22.10.11

Người Miến đi trước: Thả tù chính trị


Người Miến đi trước: Thả tù chính trị

Cho đến tháng 3 năm nay, mỗi khi các quốc gia khác hay các cơ quan nhân quyền quốc tế nêu vấn đề tù nhân chính trị tại Miến Điện và yêu cầu chính quyền quân phiệt tại nước này phải thả tự do cho các nạn nhân, thì lập tức cả bộ máy tuyên truyền của chính phủ Miến lại vùng lên phản đối “hành vi can thiệp vào nội bộ Miến Điện”
và lớn tiếng phủ nhận “không có tù nhân chính trị tại Miến Điện mà chỉ có những kẻ vi phạm luật pháp bị giam cầm”. Hiển nhiên, chẳng còn chính phủ nước tự do nào còn xa lạ hay tin vào điệp khúc loại này từ Miến Điện, Trung Quốc, Cuba, hay Việt Nam.
Chính vì thế mà nhiều người trên thế giới, kể cả dân chúng Miến Điện rất ngạc nhiên khi tân Tổng thống Thein Sein lên đài tuyên bố vào ngày 10/10 vừa qua rằng trong vòng vài ngày nữa, chính phủ của ông sẽ ân xá 6359 tù nhân, trong đó có cả những “tù nhân chính trị”. Bốn chữ vắn tắt đó là một bước tiến khổng lồ của chế độ cai trị tại đất nước này vì trước hết, đó là sự xác nhận trong suốt các đời lãnh tụ quân phiệt dài đến tướng Than Shwe, họ đã bắt và cầm tù người dân chỉ vì những người này có suy nghĩ hay vị trí chính trị khác với những kẻ cầm quyền. Hơn thế nữa, đó cũng là sự nhìn nhận trách nhiệm cá nhân, vì tân Tổng thống Thein Sein cũng từng giữ chức thủ tướng dưới quyền ông Than Shwe. Có luồng dư luận đặt dấu hỏi có phải đây là thủ thuật nhượng bộ nhất thời mà thôi chăng. Hiển nhiên câu trả lời đòi hỏi phải có thêm thời gian. Tuy nhiên, dân chúng Miến đang tràn đầy hy vọng chỉ ra rằng từ khi Tổng thống Thein Sein lên nhậm chức vào tháng 3/2011 đến nay, tuy vẫn còn những vụ dẹp biểu tình mạnh tay nhưng họ không thấy một chiến dịch trấn áp hay bắt giam hàng loạt những người bất đồng chính kiến nào nữa.
Vào sáng ngày 12/10/2011, đúng như lời tuyên bố của tân Tổng thống Thein Sein, dân Miến hân hoan nhìn cảnh những người tù được ân xá lần lượt ra khỏi trại giam. Trong đó có 186 tù nhân chính trị. Phần lớn các tù nhân chính trị này thuộc Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo trước đây. Nhiều người Miến đã bật khóc khi theo dõi cảnh phóng thích những người tù chính trị được truyền đi trực tiếp trên các hệ thống phát thanh, phát hình quốc gia. Hầu hết các hãng thông tấn quốc tế và các nước trong vùng đều đưa tin đặc biệt này, ngoại trừ làng báo Trung quốc và Việt Nam.
Trong nhũng người tù chính trị – còn gọi là tù lương tâm – có nghệ sĩ Zarganar, một diễn viên hài nổi tiếng. Ông bị chính quyền quân phiệt bắt vào năm 2008 và kết án 37 năm tù vì tội nói xấu nhà nước do tướng Than Shwe lãnh đạo (Tương đương với điều 88 luật hình sự Việt Nam). Ông Zarganar chứng minh nhà nước Miến không những không nỗ lực giúp dân mà còn cấm cản các cơ quan quốc tế gởi người đến cứu trợ và tận tay phân phát phẩm vật cho các nạn nhân của trận bão Nargis. Các quan chức nhà nước chỉ muốn thế giới gởi phẩm vật cứu trợ đến mà thôi và để hệ thống nhà nước phân phát. Khi được hỏi cảm tưởng về chuyện được ân xá, danh hài Zarganar trả lời rằng: “Thoạt tiên thì tôi vui, nhưng chưa hài lòng vì họ vô cớ bắt tôi một cách tùy tiện. Bây giờ thả ra mà chẳng có một lời xin lỗi. Nếu đợt thả tù chính trị lần này chỉ nhằm mục đích để các nước bãi bỏ cấm vận thì coi như những người tù chính trị chúng tôi là vật đổi chác hay sao? Không được như thế. Vì làm thế thì có khác gì bọn hải tặc Somali thả con tin để lấy tiền chuộc?”
Trong khi đó, các chính phủ tự do đều cho rằng đây là một thiện chí đáng kể của chính quyền Miến Điện trong việc hòa giải dân tộc để tiến hành việc dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên, để bãi bỏ cấm vận, nhà nước này còn phải thả trên 2000 tù nhân chính trị khác nữa mà thế giới đã có danh sách. Danh sách đó đã được đưa tận tay cho các lãnh tụ Miến Điện trước đây. Đặc biệt lần này, khi nhận những yêu cầu như thế, không thấy chính quyền Miến Điện phản đối và xem đó là “hành vi can thiệp vào nội bộ Miến Điện” như trong những năm qua.
Các tổ chức đấu tranh cho dân chủ ở Miến Điện và các tổ chức nhân quyền thế giới đề nghị chính phủ các nước tự do có thể gỡ bỏ một số mặt cấm vận nếu muốn khuyến khích tân chính quyền Miến Điện, nhưng đừng bãi bỏ quá nhiều và quá sớm.
Theo các quan sát viên về tình hình Miến Điện thì đợt ân xá lần này bắt nguồn từ cuộc hội đàm giữa đại diện nhà nước là Bộ trưởng Lao động Miến Điện với nhà dân chủ Aung San Suu Kyi vào ngày 30/09/2011 tại Rangoon. Trong cuộc hội đàm này, bà Suu Kyi đã nói rằng nếu tân chính quyền thật sự muốn hòa giải dân tộc và thoát khỏi sự cô lập của cộng đồng thế giới thì điều kiện tối thiểu là phải thả toàn bộ tù nhân chính trị, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị với những tổ chức đối lập thuộc các sắc dân thiểu số để cùng giải quyết vấn đề trong hòa bình. Dịp này bà Aung San Suu Kyi cũng cho biết nếu chính quyền đáp ứng hai yêu cầu này thì tháng 12 năm nay bà sẽ ra tranh cử ghế dân biểu Quốc hội bổ khuyết.
Cũng có nguồn dư luận cho rằng sự thay đổi thái độ và chính sách của giới cầm quyền Miến Điện đến từ nhận thức về mối nguy mất nước nếu tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc thêm nữa. Hiện nay, có thể nói toàn bộ nền kinh tế Miến nằm trọn trong tay Bắc Kinh trong lúc nước này bị cả thế giới tẩy chay. Nói cách khác, theo các phân tích này thì tướng Than Shwe và các tướng lãnh quanh ông đã thức tỉnh và chấp nhận thà mất ghế chứ không mất nước.
Hiện nay vẫn còn quá sớm để kết luận. Tuy nhiên, nếu các đảng phái chính trị khác, ngoài đảng cầm quyền, thực sự có chân trong quốc hội Miến vào cuối năm nay, thì đó sẽ là chỉ dấu rõ nhất cho thấy đất nước Miến Điện đang từng bước rời bỏ chế độ độc tài để hội nhập vào thế giới văn minh, nhập vào xu thế của thời đại.
Rõ ràng về mặt này, lãnh đạo Miến Điện văn minh hơn và đang đi trước Việt Nam.

Không có nhận xét nào: