27.6.11

Nhận định ban đầu về cuộc gặp Việt - Trung


Nhận định ban đầu về cuộc gặp Việt - Trung

(BBC) - Dư luận đang đặc biệt quan tâm về cuộc họp hôm 25/06 tại Bắc Kinh giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc.

Bản tin chính thức của Thông tấn xã Việt Nam tường thuật hai bên "giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển" và "tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước".

Tuyên bố cũng cho biết hai nước sẽ "đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết "Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc"; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất."

BBC đã hỏi hai chuyên gia có mối quan tâm về tranh chấp Biển Đông, để có một số phân tích ban đầu về cuộc gặp này.

1. Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc

Loan báo Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý "giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị" nên được xem là diễn tiến tích cực sau những căng thẳng gần đây. Tuy nhiên, tuyên bố ấy cũng cần được đón nhận hết sức thận trọng. Trung Quốc và Việt Nam đã tuyên bố những lời tương tự trước đây.

Hồi tháng Tư, phái đoàn cấp thứ trưởng về đàm phán biên giới gặp nhau ở Hà Nội và đồng ý "giải quyết thỏa đáng bất đồng trên biển thông qua hiệp thương hữu nghị và khảo sát những giải pháp với thái độ tích cực và xây dựng".

Ấy vậy mà hôm 26/05, một tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Vào tháng Sáu, bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore. Vài ngày sau, lại có một vụ lớn thứ hai cũng liên quan tàu Trung Quốc và tàu khảo sát của Việt Nam.

Năm 2010, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức năm vòng đàm phán về các khía cạnh song phương của tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc từ chối bàn về Hoàng Sa và cự tuyệt việc Việt Nam ủng hộ đàm phán đa phương. Thỏa thuận mới giữa các vị thứ trưởng ngoại giao sẽ không thể giải quyết hai vấn đề này. Bước tiếp theo sẽ là để cho các ngoại trưởng gặp nhau và thực thi những biện pháp cụ thể để biến cam kết thành hiện thực.

Việc Trung Quốc đồng ý giải quyết bất đồng trên biển với Việt Nam trong hòa bình chỉ có thể được tin tưởng nếu Trung Quốc ngừng hành động gây hấn với các tàu khảo sát của Việt Nam và nếu Trung Quốc đồng ý nhanh chóng tái tục đàm phán song phương với Việt Nam để hoàn tất những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết tranh chấp trên biển.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nên nhận lời mời của Việt Nam để đi thăm Hà Nội. Một hội nghị thượng đỉnh sẽ giúp hai nước tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên biển và đặt ra thời hạn chót, theo sau tiền lệ của thỏa thuận biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ.

2. Tiến sĩ Fu-Kuo Liu, Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc lập Chính trị, Đài Loan.

Vì dư luận ở cả Trung Quốc và Việt Nam lúc này đang rất náo động, hai chính phủ bị sức ép phải làm gì đó. Tôi vui mừng thấy Hà Nội đã gửi một đặc sứ đến Bắc Kinh hội đàm.

Rõ ràng Bắc Kinh đang chịu nhiều sức ép từ xã hội trong nước để có lập trường cứng rắn hơn với Việt Nam. Ngay cả nếu không xuất hiện đồng thuận rõ rệt về cách giải quyết vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa sau cuộc hội đàm, thì nó cũng chứng tỏ Bắc Kinh và Hà Nội có ý định giảm bớt căng thẳng ở bên trong và bên ngoài đất nước.

Khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở cả hai nước, đó là thách thức lớn cho hai chính phủ trước lựa chọn phải đi theo con đường mà công chúng đòi hỏi.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây thể hiện sự rạn nứt đã kéo dài. Chẳng có gì mới.

Tôi không nghĩ cuộc hội đàm này sẽ giải quyết được ngay các khác biệt. Đúng hơn đó nên là sự khởi đầu cho tiến trình hòa bình cho hai quốc gia. Dấu hiệu quan trọng nhất là cả hai nước không muốn xung đột tăng cao. Sau cuộc họp này, có thể họ cần thành lập một cơ chế liên lạc thường xuyên hơn để ngăn một vụ trên biển biến thành xung đột quân sự.

Việt Nam và Trung Quốc có những quyền lợi căn bản khác nhau. Không có nghĩa là hai nước lúc nào cũng phải đánh nhau. Đối với tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, gần như đối thoại là cách giải quyết duy nhất. Cả Trung Quốc và Việt Nam gần đây đều gia tăng hoạt động trên Biển Nam Trung Hoa. Hai phía sẽ nên đối thoại thường xuyên với nhau.

. Bookmark the permalink.

    Leave a Reply

    Không có nhận xét nào: