25.9.11

Tổng giám đốc IMF cảnh báo nguy cơ thiếu vốn đối phó với khủng hoảng


Tổng giám đốc IMF cảnh báo nguy cơ thiếu vốn đối phó với khủng hoảng

Ảnh chụp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trước cuộc họp FMI và Ngân hàng Thế giới, Washington, 24/9/2011.
Ảnh chụp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trước cuộc họp FMI và Ngân hàng Thế giới, Washington, 24/9/2011.
REUTERS/Yuri Gripas

Đức Tâm
Trong cuộc họp thường niên, ngày hôm qua 24/09/2011, tại Washington, các thành viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF - cố gắng gạt bớt bất đồng trong bối cảnh có khủng hoảng kinh tế và tài chính, và cam kết sẽ hành động để khôi phục lòng tin và sự ổn định của thị trường tài chính quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Vấn đề « nợ công », « hệ thống tài chính mong manh », « tăng trưởng kinh tế yếu » … đó là những thách thức lớn đối với các thành viên IMF, thế nhưng khả năng hành động của các chính phủ lại rất hạn chế.
Cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro thu hút sự chú ý đặc biệt của IMF. Ủy ban tiền tệ và tài chính quốc tế - định chế hoạch định chính sách của IMF - khẳng định là các nước trong khu vực đồng euro sẽ làm mọi việc cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, mối lo ngại hàng đầu của IMF là liệu có đủ nguồn vốn để trợ giúp các nước hay không trước quy mô cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, bà Christine Lagarde, cho biết mức vốn hiện nay của Quỹ không thể đáp ứng được nhu cầu tiềm tàng của các nước dễ bị tổn thương và phải hứng chịu các hậu quả của khủng hoảng. Cần phải tăng mức đóng góp của các nước thành viên.
Thế nhưng, theo giới quan sát, Mỹ và Trung Quốc lại hoàn toàn bất đồng với nhau trong việc đánh giá mức vốn cần thiết cho IMF.
Đối với Hoa Kỳ, mức vốn hiện nay của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là đủ, còn Trung Quốc đánh giá là ít, không đủ đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro.
Theo thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, « cùng với việc cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu phát triển, nhu cầu về tài chính đối với IMF của các thành viên đã tăng lên một cách đáng kể. Các nguồn tài chính hiện có của Quỹ có thể không đủ để đáp ứng các nhu cầu tiềm tàng của những quốc gia bị khủng hoảng ».
Thế nhưng, phía Mỹ lại có nhận định ngược lại. Ngày 21/09 vừa qua, một quan chức, xin dấu tên, của bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng IMF có đủ nguồn tài chính, bởi vì vào tháng 11 năm 2010, các thành viên Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã thông qua thỏa thuận chấp nhận tăng gấp đôi phần đóng góp của mình.
Tuy nhiên, thỏa thuận tăng mức đóng góp tài chính cho Quỹ còn phải được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng bốn chục quốc gia làm xong thủ tục này. Vấn đề này rất tế nhị tại Quốc hội Hoa Kỳ. Các dân biểu thuộc đảng Cộng hòa, chiếm đa số tại Hạ viện, thường xuyên ngần ngại, thậm chí chống lại việc tăng mức đóng góp cho các định chế quốc tế, như IMF.
Theo AFP, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế có 630 tỷ đô la để tài trợ cho các nước có thu nhập trung bình và cao. Nếu trừ đi các khoản tín dụng đã hứa chi cho Hy Lạp và một số quốc gia khác, vốn của Quỹ chỉ còn khoảng 383 tỷ đô cho 12 tháng tới. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng mức vốn này có thể không đủ để đối phó với những kịch bản xấu nhất.
Ngay sau khi nhậm chức tổng giám đốc IMF, bà Lagarde đã nêu vấn đề tăng vốn cho Quỹ. Lãnh đạo IMF nhắc lại rằng việc các thành viên huy động tài chính cho Quỹ tương tự như đầu tư, cho vay có lãi. Nhật Bản cho biết sẵn sàng đóng góp nhiều hơn. Đại diện các nhóm nước Nam Mỹ và nam châu Phi cũng đồng ý là phải tăng vốn cho Quỹ.

Không có nhận xét nào: