27.12.11

2011 : Năm hồ sơ Biển Đông được quốc tế hóa


2011 : Năm hồ sơ Biển Đông được quốc tế hóa
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 19/11/2011 tại Bali (Indonesia)
Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 19/11/2011 tại Bali (Indonesia)
Reuters
Trọng Nghĩa
Tình hình Biển Đông trong năm 2011 rất sôi động, với hàng loạt sự kiện. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông tại Hoa Kỳ, việc hồ sơ Biển Đông được quốc tế hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Indonesia ngày 19/11/2011là sự kiện mang nhiều ý nghĩa nhất. Việt Nam cần tranh thủ xu thế Trung Quốc bị cô lập để vận động dư luận trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các lợi ích chính đáng của mình.
Tình hình Biển Đông trong năm 2011 phải nói là rất sôi động, với hàng loạt hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng biển. Thái độ căng thẳng này không chỉ nhắm vào hai nước trực tiếp tranh chấp như Việt Nam và Philippines, mà còn hướng tới cả các quốc gia ngoài khu vực như Ấn Độ, hay là các hãng dầu khí quốc tế đang hợp tác với các đối thủ của Bắc Kinh.
Hành động của Trung Quốc tuy nhiên đã vấp phải phản ứng cứng rắn khác thường của Philippines và Việt Nam, hai đối tượng bị Trung Quốc lấn áp, thúc đẩy hai nước liên kết chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, vốn bắt đầu cụ thể hóa chủ trương "xoay trục" (pivot), hướng về châu Á - Thái Bình Dương.
Riêng đối với Việt Nam, giới quan sát đã ghi nhận phản ứng kiên quyết hơn của Hà Nội trước các hành động bị cho là thái quá của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trong những năm trước đây, Trung Quốc đã từng nhiều lần tấn công vào những quyền lợi của Việt Nam tại Biển Đông, nhưng phản ứng của Việt Nam tương đối chừng mực. Năm 2011 này thì khác.
Vào tháng Năm vừa qua, Việt Nam đã chính thức mở họp báo tố cáo Trung Quốc phá hoại và sách nhiễu tàu thăm dò dầu khí Việt Nam là Bình Minh 02, ngay trong vùng hải phận 200 hải lý của Việt Nam. Lần đầu tiên, chính quyền Việt Nam đã cung cấp cho báo chí hình ảnh và tài liệu về sự cố này.
Tiếp theo đó, từ ngày 05/06, trong 11 tuần liên tiếp, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn đã liên tục được diễn ra tại Hà Nội vào ngày chủ nhật, trước khi bị chính quyền nghiêm cấm sau khi đàm phán xong với Trung Quốc về cách thức giảm căng thẳng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng có hai cuộc biểu tình trong hai ngày chủ nhật đầu tiên, nhưng sau đó tất cả những dự định tụ tập chống Trung Quốc đều bị ngăn chặn và trấn áp.
Sau cơn sốt giữa năm, quan hệ căng thẳng Việt – Trung trên vấn đề Biển Đông giảm nhiệt dần dần, với việc cử đặc sứ Hồ Xuân Sơn qua Bắc Kinh, kế đến là chuyến công du Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Điểm đáng ghi nhận nhất là lần đầu tiên nhân chuyến công du Trung Quốc của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 11/10, hai bên đã ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc định hướng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên tinh thần tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) và Bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (2002).
Các hành động của Trung Quốc cũng đồng thời làm cho những nước thường xuyên sử dụng các tuyến hàng hải qua vùng Biển Đông lo ngại, và vấn đề “an toàn và an ninh hàng hải” ở Biển Đông ngày càng được các nước như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc… quan tâm.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 19/11 ở Bali Indonesia, 15 trên tổng số 18 thành viên đã nêu bật mối quan ngại của họ về tình hình Biển Đông, bất chấp tuyên bố phản đối của Trung Quốc, cho rằng hội nghị không phải là diễn đàn thích hợp để đề cập đến hồ sơ này. Thái độ kiên quyết của các nước đã buộc thủ tướng Ôn Gia Bảo, đại diện của Trung Quốc tại hội nghị, phải lên tiếng biện minh cho lập trường của Bắc Kinh.
Tổng kết tình hình Biển Đông năm 2011, và đối sách của Việt Nam trước các hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc trong vấn đề áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của họ, RFI đã phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại trường Đại Học Maine.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)
 
26/12/2011
by Trọng Nghĩa
 
 
Theo giáo sư Long, ý nghĩa của sự kiện hồ sơ Biển Đông được quốc tế hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bali Indonesia rất quan trọng, và Việt Nam cần tranh thủ xu thế Trung Quốc bị cô lập để vận động cả dư luận trong nước lẫn ngoài nước để thúc đẩy các lợi ích chính đáng của mình, không chỉ trong hồ sơ Trường Sa, mà cả trên vấn đề Hoàng Sa.
Hồ sơ Biển Đông được quốc tế hóa tại Bali : sự kiện nổi bật năm 2011
1/ Cao điểm của các sự kiện liên quan đến Biển Đông trong năm là việc Biển Đông được nêu ra trước diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Á châu vào ngày 19/11 tại Bali. Mặc dầu có sự phản đối của Trung Quốc, 15 nước không những đồng ý đem vấn đề ra thảo luận, mà còn đi đến kết luận là tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình, tôn trọng luật quốc tế, nguyên tắc tự do hàng hải phải được bảo vệ.
Lý do chính dẫn đến việc đồng tình này là vì có thể nói là trong vài năm qua, và đặc biệt là trong năm 2011, Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng, không những đối với những nước có quyền lợi trực tiếp lớn nhất trong khu vực Biển Đông như Việt Nam hay Philippines, mà còn đe dọa an ninh của các nước khác trong và ngoài khu vực...
Những quốc gia đến dự Hội nghị gián tiếp cho là những hành động đánh chiếm của Trung Quốc như Hoàng Sa năm 1974 chẳng hạn, cũng phải được giải quyết trên tinh thần tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Và theo tôi, họ gián tiếp nói là cái đường chữ U (của Trung Quốc) không tôn trọng luật quốc tế và phải được dẹp bỏ.
Đối với tôi, đó là một cao điểm, một thành công lớn cho khu vực.
Năm 2011 : Việt Nam có tiếng nói quả quyết hơn đối với Trung Quốc
2/ Trước đây, Trung Quốc cũng rất hung hăng đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam không có thái độ rõ ràng, không có tiếng nói quả quyết. Tuy nhiên, năm 2011 này, không những Việt Nam có tiếng nói rõ ràng, quả quyết, mà Philippines cũng làm việc đó. 
Điều đó giúp cho các nước ngoài khu vực, nhưng có quyền lợi rất lớn với an ninh và an toàn hàng hải xuyên qua khu vực Biển Đông như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, có thể hợp tác chặt chẽ hơn với những quốc gia trong khu vực.
Không có tiếng nói rõ ràng của các nước có quyền lợi lớn bên trong khu vực, thì các nước ngoài khu vực khó có thể động viên được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân họ trong việc can dự vào các vấn đề như an ninh khu vực, trong đó có an ninh khu vực Biển Đông.
Không nên trấn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn
3/ Tôi nghĩ là đây là điểm yếu của Việt Nam… Nếu cứ tiếp tục tiến hành việc này, Việt Nam sẽ khó mà giúp cho những nước muốn ủng hộ Việt Nam, trong đó đặc biệt là Mỹ, có thể vận động sự ủng hộ của dân chúng họ đối với Việt Nam. 
Sự vận động này rất quan trọng, bởi vì có nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ có lợi rất lớn trong việc buôn bán đầu tư ở Trung Quốc, (họ có thể lơ là) Việt Nam là một nước nhỏ. Nếu tiếp tục theo con đường trấn áp thì chính quyền Việt Nam sẽ gây khó khăn cho chính phủ Mỹ rất nhiều, cũng như cho chính phủ một số nước khác, cũng muốn vận động sự ủng hộ đối với Việt Nam.
Mỹ “xoay trục” (pivot) hướng về châu Á, khu vực trọng tâm cố hữu
4/ Tôi nghĩ khái niệm ‘xoay trục’ này là một thứ chơi chữ để đối lại với từ ngữ ‘quyền lợi cốt lõi’ mà Trung Quốc sử dụng… Thật ra đối với Mỹ, khu vực Á châu Thái Bình Dương là trọng tâm của Mỹ từ lâu. Khi Obama lên làm tổng thống, ông muốn có an ninh và an toàn trong vùng, và lập tức phái bà ngoại trưởng Hillary Clinton qua nói với Trung Quốc rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của Châu Á Thái Bình Dương, vì thế Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc để phát triển khu vực này.
Trung Quốc tưởng là ‘ngon’ nên cứ dùng cái đó để chèn ép Mỹ. Cuối cùng, khi thấy rằng thái độ nhượng bộ của mình làm cho Trung Quốc càng hung hăng lên, thì Mỹ thấy rằng phải trả lời Trung Quốc. Có thể là trong gần hai năm qua, Hoa Kỳ đã trả lời rất từ từ để xem Trung Quốc làm như thế nào, nhưng vì Trung Quốc lại hung hăng hơn, nên tôi cho là cuối cùng, chính phủ Mỹ đã nghĩ rằng họ phải có tiếng nói thẳng thắn đối với Trung Quốc.
Thế nhưng theo tôi, chính sách của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà là làm sao cho Trung Quốc - vì là một cường quốc trong vùng - có trách nhiệm đối với sự an toàn và an ninh của khu vực.
Thỏa thuận Việt Trung về Biển Đông : Bước đi khôn ngoan của Việt Nam
5/ Trong năm 2011, có thể nêu bật thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc về Biển Đông. Mặc dầu Việt Nam bị sức ép của Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ việc ký thỏa thuận là một hành động khôn ngoan, nhất là trong việc ‘bắt’ hay là thỏa thuận với Trung Quốc là những chuyện gì riêng giữa hai bên, thì giải quyết song phương, còn những vấn đề gì chung thì phải giải quyết đa phương.
Lẽ dĩ nhiên, chuyện riêng là Vịnh Bắc bộ, thì Việt Nam với Trung Quốc giải quyết xong, một cách đàng hoàng, một cách hoà bình. Vì vậy cho nên, trên một vấn đề khác giữa Việt Nam và Trung Quốc là Hoàng Sa – mà Trung Quốc đã đánh chiếm bằng vũ lực - thì bây giờ, cũng trên tinh thần tôn trọng luật quốc tế, trên tinh thần giải quyết vấn đề song phương với Việt Nam, Trung Quốc cũng phải đem vấn đề này ra để giải quyết song phương.
Do đó, theo tôi, Việt Nam phải thúc đẩy vấn đề Hoàng Sa, đẩy mạnh vấn đề Hoàng Sa để buộc Trung Quốc phải bỏ đường chữ U.
Đường chữ U là vấn đề rất quan trọng. Nếu Trung Quốc muốn chứng minh cho thế giới là họ không chủ trương dùng vũ lực và có thái độ hoà hoãn, thì trước hết họ phải bỏ đường chữ U và sau đó giải quyết vấn đề song phương với Việt Nam.
Theo tôi Việt Nam nên tiếp tục cái đà của năm 2011 để thúc giục Trung Quốc cũng như thúc đẩy các nước khác ủng hộ Việt Nam trong các đòi hỏi kể trên.
Trong năm 2012 cần đòi thực hiện DOC để tiến tới COC
6/ Nếu muốn Trung Quốc bãi bỏ đường chũ U của họ, Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, phải thúc đẩy bản Hướng dẫn việc thực hiện quy tắc ứng xử về Biển Đông. Đây là một vấn đề thiết thực cần làm, và cần đến sự ủng hộ của các nước bên ngoài khu vực nhưng có quyền lợi rất lớn trong việc bảo vệ an ninh và an toàn ở Biển Đông…
Các nước Đông Nam Á hiện cần thúc đẩy việc hình thành ra một bộ luật ứng xử cho toàn bộ vùng có thể gọi là biển Đông Nam Á, chứ còn trong 10 năm qua, thì mọi người đều lơ là, cứ tưởng rằng nhân nhượng Trung Quốc thì sẽ được họ đối đãi tốt hơn. Thế nhưng, trong hai, ba năm qua, thực tế cho thấy là vấn đề không phải là như vậy, đối với Trung Quốc là phải cứng rắn, phải thúc đẩy họ thực hiện những cam kết. Và các nước ASEAN cũng vậy, muốn bảo vệ quyền lợi của mình, thì phải thực hiện những cam kết.
Tôi nghĩ rằng đấy có thể là một bước mới trong quá trình xây dựng một đường lối mới cho toàn khu vực.

Không có nhận xét nào: