11.6.11

Quan điểm của Philippines về việc TQ gây hấn


Quan điểm của Philippines về việc TQ gây hấn

2011-06-10
Liên quan đến những căng thẳng trên biển Đông, bên cạnh những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, Philippines cũng là nước đang phải đương đầu với Trung Quốc.

AFP PHOTO
Tàu Hải quân Trung Quốc.
Quan điểm của Philippines về vấn đề này ra sao? Khác biệt gì so với Việt Nam? Và đâu là điểm chung? Việt Hà phỏng vấn giáo sư môn quan hệ quốc tế Renato Cruz De Castro thuộc trường đại học De la Salle, Philippines. 

Leo thang quân sự

Trước hết nhận xét về hành động mới đây của Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II của Việt Nam hôm mùng 9 tháng 6, Giáo sư Castro cho biết:
Trung Quốc đang muốn cho chúng ta thấy là họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họ.
GS Renato Cruz De Castro
GS Renato Cruz De Castro:Rất nghiêm trọng, nó cho thấy sự leo thang hơn nữa trong việc khẳng định sức mạnh trên biển của Trung Quốc. Nếu chúng ta nói về đối thoại Shangri La, tất nhiên chúng ta có thể bàn về chuyện biển Đông và các vấn đề ở đó nhưng những gì đang xảy ra bây giờ là thực tế. Trung Quốc đang muốn cho chúng ta thấy là họ là một cường quốc đang nổi lên và chúng ta phải tôn trọng cái gọi là quyền trên biển của họ cũng như sức mạnh trên biển của họ. Họ đang nhắm vào hai nước đó là Việt Nam và tất nhiên là Philippiness. 
Và mục đích là để khiến hai nước phải đồng ý làm việc song phương với Trung Quốc. Đây là một cách để phá hoại sự thống nhất của ASEAN đối với vấn đề biển Đông. Và Bộ ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố là đúng là chúng ta có vấn đề ở đây nhưng chúng tôi muốn Philippines tiếp cận Trung Quốc theo hình thức song phương. Đó cũng là lý do vì sao Benigno Aquino quyết định hoãn lại chuyến thăm đến Trung quốc của mình dự định vào cuối tháng trước, bởi ông không muốn bị rơi vào cái bẫy của Trung Quốc là đàm phán song phương với họ về vấn đề biển Đông. 
Việt Hà: Tổng thống Philippiness đã từng cảnh báo Trung Quốc về một cuộc chạy đua vũ trang và xung đột leo thang. Theo ông thì lời nói này có thể hiểu là Philippines sẽ sớm thực hiện việc hiện đại hóa quân đội, gia tăng quốc phòng để đối phó với Trung Quốc hay chỉ là lời nói suông?
GS Renato Cruz De Castro: Thực tế tôi không thực sự thấy một cuộc chạy đua vũ trang ở đây, nhưng cái gì đang xảy ra chỉ là việc hiện đại hóa quân đội của các nước tại đông nam Á, và Philippines thì bị tụt lại đằng sau kể từ những năm 1980. 
035_pau437919_02-250.jpg
Tàu hải giám Trung Quốc. AFP PHOTO.
Khi tổng thống Philippines nói vậy tôi không nghĩ là ông có ý muốn đưa Trung Quốc vào thế “quit proquo” liên quan đến việc chạy đua vũ trang, mà chỉ có ý là từ vấn đề căng thẳng trên biển Đông để từ từ mà chuyển dịch sự tập trung của lực lượng vũ trang Philippines từ vấn đề an ninh nội địa sang vấn đề bảo vệ lãnh thổ, nhưng để làm được việc này thì sẽ rất khó khăn và đắt đỏ cho Philippines. Điều mà Philippines có thể làm là phát triển một hệ thống tàu tuần tiễu để quan sát, tuần tiễu khu vực biển Đông, nhưng nếu nói để trang bị đủ vũ khí phục vụ chiến tranh trên biển thì lại là một vấn đề khác. Tôi không nghĩ chúng tôi có thể làm được điều này trong vòng 5 đến 10 năm nữa.
Việt Hà: Nhưng Philippines cũng có hiệp ước quân sự với Mỹ và do đó Philippines có thể yên tâm được bảo vệ nếu có sự tấn công từ bên ngoài?
GS Renato Cruz De Castro: Hiệp ước với Mỹ cũng bảo vệ Philippines khỏi những tấn công vào những tàu của Philippines ở trên biển hay từ trên không, những tấn công này có thể bị coi là tấn công vào nước Mỹ. Nhưng Trung Quốc có thể đe dọa, quấy nhiễu nhưng liệu nó có leo thang thành tấn công vũ trang hay không thì lại là một vấn đề khác. Trò chơi của họ là muốn để chúng tôi rơi vào cái bẫy của họ, họ quấy rối, gây khó dễ và đợi chúng tôi bắn phát đầu tiên, và điều này đã xảy ra với Việt Nam vào hồi năm 1988  và Việt Nam đã phải chịu một tổn thất lớn. Cho nên đây là trò chơi đợi bạn bắn phát đầu tiên và sau đó họ sẽ nói là họ tự vệ. 
Việt Hà: Những phản ứng của chính phủ Philippines trước các hành động của Trung Quốc trên biển Đông có gặp phải nhiều chỉ trích trong nước không thưa ông? Các chỉ trích đó là gì?
Ngoài ra trong đầu óc của người dân chúng tôi, chúng tôi hiểu là chúng tôi được Mỹ bảo vệ qua hiệp ước ký với Mỹ.
GS Renato Cruz De Castro
GS Renato Cruz De Castro:Rất nhiều, chính phủ Philippines gặp rất nhiều chỉ trích đặc biệt từ quốc hội. Họ chỉ trích chính phủ và quân đội Philippines là không cho Trung Quốc thấy được sức mạnh của Phi nhưng mặt khác họ cũng hiểu là chúng tôi chả có mấy sức mạnh để cho Trung quốc thấy. Từ lâu nay, sự tâp trung của quân đội Philippines là vào vấn đề an ninh nội địa. Cho nên tôi nghĩ là cả quốc hội lẫn người dân đều hiểu là chúng tôi không có cơ hội nào để đánh lại Trung Quốc. 

Các nước phản ứng ra sao?

Việt Hà: Những phản ứng của chính phủ Việt Nam đối với hành động của Trung Quốc bị nhiều chỉ trích từ trong nước là không đủ mạnh, nếu so với những phản ứng của Philippines thì theo ông phản ứng của Việt Nam như vậy đã đủ mạnh?
GS Renato Cruz De Castro: Xem xét phản ứng của Việt Nam với Trung Quốc không thể quên vấn đề lịch sử và địa lý. So với Việt Nam chúng tôi không có một lịch sử lâu dài nhiều tranh chấp với Trung Quốc. Xét về mặt địa lý chúng tôi ở xa Trung Quốc hơn rất nhiều so với  Việt Nam. Ngoài ra trong đầu óc của người dân chúng tôi, chúng tôi hiểu là chúng tôi được Mỹ bảo vệ qua hiệp ước ký với Mỹ. Liệu trên thực tế nếu có đụng độ quân sự với Mỹ thì chúng tôi có được thực sự bảo vệ không thì có thể là vấn đề khác. Nhưng dù gì thì những người đưa ra quyết định trong chính phủ Phi vẫn có được hiệp ước đó để làm chỗ dựa, chúng tôi vẫn là đồng minh của Mỹ và vì vậy những người đưa ra quyết định trong chính phủ Philippines có một sự chắc chắn nhất định và thoải mái hơn chút ít khi xử lý vấn đề biển Đông với Trung Quốc.
Việt Hà: Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế luôn nói là họ muốn hòa bình và hợp tác vì sự ổn định trong khu vực nhưng hành động thực tế lại gây căng thẳng. Chính phủ Philippines nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Asean họat động trên nguyên tắc bội số chung nhỏ nhất có nghĩa là tất cả những dàn xếp đều phải thỏa mãn lợi ích quốc gia hay là có tính đến lợi ích quốc gia của cả 9 thành viên khác.
GS Renato Cruz De Castro

GS Renato Cruz De Castro:Chúng tôi rất hiểu những gì đang xảy ra trên biển Đông và biết được là Trung Quốc có sự thiếu nhất trí giữa những gì mà họ tuyên bố và hành động thực tế trên biển Đông. Khi bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt đến thăm Philippines vào cuối tháng năm và nói với chính phủ là mọi chuyện đều ổn nhưng sau khi họ rời Philippines thì nhận thức trong chính phủ là chúng tôi có thể có được các tuyên bố với giọng điệu hòa giải từ  Trung Quốc nhưng hành động thì lại khác hoàn toàn và có thể sẽ có một sự leo thang mới. Nhưng điều tiếp theo là vậy chúng ta có thể làm gì, Philippines có thể làm gì? Chúng tôi không có khả năng về quân sự vào lúc này ngay kể cả là để theo dõi các hành động trên biển của Trung quốc. Cho nên có thể là chúng ta biết điều gì có thể xảy ra nhưng vậy thì chúng ta có thể làm gì?
Việt Hà: Vậy Việt Nam và Philippines có thể làm gì?
GS Renato Cruz De Castro: Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là cùng nhau tìm cách hạn chế Trung Quốc, và tất nhiên là phải dựa vào sức mạnh của Mỹ. Tuy nhiên nếu nhìn vào những gì mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nhất là thâm hụt ngân sách thì chúng ta không thể không đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ sẽ vẫn còn là cường quốc trên biển Thái Bình Dương trong vòng 3 cho tới 5 năm tới hay không? Và trong trường hợp đó thì chỉ còn cách là chấp nhận những cái gì không thể tránh khỏi, đó là một học thuyết Monroe kiểu Trung Quốc tại Đông Á.
Việt Hà: Một số nhà phân tích cho rằng ASEAN bị chia rẽ và do đó việc đưa ra một giải pháp cho vấn đề biển Đông với Trung Quốc là khó khăn. Bằng chứng là 9 năm đã trôi qua kể từ khi DOC được ký mà vẫn chưa có một COC thành hình. Theo ông Philippines sẵn sàng đến mức độ nào trong việc hợp tác với các nước khác trong khối để cùng đối phó với Trung Quốc trong vấn đề này?
GS Renato Cruz De Castro: Rất khó để trả lời, Asean họat động trên nguyên tắc bội số chung nhỏ nhất có nghĩa là tất cả những dàn xếp đều phải thỏa mãn lợi ích quốc gia hay là có tính đến lợi ích quốc gia của cả 9 thành viên khác. Cho nên là Việt Nam, Philippines và chủ tịch hiện tại của Asean phải đưa ra được một sáng kiến gì đó để khiến các thành viên khác tham gia. Chúng ta cũng phải tính đến khả năng là Trung Quốc có thể chia rẽ Asean bằng cách cung cấp trợ giúp tín dụng, kinh tế cho các nước trong lục địa khác, những nước không có quyền lợi gì trên biển Đông. Trung Quốc cùng cần phải được thuyết phục trước tiên là họ cần phải làm việc với cả ASEAN chứ không phải với từng nước.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: