Dân Việt có hèn không?
Thật không thú vị gì khi viết những giòng này. Nhưng tôi quyết định viết, dù có thể làm buồn lòng nhiều người, cả những người đã và đang hy sinh cho sự tồn vong của nước Việt.
Trước hết xin lan man về quá khứ.
Hồi nhỏ mỗi lần đến giờ Việt sử tôi thích lắm vì môn sử lý thú, tương đối dễ, chỉ cần thuộc bài mà chẳng phải suy nghĩ nhiều như các môn khoa học tự nhiên. Trong giờ sử, tôi say sưa nghe thầy cô kể về các tấm gương bất khuất, các chiến công oai hùng của tiền nhân. Thật là hãnh diện dân tộc mình là con Rồng cháu Tiên, là bộ tộc duy nhất trong Bách Việt còn tồn tại trước họa đồng hóa của người Hán. Dân Việt yêu nước, anh hùng, can đảm, bất khuất. cần cù, hy sinh… Tưởng như trên thế giới này không có giống dân nào sánh kịp dân ta.
Tuổi nhỏ háo thắng, học sử cũng như đi xem xi nê, chỉ thích thú, nhớ dai khi xem những pha hay, tấm gương anh hùng nghĩa hiệp; còn những chuyện buồn, kẻ xấu thì chỉ mong lướt qua. Có lẽ vì thế mà sử Việt rất ít nhắc đến các kẻ hèn hạ phản chủ và phản quốc. Ở bậc tiểu và trung học, sử ta chỉ tóm lược chung chung tình trạng dân ta bị nô lệ, dù những giai đoạn đó đầy đau khổ, dằng dặc, chiếm hầu hết chiều dài lịch sử.
Dẫu biết rằng chuyện quá khứ thì cũng tam sao thất bản, tôi hầu như chẳng bao giờ nêu câu hỏi về những gì đã được dạy. Tôi nghĩ tin ngang như vậy cũng có cái hay, vì nhờ tin vào những trang sử đó mà dân ta có được niềm tự hào dân tộc, một yếu tố rất cần thiết để giúp cho dân tộc tồn tại.
Tuy vậy, gần đây với nhiều nguồn tài liệu, hình ảnh phong phú của thời đại thông tin, tôi đọc lại lịch sử và lắm khi cảm thấy rất buồn. Buồn vì thấy dân ta tệ quá!
Đọc vài đoạn lịch sử, xem vài tấm hình về thời nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, tôi ấm ức lắm! Không biết vì sao một dân tộc được cho là thông minh, kiêu hùng, lại thừa hưởng khí tiết, mưu trí của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ mà bị bọn Pháp đè đầu cỡi cổ dễ dàng quá.
Người Pháp đến nước ta từ phía bên kia quả địa cầu, chỉ với mấy chiếc thuyền và vài trăm binh lính trang bị vũ khí thô sơ, thế mà họ chiếm hết thành này đến thành khác. Xin trích một đoạn từ Wiki tiếng Việt:
“Thành Hà Nội thất thủ, quân triều đình đều bỏ trốn, giặc cướp nhân dịp nổi lên. Đại úy Francis Garnier cho những tùy tùng của mình đi làm quan các nơi để chống với quan triều đình Huế, rồi lại sai quân đi đánh lấy các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương. Quan triều đình ở các tỉnh đều ngơ ngác không biết thế nào, hễ thấy quân Pháp đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có một sỹ quan là Hautefeuille và 7 người lính Pháp mà cũng hạ được thành Ninh Bình, và chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh ở Trung-châu mất cả.”
Đọc những đoạn tương tự như vậy tôi thầm nghĩ giá dân ta không hèn, chỉ cần một đội lính, dân một làng, dẫu tay không mà biết đoàn kết, can đảm xông lại bóp cổ thì bảy thằng Pháp đó làm sao chống nỗi! Cũng tương tự, tôi nghĩ nếu dân Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Gia Định….đồng lòng thì làm sao chỉ vài trăm lính trên các chiếc tàu từ phương xa mà người Pháp có thể đổ bộ lên đất của chúng ta được.
Rồi xem hình ảnh các nhà cách mạng cổ bị đóng gông, chân bị cùm, cảnh một thằng Tây ngồi chễm chệ, tay cầm gậy gõ lên đầu người phu gầy còm còng lưng kéo; tôi phẫn uất tự nhủ dân ta đâu, những thanh niên trai tráng đâu, sao không xông lại đập cho chết ba cái thằng ăn cướp lẻ tẻ đó đi. Xông lại đập cho chết chúng đi rồi tới đâu thì tới.
Uất thì nghĩ như thế! Khi bình tâm tôi hiểu rằng người Pháp không thể cai trị dân ta nếu không có những kẻ hèn hạ tự nguyện làm tay sai cho Pháp để đàn áp chính người dân của mình. Sự đàn áp, thậm chí rất ác độc, chủ yếu do các kẻ làm chó săn cho giặc. Ông chủ ngoại bang chỉ ban ơn vỗ béo cho bọn đầu sỏ rồi sai khiến. Rõ ràng, giặc Pháp không thể tự tay dập tắt các phong trào kháng chiến nếu không có bọn tay sai như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải…
Đó là chuyện của các thế kỷ trước, tuy đau lòng nhưng tôi cũng đành đổ thừa đó là lỗi dân ta chưa văn minh, thiếu thông tin đúng đắn, không biết tổ chức nên hễ nghe đến tiếng súng giặc Tây là khiếp vía rồi, chứ thật ra dân ta vẫn đâu đến nỗi tệ.
Nhưng ở thế kỷ 21 này khi nhìn về đất nước, tôi lại băn khoăn, bởi dân ta hôm nay, một cách rất vô lý, lại cũng bị cai trị bởi một thiểu số, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thử tưởng tượng một trăm năm sau, con cháu chúng ta đọc lịch sử đầu thế kỷ thứ 21 này và có lẽ chúng sẽ có cùng câu hỏi như tôi hôm nay.
Dân ta đâu mà để cho một thiểu số người Trung Quốc ngang ngược hoành hành trên quê hương mình?
Dân ta đâu mà để cho một thiểu số người cầm quyền tự tung tự tác, vu khống bôi nhọ, đày đọa người dân yêu nước vô tội một cách ngang nhiên?
Dân ta đâu mà để cho bọn cán bộ đảng viện cộng sản công khai tham nhũng, cướp nhà cướp đất, làm giàu trên xương máu của dân nghèo?
Qua những cuộc biểu tình chống giặc Tàu xâm lược của người dân Hà Nội trong những tháng vừa qua, bọn cộng sản đã đàn áp thô bạo, đánh đập, bắt nhốt và vu khống những người yêu nước là phản động. Điều đó cũng y hệt thực dân Pháp và tay sai đã gọi những nhà cach mạng chống Pháp là “bọn phản loạn.” Bọn tay sai ngoại bang người Việt lúc nào cũng hung bạo với nhân dân. Ngày xưa là bọn lính lệ, ngày nay là bọn công an; ngày xưa là chính quyền Bảo hộ với Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, ngày nay là chính quyền của Đảng Cộng sản với Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng , Nguyễn Đức Nhanh, Nguyễn Chí Vịnh… Ngày xưa ông chủ ngoại bang là thực dân Pháp, ngày nay là giặc Tàu.
Lich sử cứ tái diến và dân ta vẫn cam lòng chịu cảnh nô lệ, tủi nhục.
Gần đây khi cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi, chỉ một thời gian ngắn, nhân dân các nước ấy đã ùn ùn đứng dậy quét sạch các chế độ độc tài đã bám rễ hàng nửa thế kỷ. Nhìn quang cảnh hàng trăm ngàn người xuống đường ở nước họ rồi so sánh mấy trăm người biểu tình ở Hà Nội, tôi thật sự xót xa, Vì sao như vậy? Do sự ru ngủ, khủng bố của bọn cộng sản hay do chính sự thờ ơ, cầu an của dân mình?
Hình như người Việt chúng ta có thói quen trông cậy vào người khác; trong trường hợp này là một thế cờ quốc tế. Có người cho rằng sự thay đổi ở Việt Nam chỉ có thể xảy ra nếu có sự thay đổi ở Trung Quốc. Điều đó cũng tương tự như cuộc Cách mạng Mùa Thu năm 1945 chỉ xảy ra nhờ vào biến cố Nhật đầu hàng Đồng Minh trong Thế chiến Thứ Hai. Nếu không có Thế chiến Thứ Hai (và người Cộng sản có thể thêm là nếu không có Quốc tế Cộng sản), có lẽ không bao giờ chúng ta giành được độc lập?
Khi nói như vậy, vô hình chung chấp nhận rằng chúng ta không bao giờ đứng nổi trên đôi chân của chính mình?
Vì sao một tập thể đông đảo đến gần 90 triệu người, có thông tin đầy đủ, mà vẫn cam phận, dửng dưng cho bạo quyền mặc sức tung hoành? Lý giải như thế nào về tinh thần can đảm, bất khuất của dân Việt?
Khi nêu lên các câu hỏi trên, tôi thực lòng không muốn xúc phạm lòng tự ái dân tộc. Tôi chỉ muốn nói rằng, bên cạnh những người dấn thân hy sinh, đại đa số người Việt chúng ta còn quá thờ ơ với vận mệnh đất nước. Tôi tuyệt đối tin rằng hôm nay không còn ai thích cộng sản, ai cũng ngán ngẫm bọn cầm quyền tay sai giặc Tàu hiện tại, nhưng nhiều người vẫn cho rằng đạp đổ nó đi là chuyện của người khác. Đó là tâm lý nằm chờ sung rụng.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân! Có câu trả lời nào khác để lý giải cho tình hình đất nước bấy lâu nay?
2 Responses to Dân Việt có hèn không?
- QUA HAY
- ban nhan xet rat dung voi thuc te hau nhu dan ta dang ngoi cho sung. cu ngoi day ma cho .den luc chay khong duoc thi do loi .