho các ngân hàng Pháp. Bên cạnh đó, Mỹ cũng phải tính tới thái độ của các định chế châu Âu khác như Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung uơng châu Âu. Những định chế này đôi khi có quan điểm trái ngược với các chính phủ thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Theo thẩm định của thị trường bảo lãnh tài chính thì nguy cơ Hy Lạp không thanh toán được nợ ngày càng lớn. Do vậy, cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ chỉ tập trung vào việc đánh giá những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng Hy Lạp có thể gây ra đối với hệ thống tài chính Mỹ.
Bà Sheila Bair, chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Mỹ FDIC, một trong những tổ chức chịu trách nhiệm điều tiết hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ tỏ thái độ bi quan khi tuyên bố rằng, có thể cần phải cơ cấu lại nợ của Hy Lạp.
Đây chính là điều mà châu Âu lo sợ nhất. Cơ cấu lại nợ có nghĩa Hy Lạp không đủ khả năng thanh toán. Hậu quả tức thời của việc này là Athens không nhận được tài trợ của IMF, trong khi đó, một mình châu Âu thì không cáng đáng nổi gánh nặng tài chính Hy Lạp.

Không có nhận xét nào: